Pages

Giao dịch dân sự - Hợp đồng dân sự

GIAO DỊCH DÂN SỰ - HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
I. GIAO DỊCH DÂN SỰ
1. Khái niệm và ý nghĩa của giao dịch dân sự
"Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự" (Điều 121 BLDS).
Từ khái niệm giao dịch dân sự được quy định tại điều luật này có thể xác định: Hậu quả của việc xác lập giao dịch dân sự là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lí (hành vi pháp lí đơn phương hoặc đa phương - một bên hoặc nhiều bên) làm phát sinh hậu quả pháp lí. Tuỳ từng giao dịch cụ thể mà làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự. Giao dịch là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm đạt được mục đích nhất định, cho nên giao dịch dân sự là hành vi mang tính ý chí của chủ thể tham gia giao dịch, với những mục đích và động cơ nhất định.

Trong giao dịch dân sự có ý chí và thể hiện ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Ý chí là nguyện vọng, mong muốn chủ quan bên trong của con người mà nội dung của nó được xác định bởi các nhu cầu về sản xuất, tiêu dùng của bản thân họ. Ý chí phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định để các chủ thể khác có thể biết được ý chí của chủ thể muốn tham gia đã tham gia vào một giao dịch dân sự cụ thể. Bởi vậy, giao dịch dân sự phải là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí. Thiếu sự thống nhất này, giao dịch dân sự có thể bị tuyên bố là vô hiệu hoặc sẽ vô hiệu. Điều này không chỉ đúng với cá nhân mà đúng với cả pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Bởi khi xác lập giao dịch dân sự các chủ thể này đều thông qua người đại diện. Người đại diện thể hiện ý chí của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác trong phạm vi thẩm quyền đại diện.
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch (Điều 123 BLDS). Mục đích của giao dịch chính là hậu quả pháp lí sẽ phát sinh từ giao dịch mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch. Nói cách khác, mục đích ở đây luôn mang tính pháp lí (mục đích pháp lí). Mục đích pháp lí (mong muốn) đó sẽ trở thành hiện thực, nếu như các bên trong giao dịch thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán thì mục đích pháp lí của bên mua là sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản mua bán, bên bán sẽ nhận tiền và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua. Mục đích pháp lí đó sẽ trở thành hiện thực khi hợp đồng mua bán tuân thủ mọi quy định của pháp luật và bên bán thực hiện xong nghĩa vụ bàn giao tài sản mua bán, khi đó, hậu quả pháp lí phát sinh từ giao dịch trùng với mong muốn ban đầu của các bên (tức là với mục đích pháp lí).
Cũng có những trường hợp hậu quả pháp lí phát sinh không phù hợp với mong muốn ban đầu (với mục đích pháp lí). Điều đó có thể xảy ra do một trong hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là khi giao dịch đó là bất hợp pháp. Ví dụ: Khi người mua đã mua phải đồ trộm cắp thì không được xác lập quyền sở hữu mà có nghĩa vụ phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu tài sản đó (người bán không phải là chủ sở hữu tài sản thì không thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó cho người mua). Nguyên nhân thứ hai là do chính các bên không tuân thủ nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch có hiệu lực. Ví dụ: Sau khi xác lập giao dịch, bên bán không thực hiện nghĩa vụ bàn giao vật cho nên họ phải chịu trách nhiệm dân sự.
Mục đích pháp lí của giao dịch khác với động cơ xác lập giao dịch. Động cơ xác lập giao dịch dân sự là nguyên nhân thúc đẩy các bên tham gia giao dịch. Động cơ của giao dịch không mang tính pháp lí. Khi xác lập giao dịch, nếu như động cơ không đạt được thì điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch. Mục đích luôn luôn được xác định còn động cơ có thể được xác định hoặc không. Ví dụ: Mua bán nhà ở - mục đích của người mua là quyền sở hữu nhà, còn động cơ có thể để ở, có thể để cho thuê, có thể bán lại... Tuy nhiên, động cơ của giao dịch có thể được các bên thoả thuận và mang ý nghĩa pháp lí. Trong trường hợp này động cơ đã trở thành điều khoản của giao dịch, là một bộ phận cấu thành của giao dịch đó (như cho vay tiền để sản xuất - mục đích của người vay là quyền sở hữu số tiền nhưng họ chỉ được dùng tiền đó để sản xuất mà không được sử dụng vào hoạt động khác).
Giao dịch dân sự là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự; là phương tiện pháp lí quan trọng nhất trong giao lưu dân sự, trong việc dịch chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội. Trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, thông qua giao dịch dân sự (hợp đồng) các chủ thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu khác trong đời sống hàng ngày của mình.
2. Phân loại giao dịch dân sự
Tất cả các giao dịch dân sự đều có điểm chung tạo thành bản chất của giao dịch: Đó là ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Căn cứ vào các bên tham gia vào giao dịch có thể phân biệt giao dịch dân sự thành hai loại là hợp đồng và hành vi pháp lí đơn phương.
a. Hợp đồng dân sự      
Hợp đồng dân sự là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của hai hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (xem Chương V - Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự).
Hợp đồng dân sự là loại giao dịch dân sự phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày. Thông thường hợp đồng có hai bên tham gia trong đó thể hiện sự thống nhất ý chí của các chủ thể trong một quan hệ cụ thể (mua bán, cho thuê...) nhưng cũng tồn tại hợp đồng có nhiều bên tham gia (hợp đồng hợp tác - Điều 111 BLDS). Mỗi bên trong hợp đồng có thể có một hoặc nhiều chủ thể tham gia. Trong hợp đồng ý chí của một bên đòi hỏi sự đáp lại của bên kia, tạo thành sự thống nhất ý chí của các bên, từ đó mới hình thành được hợp đồng. Do vậy, hợp đồng dân sự là sự thoả thuận ý chí của hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. "Thoả thuận" vừa là nguyên tắc, vừa là đặc trưng của hợp đồng dân sự và được thể hiện trong tất cả các giai đoạn của quan hệ hợp đồng - từ giao kết đến thực hiện hoặc sửa đổi, chấm dứt hợp đồng dân sự.
b. Hành vi pháp lí đơn phương
Hành vi pháp lí đơn phương là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Thông thường, hành vi pháp lí đơn phương được xác lập theo ý chí của một bên chủ thể duy nhất (lập di chúc, từ chối hưởng thừa kế). Có thể có nhiều chủ thể cùng tham gia vào một bên của giao dịch (hai cá nhân, tổ chức cùng tuyên bố hứa thưởng...). Trong nhiều trường hợp hành vi pháp lí đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lí khi có những người khác đáp ứng được những điều kiện nhất định do người xác lập giao dịch đưa ra. Những người này phải đáp ứng được các điều kiện đó mới làm phát sinh nghĩa vụ của người xác lập giao dịch (hứa thưởng, thi có giải...). Hành vi pháp lí đơn phương là một giao dịch cho nên nội dung và hình thức phải phù hợp với các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (Điều 122 BLDS).
c. Giao dịch dân sự có điều kiện
Giao dịch có điều kiện là giao dịch mà hiệu lực của nó phát sinh hoặc huỷ bỏ phụ thuộc vào sự kiện nhất định. Khi sự kiện đó xảy ra thì giao dịch phát sinh hoặc huỷ bỏ.
Sự kiện được coi là điều kiện của giao dịch do chính người xác lập giao dịch định ra (trong hợp đồng thì điều kiện đó do chính các bên thoả thuận). Nó phải là sự kiện thuộc về tương lai. Sự kiện đó xảy ra hay không xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong giao dịch.  Sự kiện làm phát sinh hoặc huỷ bỏ giao dịch phải hợp pháp. Quy định giao dịch dân sự có điều kiện (Điều 125 BLDS) cho phép chủ thể thực hiện tốt hơn các quyền dân sự của họ.
Giao dịch có thể xác lập với điều kiện phát sinh hoặc điều kiện huỷ bỏ. Giao dịch có điều kiện phát sinh là giao dịch đã được xác lập nhưng chỉ phát sinh hiệu lực khi có sự kiện được coi là điều kiện xảy ra. Giao dịch có điều kiện huỷ bỏ là giao dịch được xác lập và phát sinh hiệu lực nhưng khi có sự kiện là điều kiện xảy ra thì giao dịch bị huỷ bỏ.
3. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Bên cạnh nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thoả thuận của các bên trong giao dịch thì pháp luật cũng đặt ra một số những yêu cầu tối thiểu buộc các chủ thể phải tuân thủ theo - đó là các điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Chỉ những giao dịch hợp pháp mới làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của chủ thể tham gia giao dịch. Mọi cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và được pháp luật bảo hộ. Các điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Điều 122 BLDS. Đó là:
- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện;
- Hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật.
a. Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự
Thuật ngữ "người" ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự: Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.
- Cá nhân
Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Chỉ những người có năng lực hành vi mới có ý chí riêng và nhận thức được hành vi của họ để có thể tự mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đồng thời phải tự chịu trách nhiệm trong giao dịch. Cho nên, giao dịch dân sự do cá nhân xác lập chỉ có hiệu lực nếu phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân (từ Điều 17 đến Điều 23 BLDS ).
+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi, tuyên bố hạn chế năng lực hành vi. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được toàn quyền xác lập mọi giao dịch dân sự.
+ Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi tài sản riêng mà họ có, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (lập di chúc phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý…).
+ Những người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi không được phép xác lập giao dịch. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
- Pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác
Các chủ thể này tham gia vào giao dịch dân sự thông qua người đại diện của họ (đại diện theo pháp luật, theo uỷ quyền). Người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh người được đại diện. Các quyền, nghĩa vụ do người đại diện xác lập làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Tuy nhiên, pháp nhân chỉ tham gia các giao dịch dân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của pháp nhân. Hộ gia đình chỉ được tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất, đến hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác theo quy định của pháp luật (Điều 106 BLDS). Tổ hợp tác chỉ được tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ được xác định trong hợp đồng hợp tác (Điều 111 BLDS). Người đại diện xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác trong phạm vi nhiệm vụ của chủ thể đó được điều lệ hoặc pháp luật quy định.
b. Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó (mục đích thực tế). Nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các bên đã cam kết, thoả thuận trong giao dịch. Những điều khoản này xác định quyền, nghĩa vụ của các bên phát sinh từ giao dịch. Mục đích và nội dung của giao dịch có quan hệ chặt chẽ với nhau. Con người xác lập, thực hiện giao dịch dân sự luôn nhằm đạt được mục đích nhất định. Muốn đạt được mục đích đó họ phải cam kết, thoả thuận về nội dung và ngược lại những cam kết, thoả thuận về nội dung của họ là để đạt được mục đích của giao dịch. Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán tài sản, mục đích mà các bên hướng tới là quyền sở hữu tài sản. Để đạt được mục đích này họ phải thoả thuận được về nội dung của hợp đồng mua bán bao gồm các điều khoản như đối tượng (vật bán), giá cả, thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng. Sự thoả thuận về các điều khoản đó lại nhằm đạt được mục đích là quyền sở hữu tài sản. Đây là mục đích của giao dịch mà các bên hướng tới. Tuy nhiên trong thực tiễn không phải bao giờ các chủ thể cũng có cùng mục đích. Có những trường hợp người mua muốn được sở hữu tài sản nhưng người bán không có mục đích đó mà vì một mục đích khác, đó là họ bán tài sản để trốn tránh việc kê biên tài sản, người bị kê biên tài sản bán hết tài sản của mình, trường hợp này người bán không phải muốn chuyển quyền sở hữu cho bên mua. Mục đích này là trái pháp luật.
Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Chỉ những tài sản được phép giao dịch, những công việc được phép thực hiện không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của giao dịch dân sự. Những giao dịch xác lập nhằm trốn tránh pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội là những giao dịch có mục đích và nội dung không hợp pháp, không làm phát sinh hiệu lực pháp luật của giao dịch đó.
c. Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện
Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, cho nên “tự nguyện” bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Không có tự do ý chí và bày tỏ ý chí không thể có tự nguyện, nếu một trong hai yếu tố này không có hoặc không thống nhất cũng không thể có tự nguyện. Sự tự nguyện của một bên (hành vi pháp lí đơn phương) hoặc sự tự nguyện của các bên trong một quan hệ dân sự (hợp đồng) là một trong các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 BLDS: Tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận. Vi phạm sự tự nguyện của chủ thể là vi phạm pháp luật. Vì vậy, giao dịch thiếu sự tự nguyện không làm phát sinh hậu quả pháp lí. Bộ luật dân sự quy định một số trường hợp giao dịch xác lập không có sự tự nguyện sẽ bị vô hiệu. Đó là các trường hợp vô hiệu do giả tạo, do nhầm lẫn, do bị lừa dối, bị đe doạ, do xác lập tại thời điểm mà không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
d. Hình thức của giao dịch phải phù hợp với quy định của pháp luật
Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch. Thông qua phương tiện này bên đối tác cũng như người thứ ba có thể biết được nội dung của giao dịch đã xác lập. Hình thức của giao dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng dân sự. Nó là chứng cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên, qua đó xác định trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm xảy ra.
Giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Người xác lập giao dịch có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch đó. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt thì pháp luật mới có yêu cầu về hình thức buộc các chủ thể phải tuân thủ theo (yêu cầu phải lập thành văn bản, phải có chứng nhận, chứng thực, đăng kí, xin phép). Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải được công chứng nhà nước chứng nhận, được chứng thực, đăng kí hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó (Điều 124 BLDS).
- Hình thức miệng (bằng lời nói): Hình thức miệng được coi là hình thức phổ biến nhất trong xã hội hiện nay mặc dù hình thức này có độ xác thực thấp nhất. Hình thức miệng thường được áp dụng đối với các giao dịch được thực hiện ngay và chấm dứt ngay sau đó (mua bán trao tay) hoặc giữa các chủ thể có quan hệ mật thiết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau (bạn bè, người thân cho vay, mượn tài sản...). Nhưng cũng có trường hợp giao dịch dân sự nếu được thể hiện bằng hình thức miệng phải bảo đảm tuân thủ những điều kiện luật định mới có giá trị (di chúc miệng - Điều 652 BLDS).
- Hình thức văn bản:
+ Văn bản thường: Được áp dụng trong trường hợp các bên tham gia giao dịch dân sự thoả thuận hoặc pháp luật quy định giao dịch phải thể hiện bằng hình thức văn bản. Nội dung giao dịch được thể hiện trên văn bản có chữ kí xác nhận của các chủ thể cho nên hình thức này là chứng cứ xác định chủ thể đã tham gia vào một giao dịch dân sự rõ ràng hơn so với trường hợp giao dịch được thể hiện bằng lời nói.
+ Văn bản có công chứng chứng nhận, uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền chứng thực: Được áp dụng trong những trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự bắt buộc phải được lập thành văn bản hoặc các bên có thoả thuận phải có chứng nhận, chứng thực, đăng kí hoặc xin phép thì khi xác lập giao dịch các bên phải tuân thủ hình thức, thủ tục đó (mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất...).
- Hình thức giao dịch bằng hành vi: Giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua những hành vi nhất định theo quy ước định trước. Ví dụ: Mua nước ngọt bằng máy tự động, chụp ảnh bằng máy tự động, gọi điện thoại tự động… Đây là hình thức giản tiện nhất của giao dịch. Giao dịch có thể được xác lập thông qua hình thức này mà không nhất thiết phải có sự hiện diện đồng thời của tất cả các bên tại nơi giao kết. Hình thức này càng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là tại những quốc gia có nền công nghiệp tự động hoá phát triển. 
4. Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu
a. Khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu
Chỉ những giao dịch hợp pháp mới làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Một giao dịch hợp pháp phải tuân thủ ba điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (trong một số trường hợp cụ thể phải tuân thủ thêm điều kiện về hình thức). Vì vậy, về nguyên tắc giao dịch không tuân thủ một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch thì sẽ bị vô hiệu. Những quy định về sự vô hiệu của giao dịch dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập trật tự kỉ cương xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và Nhà nước; bảo đảm an toàn pháp lí cho các chủ thể trong giao lưu dân sự.
b. Các loại giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu
Theo cách phân loại truyền thống thì các trường hợp giao dịch bị vô hiệu có thể được phân thành hai nhóm chính: Vô hiệu tuyết đối (hay còn gọi là vô hiệu đương nhiên) và vô hiệu tương đối (hay còn gọi là vô hiệu bị tuyên).
Sự phân loại nêu trên dựa vào một số đặc điểm khác biệt chung thể hiện bản chất của hai khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối. Đó là:
Thứ nhất là sự khác biệt về trình tự vô hiệu của giao dịch. Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối thì mặc nhiên bị coi là vô hiệu. Còn đối với các giao dịch vô hiệu tương đối thì không mặc nhiên vô hiệu mà chỉ trở nên vô hiệu khi có đơn yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan và bị toà án tuyên bố vô hiệu.
Thứ hai là sự khác biệt về thời hạn yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Đối với các giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối thì thời hạn yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn chế. Còn đối với các giao dịch dân sự vô hiệu tương đối thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là hai năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập (Điều 136 BLDS). Có một điểm cần lưu ý là trường hợp vô hiệu do vi phạm các quy định bắt buộc về hình thức cũng thuộc nhóm vô hiệu tuyệt đối nhưng theo quy định của Điều 136 BLDS thì thời hạn yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu là hai năm kể từ ngày giao dịch được xác lập (giống như các trường hợp vô hiệu tương đối, bởi vì, hiệu lực của giao dịch phụ thuộc vào ý chí của chủ thể mà không phải là của Nhà nước). 
Thứ ba, giao dịch dân sự thuộc trường hợp vô hiệu tuyệt đối có thể bị vô hiệu không phụ thuộc vào quyết định của toà án mà đương nhiên không có giá trị, vì giao dịch vi phạm pháp luật nghiêm trọng cho nên Nhà nước không bảo hộ. Còn đối với giao dịch dân sự vô hiệu tương đối thì quyết định của toà án là cơ sở làm cho giao dịch trở nên vô hiệu. Quyết định của toà án mang tính chất phán xử. Toà án tiến hành giải quyết vụ việc khi có đơn yêu cầu của các bên (hoặc của đại diện hợp pháp của họ). Bên yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh trước toà các cơ sở của yêu cầu. Ví dụ: Nếu một người yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu vì lí do khi xác lập giao dịch đã bị lừa dối (hoặc đe doạ) thì bên yêu cầu đó phải có nghĩa vụ chứng minh trước toà sự kiện lừa dối (hoặc đe dọa) mà bên kia gây ra đối với mình. Nếu như một bên yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu với lí do xác lập giao dịch trong thời điểm không nhận thức được hành vi của mình thì toà án buộc bên yêu cầu phải chứng minh được rằng tại thời điểm xác lập giao dịch đó họ bị rơi vào trạng thái không nhận thức được hành vi của mình. Dựa trên những minh chứng đó toà án mới cân nhắc để ra quyết định giao dịch có bị coi là vô hiệu hay không.
Thứ tư là sự khác biệt về mục đích. Các trường hợp pháp luật quy định giao dịch vô hiệu tuyệt đối nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích công (lợi ích của Nhà nước, của xã hội nói chung). Còn các trường hợp pháp luật quy định vô hiệu tương đối là nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cho chính các chủ thể tham gia giao dịch.
Một giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu tuyệt đối trong các trường hợp sau: a) Khi vi phạm vào các điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức của xã hội (Điều 128 BLDS); b) Khi giao dịch được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba (Điều 129 BLDS); c) Khi hình thức của giao dịch không tuân thủ theo các quy định bắt buộc của pháp luật (Điều 134 BLDS);
Giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu tương đối trong các trường hợp: a) Khi giao dịch được xác lập bởi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 130 BLDS); b) Khi giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn (Điều 131 BLDS); c) Khi một bên chủ thể tham gia xác lập giao dịch do bị lừa dối, đe doạ (Điều 132 BLDS); d) Khi người xác lập giao dịch đủ năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch tại thời điểm không nhận thức được hành vi của mình (Điều 133 BLDS).
* Giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội
Điều 128 BLDS quy định giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội cùng những hậu quả pháp lí của giao dịch vô hiệu dạng này. Vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội bao gồm nội dung, mục đích của giao dịch trái pháp luật và đạo đức xã hội (xem mục 3). Giao dịch vi phạm quy định này đương nhiên bị coi là vô hiệu không phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia giao dịch. Tài sản giao dịch và lợi tức thu được có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước (ví dụ: Trong trường hợp mua bán thuốc phiện, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm...). Trong trường hợp có thiệt hại mà các bên đều có lỗi, thì họ phải chịu phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Nếu chỉ một bên có lỗi thì bên đó phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.
* Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm các quy định bắt buộc về hình thức của giao dịch (Điều 134 BLDS)
Theo nguyên tắc chung thì các chủ thể được tự do lựa chọn hình thức của giao dịch. Chỉ những giao dịch pháp luật quy định bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản, phải có chứng thực, chứng nhận, đăng kí hoặc xin phép mà các bên không tuân thủ quy định này mới bị vô hiệu. Khi các bên không tuân thủ các quy định này và có yêu cầu của một hoặc các bên thì toà án xem xét và "buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn nhất định". Việc ấn định thời hạn do toà án quyết định căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể. Việc buộc các bên phải thực hiện và đưa ra thời hạn thực hiện quy định về hình thức của giao dịch thuộc thẩm quyền và là nghĩa vụ của toà án. Chỉ khi các bên không thực hiện và hoàn tất các quy định về hình thức của giao dịch trong thời hạn do toà án quyết định thì giao dịch mới vô hiệu. Bên có lỗi làm cho giao dịch vô hiệu phải bồi thường thiệt hại.
* Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 129 BLDS)
Trường hợp vô hiệu do giả tạo có điểm đặc biệt là các bên trong giao dịch đó hoàn toàn tự nguyện xác lập giao dịch nhưng lại cố ý bày tỏ ý chí không đúng với ý chí đích thực của họ (có sự tự nguyện nhưng không có sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí).
Có hai trường hợp giả tạo. Trường hợp thứ nhất là giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác. Khi đó giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực nếu như giao dịch bị che giấu đó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Ví dụ: Giao kết hợp đồng tặng cho tài sản nhằm che giấu hợp đồng gửi giữ.
Trường hợp thứ hai là giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Ví dụ: Các bên thoả thuận giao kết hợp đồng tặng cho nhưng không làm phát sinh quyền của người được tặng cho (hợp đồng tưởng tượng) nhằm trốn tránh việc trả nợ người cho vay trước đó. Khi đó hợp đồng tặng cho giả tạo đó sẽ bị vô hiệu.
* Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 130 BLDS năm 2005)
Người không có năng lực hành vi hoặc có năng lực hành vi không đầy đủ không thể có đủ điều kiện để tự do thể hiện ý chí. Vì vậy, giao dịch của họ phải được xác lập, thực hiện dưới sự kiểm soát của người khác hoặc do người khác xác lập, thực hiện. Tuy nhiên, giao dịch do những người này xác lập không mặc nhiên bị coi là vô hiệu mà chỉ vô hiệu khi có yêu cầu của những người đại diện cho họ. Người đã xác lập giao dịch với những người này không có quyền yêu cầu đó. Nếu người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không khởi kiện yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
* Giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn (Điều 131 BLDS)
Nhầm lẫn là việc các bên hình dung sai về nội dung của giao dịch mà tham gia vào giao dịch gây thiệt hại cho mình hoặc cho bên kia. Sự nhầm lẫn xuất phát từ nhận thức của các bên hoặc phán đoán sai lầm về đối tượng sự việc, sự nhầm lẫn phải được thể hiện rõ ràng mà căn cứ vào nội dung của giao dịch phải xác định được. Nếu bên bị nhầm lẫn chứng minh được sự nhầm lẫn của mình thì giao dịch có thể bị tuyên bố vô hiệu.
Trong nhiều trường hợp, sự nhầm lẫn có thể xảy đến do lỗi của bên đối tác. Khi một bên có lỗi làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch mà xác lập giao dịch (ví dụ: Không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng bằng tiếng Việt về công dụng của tài sản...) thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó. Nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu (Điều 131 BLDS năm 2005). Tuy nhiên, lỗi ở đây chỉ có thể là lỗi vô ý. Nếu sự nhầm lẫn do lỗi cố ý của bên đối tác thì khi đó sẽ thuộc trường hợp vô hiệu do lừa dối.
Xung quanh vấn đề lỗi của các bên trong trường hợp giao dịch xác lập do nhầm lẫn, trong lí luận có tồn tại hai cách giải quyết đối ngược nhau. Cách thứ nhất cho rằng giao dịch có thể bị tuyên bô vô hiệu do nhầm lẫn bất kể do lỗi của bên nào gây ra (Điều 141 BLDS năm 1995). Nếu bên nào có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Cách thứ hai cho rằng giao dịch chỉ bị tuyên bố vô hiệu nếu như sự nhầm lẫn xảy ra do lỗi vô ý của bên đối tác (Điều 131 BLDS năm 2005). Còn nếu như chính bên bị nhầm lẫn có lỗi thì giao dịch không bị vô hiệu, bên nhầm lẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Theo cách giải quyết thứ nhất là hợp lí hơn, bởi lẽ chỉ cần có sự nhầm lẫn xảy ra là giao dịch đã không đáp ứng được yêu cầu về sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, do vậy giao dịch đã có thể bị tuyên bố vô hiệu. Còn việc xác định lỗi thuộc về ai là chỉ nhằm giải quyết vấn đề hậu quả phát sinh khi giao dịch vô hiệu (bồi thường thiệt hại) mà thôi. Vấn đề này có thể áp dụng nguyên tắc chung về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch để giải quyết (điểm c khoản 1 Điều 122 BLDS).
* Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ (Điều 132 BLDS)
Lừa dối là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao địch đó (che giấu hành vi bất hợp pháp để hưởng thừa kế theo di chúc; dùng thủ đoạn nói là vật tốt để bán với giá đắt...).
Đe dọa là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia sợ hãi mà phải xác lập, thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. Tuy nhiên sự đe dọa phải nghiêm trọng và có thực (không thể là đe dọa tưởng tượng). Hành vi đe doạ có thể được thực hiện từ phía đối tác cũng có thể từ người thứ ba.
Những giao dịch được xác lập do lừa dối, đe dọa chỉ bị vô hiệu khi có yêu cầu của bên bị lừa dối, bị đe dọa và toà án chấp nhận yêu cầu đó. Như vậy, những giao dịch được xác lập do các tác động này vẫn có hiệu lực nếu không có yêu cầu của bên bị lừa dối, bị đe dọa. Khi giao dịch bị tuyên bố vô hiệu, bên lừa dối, đe doạ phải bồi thường những thiệt hại xảy ra đối với bên bị lừa dối, bị đe doạ.
* Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 133 BLDS)
Trường hợp này chỉ áp dụng cho những người có năng lực hành vi dân sự. Tại thời điểm giao kết nếu người đó bị rơi vào tình trạng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (ví dụ: say rượu...) thì sau đó chính người đó có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Việc phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào lỗi của các bên tham gia giao dịch.
Tóm lại, các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là một thể thống nhất trong mối quan hệ biện chứng. Bởi vậy, xem xét một giao dịch phải đặt nó trong tổng thể của mối quan hệ biện chứng này. Nếu giao dịch vô hiệu từng phần mà không ảnh hưởng đến các phần khác thì chỉ phần vô hiệu không có hiệu lực, các phần còn lại vẫn có hiệu lực thi hành.
Về nguyên tắc chung, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên từ thời điểm xác lập. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu (hoàn nguyên) như khi chưa xác lập giao dịch cho nên, nếu giao dịch chưa được thực hiện thì các bên không được thực hiện giao dịch đó. Nếu giao dịch đã được thực hiện toàn bộ hay một phần thì các bên không được tiếp tục thực hiện giao dịch và phải hoàn trả cho nhau những lợi ích vật chất đã nhận của nhau. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại (Điều 137 BLDS).
Thời hạn tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là hai năm, kể từ ngày giao dịch được xác lập đối với các giao dịch dân sự được xác lập do người không đủ năng lực hành vi, do nhầm lẫn, đe dọa, lừa dối, do không tuân thủ các quy định bắt buộc về hình thức. Những giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, thời hạn tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn chế.

II. HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
1. KHÁI NIỆM VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
1.1. Khái niệm
Để tồn tại và phát triển, mỗi cá nhân cũng như mỗi tổ chức phải tham gia nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau. Trong đó, việc các bên thiết lập với nhau những quan hệ để qua đó chuyển giao cho nhau các lợi ích vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, đóng một vai trò quan trọng, là một tất yếu đối với mọi đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển giao các lợi ích vật chất đó không phải tự nhiên hình thành bởi tài sản (vốn là hiện thân của các lợi ích vật chất) không thể tự tìm đến với nhau để thiết lập các quan hệ. Các quan hệ tài sản chỉ được hình thành từ những hành vi có ý chí của các chủ thể. C.Mác nói rằng: "Tự chúng, hàng hóa không thể đi đến thị trường và trao đổi với nhau được. Muốn cho những vật đó trao đổi với nhau thì những người giữ chúng phải đối xử với nhau như những người mà ý chí nằm trong các vật đó".(1)
Mặt khác, nếu chỉ có một bên thể hiện ý chí của mình mà không được bên kia chấp nhận cũng không thể hình thành một quan hệ để qua đó thực hiện việc chuyển giao tài sản hoặc làm một công việc đối với nhau được. Do đó, chỉ khi nào có sự thể hiện và thống nhất ý chí giữa các bên thì quan hệ trao đổi lợi ích vật chất mới được hình thành. Quan hệ đó được gọi là hợp đồng dân sự. Như vậy, cơ sở đầu tiên để hình thành một hợp đồng dân sự là việc thoả thuận bằng ý chí tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, hợp đồng đó chỉ có hiệu lực pháp luật (chỉ được pháp luật công nhận và bảo vệ) khi ý chí của các bên phù hợp với ý chí của Nhà nước. Các bên được tự do thoả thuận để thiết lập hợp đồng nhưng sự "tự do" ấy phải được đặt trong giới hạn bởi lợi ích của người khác, lợi ích chung của xã hội và trật tự công cộng. Nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng dân sự sẽ trở thành phương tiện để kẻ giàu bóc lột người nghèo và sẽ là nguy cơ đối với lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, phải đi xa hơn nữa trong vấn đề tăng cường sự can thiệp của nhà nước vào các "quan hệ pháp luật tư", các việc dân sự... không được bỏ qua một khả năng tối thiểu nào để mở rộng sự can thiệp của nhà nước vào những quan hệ dân luật".(1)
Khi ý chí của các bên trong hợp đồng phù hợp với ý chí của Nhà nước thì hợp đồng dân sự có hiệu lực như pháp luật đối với các bên giao kết. Nghĩa là, từ lúc đó, các bên đã tự nhận về mình những nghĩa vụ pháp lí nhất định. Sự "can thiệp" của nhà nước không những là việc buộc các bên phải giao kết hợp đồng phù hợp với lợi ích chung và đạo đức xã hội mà còn buộc các bên phải thực hiện hợp đồng đúng với những cam kết mà họ đã thoả thuận. Theo nội dung đã cam kết, dưới sự hỗ trợ của pháp luật, các bên phải thực hiện đối với nhau các quyền và nghĩa vụ dân sự.
Khái niệm về hợp đồng dân sự cần phải được xem xét ở nhiều phương diện khác nhau. Theo phương diện khách quan thì hợp đồng dân sự là do các quy phạm pháp luật của Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể với nhau.
Theo phương diện chủ quan, hợp đồng dân sự là một giao dịch dân sự mà trong đó các bên tự trao đổi ý chí với nhau nhằm đi đến sự thoả thuận để cùng nhau làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự nhất định. Theo phương diện này, hợp đồng dân sự vừa được xem xét ở dạng cụ thể vừa được xem xét ở dạng khái quát. Nếu định nghĩa dưới dạng cụ thể thì "hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng, cho tài sản, làm một việc hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng" (Điều 1 Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991). Sự liệt kê cụ thể bao giờ cũng rơi vào tình trạng không đầy đủ và để quy định của pháp luật có thể bao trùm được toàn bộ các hợp đồng dân sự xảy ra trong thực tế, BLDS đã định nghĩa nó ở dạng khái quát hơn: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự" (Điều 388 BLDS). Như vậy, hợp đồng dân sự không chỉ là sự thoả thuận để một bên chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc cho bên kia mà có thể còn là sự thoả thuận để thay đổi hay chấm dứt các nghĩa vụ đó. Hợp đồng dân sự (nghĩa chủ quan) và pháp luật về hợp đồng dân sự (nghĩa khách quan) là hai khái niệm không đồng nhất với nhau. Hợp đồng dân sự theo nghĩa chủ quan là một quan hệ xã hội được hình thành từ sự thoả thuận của các bên để thoả mãn nhu cầu trao đổi trong giao lưu dân sự. Còn pháp luật về hợp đồng dân sự là sự thừa nhận, là yêu cầu của nhà nước đối với các giao lưu dân sự đó. Các bộ cổ luật đã từng tồn tại ở Việt Nam (như Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long) không có quy định riêng về hợp đồng. Nghĩa là, trong các thời kì đó, ở Việt Nam chưa có “luật riêng” về hợp đồng dân sự, mặc dù trong thực tế hình thành rất nhiều quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể với nhau. Các quy định của hợp đồng không nhiều, chủ yếu quy định về mua bán cho vay, ngoài ra, các nguyên tắc chung về giao kết thực hiện hợp đồng được quy định xen kẽ trong các quy định hình sự. Hành vi phạm hợp đồng là hành vi vi phạm pháp luật, cho nên người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng xét về nội dung kinh tế sẽ khó phân biệt giữa một hợp đồng dân sự với một hợp đồng kinh tế nếu nội dung của chúng đều là sự mua bán và trao đổi các lợi ích vật chất.
Ở nước ta hiện nay, cùng với sự phát triển chung của xã hội, các thành phần kinh tế ngày một đa dạng và phong phú làm cho các quan hệ kinh tế cũng thay đổi theo. Hợp đồng thương mại trở thành phương tiện phục vụ cho mục đích kinh doanh trên nguyên tắc các chủ thể tự nguyện, bình đẳng với nhau càng làm mờ nhạt ranh giới giữa nó với hợp đồng dân sự. Có những quy định của pháp luật là cơ sở pháp lí để áp dụng chung cho cả hai loại hợp đồng này mặc, dù chúng thuộc đối tượng điều chỉnh của hai ngành luật khác nhau.
Tuy nhiên, yêu cầu của quá trình tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các tranh chấp từ hợp đồng, đòi hỏi cần phải có sự phân biệt rạch ròi giữa một hợp đồng thương mại với một hợp đồng dân sự. Có thể nói rằng hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự như một cặp song sinh. Vì vậy, trong thực tế có rất nhiều hợp đồng không thể phân biệt được là hợp đồng thương mại hay hợp đồng dân sự. Để có thể phân biệt được hai loại hợp đồng này phải xác định được cụ thể mục đích của từng loại hợp đồng. Nếu các bên chủ thể (hoặc ít nhất có một bên) tham gia hợp đồng với mục đích thoả mãn nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng thì hợp đồng đó được xác định là hợp đồng dân sự. Vì vậy, chỉ được coi là hợp đồng thương mại khi các bên chủ thể tham gia đều nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, mục đích tham gia cũng chỉ là một cơ sở mang tính tương đối trong việc phân biệt giữa hai loại hợp đồng vì rằng có những hợp đồng cả hai bên đều mang mục đích kinh doanh nhưng không thể coi đó là hợp đồng thương mại được nếu có một bên chủ thể là cá nhân không có đăng kí kinh doanh.
1. 2. Hình thức và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự
a. Hình thức của hợp đồng dân sự
Những điều khoản mà các bên đã cam kết thoả thuận phải được thể hiện ra bên ngoài bằng một hình thức nhất định. Hay nói cách khác, hình thức của hợp đồng là phương tiện để ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất của từng hợp đồng cũng như tùy thuộc vào độ tin tưởng lẫn nhau mà các bên có thể lựa chọn một hình thức nhất định trong việc giao kết hợp đồng cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Tại Điều 401, BLDS đã quy định:
"1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng kí hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, hình thức của hợp đồng dân sự tương đối đa dạng tạo điều kiện cho các chủ thể kí kết thuận tiện. Đối với những hợp đồng dân sự mà pháp luật đã quy định buộc phải giao kết theo một hình thức nhất định thì các bên phải tuân theo hình thức đó. Ngoài ra, đối với những hợp đồng khác, các bên có thể chọn một trong những hình thức sau đây để giao kết:
- Hình thức miệng (bằng lời nói):
Thông qua hình thức này, các bên giao kết hợp đồng chỉ cần thoả thuận miệng với nhau về nội dung cơ bản của hợp đồng hoặc mặc nhiên thực hiện những hành vi nhất định đối với nhau. Hình thức này thường được áp dụng trong những trường hợp các bên đã có độ tin tưởng lẫn nhau (bạn bè cho nhau vay tiền) hoặc đối với những hợp đồng mà ngay sau khi giao kết sẽ được thực hiện và chấm dứt.
- Hình thức viết (bằng văn bản):
Nhằm nâng cao độ xác thực về những nội dung đã cam kết, các bên có thể ghi nhận nội dung giao kết hợp đồng bằng một văn bản. Trong văn bản đó, các bên phải ghi đầy đủ những nội dung cơ bản của hợp đồng và cùng kí tên xác nhận vào văn bản. Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lí chắc chắn hơn so với hình thức miệng. Căn cứ vào văn bản của hợp đồng, các bên dễ dàng thực hiện quyền yêu cầu của mình đối với bên kia. Vì vậy, đối với những hợp đồng mà việc thực hiện không cùng lúc với việc giao kết thì các bên thường chọn hình thức này. Thông thường, hợp đồng được lập thành nhiều bản và mỗi bên giữ một bản, coi như đã có trong tay một bằng chứng, chứng minh quyền dân sự của mình.
- Hình thức có chứng nhận, chứng thực:
Đối với những hợp đồng có tính chất phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp và đối tượng của nó là những tài sản mà Nhà nước cần phải quản lí, kiểm soát khi chúng được dịch chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác thì các bên phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Hợp đồng được lập ra theo hình thức này có giá trị chứng cứ cao nhất. Vì vậy, đối với những hợp đồng mà pháp luật không yêu cầu phải lập theo hình thức này nhưng để quyền lợi của mình được bảo đảm, các bên vẫn có thể chọn hình thức này để giao kết hợp đồng.
b. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự
Khi hợp đồng đã có hiệu lực, các bên phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự đã được xác định từ hợp đồng đó. Trên cơ sở của hình thức đã giao kết mà hiệu lực của hợp đồng được xác định theo từng thời điểm khác nhau. Về nguyên tắc, hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Tuy nhiên, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự còn được xác định theo sự thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Vì vậy, hợp đồng dân sự được coi là có hiệu lực vào một trong các thời điểm sau đây:
- Hợp đồng miệng có hiệu lực tại thời điểm các bên đã trực tiếp thoả thuận với nhau về những nội dung chủ yếu của hợp đồng;
- Hợp đồng bằng văn bản thường, có hiệu lực tại thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản hợp đồng;
- Hợp đồng bằng văn bản có chứng nhận, chứng thực, đăng kí hoặc xin phép có hiệu lực tại thời điểm văn bản hợp đồng được chứng nhận, chứng thực, đăng kí hoặc cho phép;
- Ngoài ra, hợp đồng còn có thể có hiệu lực sau các thời điểm nói trên nếu các bên đã tự thoả thuận để xác định hoặc trong trường hợp mà pháp luật đã quy định cụ thể. Ví dụ: Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực tại thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản (Điều 466 BLDS).
1. 3. Nội dung của hợp đồng dân sự
Nội dung của hợp đồng dân sự là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đã thoả thuận. Các điều khoản đó xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên trong hợp đồng.
Tại Điều 402, BLDS quy định:
"Tùy theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:
- Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;
- Số lượng, chất lượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Phạt vi phạm hợp đồng
- Các nội dung khác
Trong tất cả các điều khoản nói trên, có những điều khoản mà ở hợp đồng này các bên không cần thoả thuận nhưng ở một hợp đồng khác, các bên lại buộc phải thoả thuận thì hợp đồng mới được coi là giao kết. Mặt khác, ngoài những nội dung cụ thể này, các bên còn có thể thoả thuận để xác định với nhau thêm một số nội dung khác. Vì vậy, có thể phân chia các điều khoản trong nội dung của hợp đồng thành ba loại sau:
a. Điều khoản cơ bản
Các điều khoản cơ bản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng. Đó là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng. Nếu không thoả thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng không thể giao kết được. Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của từng hợp đồng quyết định hoặc do pháp luật quy định. Tùy theo từng loại hợp đồng mà điều khoản cơ bản có thể là đối tượng, giá cả, địa điểm... Có những điều khoản đương nhiên là điều khoản cơ bản, vì không thoả thuận tới nó sẽ không thể hình thành hợp đồng. Chẳng hạn, điều khoản về đối tượng luôn là điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán tài sản. Ngoài ra, có những điều khoản mà vốn dĩ không phải là điều khoản cơ bản nhưng các bên thấy cần phải thoả thuận được điều khoản đó mới giao kết hợp đồng thì những điều khoản này cũng là điều khoản cơ bản của hợp đồng sẽ giao kết.
b. Điều khoản thông thường
Là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thoả thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thoả thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định. Khác với điều khoản cơ bản, các điều khoản thông thường không làm ảnh hưởng tới quá trình giao kết hợp đồng. Để giảm bớt những công việc không cần thiết trong giao kết hợp đồng, các bên có thể không cần thoả thuận và không cần ghi vào văn bản hợp đồng những điều khoản mà pháp luật đã quy định nhưng các bên vẫn phải thực hiện những điều khoản đó. Vì vậy, nếu có tranh chấp về những nội dung này thì quy định của pháp luật sẽ là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Ví dụ: Địa điểm giao tài sản động sản (đối tượng của hợp đồng mua bán) là tại nơi cư trú của người mua nếu người mua đã trả tiền và trong hợp đồng các bên không thoả thuận về địa điểm giao tài sản.
c. Điều khoản tùy nghi
Ngoài những điều khoản phải thoả thuận vì tính chất của hợp đồng và những điều khoản mà pháp luật đã quy định trước, khi giao kết hợp đồng các bên còn có thể thoả thuận để xác định thêm một số điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được cụ thể hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Các điều khoản này được gọi là điều khoản tùy nghi.
Điều khoản tùy nghi là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý lựa chọn và thoả thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên. Thông qua điều khoản tùy nghi, bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thức nhất định để thực hiện hợp đồng, sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia.
Như vậy, một điều khoản trong nội dung của hợp đồng có thể là điều khoản cơ bản, có thể là điều khoản thông thường nhưng cũng có thể là điều khoản tùy nghi. Chẳng hạn, địa điểm giao vật trong hợp đồng mua bán tài sản sẽ là điều khoản cơ bản, nếu khi giao kết, các bên đã thoả thuận cụ thể về nơi giao vật. Ngược lại, nó sẽ là điều khoản thông thường nếu các bên không thoả thuận mà mặc nhiên thừa nhận và thực hiện theo quy định của pháp luật. Mặt khác, địa điểm trong hợp đồng mua bán sẽ là điều khoản tùy nghi nếu các bên đã thoả thuận cho phép bên có nghĩa vụ được lựa chọn một trong nhiều nơi để thực hiện nghĩa vụ giao vật.
Dựa vào tính chất của các điều khoản tùy nghi, người ta còn có thể phân chúng thành hai loại khác nhau: tùy nghi ngoài pháp luật và tùy nghi khác pháp luật.
1. 4. Phân loại hợp đồng dân sự
Hợp đồng dân sự là “bản giao kèo” để ghi nhận những quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên. Trong sự đa dạng của các hợp đồng dân sự, có thể dựa vào những dấu hiệu đặc trưng để phân chúng thành từng nhóm khác nhau.
Trong BLDS, Điều 406 có định nghĩa một số hợp đồng cơ bản. Tuy nhiên, trong thực tiễn có rất nhiều loại hợp đồng, ta có thể dựa vào các căn cứ khác nhau để phân biệt các loại hợp đồng như sau:
- Nếu dựa vào hình thức của hợp đồng thì hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng miệng, hợp đồng văn bản, hợp đồng có công chứng chứng nhận, hợp đồng mẫu...
- Nếu dựa vào mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên thì hợp đồng được phân thành hai loại là hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ.
- Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà các bên chủ thể đều có nghĩa vụ. Hay nói cách khác, mỗi một bên chủ thể của hợp đồng song vụ là người vừa có quyền lại vừa có nghĩa vụ dân sự. Trong nội dung của loại hợp đồng này, quyền dân sự của bên này đối lập tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Vì thế, nếu hợp đồng song vụ được giao kết theo hình thức văn bản thì phải lập thành nhiều văn bản để mỗi bên giữ một bản hợp đồng. Tại khoản 1 Điều 406, BLDS đã định nghĩa: "Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau".
- Hợp đồng đơn vụ là những hợp đồng mà trong đó một bên chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền gì đối với bên kia và bên kia là người có quyền nhưng không phải thực hiện một nghĩa vụ nào.
Việc xác định quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự đối với nhau giữa các chủ thể trong hợp đồng dân sự được bắt đầu từ thời điểm hợp đồng dân sự có hiệu lực. Vì vậy, có những hợp đồng mà thực chất hai bên đều phải thực hiện cho nhau một lợi ích vật chất nhưng vẫn được coi là hợp đồng đơn vụ. Ví dụ: Hợp đồng cho vay tài sản mà các bên đã xác định thời điểm có hiệu lực của nó là kể từ khi bên cho vay đã giao tài sản cho bên vay. Như vậy, cơ sở để xác định một hợp đồng có tính chất song vụ hay đơn vụ chính là mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên tại thời điểm hợp đồng dân sự có hiệu lực. Vì hợp đồng đơn vụ chỉ có một bên chủ thể có nghĩa vụ, nên nếu hợp đồng được giao kết bằng hình thức viết thì các bên chỉ cần lập một bản và giao cho người có quyền dân sự trong hợp đồng giữ văn bản hợp đồng.
- Nếu dựa vào sự phụ thuộc lẫn nhau về hiệu lực giữa các hợp đồng thì các hợp đồng đó được phân thành hai loại: hợp đồng chính và hợp đồng phụ. Tại khoản 3 Điều 406, BLDS quy định: "Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng khác". Như vậy, các hợp đồng chính khi đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà pháp luật đã quy định thì đương nhiên phát sinh hiệu lực và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên từ thời điểm giao kết.
Ngược lại, "hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính" (khoản 4 Điều 406 BLDS). Trước hết, các hợp đồng phụ muốn có hiệu lực phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện luật định về chủ thể, về nội dung, về hình thức v.v.. Mặt khác, dù rằng đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện nói trên nhưng hợp đồng vẫn không có hiệu lực nếu hợp đồng chính (hợp đồng mà nó phụ thuộc) bị coi là không có hiệu lực. Ví dụ: Hợp đồng cầm cố không có hiệu lực khi hợp đồng cho vay không có hiệu lực.
- Nếu dựa vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể, hợp đồng dân sự được phân thành hai loại là hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù.
Hợp đồng có đền bù là loại hợp đồng mà trong đó mỗi bên chủ thể sau khi đã thực hiện cho bên kia một lợi ích sẽ nhận được từ bên kia một lợi ích tương ứng. Chúng ta biết rằng đặc điểm cơ bản của quan hệ tài sản trong giao lưu dân sự là sự trao đổi ngang giá. Bởi thế, đa phần các hợp đồng dân sự là hợp đồng có đền bù. Tính chất đền bù trong hợp đồng được các bên áp dụng để thực hiện việc trao đổi với nhau các lợi ích vật chất. Tuy nhiên, không nhất thiết cứ bên này hưởng lợi ích vật chất thì bên kia cũng hưởng lợi ích vật chất mới được coi là "đền bù tương ứng". Do nhu cầu đa dạng, các bên có thể thoả thuận để giao kết những hợp đồng mà trong đó một bên hưởng lợi ích vật chất nhưng bên kia lại hưởng một lợi ích thuộc về nhu cầu tinh thần. Cần xác định rằng, các hợp đồng mang tính chất đền bù đa phần là hợp đồng song vụ cũng như đa phần các hợp đồng song vụ đều mang tính đền bù. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều hợp đồng dù mang tính chất đền bù nhưng lại là hợp đồng đơn vụ như hợp đồng cho vay có lãi mà hiệu lực của nó được xác định tại thời điểm bên vay đã nhận tiền. Mặt khác, có nhiều hợp đồng song vụ nhưng không mang tính chất đền bù như hợp đồng gửi giữ không có thù lao.
Hợp đồng không có đền bù là những hợp đồng mà trong đó một bên nhận được từ bên kia một lợi ích nhưng không phải giao lại một lợi ích nào. Bên cạnh việc sử dụng hợp đồng làm phương tiện để trao đổi những lợi ích, các chủ thể còn dùng nó làm phương tiện để giúp đỡ nhau. Vì vậy, hợp đồng không có đền bù thường được giao kết trên cơ sở tình cảm và tinh thần tương thân, tương ái giữa các chủ thể. Có thể nói rằng nếu tiền đề của hợp đồng có đền bù là những lợi ích (mà đa phần là lợi ích vật chất) thì tiền đề của hợp đồng không có đền bù là mối quan hệ tình cảm sẵn có giữa các chủ thể. Đây là một loại hợp đồng dân sự mà tính chất của nó đã vượt ra ngoài tính chất của quy luật giá trị bởi sự chi phối của yếu tố tình cảm. Trên cơ sở tình cảm, các bên thiết lập các hợp đồng không có đền bù để giúp đỡ nhau. Do đó, trong quá trình giao kết loại hợp đồng này dù đã hứa hẹn (đã có sự thống nhất ý chí) nhưng việc chấp nhận đề nghị không mang tính chất ràng buộc đối với bên được đề nghị. Vì vậy, đối với hợp đồng tặng cho tài sản, pháp luật đã quy định có hiệu lực khi các bên đã thực tế trao cho nhau đối tượng tặng cho hoặc đã hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu.
- Nếu dựa vào thời điểm phát sinh hiệu lực thì hợp đồng dân sự được phân thành hai nhóm: hợp đồng ưng thuận và hợp đồng thực tế.
Hợp đồng ưng thuận là những hợp đồng mà theo quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh ngay sau khi các bên đã thoả thuận với nhau xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng. Trong trường hợp này, dù rằng các bên chưa trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết nhưng đã phát sinh quyền yêu cầu của bên này đối với bên kia trong việc thực hiện hợp đồng. Hay nói cách khác, hợp đồng ưng thuận là những hợp đồng mà thời điểm có hiệu lực của nó được xác định tại thời điểm giao kết.
- Hợp đồng thực tế là những hợp đồng mà sau khi thoả thuận, hiệu lực của nó chỉ phát sinh tại thời điểm khi các bên đã chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng.
 Hợp đồng có điều kiện: Là những hợp đồng mà khi giao kết, bên cạnh việc thoả thuận về nội dung của hợp đồng các bên còn thoả thuận để xác định về một sự kiện để khi sự kiện đó xảy ra thì hợp đồng mới được thực hiện hoặc phải chấm dứt. Tuy nhiên, sự kiện mà các bên thoả thuận chỉ được coi là điều kiện để hợp đồng được thực hiện hoặc được chấm dứt khi sự kiện đó đáp ứng được các yêu cầu sau:
Thứ nhất, các sự kiện đó phải mang tính khách quan. Yêu cầu này đòi hỏi việc các sự kiện nói trên có xuất hiện hay không, hoàn toàn nằm ngoài ý chí của các chủ thể, đồng thời phải là một tình tiết trong tương lai (chỉ xuất hiện sau khi hợp đồng đã được giao kết).
Thứ hai, nếu điều kiện đó là một công việc phải làm thì phải là những công việc có thể thực hiện được.
Thứ ba, sự kiện mà các bên chủ thể thoả thuận phải phù hợp với pháp luật và không trái với đạo đức xã hội.
+ Hợp đồng vì lợi ích người thứ ba: "Là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó".
      Trong thực tế có những trường hợp người thứ ba không trực tiếp tham gia vào hợp đồng với tư cách chủ thể nhưng họ có quyền đối với bên có nghĩa vụ. Bởi vì các bên tham gia đã thoả thuận bên có nghĩa vụ phải thực hiên các nghĩa vụ cho người thứ ba. Việc thoả thuận này có thể trực tiếp hoặc được coi là mặc nhiên do tính chất của hợp đồng quy định. Ví dụ: Hợp đồng chuyển bưu phẩm, chuyển tiền qua bưu điện.
+ Hợp đồng hỗn hợp: Vì hợp đồng dân sự hết sức đa dạng, nên luật pháp không thể dự liệu được toàn bộ các hợp đồng có thể xảy ra mà chỉ có thể quy định một số hợp đồng thường gặp nhất trong cuộc sống. Việc giao kết hợp đồng để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của đời sống dân sự đã vượt ra ngoài sự dự liệu của pháp luật. Các chủ thể có thể giao kết những hợp đồng dân sự mà pháp luật chưa quy định cụ thể, miễn là nội dung của nó không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Những trường hợp mà các bên giao kết một hợp đồng nhưng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự mà hai hay nhiều hợp đồng khác đã quy định vẫn được pháp luật thừa nhận.
Có thể khái quát về hợp đồng hỗn hợp như sau: Là những hợp đồng mà khi kí kết, cùng một lúc làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ dân sự vốn là nội dung của hai hay nhiều hợp đồng thông thường khác.
Tóm lại, việc phân chia hợp đồng dân sự thành các loại nói trên vừa dựa vào sự quy định của BLDS, vừa dựa trên phương diện lí luận. Qua đó, nhằm xác định được những đặc điểm chung và riêng của từng nhóm hợp đồng, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình điều chỉnh các quan hệ hợp đồng dân sự.
2. GIAO KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
2. 1. Giao kết hợp đồng dân sự
Giao kết hợp đồng dân sự là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ dân sự.
a. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự
Theo quy định tại Điều 390 BLDS, khi giao kết hợp đồng các chủ thể phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
- Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể thoả mãn được các nhu cầu về đời sống vật chất cũng như tinh thần, BLDS cho phép mọi chủ thể được quyền "tự do giao kết hợp đồng". Theo nguyên tắc này, mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ thể đều có quyền tham gia giao kết bất kì một hợp đồng dân sự nào, nếu họ muốn mà không ai có quyền ngăn cản. Bằng ý chí tự do của mình, các chủ thể có quyền giao kết những hợp đồng dân sự đã được pháp luật quy định cụ thể cũng như những hợp đồng dân sự khác dù rằng pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, sự tự do ý chí đó phải nằm trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh việc chú ý đến quyền lợi của mình, các chủ thể phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của những người khác cũng như lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy, tự do của mỗi chủ thể phải không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Nằm trong mối liên hệ tương ứng giữa quyền và nghĩa vụ, mỗi một chủ thể vừa có quyền "tự do giao kết hợp đồng" vừa có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội. Lợi ích của cộng đồng (được quy định bằng pháp luật) và đạo đức xã hội được coi là “sự giới hạn” ý chí tự do của mỗi một chủ thể trong việc giao kết hợp đồng dân sự nói riêng, cũng như đối với mọi hành vi nói chung của họ.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, tính cộng đồng và đạo đức xã hội không cho phép các cá nhân được tự do ý chí tuyệt đối để biến các hợp đồng dân sự thành phương tiện bóc lột.
- Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng.
Nguyên tắc này thể hiện bản chất của quan hệ dân sự. Quy luật giá trị đòi hỏi các bên khi thiết lập các quan hệ trao đổi phải bình đẳng với nhau. Không một ai được lấy lí do khác biệt về thành phần xã hội, dân tộc, giới tính, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế v.v. để làm biến dạng các quan hệ dân sự. Mặt khác, chỉ khi nào các bên bình đẳng với nhau về mọi phương diện trong giao kết hợp đồng thì ý chí tự nguyện của các bên mới thật sự được bảo đảm. Vì vậy, theo nguyên tắc trên, những hợp đồng được giao kết thiếu bình đẳng và không có sự tự nguyện của các bên sẽ không được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, đánh giá một hợp đồng có phải là ý chí tự nguyện của các bên hay không là một công việc tương đối phức tạp và khó khăn trong thực tế.
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia. Vì thế, muốn xem xét các chủ thể có tự nguyện trong giao kết hợp đồng hay không, cần phải dựa vào sự thống nhất biện chứng giữa hai phạm trù: Ý chí và sự bảy tỏ ý chí. Như chúng ta đã biết, ý chí là mong muốn chủ quan bên trong của mỗi một chủ thể. Nó phải được bày tỏ ra bên ngoài thông qua một hình thức nhất định. Ý chí và sự bày tỏ ý chí là hai mặt của một vấn đề, chúng luôn có quan hệ mật thiết, gắn bó khăng khít với nhau.
Ý chí tự nguyện chính là sự thống nhất giữa ý muốn chủ quan bên trong và sự bày tỏ ý chí đó ra bên ngoài. Vì vậy, để xác định một hợp đồng dân sự có tuân theo nguyên tắc tự nguyện hay không cần phải dựa vào sự thống nhất ý chí của người giao kết hợp đồng và sự thể hiện (bày tỏ) ý chí đó trong nội dung của hợp đồng mà người đó đã giao kết. Chỉ khi nào hợp đồng là hình thức phản ánh một cách khách quan, trung thực những mong muốn bên trong của các bên giao kết thì việc giao kết đó mới được coi là tự nguyện.
Như vậy, tất cả các hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối hoặc đe dọa đều là những hợp đồng không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện khi giao kết. Và vì thế, nó sẽ bị coi là vô hiệu (xem thêm Điều 131, Điều 132 BLDS).
b. Trình tự giao kết hợp đồng
Trình tự giao kết hợp đồng là quá trình mà trong đó các bên chủ thể bảy tỏ ý chí với nhau bằng cách trao đổi ý kiến để đi đến thoả thuận trong việc cùng nhau làm xác lập những quyền và nghĩa vụ dân sự đối với nhau. Thực chất, đó là quá trình mà hai bên "mặc cả" về những điều khoản trong nội dung của hợp đồng. Quá trình này diễn ra thông qua hai giai đoạn:
* Đề nghị giao kết hợp đồng
Khi một người muốn thiết lập một hợp đồng dân sự thì ý muốn đó phải thể hiện ra bên ngoài thông qua một hành vi nhất định. Chỉ có như vậy, phía đối tác mới có thể nhận biết được ý muốn của họ và từ đó mới có thể đi đến việc giao kết hợp đồng. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc một bên biểu lộ ý chí của mình trước người khác bằng cách bày tỏ cho phía bên kia biết ý muốn tham gia giao kết với người đó một hợp đồng dân sự.
Để người mà mình muốn giao kết hợp đồng với họ có thể hình dung được hợp đồng đó như thế nào, người đề nghị phải đưa ra những điều khoản của hợp đồng một cách cụ thể và rõ ràng. Việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Người đề nghị có thể trực tiếp (đối mặt) với người được đề nghị để trao đổi, thoả thuận hoặc có thể thông qua điện thoại v.v.. Trong những trường hợp này, thời hạn trả lời là một khoảng thời gian do hai bên thoả thuận ấn định. Ngoài ra, đề nghị giao kết còn có thể được thực hiện bằng việc chuyển công văn, giấy tờ qua đường bưu điện. Trong những trường hợp này, thời hạn trả lời là khoảng thời gian do bên đề nghị ấn định.
Để bảo đảm quyền lợi cho người được đề nghị, Điều 390 BLDS đã quy định: "Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu ró thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh".
Như vậy, lời đề nghị mặc dù chưa phải là một hợp đồng nhưng ít nhiều đã có tính chất ràng buộc đối với người đề nghị. Tuy nhiên, bên đề nghị vẫn có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị trong các trường hợp sau:
- Bên được đề nghị chưa nhận được đề nghị.
- Bên đề nghị có nêu rõ điều kiện được thay đổi hoặc rút lại đề nghị và điều kiện đó đã đến.
Ngoài ra, đề nghị giao kết hợp đồng được coi là chấm dứt khi bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận hoặc chậm trả lời chấp nhận.
* Chấp nhận giao kết hợp đồng
Là việc bên được đề nghị nhận lời đề nghị và đồng ý tiến hành việc giao kết hợp đồng với người đã đề nghị. Về nguyên tắc, bên được đề nghị phải trả lời ngay về việc có chấp nhận giao kết hợp đồng hay không. Trong những trường hợp, cần phải có thời gian để bên được đề nghị cân nhắc, suy nghĩ mà các bên đã ấn định thời hạn trả lời thì bên được đề nghị phải trả lời trong thời hạn đó. Nếu sau thời hạn nói trên, bên được đề nghị mới trả lời về việc chấp nhận giao kết hợp đồng thì lời chấp nhận đó được coi như một lời đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Nếu việc trả lời được chuyển qua bưu điện thì ngày gửi đi theo dấu của bưu điện được coi là thời điểm trả lời. Căn cứ vào thời điểm đó để bên đã đề nghị xác định việc trả lời có chậm hay không so với thời hạn đã ấn định.
Người được đề nghị có thể chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị, cũng có thể chỉ chấp nhận một phần trong nội dung đó hoặc có thể chỉ chấp nhận việc giao kết hợp đồng nhưng không đồng ý với nội dung mà bên đề nghị đã đưa ra. Nghĩa là trong những trường hợp này, người được đề nghị muốn sửa đổi hoặc thay đổi nội dung mà người đề nghị đã đưa ra. Vì vậy, họ sẽ trở thành người đề nghị mới và người đã đề nghị trước đó lại trở thành người được đề nghị. Người đề nghị mới cũng chịu sự ràng buộc của mình về những nội dung đã đề nghị. Sự hoán vị này có thể xảy ra nhiều lần cho đến khi nào các bên thống nhất thoả thuận được với nhau toàn bộ nội dung của hợp đồng thì sẽ đi đến chính thức giao kết hợp đồng.
2. 2. Thực hiện hợp đồng dân sự
a. Khái niệm
Sau khi các bên đã giao kết hợp đồng dưới một hình thức nhất định phù hợp với pháp luật và hợp đồng đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật yêu cầu (quy định tại Điều 122 BLDS) thì hợp đồng có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Nghĩa là từ thời điểm đó, các bên trong hợp đồng bắt đầu có quyền và nghĩa vụ dân sự đối với nhau. Theo nội dung của hợp đồng, các bên lần lượt tiến hành các hành vi mang tính nghĩa vụ đúng với tính chất đối tượng, thời hạn, phương thức và địa điểm mà nội dung của hợp đồng đã xác định.
Vì vậy, thực hiện hợp đồng dân sự là việc các bên tiến hành các hành vi mà mỗi một bên tham gia hợp đồng phải thực hiện nhằm đáp ứng những quyền dân sự tương ứng của bên kia.
b. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự
Khi thực hiện hợp đồng dân sự, các bên phải tuân thủ các nguyên tắc đã được BLDS quy định tại Điều 412:
"1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;
2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;
 3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác".
c. Nội dung thực hiện hợp đồng dân sự
Khi thực hiện hợp đồng dân sự, các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản về đối tượng, địa điểm, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác mà nội dung của hợp đồng đã xác định. Ngoài ra, việc thực hiện hợp đồng dân sự còn phải tuân theo những cách thức mà pháp luật đã quy định đối với từng loại hợp đồng cụ thể sau đây:
- Đối với hợp đồng đơn vụ (Điều 413 BLDS).
Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó đúng thời hạn đã thoả thuận. Việc thực hiện trước hoặc sau thời hạn mà không được sự đồng ý của người có quyền sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng dân sự.
- Đối với hợp đồng song vụ (Điều 414 BLDS)
Trong hợp đồng song vụ, mỗi bên đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến thời hạn. Các bên đều không được lấy lí do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình mà hoãn việc thực hiện nghĩa vụ (trừ trường hợp việc không thực hiện nghĩa vụ của bên kia làm cho bên này không thể thực hiện được nghĩa vụ).
Nếu trong hợp đồng song vụ không xác định bên nào phải thực hiện nghĩa vụ trước thì cùng một lúc, các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau. Mặt khác, để bảo đảm tính công bằng và quyền lợi của các bên trong hợp đồng, pháp luật còn quy định cho bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn việc thực hiện nghĩa vụ đó nếu tài sản của bên kia giảm sút nghiêm trọng đến mức không có khả năng để thực hiện hợp đồng. Khi nào bên kia khôi phục được khả năng để có thể thực hiện được hợp đồng hoặc đã có người bảo lãnh thì người phải thực hiện nghĩa vụ trước tiếp tục thực hiện hợp đồng.
- Đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Trong các hợp đồng này, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó trước người thứ ba khi đến thời hạn. Bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Nếu giữa các bên tham gia hợp đồng đang có tranh chấp về việc thực hiện thì người thứ ba phải tạm dừng quyền yêu cầu cho đến khi tranh chấp được giải quyết.
Nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đó thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ nhưng phải thông báo cho bên có quyền biết và hợp đồng được coi là huỷ bỏ. Nếu sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ mà người thứ ba mới từ chối lợi ích của mình thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành. Vì vậy, bên có quyền vẫn phải thực hiện các vấn đề đã cam kết với bên có nghĩa vụ. Mặt khác, bên có quyền trong giao kết hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên đã thực hiện nghĩa vụ nếu có thiệt hại xảy ra. Ví dụ: Hợp đồng mua bán cho người thứ ba hưởng tài sản mua bán. Sau khi kí hợp đồng mà người bán đã chuyển vật đến nơi cư trú của người thứ ba nhưng họ không nhận, trường hợp này người bán đã hoàn thành nghĩa vụ nhưng vì người thứ ba từ chối tiếp nhận nghĩa vụ và gây thiệt hại cho bên có nghĩa vụ, họ phải vận chuyền hàng hoá trở lại và bảo quản tài sản đã bán đó.
3. SỬA ĐỔI VÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
3. 1. Sửa đổi hợp đồng dân sự
Dù rằng hợp đồng đã được giao kết và có hiệu lực nhưng để việc thực hiện hợp đồng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi bên, các bên vẫn có thể thoả thuận để sửa đổi hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chẳng hạn, các bên giao kết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba không được sửa đổi hợp đồng nếu người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích (được quy định tại Điều 421 BLDS).
Sửa đổi hợp đồng dân sự là việc các bên đã tham gia giao kết hợp đồng bằng ý chí tự nguyện của mình thoả thuận với nhau để phủ nhận (làm thay đổi) một số điều khoản trong nội dung của hợp đồng đã giao kết.
Sau khi hợp đồng đã được sửa đổi, các bên thực hiện hợp đồng theo những phần không bị sửa đổi trong nội dung của hợp đồng trước đó cùng với những nội dung mới được sửa đổi đồng thời, cùng nhau giải quyết những hậu quả khác của việc sửa đổi hợp đồng.
Hình thức ghi nhận việc sửa đổi hợp đồng phải phù hợp với hình thức của hợp đồng đã giao kết. Nghĩa là đối với các hợp đồng thông thường thì việc sửa đổi hợp đồng được ghi nhận bằng hình thức nào là do các bên thoả thuận. Đối với những "hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng kí hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó" (Điều 423 BLDS).
3. 2. Chấm dứt hợp đồng dân sự
Nằm trong quy luật vận động của các sự vật và hiện tượng nói chung, hợp đồng dân sự cũng trải qua các giai đoạn phát sinh, phát triển và chấm dứt. Tuy nhiên, khác với các sự vật, hiện tượng khác, hợp đồng dân sự bao giờ cũng được phát sinh từ những hành vi có ý thức của các chủ thể. Vì vậy, các sự kiện làm chấm dứt một hợp đồng dân sự không phải là các sự biến sinh ra do sự vận động của tự nhiên mà đó là những sự kiện được xuất hiện từ hành vi có ý thức của các chủ thể hoặc do pháp luật quy định. Các căn cứ chấm dứt hợp đồng cũng là căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ theo hợp đồng).
Theo Điều 424 BLDS thì hợp đồng dân sự chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a. Khi hợp đồng đã được hoàn thành
Khi các bên tham gia hợp đồng đã thực hiện toàn bộ nội dung của nghĩa vụ và do vậy, mỗi bên đều đã đáp ứng được quyền dân sự của mình thì hợp đồng được coi là hoàn thành.
b. Hợp đồng được chấm dứt theo thoả thuận của các bên
Trong những trường hợp bên có nghĩa vụ không có khả năng để thực hiện hợp đồng hoặc nếu hợp đồng được thực hiện sẽ gây ra tổn thất lớn về vật chất cho một hoặc cả hai bên thì các bên có thể thoả thuận chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng đã giao kết được coi là chấm dứt tại thời điểm các bên đạt được sự thoả thuận nói trên.
c. Hợp đồng sẽ chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc các chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể đó thực hiện
Cần phải hiểu rằng không phải trong mọi trường hợp cứ cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc các tổ chức khác giao kết hợp đồng chấm dứt thì hợp đồng đều được coi là chấm dứt. Theo căn cứ trên thì chỉ những hợp đồng nào mà do tính chất của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó hoặc do các bên đã thoả thuận trước là người có nghĩa vụ phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đó hay chỉ người có quyền mới được hưởng lợi ích phát sinh từ hợp đồng thì khi họ chết, hợp đồng mới chấm dứt. Chẳng hạn, A kí kết một hợp đồng với hoạ sĩ tạo hình là B. Theo đó B. phải hoàn thành cho A một bức tượng nghệ thuật tại vườn cảnh nhà A. Nếu hợp đồng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa xong mà B chết thì hợp đồng đó đương nhiên chấm dứt.
d. Hợp đồng chấm dứt khi một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
Ngoài việc hợp đồng được chấm dứt theo các căn cứ quy định tại Điều 424 BLDS thì hợp đồng còn chấm dứt khi một bên đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng. Khi có một bên vi phạm hợp đồng thì bên kia có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Việc đơn chấm dứt thực hiện hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 426 BLDS. Khi đơn phương đình chỉ hợp đồng thì phần hợp đồng chưa thực hiện sẽ chấm dứt, nghĩa là hợp đồng được coi là chấm dứt kể từ thời điểm bên vi phạm nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng từ bên bị vi phạm. Khi hợp đồng bị chấm dứt, bên có nghĩa vụ không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng các bên phải thanh toán phần hợp đồng đã được thực hiện.
đ. Hợp đồng chấm dứt khi một bên huỷ bỏ hợp đồng
Nhằm nâng cao tính kỉ luật trong việc thực hiện hợp đồng, pháp luật cho phép các bên trong hợp đồng được thoả thuận về việc một bên có quyền huỷ hợp đồng nếu bên kia vi phạm hợp đồng. Vì vậy, trong những trường đó thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền đơn phương huỷ hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại. Khi một bên huỷ hợp đồng thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên phải hoàn trả cho nhau những tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng vật thì phải hoàn trả bằng tiền.
e. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại
Trong những trường hợp đối tượng của hợp đồng là một vật đặc định hoặc đơn chiếc mà do bị mất hoặc bị tiêu huỷ hay các lí do khác nên vật đó không còn thì hợp đồng đó đương nhiên được coi là chấm dứt vào thời điểm vật là đối tượng của hợp đồng không còn. Tuy nhiên, các bên có thể thoả thuận vẫn duy trì hợp đồng đó bằng cách thay thế vật không còn bằng một vật khác.


LIKE and Share this article: :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Tổng số lượt xem trang

Blogger news

Blogroll

About