Pages

Cá nhân - pháp nhân

Chương I. Cá nhân

 Cá nhân luôn có lý lịch dân sự cho phép phân biệt với cá nhân khác. Sự tồn tại của tư cách chủ thể quan hệ pháp luật của cá nhân lệ thuộc vào một số điều kiện. Mặt khác, ta biết rằng trên nguyên tắc, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật ngang nhau và, một cách ngoại lệ, một cá nhân nào đó có thể mất năng lực pháp luật trong một hoặc nhiều quan hệ đặc thù; trái lại, không phải mọi cá nhân đều có năng lực hành vi ngang nhau và có những cá nhân ở trong tình trạng mất năng lực hành vi tổng quát hoặc có năng lực hành vi không đầy đủ (gọi chung là không có năng lực hành vi): luật xác định rằng người không có năng lực hành vi cần được bảo vệ. Cuối cùng, có những cá nhân, dù đã thành niên, ở trong tình trạng suy đồi về nhân cách: luật nói rằng những cá nhân này có thể ở bị đặt trong tình trạng bị hạn chế năng lực hành vi để các giao dịch của họ được giám sát nhằm tránh gây thiệt hại cho người khác, cũng như để bảo vệ quyền lợi của chính họ trong điều kiện những quyền lợi ấy có nguy cơ bị hy sinh trong những giao dịch được xác lập một cách thiếu cân nhắc.


Mục I.  Lý lịch dân sự của cá nhân


Lý lịch dân sự của cá nhân hình thành từ ba yếu tố: họ và tên, hộ tịch, và nơi cư trú.

I. Họ và tên


Khái niệm. Họ và tên là danh xưng bắt buộc mà một cá nhân phải có để phân biệt với những những cá nhân khác, nhất là khi được xướng lên ở nơi công cộng. Họ và tên bao gồm hai phần: họ, để chỉ định nguồn gốc gia đình; tên (đúng ra là tên và chữ lót hoặc tên đệm), để chỉ định một người không phải là một người khác. Tất nhiên, chỉ họ và tên thôi chưa đủ để phân biệt các cá nhân trong tất cả mọi trường hợp; nhưng rõ ràng, trong hầu hết các quá trình giao tiếp phổ thông, họ và tên là công cụ phân biệt hữu hiệu nhất.   

1. Quyền được đặt họ và tên

Mỗi người có quyền có họ và tên. Nguyên tắc này được chính thức thừa nhận trong luật viết (BLDS Ðiều 28 khoản 1). Quyền có họ và tên được hiểu như quyền được gọi, được xưng hô, quyền tự xưng bằng họ và tên, trong quan hệ với người khác. Tương ứng với quyền có họ và tên, mỗi người có nghĩa vụ có họ và tên: Nghĩa vụ có họ và tên được xác lập trong mối quan hệ giữa cá nhân và Nhà nước: cá nhân phải có họ và tên, vì điều đó cần thiết cho việc quản lý dân cư, cho việc quản lý hộ tịch và lý lịch tư pháp của cá nhân.  

Sử dụng họ và tên. Theo BLDS Ðiều 28 khoản 2, cá nhân xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Thực ra, cá nhân có nghĩa vụ sử dụng họ và tên thật của mình không chỉ trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự. Cá nhân chỉ được phép sử dụng họ và tên khác, không phải là họ và tên được ghi trong chứng thư khai sinh, trong những trường hợp mà luật không cấm. Ðặc biệt, họ và tên thật phải được sử dụng trong các giấy tờ giao dịch với cơ quan Nhà nước.
  
2. Ðặt họ

Nguyên tắc lấy họ cha. Cá nhân, khi sinh ra, được mang họ cha. Trong một số cộng đồng dân tộc ít người ở Việt Nam có thể tồn tại tục lệ cho con lấy họ mẹ. Bởi vậy, BLDS Ðiều 55 khoản 1 quy định rằng “họ của trẻ sơ sinh là họ của người cha hoặc họ của người mẹ theo tập quán...”. Dẫu sao, tục lệ lấy họ mẹ không phổ biến; điều đó có nghĩa rằng tục lệ lấy họ cha mang tính nguyên tắc.
  
Ðặt họ cho trẻ bị bỏ rơi. Luật viết hiện hành không có quy định về việc đặt họ cho trẻ bị bỏ rơi. Trong trường hợp có người nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, thì theo quy định của luật, họ và tên của người nhận nuôi được ghi vào các ô dành cho cha, mẹ trong giấy khai sinh (Nghị định số ngày Ðiều 21 đoạn chót). Ðiều đó cho phép nghĩ rằng trẻ bị bỏ rơi trong trường hợp này sẽ mang họ của người cha nuôi (nếu có đủ cha, mẹ nuôi hoặc chỉ có cha nuôi) hoặc họ của mẹ nuôi (nếu chỉ có mẹ). Nhưng trong trường hợp không có ai nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, thì cơ quan hộ tịch vẫn phải đăng ký khai sinh: hẳn khi đó chính cá nhân, tổ chức nhận nuôi dưỡng cùng với cơ quan hộ tịch phải chọn cho trẻ bị bỏ rơi một họ, theo tập quán của nơi đăng ký khai sinh[1][2]. Thông thường, họ được lựa chọn trong trường hợp này là họ được mang bởi đa số hoặc nhiều cư dân trong vùng nơi phát hiện đứa trẻ hoặc bơi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ.    

B. Thay đổi họ và tên                        

Thay đổi họ. Theo khoản 1 Ðiều 29 BLDS, việc thay đổi họ được cho phép trong những trường hợp sau đây: 1 - Theo yêu cầu của đương sự, mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của mình; 2 - Theo yêu cầu của cha, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ tên mà cha, mẹ đẻ đã đặt; 3 - Theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; 4 - Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại; 5 - Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc từ nhỏ mà tìm ra nguồn gốc truyền thống của mình; 5 - Các trường hợp khác do pháp luật quy định. Luật nói thêm rằng việc thay đổi họ, tên cho người có đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Ta có nhận xét:

- Việc thay đổi họ, trong luật Việt Nam, chỉ được thực hiện trên cơ  sở có yêu cầu của những người có liên quan chứ không bao giờ là hệ quả đương nhiên của một giao dịch hoặc một sự kiện pháp lý (ví dụ, nhận con nuôi).
- Trường hợp thứ nhất ghi trên, theo tập quán, chỉ được áp dụng đối với việc thay đổi tên: “họ” trước hết là một giá trị tinh thần, giá trị đạo đức; thay đổi họ với lý do rằng mang một họ nào đó, thì sẽ bị mất danh dự... là một thái độ phủ nhận nguồn gốc và bị coi như phi đạo đức.
- Việc thay đổi họ của người dưới 18 tuổi được thực hiện theo đơn yêu cầu của cha, mẹ (Nghị định số 83-CP ngày 10/10/1998 Điều 53 khoản 2). Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên, thì phải có sự đồng ý của người đó (cùng điều luật).   

Thay đổi tên. Việc thay đổi tên được cho phép trong những trường hợp  tương tự như đối với việc thay đổi họ. Việc thay đổi tên thường được yêu cầu trong trường hợp thứ nhất của khoản 1 Ðiều 29 BLDS; trong các trường hợp còn lại, các yêu cầu thường chỉ dừng lại ở việc thay đổi họ.

Thủ tục. Trong luật Việt Nam hiện hành, việc thay đổi họ, tên được thực hiện trong khuôn khổ thủ tục điều chỉnh chứng thư khai sinh về phần họ tên. Điều đó có nghĩa rằng cơ quan có quyền cho phép thay đổi họ tên là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền (đúng hơn là UBND tỉnh nơi đăng ký khai sinh)[2][7].

Người muốn xin thay đổi họ, tên phải lập một bộ hồ sơ xin thay đổi nội dung chứng thư hộ tịch (đúng hơn là chứng thư khai sinh), bao gồm: đơn xin thay đổi họ, tên, bản chính giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình của người có đơn yêu cầu, chứng minh nhân dân và các giấy tờ cần thiết khác theo quy định tại Điều 29 BLDS. Trong trường hợp không có các giấy tờ này thì phải có giấy tờ hợp lệ khác thay thế. Đơn xin thay đổi họ, tên phải nêu rõ lý do và có xác nhận của UBND xã nơi cư trú, cũng như UBND xã nơi đăng ký khai sinh.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, UBND tỉnh phải ra quyết định của mình. Nếu xét thấy việc thay đổi họ, tên là có lý do chính đáng, thì UBND quyết định cho phép thay đổi họ, tên. Quyết định cho phép thay đổi họ, tên được Sở tư pháp ghi vào sổ đăng ký thay đổi họ, tên và được ghi nhận trên bản chính giấy khai sinh của đương sự.    

II. Hộ tịch

Tình trạng nhân thân và chứng thư hộ tịch. Cá nhân được phân biệt với cá nhân khác bằng việc xác định những yếu tố tạo thành tình trạng nhân thân. Quan niệm cổ điển chỉ coi như chất liệu của tình trạng nhân thân những yếu tố gắn liền cá nhân với Nhà nước và gia đình: quốc tịch, quan hệ cha-con, mẹ-con và quan hệ vợ chồng. Trong quan niệm hiện đại, các yếu tố cấu thành tình trạng nhân thân rất đa dạng: tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, tình trạng hôn nhân và gia đình, dân tộc, quốc tịch,... Một số yếu tố cơ bản của tình trạng nhân thân được chính thức ghi nhận trong những giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập, gọi là chứng thư hộ tịch.

Khái niệm chứng thư hộ tịch. Ðó là văn bản do cơ quan Nhà nước lập nhằm ghi nhận những sự kiện đáng chú ý nhất trong đời sống dân sự của cá nhân. Ba loại chứng thư hộ tịch quan trọng nhất là giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và giấy chứng tử.

 Lập chứng thư hộ tịch

1. Những người tham gia vào việc lập chứng thư hộ tịch

Người lập chứng thư hộ tịch. Người lập chứng thư hộ tịch là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Nghị định số 83-CP ngày 10/10/1998, khi quy định rằng Chủ tịch UBND có quyền ký và cấp các chứng thư hộ tịch, không dự liệu khả năng ủy quyền của Chủ tịch UBND cho một người khác để ký chứng thư hộ tịch. Tuy nhiên, trong thực tiễn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thường uỷ quyền cho Giám đốc Sở tư pháp ký các chứng thư hộ tịch chỉ liên quan đến công dân việt Nam.  

Sở Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo chứng thư hộ tịch do Chủ tịch UBND tỉnh ký và lập, lưu trữ sổ đăng ký hộ tịch. Cán bộ hộ tịch tư pháp là người soạn thảo chứng thư hộ tịch do Chủ tịch UBND xã ký và lập, lưu trữ sổ đăng ký hộ tịch.   

Người khai. Người khai là người đến cơ quan đăng ký hộ tịch để xác nhận với người lập chứng thư hộ tịch về việc xảy ra sự kiện cần được ghi nhận bằng chứng thư hộ tịch. Trong việc đăng ký kết hôn, người khai là những người kết hôn. Trong việc khai sinh và khai tử, người khai là người thân tích của người có tên trong chứng thư hộ tịch hoặc một cơ quan, tổ chức có trách nhiệm theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người làm chứng. Vai trò của người làm chứng chỉ được ghi nhận trong thủ tục lập một vài loại chứng thư hộ tịch.

- Làm chứng việc đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi - Ðăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi là một thủ tục đặc biệt được cho phép trong trường hợp việc đăng ký hộ tịch đã được thực hiện, như bản chính chứng thư hộ tịch và sổ gốc đã bị mất hoặc hư hỏng mà không sử dụng được (Nghị định số 83-CP ngày 10/10/1998 Ðiều 63). Người xin đăng ký lại phải làm đơn có xác nhận của hai người làm chứng.(Ðiều 65).
- Làm chứng việc khai tử cho người chết không rõ tung tích - Người phát hiện người chết không rõ tung tích phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Công an cơ sở nơi có người chết để lập biên bản xác nhận tình trạng người chết không rõ tung tích (Nghị định đã dẫn Ðiều 31). Biên bản phải có chữ ký của người phát hiện ra người chết không rõ tung tích, đại diện Công an xã, đại diện ủy ban nhân dân và hai người làm chứng (cùng điều luật).
- Làm chứng cho việc nhận con - Trong trường hợp một người (chưa nộp đơn xin nhận con) mà tính mạng bị cái chết đe dọa do bịnh tật hoặc do các nguyên nhân khác, không thể đến ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu công nhận người khác là con mình, thì đơn được thay thế bằng văn bản có xác nhận của hai người làm chứng về nguyện vọng nhận con của người đó (Nghị định đã dẫn Ðiều 48). 

Người làm chứng phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Ðiều 19 Nghị định đã dẫn, tức là phải:  1 - Ðủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; 2 - Biết rõ sự việc liên quan đến việc làm chứng; 3 - Không có quyền và lợi ích liên quan đến việc làm chứng. Cần lưu ý rằng người làm chứng chỉ ký vào các giấy tờ có tác dụng thiết lập hồ sơ xin đăng ký hộ tịch, không ký vào chứng thư hộ tịch. 
       
2. Các quy định riêng về việc lập giấy khai sinh

Khai việc sinh. Người khai việc sinh, trên nguyên tắc, là cha, mẹ hoặc người thân thích của người được khai sinh (BLDS Ðiều 55 khoản 2). Trường hợp trẻ bị bỏ rơi, thì người khai sinh là cá nhân, tổ chức nhận hoặc được chỉ định tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ đó (BLDS Ðiều 56 khoản 2). 
Việc khai sinh phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày sinh của trẻ; đối với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì thời hạn này là 60 ngày. Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, thì việc khai sinh phải được cá nhân, tổ chức nhận nuôi dưỡng thực hiện sau 30 ngày, kể từ ngày phát hiện mà không tìm được cha, mẹ (Nghị định đã dẫn Điều 21).
Trong trường hợp khai sinh trễ hạn hoặc khai lại việc sinh, thì, mặc dù luật không quy định rõ, có thể tin rằng người phải khai vẫn là cha, mẹ, người thân thích, người đại diện theo pháp luật của người được khai sinh hoặc chính người được khai sinh, nếu người này có đủ năng lực hành vi.


3. Các quy định riêng về việc lập giấy chứng tử

Khai việc tử. Người khai việc tử là người thân thích, chủ nhà hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi có người chết (BLDS Ðiều 60 khoản 1). Việc khai tử phải được thực hiện trong vòng 48 giờ kể từ khi người đó chết (Nghị định đã dẫn Ðiều 28). Ðối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì thời hạn trên không quá 15 ngày (cùng điều luật). Nếu việc khai tử được thực hiện trên cơ sở có quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết, thì người khai tử cũng chính là người đã yêu cầu Toà án ra quyết định đó. Người khai tử phải xuất trình được giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Ðiều 33 Nghị định đã dẫn.

Trong trường hợp người chết không rõ tung tích, thì, một khi được phát hiện, người phát hiện phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Công an cơ sở nơi có người chết để lập biên bản xác nhận tình trạng người chết không rõ tung tích, như đã biết. Trong thời hạn 72 giờ, kể từ khi phát hiện người chết, nếu không tìm được người thân thích và được phép của Công an cấp có thẩm quyền, thì UBND nơi có người chết thực hiện việc khai và đăng ký khai tử cùng một lúc (cùng Ðiều 28).

Nội dung giấy chứng tử. Giấy chứng tử được lập theo mẫu do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý việc phát hành. Ngày và nơi chết của người chết không rõ tung tích, nếu không xác định được, thì được quy ước là ngày và nơi lập biên bản (Ðiều 34). Ngày chết của người được Toà án ra quyết định tuyên bố là đã chết do Toà án xác định (BLDS Ðiều 91 khoản 2); nếu không xác định được, thì ngày chết được quy ước là ngày quyết định liên quan có hiệu lực pháp luật (cùng điều luật).    

4. Các quy định riêng về việc lập giấy chứng nhận kết hôn

Khai đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam sống tại Việt Nam. Các bên kết hôn phải lập tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý việc phát hành. Tờ khai phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác (đối với cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân) hoặc của UBND xã nơi cư trú (đối với nhân dân) của mỗi bên (Nghị định đã dẫn Ðiều 23). Việc xác nhận tình trạng hôn nhân này có giá trị không quá ba mươi ngày (cùng điều luật). Trong trường hợp một trong hai bên hoặc cả hai bên đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hay người kia đã chết, thì phải nộp bản sao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án về việc cho ly hôn hoặc bản sao giấy chứng tử (cùng điều luật).

Các bên kết hôn phải tự mình nộp tờ khai đăng ký kết hôn tại UBND xã nơi cư trú của một trong hai bên, trừ trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng, có xác nhận của UBND xã nơi cư trú của người vắng mặt (Nghị định đã dẫn Ðiều 22 và 23).

Sau khi nhận đủ hồ sơ, UBND phải tiến hành xác minh và niêm yết công khai việc xin đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND trong vòng bảy ngày (Nghị định đã dẫn Ðiều 24). Việc xác minh nhằm bảo đảm rằng việc kết hôn không vi phạm các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Nếu cần xác minh thêm, thì thời hạn kéo dài không quá 7 ngày (cùng điều luật). Việc đăng ký kết hôn chỉ được tiến hành, nếu quá thời hạn trên mà không có ai phản đối việc kết hôn của các đương sự.

Khai đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Gọi là kết hôn có yếu tố nước ngoài, việc kết hôn giữa công dân Việt nam vối công dân nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà có một bên đang định cư ở nước ngoài, và giữa công dân nước ngoài đang sống tại Việt Nam với nhau[3][10]. Theo đó:

- Cơ quan đăng ký kết hôn là UBND tỉnh;
- Không có thủ tục niêm yết; thay vào đó là thủ tục xác minh do Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan Công an thực hiện. Nội dung xác minh tất nhiên cũng xoay quanh những điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp đặc thù, việc xác minh còn nhằm làm rõ những hậu quả có thể có của việc kết hôn đối với an ninh quốc gia.     

Nội dung giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được lập theo mẫu do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý việc phát hành. Ngày kết hôn là ngày tiến hành lễ đăng ký kết hôn tại UBND xã (ngày UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đối với việc kết hôn có yếu tố nước ngoài). Giấy chứng nhận kết hôn phải có chữ ký của các bên kết hôn. 

  Thay đổi, cải chính nội dung chứng thư hộ tịch

Khái niệm. Thay đội nội dung chứng thư hộ tịch là việc sửa đổi các ghi chép trong chứng thư đó, một khi có lý do chính đáng hoặc trong những trường hợp khác được pháp luật thừa nhận. Cải chính nội dung chứng thư hộ tịch là việc làm cho các chi tiết trong chứng thư phù hợp với sự thật hoặc hợp lý hơn. 

Chứng thư hộ tịch được phép thay đổi, cải chính và nội dung thay đổi, cải chính được phép. Luật hiện hành chỉ dự liệu việc thay đổi, cải chính hộ tịch đối với chứng thư khai sinh. Tất nhiên, một khi nội dung chứng thư khai sinh thay đổi hoặc được cải chính, thì các giấy tờ hộ tịch khác cũng phải được điều chỉnh trên cơ sở áp dụng quy định tại Ðiều 55 Nghị định số 83-CP đã dẫn. Vấn đề là phải làm thế nào trong trường hợp Giấy khai sinh không thay đổi cũng không có cải chính, nhưng các chứng thư hộ tịch khác lại có những chi tiết không phù hợp với Giấy khai sinh (ví dụ: Giấy chứng nhận kết hôn ghi tên, họ hoặc ngày sinh, nơi sinh không đúng so với giấy khai sinh)? Có lẽ, trong trường hợp này, vẫn phải dựa vào Ðiều 55 Nghị định đã dẫn để điều chỉnh các chứng thư hộ tịch khác, trên cơ sở đối chiếu nội dung của các chứng thư đó với nội dung của giấy khai sinh[4][11]. Mặt khác, Ðiều 55 chỉ nói về việc điều chỉnh các giấy tờ liên quan của người có hộ tịch được thay đổi, cải chính; nhưng nếu các dữ kiện được thay đổi, cải chính được ghi nhận trong giấy tờ của người khác, thì các giấy tờ của người sau này cũng phải được điều chỉnh (ví dụ: nếu tên cha được thay đổi, thì tên cha ghi trên Giấy khai sinh của con phải được điều chỉnh).    

Ðối tượng thay đổi bao gồm họ, tên, chữ đệm; đối tượng cải chính bao gồm họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh. Dân tộc của một người, nếu được xác định không đúng, có thể được xác định lại. Nơi sinh không được liệt kê trong các đối tượng được cải chính. Nói chung, các đối tượng có thể được cải chính rất giới hạn, trong khi bất kỳ ghi nhận nào trong chứng thự hộ tịch cũng có thể sai. Không thể nói rằng những chi tiết nào trong giấy khai sinh mà không thể được cải chính hoặc điều chỉnh, thì có thể được sửa chữa trong trường hợp có sai sót, theo thủ tục thông thường: làm thế nào lý giải những cách xử lý không giống nhau đối với các ghi chép khác nhau trên cùng một chứng thư hộ tịch ? Hẳn pháp luật về hộ tịch còn cần được hoàn thiện ở điểm này.  


Người yêu cầu thay đổi, cải chính.  Người có tên trong Giấy khai sinh có quyền yêu cầu thay đổi cải chính hộ tịch cho mình. Trong trường hợp người này chưa đủ 18 tuổi hoặc đã thành niên mà không có năng lực hành vi, thì việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người này do cha, mẹ hoặc người giám hộ yêu cầu (Nghị định đã dẫn Ðiều 53 khoản 2). Ðối với người chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó (cùng điều luật).  

Thẩm quyền và thủ tục thay đổi, cải chính. Cơ quan có thẩm quyền cho phép việc thay đổi, cải chính là UBND tỉnh nơi cư trú hoặc nơi đăng ký khai sinh của người có đơn yêu cầu (Nghị định đã dẫn Ðiều 52).

Người có yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch phải nộp đơn kèm theo các giấy tờ cần thiết do luật quy định[5][12]. Ðơn phải nói rõ lý do và các nội dung xin thay đổi, cải chính, có xác nhận của UBND xã nơi người yêu cầu cư trú (Nghị định đã dẫn Ðiều 53 khoản 1). Trong trường hợp nơi nộp đơn không phải là nơi đăng ký khai sinh, thì đơn phải có xác nhận của UBND xã nơi đăng ký khai sinh (cùng điều luật).

Thời hạn giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sờ hợp lệ (Ðiều 53 khoản 2). Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch được đăng ký vào sổ đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch do Sở tư pháp giữ và được ghi nhận trên bản chính giấy khai sinh của đương sự.


III. Nơi cư trú

Sự cần thiết của việc xác định nơi cư trú. Hộ tịch giúp phân biệt một cá nhân với một cá nhân khác. Nhưng để xác lập và thực hiện các giao dịch với người khác, cá nhân phải ở trong tình trạng có thể được liên lạc. Cá nhân không liên lạc được không thể được coi là chủ thể hiện thực của quyền và nghĩa vụ pháp lý: người ta sẽ không biết làm thế nào gọi người đó đến để tiếp nhận việc thực hiện một nghĩa vụ hoặc để đáp ứng quyền yêu cầu của một người khác.   

Trong quan niệm truyền thống, đời sống pháp lý của cá nhân nhất thiết phải gắn với một nơi chốn nào đó. Luật gọi nơi chốn đó là nơi cư trú. Chế định nơi cư trú là biện pháp định vị cá nhân trong không gian, về phương diện pháp lý. Nơi cư trú phải là một điểm cố định trên lãnh thổ chứ không thể là một điểm di động. Điều đó cũng có nghĩa rằng mỗi người chỉ có một nơi cư trú: một người có nơi cư trú tại nhiều hơn một điểm cố định coi như luôn di động giữa các điểm cố định đó.    
  
Xác định nơi cư trú dựa vào quan hệ quản lý hành chính về trật tự xã hội

Nơi cư trú, trên nguyên tắc, là nơi đăng ký thường trú. Theo BLDS Ðiều 48 khoản 1, nơi cư trú của một cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu thường trú. Quy  tắc này có lẽ được áp dụng chủ yếu đối với người có đầy đủ năng lực hành vi hoặc từ đủ mười lăm tuổi trở lên và được phép có nơi cư trú riêng trong những trường hợp dự liệu tại các Ðiều 49 khoản 2 và 50 khoản 2 BLDS: người chưa thành niên dưới 15 tuổi có thể đăng ký thường trú nơi một nơi khác với nơi đăng ký thường trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ, nhưng luôn có nơi cư trú (theo luật) trùng với nơi cư trú của những người sau này.

Trường hợp cá nhân không có nơi đăng ký thường trú. Nếu cá nhân không có đăng ký thường trú ở bất kỳ nơi nào nhưng lại thường xuyên sinh sống ở một nơi, thì hẳn nơi này phải được coi là nơi cư trú của đương sự. Nếu cá nhân không có hộ khẩu thường trú và không có nơi thường xuyên sinh sống, thì nơi cư trú của người đó là nơi tạm trú và có đăng ký tạm trú (BLDS Ðiều 48 khoản 1).

Trong trường hợp cá nhân không có hộ khẩu thường trú, không có nơi thường xuyên sinh sống và cũng không đăng ký tạm trú ở một nơi nào đó, thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống, làm việc hoặc nơi có tài sản hoặc nơi có phần lớn tài sản, nếu tài sản của người đó ở nhiều nơi (BLDS Ðiều 48 khoản 2).
  
Lợi ích của việc lựa chọn nơi cư trú có giới hạn: không có tranh chấp liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, nơi cư trú được lựa chọn là địa điểm liên lạc, trao đổi thông tin giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng; có tranh chấp và cần đến vai trò của Toà án, thì “Toà án nơi cư trú” được hiểu là Toà án nơi cư trú được lựa chọn theo thoả thuận và các giấy tờ, tài liệu được tống đạt, chuyển giao cho đương sự trong vụ án đến nơi cư trú được lựa chọn ấy. Trong mọi trường hợp, việc lựa chọn nơi cư trú để thực hiện hợp đồng không có hiệu lực đối với người thứ ba. Mặt khác, việc thay đổi nơi cư trú đã được lựa chọn chỉ có thể được thực hiện với sự thoả thuận của các bên giao kết hợp đồng. Và một khi nghĩa vụ theo hợp đồng chấm dứt, thì nơi cư trú được lựa chọn cũng biến mất.                    

Mục II. Tư cách chủ thể quan hệ pháp luật của cá nhân 

Trên nguyên tắc, cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật từ khi được sinh ra cho đến khi chết. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp ngoại lệ, luật có thể thừa nhận tư cách chủ thể quan hệ pháp luật của cá nhân trước khi cá nhân sinh ra hoặc phủ nhận tư cách đó ngay trong lúc cái chết sinh học của cá nhân còn chưa được xác định rõ. 

A - Cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật trước khi sinh ra

Tư cách chủ thể có điều kiện đối với một vài quan hệ pháp luật đặc thù. Có một nguyên tắc được quán triệt trong luật La-tinh và cũng được chấp nhận trong luật thực định Việt Nam: trẻ thành thai coi như sinh ra mỗi khi sự suy đoán đó có lợi cho trẻ ấy. Với nguyên tắc đó, cá nhân đã thành thai mà chưa sinh ra có thể hưởng một số quyền. Ví dụ: con đã thành thai trước khi người để lại di sản chết là người thừa kế của người chết, nếu sinh ra và còn sống (BLDS Ðiều 638 khoản 1). Song, tư cách chủ thể quan hệ pháp luật của cá nhân trong trường hợp này luôn lệ thuộc vào điều kiện: cá nhân phải sinh ra và còn sống. Nếu không sinh ra hoặc sinh ra mà không còn sống, cá nhân coi như không bao giờ tồn tại như là chủ thể của quan hệ pháp luật. Mặt khác, tư cách chủ thể đó chỉ được thừa nhận cho một vài quan hệ pháp luật được luật xác định rõ, không phải cho tất cả quan hệ pháp luật. Tư cách chủ thể quan hệ pháp luật của người chưa được sinh ra là tư cách chủ thể không hoàn hảo.

Thế nào là cá nhân sinh ra và còn sống ? Theo BLDS Điều 60 khoản 2, trẻ sơ sinh, nếu chết sau khi sinh, thì phải được khai sinh và khai tử; nếu chết trước khi sinh hoặc sinh ra mà chết ngay, thì không phải khai sinh và khai tử. Có thể nhận thấy rằng luật thực định Việt Nam có xu hướng dựa vào chế định đăng ký khai sinh để thiết lập chứng cứ không thể đảo ngược về sự tồn tại của trẻ sơ sinh còn sống: được đăng ký khai sinh, trẻ được coi như sinh ra và còn sống, dù có thể chết ít lâu sau đó. Theo Nghị định số 83-CP ngày 10/10/1998 Điều 20, trẻ em sinh ra sống được 24 giờ trở lên rồi mới chết, thì phải đăng ký khai sinh[6][14].   

B. Cá nhân không còn là chủ thể quan hệ pháp luật ngay trong lúc cái chết sinh học chưa được ghi nhận

1.  Mất một phần tư cách chủ thể: cá nhân mất tích

Khái niệm. Cá nhân biệt tích mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết, gọi là cá nhân mất tích. Không chắc chắn về số phận của đương sự, đó là nét đặc trưng của tình trạng mất tích.

Sự mất tích có thể được duy trì không hạn định trong thời gian như là một tình trạng thực tế, chứ không phải là một tình trạng pháp lý, nếu không có ai yêu cầu Toà án ra một quyết định tuyên bố mất tích. Cả khi có người yêu cầu Toà án làm việc đó, thì không phải lúc nào Toà án cũng ra quyết định tuyên bố mất tích: tình trạng mất tích, với tư cách là một sự kiện pháp lý, có hai cấp độ - vắng mặt và mất tích.

a. Vắng mặt

Ðịnh nghĩa. Ðược coi là vắng mặt người biệt tích trong sáu tháng liền (BLDS Ðiều 84). Biệt tích, nghĩa là đương sự không còn xuất hiện ở nơi cư trú và cũng không để lại tin tức. Tình trạng vắng mặt không được xác nhận bằng một quyết định của Toà án. Khi có đơn yêu cầu, Toà án, trên cơ sở thừa nhận các bằng chứng về việc đương sự biệt tích từ sáu tháng liên tục trở lên, sẽ ra thông báo tìm kiếm đương sự theo các quy  định của pháp luật về tố tụng dân sự và chính thông báo này đặt cơ sở cho việc áp dụng các quy tắc chi phối tình trạng vắng mặt của cá nhân.

Các quy tắc chi phối tình trạng vắng mặt của cá nhân.

Về phương diện gia đình, nếu người vắng mặt có con chưa thành niên, thì con được đặt dưới sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ còn lại. Nếu không còn cha hoặc mẹ, thì, dù luật không quy định, con chưa thành niên phải có người giám hộ. Nếu người vắng mặt có vợ (chồng), thì tình trạng vắng mặt không ảnh hưởng đến việc duy trì quan hệ hôn nhân; vợ hoặc chồng của người vắng mặt không có quyền xin ly hôn chỉ vì mỗi lý do vắng mặt của người sau này.

Về phương diện tài sản, người vắng mặt được đại diện bởi người quản lý tài sản được Toà án chỉ định theo các quy định tại khoản 1 và khoản Ðiều 85 BLDS:

- Ðối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý, thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;
- Ðối với tài sản chung, thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
- Tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý, thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý;
- Nếu không có người được quy định như trên, thì Toà án chỉ định một người trong số người thân thích quản lý tài sản của người vắng mặt; nếu không có người thân thích, thì Toà án chỉ định một người khác quản lý tài sản.

b. Mất tích

Ðịnh nghĩa. Ðược coi là mất tích người đã biệt tích (khỏi nơi cư trú) từ hai năm liên tục trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Vậy có nghĩa rằng tình trạng mất tích chỉ được xác nhận về phương diện pháp lý sau khi tình trạng vắng mặt đã được xác nhận do hiệu lực của việc thực hiện các biện pháp thông báo, tìm kiếm của Toà án. Vả lại, việc xác nhận mất tích  không đương nhiên mà phải trên cơ sở có đơn yêu cầu và có đủ các điều kiện để xác nhận theo quy định của luật, đặc biệt là điều kiện về thời gian biệt tích liên tục. Người yêu cầu tuyên bố mất tích phải là người có quyền và lợi ích liên quan, ví dụ, vợ (chồng).  

Một khi các chứng cứ về tình trạng mất tích được chấp nhận, Toà án ra quyết định tuyên bố mất tích đối với người vắng mặt.

Hiệu lực của quyết định tuyên bố mất tích. Quyết định tuyên bố mất tích hình như có hiệu lực ngay lập tức và không thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Về phương diện gia đình, việc một người bị tuyên bố mất tích làm phát sinh các hệ quả tương tự như trong trường hợp một người được xác nhận là vắng mặt: nếu người này có vợ hoặc chồng và con chưa thành niên, thì con chưa thành niên được đặt dưới sự chăm sóc của vợ hoặc chồng; nếu con chưa thành niên không còn cha hoặc mẹ bên cạnh, thì chế độ giám hộ được áp dụng... Nhưng khác với vợ hoặc chồng của người vắng mặt, vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích có thể xin ly hôn vì lý do mất tích của người sau này (BLDS Ðiều 88 khoản 2).

Về phương diện tài sản, tình trạng mất tích chịu sự chi phối của cùng các quy tắc như tình trạng vắng mặt (Ðiều 89). Tuy nhiên, trong trường hợp người quản lý tài sản của người mất tích là người trước đây được uỷ quyền, thì việc uỷ quyền chấm dứt (BLDS Điều 594 khoản 4) và do đó chắc chắn người này chỉ còn lại những quyền năng hạn chế của một người quản lý tài sản của người mất tích, theo quy định tại Điều 86 và 87.   

Huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích. Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, thì Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích, theo yêu cầu của người đó hoặc của bất kỳ người nào có quyền và lơi ích liên quan (Ðiều 90 khoản 1).

Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao, sau khi đã thanh toán chi phí quản lý (Ðiều 90 khoản 2). Nhưng trong trường hợp vợ hoặc chồng của người mất tích đã ly hôn theo một bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, thì quan hệ hôn nhân vẫn không thể được khôi phục: nếu muốn thiết lập lại quan hệ đó, hai người phải tiến hành lại thủ tục kết hôn. 

 Mất hẳn tư cách chủ thể: cá nhân bị tuyên bố là đã chết

Ðịnh nghĩa. Cá nhân có thể bị tuyên bố là đã chết bằng một quyết định của Toà án, theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, trong những trường hợp sau đây (BLDS Ðiều 91 khoản 1):

- Sau ba năm, kể từ ngày có quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức là còn sống;
- Mất tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà không có tin tức là còn sống;
- Bị tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt mà vẫn không có tin tức là còn sống, trừ trường hợp  pháp luật có quy định khác về thời hạn;
- Biệt tích đã năm năm và không có tin tức là còn sống hoặc đã chết; thời hạn năm năm được tính theo quy định tại khoản 1 Ðiều 88 BLDS;

Trên cơ sở có quyết định tuyên bố là đã chết, người có quyền và lợi ích liên quan phải tiến hành đăng ký khai tử cho người bị tuyên bố là đã chết tại cơ quan hộ tịch.

Hiệu lực của quyết định tuyên bố là đã chết. Người bị tuyên bố là đã chết coi như là người chết (Ðiều 92): quan hệ hôn nhân chấm dứt; con chưa thành niên của người này, nếu không còn cha và mẹ sẽ được giám hộ; các tài sản của người này được chuyển giao cho người thừa kế theo các quy định của pháp luật về thừa kế.

Ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết do Toà án xác định tuỳ theo trường hợp (Điều 91 khoản 2); nếu không xác định được ngày đó, thì ngày mà quyết định của Toà án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày người đó chết. Vấn đề còn lại là ngày mà quyết định của Toà án tuyên bố là một người đã chết có hiệu lực pháp luật là ngày nào. Được ban hành trước khi có BLDS, Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự không ghi nhận sự tồn tại của quyết định loại này và do đó, không thể có các quy định liên quan đến hiệu lực của loại văn kiện này.  

Huỷ  bỏ quyết định tuyên bố là đã chết. Trong trường hợp người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, thì Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, theo yêu cầu của người đó hoặc người có quyền và lợi ích liên quan (Ðiều 93 khoản 1). Luật không dự kiến trường hợp không có ai yêu cầu huỷ việc tuyên bố là đã chết, dù người bị tuyên bố là đã chết đã trở về: liêu Viện Kiểm sát có quyền nhân danh trật tự công cộng để yêu cầu?  

Người  bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người thừa kế trả lại tài sản hiện còn (Ðiều 93 khoản 3). Trong trường hợp người thừa kế của người chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế, thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường (cùng điều luật). Quyền lợi của người thứ ba giao dịch với người thừa kế được xác định tuỳ theo người thứ ba ngay tình hoặc không ngay tình.

Nếu vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác, thì hôn nhân sau vẫn có hiệu lực pháp luật sau khi có quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố là đã chết (Ðiều 93 khoản 2). Các quan hệ khác về nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống được khôi phục (cùng điều luật). Ðiều đó có nghĩa rằng nếu vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống chưa kết hôn với người khác, thì quan hệ hôn nhân giữa hai người được lập lại sau khi có quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố là đã chết. Giải pháp này được khẳng định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 26[7][17].

 Bảo vệ tình trạng không có năng lực hành vi
 
Khái niệm về tình trạng không có năng lực hành vi.  Gọi là không có năng lực hành vi người ở trong tình trạng không thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà mình là chủ thể. Tình trạng không có năng lực hành vị, trong luật thực định Việt Nam, có hai cấp độ:

- Hoàn toàn không có năng lực hành vi - Những người hoàn toàn không có năng lực hành vi bao gồm người chưa đủ sáu tuổi và người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể làm chủ được hành vi của mình và bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi (Ðiều 23 và 24).
- Có năng lực hành vi không đầy đủ - Người có năng lực hành vi không đầy đủ là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi[8][18]: người này chỉ có thể xác lập các giao dịch phục vụ cho như cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi; người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên chỉ có thể xác lập các giao dịch quan trọng, nếu có tài sản riêng đủ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và nếu pháp luật không có quy định khác (Điều 22).


Chương II. Pháp nhân

Khái niệm.
Cá nhân, trong xã hội có tổ chức, không thể sống và hoạt động một cách cô lập. Có những lý do khác nhau để cá nhân luôn gắn bó với các cá nhân khác trong quá trình tồn tại của mình. Trên cơ sở quan hệ thân thuộc và quan hệ hôn nhân, các cá nhân sống trong cùng một gia đình. Các quan hệ chính trị liên kết các cá nhân, các gia đình và đặt cơ sở cho sự tạo thành quyền lực công cộng - Nhà nước và chính quyền địa phương.  Nhắm đến cùng một mục đích hoặc quan tâm đến cùng một quyền lợi, các cá nhân liên kết với nhau và tạo thành một nhóm người có tổ chức đồng thời tập họp các nỗ lực cá nhân để thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ tổ chức đó, nhằm đạt đến mục đích chung hoặc bảo vệ quyền lợi chung.

Vấn đề là các quy tắc liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân không đủ để chi phối các quan hệ phát sinh từ sự hình thành các nhóm cá nhân có tổ chức: một mặt, nếu giữa lợi ích riêng và lợi ích chung có sự mâu thuẫn, thì cá nhân luôn có thiên hướng hy sinh lợi ích chung để bảo vệ lợi ích riêng; mặt khác, thời gian tồn tại  của nhóm sẽ không dài thời gian tồn tại của cá nhân, trong khi người giao dịch với nhóm có thể còn sống sau khi tất cả các thành viên trong nhóm đều chết.

Ðể bảo vệ tốt lợi ích chung của nhóm cũng như lợi ích của người thứ ba có quan hệ với nhóm, cần công nhận sự tồn tại độc lập của nhóm so với cá nhân. Luật đáp ứng yêu cầu đó bằng cách thừa nhận cho nhóm có tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật. Nhóm được coi như có nhân thân của riêng mình, phân biệt với nhân thân của từng thành viên. Ðược nhân cách hoá, nhóm có khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ, nghĩa là có năng lực hành vi, và có tài sản riêng bảo đảm cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Một con người trừu tượng, nhóm thực hiện các quyền và nghĩa vụ thông qua những con người cụ thể được bố trí vào các cơ quan của nhóm, gọi là các cơ quan quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của nhóm. Luật gọi những nhóm như thế là những pháp nhân.                  
  
Tính chất pháp lý của pháp nhân


Quan niệm của luật thực định Việt Nam.
Trước hết, pháp nhân có một khối tài sản riêng, độc lập với các khối tài sản riêng của các thành viên; sở hữu của pháp nhân không phải là một hình thức đặc biệt của sở hữu chung[9][23]. BLDS có đề cập đến hình thức sở hữu hỗn hợp, hình thành từ việc góp vốn của các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau để sản xuất, kinh doanh, thu lợi nhuận, và coi đó như một loại sở hữu chung (Ðiều 228). Nhưng có thể tin rằng sở hữu hỗn hợp chỉ là sở hữu chung, trong trường hợp những người góp vốn không thành lập một pháp nhân đứng đầu khối tài sản liên quan: nếu một pháp nhân (ví dụ, một công ty trách nhiệm hữu hạn) được thành lập, thì tài sản gọi là thuộc sở hữu hỗn hợp, là tài sản riêng của pháp nhân chứ không phải là tài sản chung của các thành viên công ty.        

Song, pháp nhân không thể tự động sinh ra từ việc kết nhóm của những người có cùng mục đích, cùng lợi ích: để có tư cách pháp nhân được luật thừa nhận, tổ chức phải được Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập (BLDS Ðiều 96 khoản 2); nếu tổ chức phải đăng ký hoạt động, thì chỉ được hưởng tư cách pháp nhân từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký (cùng điều luật). Một khi có tư cách pháp nhân, tổ chức của các cá nhân là một định chế pháp lý, là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội đặc thù ràng buộc các thành viên của pháp nhân, đồng thời là tổng hoà các mối quan hệ xã hội ràng buộc pháp nhân với các chủ thể khác của quan hệ xã hội.             

Phân loại pháp nhân 

Pháp nhân công pháp và pháp nhân tư pháp. Tạm gọi là pháp nhân công pháp trong luật Việt Nam, các tổ chức nắm giữ quyền lực công cộng và thực hiện một trong các chức năng của Nhà nước hoặc đảm nhận một vai trò trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Ðảng cộng sản, giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị, là một ví dụ về pháp nhân công pháp. Trong danh sách pháp nhân công pháp được ghi nhận trong luật viết hiện hành không có Nhà nước; song tư cách pháp nhân của Nhà nước được thừa nhận trong nhiều chế định, đặc biệt là trong pháp luật về tài sản và pháp luật thừa kế: Nhà nước là người thực hiện quyền sở hữu toàn dân về tài sản, là người tiếp nhận các di sản không người hưởng.

Nhà nước có các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang. Các cơ quan Nhà nước được phân loại thành cơ quan Nhà nước trung ương và cơ quan Nhà nước của các địa phương. Các đơn vị hành chính thành lập theo lãnh thổ (tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn) không phải là pháp nhân[10][24], mà chính các cơ quan Nhà nước được thành lập trong khuôn khổ tổ chức bộ máy chính quyền địa phương là các pháp nhân. Bên cạnh Nhà nước có các tổ chức thành viên khác của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa: mặt trận tổ quốc, tổng liên đoàn lao động Việt Nam,...

Các pháp nhân công pháp quản lý tài sản của mình bằng các công cụ của hệ thống kế toán công. Pháp nhân công pháp có thể hình thành từ sự kết nhóm của các cá nhân (nói chung, các chủ thể của quan hệ pháp luật), như Ðảng cộng sản, mặt trận tổ quốc, tổng liên đoàn lao động,..., nhưng cũng có thể do ý chí của Nhà nước, như các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan dịch vụ công - trường học, bệnh viện... 

Pháp nhân tư pháp không phải là pháp nhân công pháp. Tổ chức kinh tế là ví dụ điển hình về pháp nhân tư pháp. Tổ chức kinh tế có thể là doanh nghiệp Nhà nước, các hợp tác xã, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần,... Có một số tổ chức kinh tế, do Nhà nước thành lập, mang tính chất của pháp nhân hỗn hợp, vừa công pháp vừa tư pháp, như các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân (bưu chính viễn thông, hàng không dân dụng, năng lượng,...)[11][25]. Các hội tự nguyện của những người có cùng nghề nghiệp, cùng sở thích, cùng lợi ích cá nhân chung (như hội những người nuôi tôm, hội câu cá, hội làm vườn,...) cũng là các pháp nhân tư pháp. Các pháp nhân tư pháp hoạt động sản xuất, kinh doanh và pháp nhân hỗn hợp áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp.
Trong luật Việt Nam hiện hành doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực mà Nhà nước không nắm độc quyền cũng mang các đặc điểm cơ bản của pháp nhân tư pháp. Tuy nhiên, các cán bộ điều hành chủ chốt của các doanh nghiệp này lại được hưởng quy chế đặc biệt như công chức biệt phái sang khu vực kinh tế.   

Quỹ xã hội, quỹ từ thiện
. Khác với pháp nhân được thành lập từ sự kết nhóm của các chủ thể của quan hệ pháp luật hoặc do ý chí của Nhà nước, quỹ xã hội, quỹ từ thiện là một pháp nhân hình thành từ việc trích các tài sản, vốn thuộc một hình thức sở hữu nào đó, để tạo thành một khối tài sản phục vụ cho các hoạt động xã hội hoặc từ thiện. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện không phải là một nhóm người mà là một tập hợp tài sản và chính từ sự cần thiết của việc đặt các tài sản thuộc tập hợp đó dưới một chế độ quản lý chặt chẽ để việc khai thác quỹ đó thực sự có hiệu quả mà luật thừa nhận tư cách pháp nhân của tổ chức con người quản lý quỹ đó.    

Pháp nhân có thu lợi nhuận và pháp nhân không thu lợi nhuận.  Thu lợi nhuận có thể được hiểu như là hoạt động đầu tư tài sản để tìm kiếm chênh lệch giá trị giữa đầu vào và đầu ra. Các pháp nhân công pháp và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện là các pháp nhân không thu lợi nhuận. Pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp có thể nhắm đến mục đích thu lợi nhuận hoặc các mục đích khác. Một sồ pháp nhân không thu lợi nhuận, trong khung cảnh của luật thực định, có thể tìm kiếm lợi ích vật chất thông qua việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bằng tài sản của mình. 

Hoạt động của pháp nhân

1. Các cơ quan của pháp nhân

Pháp nhân, như đã biết, không phải là con người cụ thể. Ðể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ với người thứ ba, pháp nhân được tổ chức thành các cơ quan tại đó, các cá nhân được bố trí ở các cương vị khác nhau và xử sự nhân danh pháp nhân.

a. Pháp nhân công pháp 

Nhà nước, các cơ quan Nhà nước và đơn vị vũ trang. Nhà nước được tổ chức thành các cơ quan. Tổ chức Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa không dựa vào học thuyết phân quyền. Tư tưởng chủ đạo trong việc tổ chức Nhà nước là: một mặt, toàn bộ quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; mặt khác, giữa các cơ quan Nhà nước có sự phân công để thực hiện các chức năng của Nhà nước.    

 Cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền chuyên môn, cơ quan kiểm sát và cơ quan xét xử, cũng như đơn vị vũ trang được tổ chức và điều hành theo chế độ thủ trưởng: người đứng đầu cơ quan là người duy nhất được thay mặt cơ quan để xác lập và thực hiện các giao dịch với người thứ ba.

Cơ quan quyền lực và quản lý Nhà nước có thẩm quyền chung được điều hành theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Trong quan hệ với các chủ thể khác của quan hệ pháp luật, các cơ quan này được đại diện bởi người đứng đầu gọi là Chủ tịch. Riêng Thủ tướng chính phủ và Chủ tịch nước là cơ quan đặc biệt: bản thân cơ quan Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ  và cá nhân Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ hoàn toàn đồng nhất.    

Tổ chức trong hệ thống chính trị. Các tổ chức trong hệ thống chính trị có các cơ quan được ghi nhận trong điều lệ hoạt động của mình. Đảng cộng sản có Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương,…; Mặt trận Tổ quốc có Uỷ ban trung ương;…     

b. Pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp

Nguyên tắc phân công giữa các cơ quan. Để ngăn ngừa sự lạm quyền của một hoặc một nhóm cá nhân trong việc điều hành pháp nhân cũng như trong các hoạt động đối ngoại của pháp nhân, việc phân chia pháp nhân thành nhiều cơ quan tỏ ra cần thiết. Việc tổ chức các cơ quan của các pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp được thực hiện theo đúng điều lệ mà pháp nhân có quyền (và có nghĩa vụ) xây dựng. Ðiều lệ của pháp nhân phải có hình thức và nội dung phù hợp với các quy định của pháp luật áp dụng đối với từng loại pháp nhân. Ðiều lệ của pháp nhân, một khi được xây dựng và thông qua đúng luật, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với tất cả thành viên của pháp nhân. Không chấp nhận điều lệ, thành viên chỉ có mỗi cách xử sự đúng luật là xin ra khỏi pháp nhân. Điều lệ hợp pháp của pháp nhân cũng có hiệu lực đối kháng với người thứ ba. 

Một cách tổng quát, pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp có hai nhóm cơ quan chính: cơ quan quyết nghị và cơ quan chấp hành. Một số pháp nhân có quy mô tổ chức lớn còn có thêm cơ quan kiểm soát.
- Cơ quan quyết nghị của pháp nhân: là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của pháp nhân và có cả khả năng định đoạt số phận pháp lý của pháp nhân (sáp nhập, giải thể,..). Cơ quan này được tổ chức dưới hình thức đại hội thành viên. 
- Cơ quan chấp hành của pháp nhân: là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định của cơ quan quyết nghị, đồng thời đảm nhận việc quản lý đối với các công việc hàng ngày của pháp nhân, kể cả việc đại diện cho pháp nhân trong quan hệ với người thứ ba. Cơ quan chấp hành có thể mang những tên gọi khác nhau: ban giám đốc, hội đồng quản trị, ban quản lý,... Bằng hoạt động của mình, cơ quan chấp hành ràng buộc trách nhiệm của pháp nhân đối với những giao dịch mà cơ quan chấp hành xác lập và thực hiện nhân danh pháp nhân và trong giới hạn quyền và nhiệm vụ được giao.   
- Cơ quan kiểm soát: là cơ quan có trách nhiệm bảo đảm tính hợp pháp của các hoạt động của pháp nhân. Thông qua hoạt động kiểm soát, cơ quan này đánh giá chất lượng pháp lý của sự vận hành của pháp nhân cũng như của các giao dịch mà pháp nhân xác lập với người thứ ba. 

2. Năng lực của pháp nhân

a. Năng lực pháp luật của pháp nhân

Tính đặc biệt của pháp nhân. Pháp nhân có năng lực pháp luật kể từ thời điểm tư cách pháp nhân phát sinh. Khác với năng lực pháp luật của cá nhân, năng lực pháp luật của pháp nhân do luật xác định về nội dung, phù hợp với đặc điểm của từng loại pháp nhân, thậm chí với từng pháp nhân. Chắc chắn, pháp nhân không thể có các quyền và nghĩa vụ đặc thù của cá nhân, như quyền kết hôn, quyền nhận cha, mẹ cho con, quyền nuôi con nuôi...  Mỗi pháp nhân có những mục đích xác định để theo đuổi và, do đó, có khả năng có những quyền và nghĩa vụ giới hạn bởi chính các mục đích đó. Ví dụ: Sở tư pháp không có năng lực giao kết hợp đồng mua bán nông sản hàng hoá, do không có tư cách thương nhân; công ty trách nhiệm hữu hạn không có năng lực phát hành cổ phiếu;...

Mục đích của các pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp được xác định trong điều lệ của pháp nhân. Bởi vậy, khi giao dịch với pháp nhân loại này, người thứ ba, muốn tránh khả năng giao dịch bị tuyên bố vô hiệu do không phù hợp với mục đích của pháp nhân đối tác, nên tham khảo điều lệ của pháp nhân trước khi quyết định nên hay không nên tiến hành giao kết. Cần lưu ý rằng người thứ ba luôn ở trong tình trạng buộc phải biết nội dung điều lệ của pháp nhân tư pháp, bởi trong mọi trường hợp, điều lệ này luôn được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nghĩa là được công bố cho tất cả mọi người.

Thụ hưởng tặng cho hoặc di tặng. Trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, vấn đề liệu pháp nhân có năng lực giao kết hợp đồng tặng cho với tư cách là người được tặng cho hoặc năng lực chấp nhận các di tặng chưa được giải quyết rõ ràng. Theo BLDS Điều 638 khoản 2, cơ quan, tổ chức có thể là người thừa kế theo di chúc, nhưng không chỉ rõ đó là loại cơ quan, tổ chức nào.
Có một quy tắc được chấp nhận trong học thuyết pháp lý theo đó, công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, trong khi cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Với quy tắc này, thì hẳn cơ quan hành chính Nhà nước không có quyền tiếp nhận các tặng cho hoặc di tặng. Thực tiễn, về phần mình, lại thừa nhận cho các cơ quan sự nghiệp (như trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện,…) năng lực tiếp nhận các tặng cho và di tặng, nhưng tất nhiên, với điều kiện các tài sản được tặng cho hoặc di tặng phải được khai thác phù hợp với mục đích hoạt động của cơ quan đó.

Việc nhận các tài sản tặng cho hoặc di tặng của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị có vẻ được thực tiễn thừa nhận rộng rãi hơn: Đảng cộng sản, Mặt trận Tổ quốc có quyền tiếp nhận các tài sản do các tổ chức, cá nhân khác tặng hoặc hoặc do cá nhân để lại theo di chúc.         

Các pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp được hưởng các tặng cho và di tặng như những cá nhân.

b. Năng lực hành vi của pháp nhân.

Pháp nhân không có năng lực hành vi thực. Suy cho cùng, khái niệm năng lực hành vi của pháp nhân không thể được xây dựng như một khái niệm ứng dụng được. Pháp nhân, dù được nhân cách hoá, không phải là con người cụ thể và do đó, không thể tự mình xử sự. Ngay cả các cơ quan của pháp nhân cũng chỉ vận hành thông qua vai trò của những cá nhân cụ thể đảm nhận các chức vụ cụ thể. Suy cho cùng, pháp nhân luôn phải được đại diện, từ khi được thành lập cho đến khi chấm dứt, trong tất cả các hoạt động của mình. Năng lực hành vi của pháp nhân thực ra là năng lực hành vi mà pháp nhân vay mượn của những con người mà pháp nhân hoá thân vào.     

3. Tài sản của pháp nhân

Pháp nhân công pháp. Trong luật hiện hành, tài sản gọi là thuộc về pháp nhân công pháp thực ra của Nhà nước. Các pháp nhân công pháp chỉ có quyền sử dụng các tài sản được giao cho mình phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Pháp nhân công pháp không có tài sản có riêng, do đó, không thể có tài sản nợ riêng: các nghĩa vụ tài sản do pháp nhân công pháp xác lập được Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện.     

Pháp nhân hỗn hợp. Các doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu được Nhà nước giao một số tài sản để khai thác. Các tài sản này thuộc về Nhà nước; còn doanh nghiệp Nhà nước có quyền quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp Nhà nước (BKDS Điều 209). Doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế trọng yếu cũng có tài sản nợ riêng; nhưng việc xác định khối tài sản bảo đảm cho việc thực hiện các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp có vẻ không đơn giản trong luật thực định: các doanh nghiệp này thường được các định chế tài chính công hỗ trợ mỗi khi cần vượt qua khó khăn.        

Pháp nhân tư pháp. Pháp nhân tư pháp có khối tài sản riêng, bao gồm các tài sản có riêng và các tài sản nợ riêng. Pháp nhân chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản của mình bằng các tài sản có của mình. Quy tắc này, thực ra, chỉ được áp dụng nghiêm ngặt đối với các pháp nhân tư pháp. Tài sản của pháp nhân công pháp và pháp nhân hỗn hợp không thể bị kê biên và bán để thực hiện các nghĩa vụ của pháp nhân. Theo BLDS Ðiều 111 khoản 2, cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang chịu trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình bằng kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước. Còn các pháp nhân hỗn hợp, nếu gặp khó khăn,  thường được Nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nghĩa vụ tài sản của mình.     

Trong trường hợp pháp nhân được thành lập từ sự kết nhóm của nhiều chủ thể của quan hệ pháp luật, thì khối tài sản của pháp nhân độc lập với khối tài sản của mỗi thành viên: các chủ nợ của thành viên không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của pháp nhân để thực hiện nghĩa vụ riêng của thành viên; ngược lại các chủ nợ của pháp nhân không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của thành viên để thực hiện các nghĩa vụ của pháp nhân[12][26].

Trong quan hệ giữa pháp nhân và thành viên của pháp nhân, các tài sản của pháp nhân không phải thuộc sở hữu chung của các thành viên: pháp nhân có tài sản của mình; còn thành viên có một phần hùn và chính phần hùn đó là tài sản thuộc quyền sở hữu  của thành viên[13][27].  

Doanh nghiệp Nhà nước không độc quyền. Tính chất pháp lý của các quyền của doanh nghiệp Nhà nước không độc quyền đối với tài sản đầu tư vào doanh nghiệp chưa được xác định rõ trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam. Tài sản đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước vẫn thuộc về Nhà nước, nhưng doanh nghiệp có các quyền sử dụng các tài sản ấy và thậm chí có quyền định đoạt đối với một số tài sản trong quá trình hoạt động của mình. Doanh nghiệp Nhà nước cũng có tài sản nợ riêng như bất kỳ pháp nhân tư pháp nào và các tài sản nợ ấy được bảo đảm thanh toán bằng các tài sản có được đầu tư vào doanh nghiệp cũng như bằng các tài sản mà doanh nghiệp tao ra trong quá trình hoạt động của mình. Các chủ nợ của doanh nghiệp Nhà nước, trên nguyên tắc, có quyền yêu cầu kê biên các tài sản thuộc quyền sử dụng và định đoạt của doanh nghiệp Nhà nước để thu hồi nợ, nhưng không có quyền kê biên các tài sản khác của Nhà nước.   

4. Nhân thân của pháp nhân

Tên của pháp nhân. Pháp nhân phải có tên gọi riêng và phải sử dụng tên gọi của mình trong các giao dịch. Tên gọi của pháp nhân trong luật Việt Nam phải bằng tiếng Việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động (BLDS Ðiều 97 khoản 1), ví dụ: công ty cổ phần Bảo Việt, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu,... Pháp nhân có thể sử dụng tên gọi tắt hoặc tên gọi bằng tiếng nước ngoài trong các hoạt động trao đổi thông tin hoặc trong quan hệ giao tế.

Tên gọi của pháp nhân hoạt động thương mại (tên thương mại) là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Tên thương mại cò giá trị tài sản, có thể được chuyển nhượng và được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, việc lựa chọn tên gọi của pháp nhân thương mại không tự do như việc đặt tên cho một cá nhân.

Tên gọi của pháp nhân công pháp do pháp luật quy định.     

Trụ sở của pháp nhân. Pháp nhân có trụ sở tại nơi đặt cơ quan điều hành của mình (cơ quan chấp hành đối với pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp) (BLDS Ðiều 98), dù có thể toàn bộ hoặc một phần lớn hoạt động của pháp nhân được thực hiện ở nơi khác. Trụ sở của pháp nhân, trong chừng mực nào đó, mang ý nghĩa đối với pháp nhận (và đối với người giao dịch với pháp nhân) như nơi cư trú của cá nhân: nếu pháp nhân là bị đơn trong một vụ tranh chấp liên quan đến động sản, thì  Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, trên nguyên tắc, là Toà án nơi có trụ sở của pháp nhân... Pháp nhân có thể chọn nơi khác làm địa chỉ liên lạc (Ðiều 98).

Quốc tịch của pháp nhân. Cũng như cá nhân, pháp nhân có quốc tịch riêng. Tất cả các pháp nhân công pháp được thành lập trong khuôn khổ xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước Việt Nam, cũng như pháp nhân hỗn hợp,  đều là pháp nhân Việt Nam. Các pháp nhân tư pháp có trụ sở tại Việt Nam, trên nguyên tắc cũng là pháp nhân Việt Nam. 

Danh dự, uy tín của pháp nhân. Là một chủ thể của quan hệ xã hội, pháp nhân có danh dự, uy tín của riêng mình, độc lập với uy tín, danh dự của cá nhân thành viên[14][28]. Uy tín, danh dự của pháp nhân hình thành trong quá trình hoạt động của pháp nhân nhằm vươn tới mục đích của mình và được củng cố bằng hiệu quả hoạt động của pháp nhân. 
  
Chấm dứt pháp nhân

Các trường hợp chấm dứt pháp nhân. Theo BLDS Điều 108 khoản 1, pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

- Hợp nhất pháp nhân, sáp nhập pháp nhân, chia pháp nhân theo quy định tại các Ðiều từ 104 đến 106  BLDS;
- Giải thể pháp nhân theo quy định tại Ðiều 107 BLDS, tức là: theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (ví dụ: UBND cấp tỉnh ra quyết định giải thể một Sở trực thuộc); theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của pháp nhân đã được điều lệ của pháp nhân quy định (ví dụ: đại hội đồng cổ đông quyết nghị giải thể công ty cổ phần); do hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập pháp nhân (ví dụ: pháp nhân có thời hạn hoạt động là 20 năm và thời hạn này đã hết).   
- Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Ta có hai lưu ý:

- Lưu ý thứ nhất: dù luật không quy định, pháp nhân cũng chấm dứt trong trường hợp mục đích của pháp nhân đã đạt được, ngay nếu như thời hạn hoạt động của pháp nhân chưa hết; ví dụ: công ty được thành lập nhằm mục đích khai thác khoáng sản tại một khu vực có ranh giới được xác định rõ và nguồn khoáng sản đã cạn kiệt.
- Lưu ý thứ hai: pháp nhân chỉ chấm dứt kể từ ngày kết thúc việc thanh toán tài sản theo quy định của pháp luật và (hoặc) theo điều lệ (nếu có). 

Thanh toán tài sản của pháp nhân. Pháp nhân không có người thừa kế như cá nhân. Khi pháp nhân chấm dứt, tài sản của pháp nhân được chuyển giao cho các chủ thể khác của quan hệ pháp luật tuỳ theo tính chất, đặc điểm của từng loại pháp nhân.
- Các tài sản còn lại của pháp nhân công pháp và pháp nhân hỗn hợp được giao cho Nhà nước. Cần lưu ý rằng giải pháp này được áp dụng cả đối với các pháp nhân hình thành từ việc kết nhóm các cá nhân để xây dựng tổ chức thành viên của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa: một khi tổ chức hoàn thành vai trò lịch sử của mình và chấm dứt, tài sản còn lại của tổ chức không được chia cho các thành viên, mà trở thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý.  
- Các tài sản còn lại của tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân được giao lại cho người đầu tư vốn vào tổ chức kinh tế. Tài sản của doanh nghiệp Nhà nước được Nhà nước thu hồi; tài sản của các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được phân chia giữa các thành viên theo điều lệ hoặc, nếu điều lệ không có quy định, theo tỷ lệ vốn góp của các thành viên.
- Các tài sản còn lại của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không được phân chia cho các thành viên mà phải được giải quyết theo quy định của pháp luật (BLDS Ðiều 114 khoản 3). Các tài sản còn lại của quỹ xã hội, quỹ từ thiện cũng được giải quyết theo quy định của pháp luật chứ không được giao lại cho các thành viên sáng lập hoặc cho người thừa kế của họ (Ðiều 115 khoản 4).        




[1][2] Trong thực tiễn áp dụng pháp luật ở Pháp, họ trong trường hợp này sẽ được lựa chọn giữa các từ được dùng để đặt tên. 
[2][7] Giải pháp này được thừa nhận tại Điều 52 Nghị đinh số 83-CP ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch. Thực ra, điều luật nói trên được soạn thảo một cách khá lúng túng. Tiêu đề của điều luật là “thẩm quyền đăng ký việc thay đổi họ, tên…”. Tiêu đề đó cho phép nghĩ rằng các cơ quan được liệt kê trong điều luật chỉ là các cơ quan đăng ký việc thay đổi họ, tên, còn cơ quan cho phép thay đổi họ tên là cơ quan khác. Thế nhưng, cũng chính điều luật này lại nói rõ rằng cơ quan được liệt kê trong điều luật là cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi họ tên (UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); còn cơ quan đăng ký, theo Điều 53 tiếp sau đó, lại là cơ quan khác (Sở tư pháp).     
[3][10] Các phân tích chi tiết về việc khai đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ được thực hiện trong khuôn khổ môn Luật gia đình I
[4][11] Song, giải pháp này chỉ áp dụng được cho các ghi chép được thể hiện cả trên chứng thư hộ tịch khác và trên giấy khai sinh, ví dụ, họ tên đương sự, ngày, tháng năm, nơi sinh. Có những ghi chép rất riêng của chứng thư hộ tịch khác, chẳng hạn, ngày kết hôn trên Giấy chứng nhận kết hôn. Trong điều kiện không có các quy định cho phép cải chính, điều chỉnh trực tiếp đối với các chứng thư hộ tịch khác không phải là chứng thư khai sinh, có lẽ phải thừa nhận rằng việc sửa chữa sai sót trong các chứng thư này được thực hiện theo cách thông thường: viên chức hộ tịch viết chồng lên chỗ có sai sót và ký tên, đòng dấu bên cạnh. 
[5][12] Xem lại thủ tục thay đổi họ, tên.
[6][14] Nhưng trong trường hợp chết trước khi sinh hoặc sinh ra mà sống chưa được 24 giờ, thì không phải khai sinh. Câu chữ của điều luật có thể gây ngộ nhận: “không phải” có nghĩa là “không có nghĩa vụ’ chứ không nhất thiết là “không có quyền”. Vậy, nếu muốn, thì cha, mẹ hoặc người thân thích cũng có thể khai sinh cho trẻ sinh ra mà sống không đến 24 giờ ?  Sẽ tránh được các cuộc tranh cãi, nếu người làm luật nói: “…, thì coi như không tồn tại và không được khai sinh”.       
[7][17] Về những vấn đề tế nhị phát sinh trong trường hợp vợ hoặc chồng không kết hôn lại mà chỉ chung sống như vợ chồng với người khác: xem Bình luận khoa học Luật hôn nhân và gia đình Việt nam, Tập I-Gia đình, nxb Trẻ 2002, số 305 ghi chú 352.
[8][18] Người đủ 18 tuổi là người thành niên (BLDS Điều 20). Có ý kiến cho rằng người phụ nữ chưa đủ 18 tuổi cũng được coi là thành niên, nếu kết hôn. Ý kiến này xuất phát từ nhận xét theo đó, Luật hôn nhân và gia đình, khi quy định tuổi kết hôn tối thiểu, đã không đòi hỏi người phụ nữ phải đủ 18 tuổi. Thực ra, câu chữ của điều luật liên quan đến tuổi kết hôn tối thiểu trong Luật hôn nhân và gia đình không phản ánh trung thực ý chí của người làm luật. Trong khung cảnh của chính sách dân số, người làm luật không bao giờ khuyến khích viêc kết hôn của người chưa thành niên. Chẳng qua, khi soạn thảo điều luật về tuổi kết hôn, người làm luật đã lấy lại câu chữ của các Luật hôn nhân và gia đình trước đây.         
[9][23] Thực ra, có một thời, người làm luật Việt Nam đã lẫn lộn sở hữu của pháp nhân với sở hữu chung, nhưng sự lẫn lộn này đã chấm dứt: Xem Tài sản, nxb Trẻ, 1999, số 30.   
[10][24] Trong luật của Pháp, các đơn vị hành chính cơ sở (communes) là những pháp nhân. Tư cách pháp nhân của cơ quan Nhà nước được thừa nhận cho hầu hết các đơn vị sự nghiệp (như trường học, bệnh viện,…) nhưng chỉ được thừa nhận cho một số cơ quan quản lý. Riêng các Bộ không phải là các pháp nhân.    
[11][25] Theo xu thế hội nhâp vào đời sống kinh tế khu vực và toàn cầu, Nhà nước dần dần từ bỏ vị thế độc quyền cả trong các lĩnh vực kinh tế then chốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhà nuớc trong các lĩnh vực này vẫn tiếp tục mang tính chất tổ chức công trong khu vực kinh tế.
[12][26] Đó là giải pháp nguyên tắc. Một cách ngoại lệ, các chủ nợ của một thành viên công ty hợp danh có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của thành viên để thu hồi nợ.      
[13][27] Trong luật của Pháp, phần hùn của thành viên là căn cứ xác lập môt quyền tương tự như quyền chủ nợ đối với pháp nhân, một thứ quyền chủ nợ đặc biệt, cho phép thành viên được hưởng một phần lợi nhuận của pháp nhân và nhận một phần tài sản khi thanh lý pháp nhân. 
[14][28] Bởi vậy, trên nguyên tắc, việc xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân người đại diện của pháp nhân không thể coi là việc xúc phạm danh dự, uy tín của pháp nhân. 

LIKE and Share this article: :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Tổng số lượt xem trang

Blogger news

Blogroll

About