Pages

Chế độ chung về nghĩa vụ trong Luật dân sự

CHẾ ĐỘ CHUNG VỀ NGHĨA VỤ






Nghĩa vụ, một khi được xác lập, chịu sự chi phối của một chế độ chung. Luật không thiết lập sự phân biệt giữa các nghĩa vụ tuỳ theo nguồn gốc xác lập để xây dựng các quy tắc chi phối quan hệ giữa các chủ thể.  

Như đã nói, quan hệ nghĩa vụ được thiết lập giữa một bên là người có quyền yêu cầu một điều gì đó và bên kia là người có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Trong trường hợp điển hình, sự đáp ứng được thực hiện và yêu cầu được thoả mãn. Có trường hợp trước khi được thực hiện, quan hệ nghĩa vụ có sự thay đổi về chủ thể - chủ thể có, chủ thể nợ hoặc cả hai. Pháp luật cũng dự kiến những tình huống trong đó, nghĩa vụ chấm dứt, dù không được thực hiện.



Chương I
THỰC HIỆN NGHĨA VỤ

Ðịnh nghĩa. Thực hiện nghĩa vụ là việc người có nghĩa vụ đáp ứng đúng và đầy đủ các yêu cầu của người có quyền: chuyển quyền sở hữu, giao tài sản, trả nợ,... Thực hiện nghĩa vụ, hiểu theo nghĩa rằng nghĩa vụ được hoàn thành, .là một trong những cách thức chấm dứt nghĩa vụ được dự liệu trong luật viết hiện hành (BLDS Ðiều 380 khoản 1). Song, trường hợp nghĩa vụ được hoàn thành là trường hợp duy nhất mà trong đó nghĩa vụ chấm dứt sau khi đã được thực hiện đúng và đầy đủ. Trong tất cả các trường hợp khác, nghĩa vụ được chấm dứt mà chưa được thực hiện xong thậm chí, có thể không bao giờ được thực hiện.

Việc thực hiện nghĩa vụ có thể tự nguyện nhưng cũng có thể không tự nguyện. Luật viết có những quy tắc chung cho tất cả các trường hợp thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh đó, luật cũng có những quy tắc riêng được áp dụng cho trường hợp nghĩa vụ được thực hiện một cách không tự nguyện.

Mục I. Các quy tắc chung về thực hiện nghĩa vụ


I - Các bên trong quan hệ thực hiện nghĩa vụ

1. Trường hợp tổng quát

Người thực hiện nghĩa vụ. Người thực hiện nghĩa vụ có thể là người có nghĩa vụ, nhưng cũng có thể là người thứ ba. Một cách hợp lý, nếu có một người nào đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của người có quyền, thì người này không thể từ chối. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mà khái niệm “đáp ứng yêu cầu của người có quyền” được xây dựng không chỉ bằng các yếu tố khách quan (nội dung của sự đáp ứng) mà còn cả bằng các yếu tố chủ quan (nhân thân hoặc phẩm chất nghiệp vụ của người đáp ứng hoặc cả hai). Một người thuê một họa sĩ vẽ chân dung cho mình vì tin rằng chỉ có người họa sĩ này mới có thể thực hiện được cho mình một bức chân dung mà mình mong muốn. Người thuê trong trường hợp này có quyền từ chối đề nghị của một người khác về việc thực hiện nghĩa vụ thay người họa sĩ đã giao kết hợp đồng.

Giả sử người thứ ba thực hiện nghĩa vụ và người có quyền yêu cầu cũng chấp nhận việc thực hiện đó, thì người thực sự có nghĩa vụ không còn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền yêu cầu; tuy nhiên, người có nghĩa vụ không nhất thiết không còn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ một cách tuyệt đối. Trên nguyên tắc, người thứ ba thực hiện nghĩa vụ thay thế người có quyền yêu cầu và trở thành người có quyền này đối với người thực sự có nghĩa vụ. Nếu người thứ ba thực hiện nghĩa vụ có ý định tặng cho đối với người thực sự có nghĩa vụ, thì việc tặng cho sẽ có tác dụng của một vụ bù trừ nghĩa vụ; còn nếu người thứ ba không có ý định đó, thì sẽ trở thành người thế quyền của người có quyền yêu cầu và người thực sự có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với người này.    

Người tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ. Người tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ, trên nguyên tắc, phải là người có quyền yêu cầu hoặc người đại diện của người này (người giám hộ, người được ủy quyền,...). Thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của người không có quyền, người có nghĩa vụ, vẫn còn nghĩa vụ, phải thực hiện nghĩa vụ (một lần nữa) đối với người có quyền yêu cầu và có quyền yêu cầu người tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ lần thứ nhất hoàn lại cho mình khoản lợi mà người sau này được hưởng do việc thực hiện nghĩa vụ đó.

Người có quyền yêu cầu không nhất thiết là người đã tham gia vào việc xác lập quan hệ nghĩa vụ. Có người trở thành người có quyền yêu cầu do hiệu lực của việc di chuyển di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Có người trở thành người có quyền yêu cầu do được chuyển nhượng quyền yêu cầu, có hoặc không có đền bù. 

Quyền yêu cầu biểu kiến. Trong luật của Pháp, việc thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của một người không có quyền yêu cầu vẫn có thể có tác dụng giải phóng người có nghĩa vụ trong một số trường hợp mà người tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ là người có quyền yêu cầu biểu kiến. Một trong những ví dụ về quyền yêu cầu biểu kiến được xây dựng như sau: người có quyền yêu cầu chết; người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho người thừa kế theo pháp luật của người chết; ít lâu sau, một người khác xuất trình một di chúc hữu hiệu do người chết để lại, theo đó, người thừa kế theo pháp luật đã bị truất quyền hưởng di sản. Tất nhiên, nếu không thực sự có quyền yêu cầu, người có quyền yêu cầu biểu kiến không thể thụ hưởng việc thực hiện nghĩa vụ; nhưng dẫu sao, người có nghĩa vụ vẫn được giải phóng; người có quyền yêu cầu biểu kiến, ở trong tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật đối với người thực sự có quyền yêu cầu và do đó phải hoàn trả cho người sau này những gì mình đã nhận nhầm.     
Có thể tin rằng giải pháp được chấp nhận trong luật của Pháp liên quan đến quyền yêu cầu biểu kiến cũng được thừa nhận trong luật Việt Nam, dù luật viết không có quy định gì liên quan. Tuy nhiên, các điều kiện áp dụng lý thuyết về quyền yêu cầu biểu kiến không được xác định rõ ràng trong khung cảnh của luật thực định[1][1]. Điều chắc chắn: người có quyền yêu cầu biểu kiến phải ngay tình; còn những điều kiện khác…        

2. Trường hợp có nhiều chủ thể của quan hệ nghĩa vụ 

a. Nghĩa vụ theo phần  

Mỗi người có một phần nghĩa vụ riêng rẽ. Nếu mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ với nhau, thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình (BLDS Ðiều 303). Sau khi phần nghĩa vụ riêng rẽ được thực hiện xong, nghĩa vụ coi như chấm dứt đối với người thực hiện, dù những người khác có nghĩa vụ chưa thực hiện (thậm chí không thực hiện)  phần nghĩa vụ của họ đối với người có quyền yêu cầu.

Phân chia nghĩa vụ theo phần là quy tắc thuộc luật chung được áp dụng một cách đương nhiên trong trường hợp nhiều người có cùng một nghĩa vụ đối với một người, nếu không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác[2][2]. Tuy nhiên, quy tắc này lại rất hiếm khi được áp dụng trong thực tiễn: nếu nghĩa vụ được xác lập theo ý chí, thì người có quyền yêu cầu thường không quên đòi hỏi việc thiết lập tình trạng liên đới giữa những người có nghĩa vụ; nếu nghĩa vụ được xác lập do hành vi trái pháp luật, thì luật đã quy định rõ về tình trạng liên can hoặc liên đới giữa những người có nghĩa vụ, như ta sẽ thấy sau đây. 

Ví dụ điển hình về loại nghĩa vụ phân chia được theo phần được ghi nhận trong trường hợp di sản được phân chia cho những người thừa kế: mỗi người thừa kế chịu trách nhiệm trả nợ di sản tương ứng với phần quyền của mình trong khối tài sản có thuộc di sản (BLDS Điều 640 khoản 3).   

b. Nghĩa vụ liên đới

Những người có nghĩa vụ phải liên đới thực hiện nghĩa vụ. Khi có nhiều người cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, thì người có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ (Ðiều 304 khoản 1). Ta nói rằng đối với người có quyền yêu cầu, thì giữa những người có nghĩa vụ liên đới không có sự phân chia nghĩa vụ.

nguồn gốc của nghĩa vụ liên đới. Nghĩa vụ liên đới có thể được xác lập theo thoả thuận giữa các bên liên quan hoặc theo quy định của pháp luật, như đã nói ở trên. Thực ra, nghĩa vụ liên đới còn có thể phát sinh theo ý chí đơn phương, như trong trường hợp một người lập di chúc quyết định rằng những người thừa kế phải liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng một người nào đó.  

Người làm luật chủ động thiết lập tình trạng liên đới giữa những người có nghĩa vụ trong một số trường hợp đặc thù. Ý nghĩa của sự liên đới pháp định có thể rất khác nhau, tuỳ theo đặc điểm của căn cứ xác lập nghĩa vụ. 

Có trường hợp tình trạng liên đới được thiết lập theo luật như một cách mà người làm luật suy đoán ý chí đích thực của những người có nghĩa vụ. Ví dụ, khi nhiều người cùng bảo lãnh cho một người thực hiện một nghĩa vụ, thì giữa những người bảo lãnh có sự liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (BLDS Điều 369). Thông thường, sự suy đoán của người làm luật không mang tính áp đặt tuyệt đối: các bên có thể loại bỏ sự suy đoán về tình trạng liên đới bằng các thoả thuận ngược lại.

Có trường hợp tình trạng liên đới được thiết lập theo luật như một biện pháp chế tài đối với những người cùng “chung sức” gây thiệt hại cho một người khác. Theo BLDS Điều 620, trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.   

Cơ sở hiện thực của tình trạng liên đới. Học thuyết pháp lý phương Tây nói rằng tình trạng liên đới giữa những người có nghĩa vụ được giải thích bằng nghĩa vụ đại diện của người có nghĩa vụ liên đới cho tất cả những người có nghĩa vụ liên đới. Gọi là “nghĩa vụ”, bởi vì người có nghĩa vụ liên đới không thể tuỳ ý từ bỏ vai trò đại diện của mình, như một người được uỷ quyền theo thoả thuận từ bỏ việc uỷ quyền. Do mỗi người có nghĩa vụ liên đới đại diện cho tất cả những người có nghĩa vụ mà tất cả các giao dịch tác động đến một người có nghĩa vụ hoặc do một người có nghĩa vụ xác lập sẽ phát sinh hiệu lực đối với tất cả những người có nghĩa vụ.     

Hiệu lực của tình trạng liên đới. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới, thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình (Ðiều 304 khoản 3). Nhắc lại rằng người có nghĩa vụ liên đới chỉ phải thực hiện “phần nghĩa vụ liên đới của mình” đối với người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ: giữa những người có nghĩa vụ liên đới, quan hệ nghĩa vụ lại mang tính chất theo phần riêng rẽ, mỗi người có nghĩa vụ liên đới chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình đối với người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Ta nói rằng người có nghĩa vụ liên đới có trách nhiệm đóng góp phần của mình vào việc thực hiện nghĩa vụ. Nhưng nếu một trong số những người có nghĩa vụ liên đới mất khả năng thanh toán, thì người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ mất khả năng thu nhận phần đóng góp thực hiện nghĩa vụ của người đó ? Nên nghĩ rằng trong trường hợp này, sự tổn thất phải được chia sẻ giữa những người có nghĩa vụ còn khả năng thanh toán (kể cả người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ)[3][3], dù luật viết không có quy định rõ ràng ở điểm này.

Trong trường hợp người có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó, thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ (Ðiều 304 khoản 4).
Bãi bỏ tình trạng liên đới. Người có quyền có thể bãi bỏ tình trạng liên đới cho những người có nghĩa vụ liên đới. Khi đó, những người có cùng nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ và nếu, sau khi đã bãi bỏ tình trạng liên đới, người có quyền miễn cho một người có nghĩa vụ thực hiện phần nghĩa vụ của người sau này, thì những người còn lại vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ (đã được riêng rẽ hóa) của họ (Ðiều 304 khoản 5).
c. Nghĩa vụ “liên can”
nguồn gốc. Nghĩa vụ liên can (obligationin solidum”) phát sinh trong khuôn khổ trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, từ việc nhiều người gây ra thiệt hại cho người khác[4][4]. Tình trạng liên can hình thành trong điều kiện giữa những người cùng gây thiệt hại cho người khác không hề có sự đồng lòng (rõ ràng hoặc mặc nhiên) trong việc thực hiện hành vi gây thiệt hại: nếu những người cùng gây thiệt hại cùng hợp tác (với đầy đủ ý thức về việc mình làm) trong việc gây thiệt hại, thì nghĩa vụ mang tính chất liên đới. Ví dụ về tình trạng liên can có thể được hình dung như sau: một người lái xe ô tô trên đường một chiều quá tốc độ cho phép, do tránh một người đi môtô ngược chiều, lao thẳng lên lề đường và tông phải một người đi bộ; giữa người lái ôtô và người đi môtô rõ ràng không có sự thông đồng trong việc gây tai nạn; nhưng cả hai đều có trách nhiệm như nhau trong việc bồi thường thiệt hại cho người đi bộ.
Luật hiện hành không có quy định riêng về nghĩa vụ liên can mà chỉ có quy định chung cho cả nghĩa vụ liên can và nghĩa vụ liên đới có nguồn gốc tư hành vi trái pháp luật, tại BLDS Điều 620. Nói cách khác, khi xác định trách nhiệm của những người cùng gây thiệt hại cho một người khác, người làm luật không phân biệt tùy theo có hay không có sự thông đồng giữa những người gây thiệt hại.       
Chế độ pháp lý. Cũng như người có nghĩa vụ liên đới, người có nghĩa vụ liên can phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại (Ðiều 620). Thế nhưng, khác với nghĩa vụ liên đới, nghĩa vụ liên can, trong mối quan hệ nội bộ giữa những người cùng liên can, được chia sẻ cho mỗi người có nghĩa vụ dựa theo mức độ lỗi của mỗi người (cùng điều luật); nếu không xác định được mức độ lỗi thì mỗi người có nghĩa vụ liên can bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau (cùng điều luật). Người có nghĩa vụ liên can, sau khi thực hiện xong toàn bộ nghĩa vụ có quyền yêu cầu những người khác có nghĩa vụ liên can thực hiện việc đóng góp cho mình phần nghĩa vụ mà những người này phải thực hiện. Nếu những người khác có nghĩa vụ liên can không tự giác thực hiện nghĩa vụ đóng góp, thì người thực hiện toàn bộ nghĩa vụ cũng có quyền yêu cầu cưỡng chế thực hiện, theo luật chung.
Cơ sở hiện thực của nghĩa vụ liên can. Trong học thuyết pháp lý phương Tây, tình trạng liên can không được xây dựng trên cơ sở đại diện như tình trạng liên đới. Mỗi người liên can có nghĩa vụ của riêng mình đối với người có quyền yêu cầu; và chỉ do sự trùng hợp mà tất cả các nghĩa vụ của những người có liên can có cùng một đối tượng. Chính vì tất cả các nghĩa vụ liên can có cùng một đối tượng mà nếu một trong số những người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền yêu cầu, thì tất cả những người khác có nghĩa vụ liên can cũng được giải phóng. Tuy nhiên, cũng vì không có mối quan hệ đại diện giữa những người có nghĩa vụ liên can mà việc đốc thúc thực hiện nghĩa vụ đối với một người chỉ phát sinh hiệu lực đối với người đó; việc người có quyền yêu cầu từ chối thực hiện quyền yêu cầu đối với một người có nghĩa vụ liên can cũng chỉ phát sinh hiệu lực đối với người sau này. Bởi vậy, nghĩa vụ liên can còn được gọi là nghĩa vụ liên đới không hoàn hảo (obligation solidaire imparfaite).   
c. Nghĩa vụ chia được và nghĩa vụ không chia được

Sự khác biệt giữa nghĩa vụ liên đới và nghĩa vụ không chia được. Trong nghĩa vụ liên đới, đối tượng của nghĩa vụ có thể được phân chia thành nhiều phần nghĩa vụ nhỏ, nếu người có quyền muốn; đơn giản, người có quyền có thể yêu cầu bất kỳ người có nghĩa vụ nào thực hiện toàn bộ nghĩa vụ cho mình.

Trong nghĩa vụ không chia được (giả sử có nhiều người cùng có nghĩa vụ), thì mỗi người có phần nghĩa vụ của mình; nhưng đối tượng của nghĩa vụ lại không thể được chia: mỗi người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, không phải vì có sự liên đới giữa những người có nghĩa vụ, cũng không phải vì người này có trách nhiệm thực hiện toàn bộ, mà vì nghĩa vụ không thể được thực hiện theo phần (Ðiều 307 khoản 1). Giao một vật đặc định, không làm một việc là các ví dụ về nghĩa vụ không chia được theo phần.

Nguồn gốc của nghĩa vụ không chia được theo phần. Nghĩa vụ không chia được theo phần thường có nguồn gốc từ tính chất không thể phân chia của đối tượng của nghĩa vụ. Một vật đặc định được đem cầm cố; người cầm cố chết và để lại hai người thừa kế theo pháp luật. Mỗi người thừa kế chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tương ứng với phần quyền của mình trong khối di sản; tuy nhiên, nghĩa vụ tôn trọng quyền đối vật của chủ nợ nhận cầm cố là không thể phân chia: mỗi người thừa kế không chỉ có nghĩa vụ tôn trọng một nửa quyền đối vật đó mà phải tôn trọng toàn bộ quyền này.  

Nghĩa vụ không phân chia được theo phần cũng có thể có nguồn gốc từ sự thoả thuận giữa các bên trong quan hệ nghĩa vụ. Sự thoả thuận đó có thể rõ ràng hoặc mặc nhiên. Ví dụ về thoả thuận mặc nhiên nhằm thiết lập tình trạng không thể phân chia của nghĩa vụ có thể được xây dựng như sau: một người giao kết với hai nhà thầu - A và B - để xây dựng cho mình một căn nhà, trong đó,  B phụ trách việc xây dựng phần mái nhà và A đảm nhận tất cả những công việc khác. Sự phân công giữa những người có nghĩa vụ là rõ ràng; nhưng nghĩa vụ chỉ được coi là hoàn thành một khi căn nhà được xây dựng hoàn chỉnh.     

II. Đối tượng của việc thực hiện nghĩa vụ

Khái niệm. Ðối tượng của việc thực hiện nghĩa vụ là sự đáp ứng của người có nghĩa vụ đối với người có quyền. Ðể có thể nói rằng nghĩa vụ được thực hiện đúng và đầy đủ, thì sự đáp ứng phải phù hợp với tính chất và phạm vi của nghĩa vụ.

a. Các quy tắc chung

Tính chất của nghĩa vụ. Khi vật phải giao là vật đặc định, thì người có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết (Ðiều 294 khoản 2); nếu là vật cùng loại, thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận và nếu không có thỏa thuận về chất lượng, thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình (cùng điều luật); nếu là vật đồng bộ, thì phải giao đồng bộ (cùng điều luật). Người có nghĩa vụ trả tiền phải trả đủ tiền (Ðiều 295 khoản 1). Người có nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc phải thực hiện đúng công việc hoặc không được thực hiện chính công việc không được làm, theo thỏa thuận (Ðiều 296).

Người có nghĩa vụ không được phép tự mình thay đổi một nghĩa vụ bằng một nghĩa vụ có tính chất khác: người cam kết xây dựng một công trình, bán một tài sản không thể làm chấm dứt nghĩa vụ của mình bằng cách trả một số tiền. Trong trường hợp người có quyền đồng ý tiếp nhận một nghĩa vụ khác thay thế cho nghĩa vụ đã được xác lập, thì ta nói rằng nghĩa vụ được thực hiện đúng và đầy đủ bằng cách thực hiện nghĩa vụ thay thế.

Phạm vi của nghĩa vụ. Người có nghĩa vụ không được phép tự mình chia cắt nghĩa vụ thành nhiều phần để thực hiện, cho dù nghĩa vụ có thể được chia cắt. Theo BLDS Ðiều 306 khoản 2, nếu nghĩa vụ phân chia được theo phần, thì người có nghĩa vụ có thể thực hiện từng phần nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, điều đó chỉ có nghĩa rằng nếu việc phân chia nghĩa vụ thành nhiều phần để thực hiện không gây thiệt hại cho người có quyền, thì việc thực hiện nghĩa vụ theo phần mới có thể được luật chấp nhận trong trường hợp không có thỏa thuận khác. Một người có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho một người khác phải trả tiền cấp dưỡng hàng tháng đầy đủ trong một lần, nếu không có thỏa thuận khác, chứ không thể chia nghĩa vụ thành 30 phần để thực hiện trong 30 ngày của tháng, dù rõ ràng, nghĩa vụ trả tiền có thể chia được. Tuy nhiên, nếu người có nghĩa vụ chết mà có để lại nhiều người thừa kế và không có người quản lý chính thức di sản, thì hẳn những người thừa kế đương nhiên có quyền chia các nghĩa vụ có thể chia được thành nhiều phần nghĩa vụ tương ứng với phần quyền hưởng di sản của mình để thực hiện.


b. Một số trường hợp đặc thù

Nghĩa vụ trả một số tiền. Nghĩa vụ trả một số tiền chỉ có thể được thực hiện một khi đối tượng của nghĩa vụ được xác định bằng một con số nhân với đơn vị tiền tệ được dùng làm phương tiện thanh toán. Theo BLDS Điều 295 khoản 2, tiền phải trả là Đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều đó có nghĩa rằng nếu pháp luật không có quy định khác, thì số tiền phải trả theo luật Việt Nam được xác định bằng một con số nhân với Đồng Việt Nam.  

Trên nguyên tắc, số tiền phải trả là số tiền được ghi nhận ở thời điểm mà đối tượng của nghĩa vụ được xác định, đúng hơn nữa là ở thời điểm mà đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định. Thông thường, một khi số tiền phải trả được xác định đầy đủ (tức là bằng một con số nhân với đơn vị tiền tệ), thì người có nghĩa vụ chỉ phải trả đúng con số đó, không nhiều hơn. Tuy nhiên, có trường hợp ngoài số nợ gốc, người có nghĩa vụ còn phải trả một số tiền lãi. Mặt khác, trong điều kiện sức mua của đồng tiền không ổn định, các bên có thể thoả thuận (hoặc đối với nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, Toà án có thể quyết định) về việc quy số tiền phải trả thành một số lượng tài sản nào đó khác có giá trị ổn định (ví dụ vàng, đô la Mỹ). Trong trường hợp thứ hai này, số tiền phải trả có thể sẽ khác số tiền được xác định ở thời điểm xác định đối tượng của nghĩa vụ một khi, ở thời điểm thực hiện nghĩa vụ, giá của tài sản quy đổi có biến động.  

Nghĩa vụ trả tiền có thể được thực hiện bằng cách chuyển giao tiền mặt. Cũng theo BLDS Điều 295 khoản 2, thì tiền mặt được chuyển giao phải là tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trên thực tế, có rất nhiều vụ mua bán tài sản có giá trị lớn mà nghĩa vụ trả tiền được thực hiện dưới hình thức chuyển giao một số vàng hoặc đá quý được quy thành tiền. Ngoài ra, trong điều kiện pháp luật về quản lý ngoại hối ở Việt Nam còn đang được hoàn thiện, rất nhiều trường hợp nghĩa vụ trả tiền được thực hiện dưới hình thức chuyển giao ngoại tệ mạnh bằng tiền mặt.

Ở các nước có hệ thống ngân hàng mạnh, việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền thường được thực hiện thông qua các dịch vụ ngân hàng: chuyển khoản, ngân phiếu, thẻ thanh toán,… [5][5].  Một số nước còn quy định bắt buộc trả tiền qua ngân hàng trong một số trường hợp giao dịch có liên quan đến các tài sản có giá trị lớn.      

Nghĩa vụ lựa chọn và nghĩa vụ tuỳ nghi. Trong quan hệ nghĩa vụ lựa chọn, người có nghĩa vụ có thể cân nhắc giữa những đối tượng khác nhau của nghĩa vụ và lựa chọn đối tượng thích hợp nhất: giao hiện vật hoặc giao tiền mặt; trả tiền bằng Đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ;… Việc cân nhắc, lựa chọn cũng có thể do người có quyền thực hiện, nếu giữa hai bên đã có sự thoả thuận về quyền lựa chọn của người này. 

Trong quan hệ nghĩa vụ tuỳ nghi, nghĩa vụ chỉ có một đối tượng duy nhất, được xác định hoặc xác định được trước; nhưng người có nghĩa vụ có thể chủ động thay đổi đối tượng. Cần lưu ý rằng trường hợp nghĩa vụ mang tính chất tuỳ nghi, thì quyền lựa chọn không thuộc về người có quyền yêu cầu.    

III. Hoàn cảnh thực hiện nghĩa vụ

Thời điểm thực hiện nghĩa vụ. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ là thời điểm mà nghĩa vụ đến hạn thực hiện. Cần phân biệt giữa thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ với thời hạn thực hiện nghĩa vụ: nghĩa vụ đến hạn phải được thực hiện ngay; còn nghĩa vụ được thực hiện trong một thời hạn là nghĩa vụ có thể được coi là thực hiện đúng, một khi việc thực hiện xảy ra vào lúc kết thúc thời hạn đó. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ thường do các bên thỏa thuận, đôi khi có thể do pháp luật quy định (Ðiều 290 khoản 1). Ví dụ: nhà thầu cam kết xây dựng xong công trình trong 9 tháng; hết tháng thứ 9, nghĩa vụ (bàn giao công trình) mới được coi là đến hạn thực hiện. Một khi nghĩa vụ có thời hạn thực hiện, thì người có quyền không thể yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trước khi đến hạn: chủ công trình không có quyền yêu cầu nhà thầu tăng nhanh tiến độ xây dựng để kịp bàn giao công trình đúng thời hạn; người có nghĩa vụ, về phần mình, chỉ có thể thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn nếu có sự đồng ý của người có quyền (Ðiều 290 khoản 2); nếu người có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và người có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ, thì nghĩa vụ được xem như đã hoàn thành đúng thời hạn (cùng điều luật).

Trên nguyên tắc, nghĩa vụ phải được thực hiện ngay lập tức, nghĩa là có thể được yêu cầu thực hiện ngay lập tức, nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn và pháp luật không có quy định về thời hạn (Ðiều 290 khoản 3). “Ngay lập tức” hiểu theo nghĩa rằng nghĩa vụ có thể được thực hiện hoặc được yêu cầu thực hiện bất kỳ lúc nào, nhưng người thực hiện hoặc người yêu cầu thực hiện phải thông báo cho bên kia biết trước trong thời gian hợp lý (cùng điều luật).

Nghĩa vụ phải được thực hiện và tiếp nhận thực hiện ở thời điểm thích hợp. Vi phạm các quy định về thời điểm thực hiện hoặc tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ, người vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự (Ðiều 313 và 314).

Có trường hợp thời điểm thực hiện nghĩa vụ đã được ấn định (thực hiện ngay lập tức hoặc sau một thời hạn), nhưng người có nghĩa vụ lại không thể thực hiện ở thời điểm đó. Luật nói rằng trong trường hợp này người có nghĩa vụ phải thông báo cho người có quyền biết (Ðiều 292); người có nghĩa vụ được hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu được người có quyền đồng ý; người có quyền cũng có thể chủ động gia hạn thực hiện nghĩa vụ (Ðiều 313 khoản 1). Nghĩa vụ được hoãn hoặc được gia hạn thực hiện vẫn là nghĩa vụ đã đến hạn; bởi vậy, nếu người có quyền lại có một nghĩa vụ cùng tính chất đối với người có nghĩa vụ và nghĩa vụ này cũng đến hạn trong thời gian nghĩa vụ kia được hoãn hoặc được gia hạn, thì giữa hai người phải có sự bù trừ nghĩa vụ.

Ðịa điểm thực hiện nghĩa vụ. Ðịa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận (Ðiều 289 khoản 1). Thông thường, đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, địa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên ấn định như một phần nội dung của hợp đồng. Nếu nghĩa vụ xác lập ngoài hợp đồng và có nội dung được ghi nhận trong một bản án, thì bản án sẽ xác định nơi thực hiện nghĩa vụ (thường là tại  nơi cư trú của người có quyền). Trong trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm thực hiện nghĩa vụ, thì địa điểm này được xác định như sau (Ðiều 289 khoản 2): nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản; nơi cư trú hoặc trụ sở của người có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản[6][6]. Thực ra, các nghĩa vụ không làm một việc, do đặc điểm của nghĩa vụ, chỉ có thể được thực hiện tại nơi cư trú của người có nghĩa vụ. Có lẽ, khi nói đến các nghĩa vụ có đối tượng không phải là một bất động sản, người làm luật liên tưởng đến các nghĩa vụ có đối tượng là việc chuyển giao một động sản (một vật hoặc một số tiền).

IV. Bằng chứng của việc thực hiện nghĩa vụ

Trách nhiệm chứng minh. Luật hiện hành không có quy định liên quan đến trách nhiệm chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, có thể thừa nhận, trong logique của sự việc, rằng trong trường hợp có tranh cãi về việc nghĩa vụ đã hay chưa được thực hiện, thì chính người có nghĩa vụ mà cho rằng mình đã thực hiện nghĩa vụ, phải chứng minh điều đó.

Để hỗ trợ người có nghĩa vụ trong việc chứng minh, luật của Pháp nói rằng nếu người có quyền yêu cầu đã giao lại cho người có nghĩa vụ chứng từ ghi nhận việc xác lập nghĩa vụ, thì người có nghĩa vụ sẽ được suy đoán là đã thực hiện xong nghĩa vụ và trách nhiệm chứng minh điều ngược lại, khi đó, thuộc về người có quyền yêu cầu.

Phương tiện chứng minh. Luật hiện hành cũng không có quy định về các phương tiện chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ. Bởi vậy, tất cả các phương tiện chứng minh được thừa nhận trong luật chung đều có thể được sử dụng (văn bản, người làm chứng, lời thú nhận,...). Thông thường, khi chuyển giao một số tiền mặt, người chuyển giao thường yêu cầu người nhận cấp cho mình một biên nhận; thực tiễn xét xử có xu hướng chấp nhận biện nhận như là bằng chứng thuyết phục về việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền.     

 
Mục II.  Bắt buộc thực hiện nghĩa vụ


Sự khác biệt giữa nghĩa vụ và bổn phận. Nghĩa vụ, với tư cách là một khái niệm của luật dân sự, được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của bộ máy Nhà nước. Tư tưởng chủ đạo là: người có quyền phải được đáp ứng đúng và đầy đủ, bằng cách này hay cách khác và dưới hình thức này hay hình thức khác. Chính ở điểm này mà nghĩa vụ khác với bổn phận. Vợ, chồng có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau và nếu vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ, thì người còn có quyền yêu cầu sự can thiệp của Nhà nước; trong khi đó, vợ, chồng có bổn phận chung thủy với nhau, nhưng nếu vơ hoặc chồng không chung thủy, thì Nhà nước không thể làm gì để bảo vệ người còn lại.

I. Các biện pháp bảo đảm khả năng thanh toán

1. Quyền khởi kiện chéo

Tổng quan. Có trường hợp người có nghĩa vụ có các quyền về tài sản, nhưng lại không muốn thực hiện các quyền ấy, bởi vì người này biết rằng nếu mình có làm gì đi nữa, thì các lợi ích tài sản được tạo ra cũng sẽ phải được dùng để thực hiện các nghĩa vụ đối với những người có quyền yêu cầu của mình. Thái độ xử sự tiêu cực của người có nghĩa vụ có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của người này một khi nghĩa vụ đến hạn. Để ngăn ngừa ảnh hưởng đó, luật cho phép người có quyền yêu cầu thay người có nghĩa vụ để thực hiện các quyền của người sau này. Quyền kiện để yêu cầu Toà án cho phép thay thế người có nghĩa vụ trong việc thực hiện các quyền của người này được gọi là quyền khởi kiện chéo. Gọi là “chéo”, bởi người trực tiếp thực hiện quyền không phải là người trực tiếp có quyền mà chỉ là người có quyền của người đó.      

Luật Việt Nam hiện hành không có quy định chung về quyền khởi kiện chéo mà chỉ có các quy định cụ thể áp dụng cho một số trường hợp đặc thù mà người có quyền yêu cầu được phép thay người có nghĩa vụ thực hiện một hoặc một số quyền nhất định của người sau này[7][7].

Theo Ðiều 238 khoản 2, khi có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung (theo phần) thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Có thể rút ra từ điều luật đó các quy tắc liên quan đến điều kiện thực hiện quyền khởi kiện chéo của người có quyền yêu cầu và hiệu lực của việc thực hiện quyền này, những quy tắc có thể được áp dụng cho các trường hợp khác theo nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật.  

Điều kiện. Trong trường hợp nêu trên, người có nghĩa vụ không thực hiện một hành vi cần thiết nhằm củng cố khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người có quyền (yêu cầu chia tài sản mà mình có quyền sở hữu chung theo phần). Về phần mình, người có quyền có lợi ích trong việc bảo vệ quyền của mình khi can thiệp vào công việc của người có nghĩa vụ. Ðiều đó cũng có nghĩa rằng nếu người có nghĩa vụ đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ, thì người có quyền không được phép can thiệp vào những công việc đó: sẽ rất vô lý việc chủ nợ phản đối người mắc nợ từ chối yêu cầu chia ngay một khối tài sản chung trong khi người mắc nợ hoàn toàn đủ sức trả nợ bằng tài sản sẵn có, thậm chí sẵn sàng để được kê biên.

Mặt khác, có thể thấy rằng quyền yêu cầu chia tài sản chung là một quyền bình thường, có thể chuyển giao cho người khác cùng với việc chuyển nhượng phần quyền của đương sự trong khối tài sản chung.  Trong một giả thiết khác, ta có một người mắc nợ có quyền yêu cầu cấp dưỡng đối với một người khác, nhưng lại không chịu thực hiện quyền đó; khó có thể hình dung được rằng chủ nợ của người này có thể được pháp luật thừa nhận có quyền thay người này thực hiện quyền yêu cầu cấp dưỡng đó.  

Quyền của người có nghĩa vụ phải là quyền mà việc thực hiện có tác dụng bảo toàn hoặc củng cố khối tài sản có của người có nghĩa vụ. Người có quyền yêu cầu của một người cho thuê nhà không thể thay người có nghĩa vụ để lựa chọn giữa buộc người thuê nhà trả tiền thuê và  trục xuất người thuê ra khỏi nhà thuê. Điều chắc chắn: người có quyền không thể yêu cầu cho phép mình thay thế người có nghĩa vụ để thực hiện các giao dịch mang tính vật chất thuần tuý mà người sau này có quyền thực hiện. Ví dụ, chủ nợ không có quyền yêu cầu cho phép mình thay thế người mắc nợ để tiến hành tu bổ căn nhà của người sau này hoặc chăm sóc vườn cây của người sau này, với lý do: nếu  nhà không được tu bổ, cây trồng không được chăm sóc thì sẽ người mắc nợ sẽ không có tài sản nào có giá trị đủ để bảo đảm việc trả nợ.         

Cần nhấn mạnh rằng người có quyền chỉ có thể yêu cầu cho phép mình thực hiện các quyền của người có nghĩa vụ chứ không phải các quyền của mình. Bởi vậy, người có quyền không thể được ưu đãi hơn người có nghĩa vụ khi thực hiện các quyền đó. Giả sử khối tài sản chung chưa thể được phân chia do trước đây có thoả thuận giữa các chủ sở hữu chung về việc duy trì tình trạng sở hữu chung theo phần trong một thời hạn, thì người có quyền yêu cầu chỉ có quyền thay người có nghĩa vụ của mình để yêu cầu phân chia tài sản chung khi hết thời hạn đó.   

Cuối cùng, người có quyền yêu cầu chỉ được phép yêu cầu cho phép mình thay người có nghĩa vụ thực hiện quyền của người sau này trong trường hợp người sau này không chịu thực hiện quyền của mình. Nếu người có nghĩa vụ tự mình thực hiện quyền của mình, thì không có lý do gì để người có quyền thay thế người này trong việc thực hiện quyền đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có nghĩa vụ thực hiện quyền của mình một cách tuỳ tiện, thậm chí với ý thức làm suy giảm năng lực thanh toán của mình. Trong trường hợp đó, người có quyền yêu cầu có thể thực hiện một biện pháp khác để bảo vệ quyền lợi của mình, như sẽ được phân tích dưới đây.  

Riêng đối với người có quyền yêu cầu, có vẻ như người làm luật muốn rằng quyền yêu cầu của người này phải đến hạn thực hiện: người có quyền yêu cầu sẽ tham gia vào việc phân chia để “nhận tiền thanh toán”, nghĩa là để được trả nợ. Người chỉ có các quyền yêu cầu có điều kiện hoặc các quyền yêu cầu chưa đến hạn thực hiện không có quyền khởi kiện chéo.      

Hiệu lực. Một khi được thừa nhận có quyền thay người có nghĩa vụ để thực hiện các quyền của người sau này, thì người có quyền sẽ đứng vào vị trí của người có nghĩa vụ để thực hiện các quyền của người sau này. Chủ nợ của một chủ sở hữu chung, khi yêu cầu phân chia tài sản chung, được quyền tham dự vào việc phân chia.   

Cần lưu ý rằng quyền khởi kiện được thừa nhận cho người có quyền trong những trường hợp trên chỉ có tác dụng vô hiệu hóa hành vi của người có nghĩa vụ chứ không đem lại cho người có quyền bất kỳ một quyền ưu tiên nào đối với tài sản sẽ được đưa vào sản nghiệp của người có nghĩa vụ sau khi hành vi của người có nghĩa vụ bị vô hiệu hóa:  phần tài sản được chia sẻ thuộc về khối tài sản thuộc sở hữu của người mắc nợ và được dùng để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người này theo luật chung. Chính là theo nghĩa đó mà ta hiểu cụm từ “nhận tiền thanh toán” được ghi nhận tại khoản 2 Ðiều 238 BLDS. Có thể hình dung: chủ nợ A tham gia vào việc phân chia tài sản chung của người mắc nợ; chia xong, một số tài sản rơi vào khối sản nghiệp của người mắc nợ và ngay lập tức các chủ nợ khác ập đến yêu cầu được phép thực hiện quyền đòi nợ của mình trên các tài sản ấy. Chủ nợ A trong trường hợp này phải chấp nhận chia sẻ cơ may thu hồi nợ  với các chủ nợ khác.     

2. Quyền kiện yêu cầu vô hiệu hoá một giao dịch gian lận

Tổng quan. Trên nguyên tắc, người có nghĩa vụ là chủ sở hữu các tài sản của mình và có quyền định đoạt các tài sản ấy, có hoặc không có đền bù; chủ nợ, dù có thể lo lắng về hậu quả của những giao dịch đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ của người mắc nợ, không có quyền can thiệp vào công việc quản lý sản nghiệp của người sau này.

Tuy nhiên, có trường hợp người có nghĩa vụ  xác lập một giao dịch liên quan đến tài sản thực sự với ý định là suy giảm, thậm chí làm mất tính hiện thực của khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu đúng là như vậy, thì luật cho phép người có quyền yêu cầu lên tiếng nhằm ngăn chặn sự gian lận của người có nghĩa vụ đối với mình. Nếu sự lên tiếng đó có hiệu quả, giao dịch do người có nghĩa vụ xác lập sẽ bị thủ tiêu.

Cũng giống như đối với quyền khởi kiện chéo, luật Việt Nam hiện hành không có những quy định tổng quát nhất về quyền kiện yêu cầu vô hiệu cục bộ một giao dịch gian lận mà chỉ có các quy tắc đặc thù áp dụng cho những trường hợp đặc thù được luật dự kiến.

- Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều , trong những trường hợp được pháp luật dự kiến, vợ chồng có quyền chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, tuy nhiên, việc chia tài sản chung nhằm mục đích trốn tránh các nghĩa vụ không được pháp luật công nhận.    
- Theo BLDS Điều 645 khoản 1, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.  

Có thể dùng phương pháp phân tích quy nạp để làm rõ các điều kiện của việc thủ tiêu một giao dịch gian lận trong trường hợp tổng quát. 

Điều kiện. Cả trong hai giả thiết được ghi nhận ở trên, nghĩa vụ mà người xác lập giao dịch muốn trốn tránh hẳn phải là nghĩa vụ tồn tại trước thời điểm xác lập giao dịch[8][8]. Trên nguyên tắc, người sắp trở thành chủ nợ không thể nói rằng người mắc nợ đã xác lập giao dịch vào hôm trước đó để trốn tránh việc thực hiện một nghĩa vụ tài sản sẽ được giao kết vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một người, biết trước rằng sự phát sinh của một nghĩa vụ tài sản nào đó là chắc chắn. Nếu đúng là giao dịch được xác lập nhằm lẫn tránh một nghĩa vụ chắc chắn sẽ được xác lập trong tương lai, thì, một cách hợp lý, người sẽ chắc chắn có quyền cũng được thụ hưởng biện pháp kiện yêucầu vô hiệu giao dịch gian lận này.       

Cũng trong cả hai giả thiết đó, người có nghĩa vụ xác lập giao dịch (phân chia tài sản chung hoặc từ chối nhận di sản) đều được thúc gịuc bởi mong muốn làm suy giảm giá trị của khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền trở nên khó thực hiện, thậm chí không thực hiện được.     

Hiệu lực. Theo Nghị định số 70-CP ngày 03/10/2001 Điều 11, việc chia tài sản chung nhằm trốn tránh các nghĩa vụ tài sản bị vô hiệu. Đối với trường hợp từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản của bản thân, luật lại không có quy định cụ thể về hình thức chế tài; song, có thể tin rằng người làm luật cũng muốn vô hiệu hoá giao dịch này để trả người giao dịch trở lại tình trạng ban đầu[9][9].            

Vấn đề đặt ra là phạm vi các chủ thể chịu sự tác động của sự vô hiệu trong các trường hợp này rộng đến đâu ? Hỏi cách khác: sự vô hiệu này có hiệu lực đối với ai ? Tất cả mọi người hay chỉ đối với người bị kiện và người đi kiện ? Thoạt nghĩ, người ta có thể cho rằng đặt vấn đề như thế là không hợp lý, bởi sự vô hiệu của một giao dịch, một khi được Toà án phán xử, phải có hiệu lực đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, trên thực tế, có những giao dịch liên quan đến những tài sản có giá trị lớn trong khi món nợ phải trả lại có giá trị rất nhỏ. Giả sử người có nghĩa vụ thực sự vừa muốn tẩu tán tài sản, vừa muốn trút bỏ hoặc tránh nhận lấy gánh nặng của việc quản lý một khối tài sản lớn, thì việc thừa nhận hiệu lực “bình thường” của sự vô hiệu có thể không phải là giải pháp tốt nhất. Một người từ chối nhận một di sản lớn; một chủ nợ nhỏ phản đối; việc từ chối bị vô hiệu hoá; di sản được trao cho người mắc nợ; một phần nhỏ di sản được dùng để trả món nợ; một phần lớn thuộc về người mắc nợ, dù người này không muốn nhận lãnh.     

Trong luật của nhiều nước, sự vô hiệu trong trường hợp này chỉ có hiệu lực trong quan hệ giữa người mắc nợ và chủ nợ có yêu cầu; giao dịch vẫn có giá trị đối với tất cả mọi người khác. Người ta sự vô hiệu đó là sự vô hiệu cục bộ (nullìté limìtée) hay sự không đối kháng (inopposabilité).                   

Bảo đảm nghĩa vụ của doanh nghiệp bị phá sản. Một khi doanh nghiệp ở ngưỡng của sự phá sản, thì, trong một vài trường hợp, người điều hành doanh nghiệp có thể nghĩ đền việc làm thế nào để các tài sản của doanh nghiệp thoát khỏi sự kê biên theo yêu cầu của các chủ nợ. Luật chủ động dự liệu những biện pháp cần thiết để đối phó những những thủ đoạn này. Cụ thể, nếu doanh nghiệp chính thức lâm vào tình trạng phá sản và cần tiến hành tổ chức thanh toán các nghĩa vụ của doanh nghiệp, thì Chấp hành viên có quyền đề nghị tòa án ra quyết định thu hồi lại tài sản, giá trị tài sản của doanh nghiệp hay phần chênh lệch giá trị tài sản của doanh nghiệp, nếu trong 6 tháng trước ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã có những vi phạm sau đây (Luật phá sản doanh nghiệp ngày 30/12/1993, Ðiều 45 khoản 1):

a - Tẩu tán tài sản của doanh nghiệp dưới mọi hình thức;
b - Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn;
c - Từ bỏ quyền đòi nợ đối với các khoản nợ;
d - Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm;
đ - Bán các tài sản của doanh nghiệp thấp hơn thực giá.

Thu hồi lại tài sản, giá trị tài sản hoặc phần chênh lệch giá trị tài sản có nghĩa rằng giao dịch liên quan phải bị tuyên bố vô hiệu.

II. Các biện pháp hữu hiệu hóa việc thanh toán

Trên nguyên tắc, nếu người có nghĩa vụ không tự giác thực hiện nghĩa vụ, thì người có quyền yêu cầu có thể, trong khuôn khổ pháp luật, làm thế nào đó để buộc người này phải thực hiện. Nguyên tắc có vẻ đơn giản và dễ áp dụng, nhưng sự việc trên thực tế lại khá rắc rối. 

Nghĩa vụ liên quan đến nhân thân của người có nghĩa vụ. Nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc, nói chung, không thể được cưỡng chế thực hiện bằng cách buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện: không thể dùng bạo lực (dù là bạo lực có tổ chức của Nhà nước) để buộc nhà thầu phải thi công, họa sĩ phải vẽ, ca sĩ phải hát, thương nhận không được cạnh tranh bất chính,...

Nếu nghĩa vụ có thể được thực hiện mà không cần động đến thân thể của người có nghĩa vụ, thì, trong trường hợp người có nghĩa vụ không tự giác thực hiện, người có quyền có thể tự mình thực hiện. Ví dụ, khi người có nghĩa vụ không làm một công việc mà lại làm công việc đó, thì người có quyền được yêu cầu người có nghĩa vụ phải chấm dứt việc làm đó, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại (BLDS Điều 312 khoản 2). Người xây dựng vi phạm các quy tắc về xây dựng gây thiệt hại cho người láng, thì có nghĩa vụ phá dỡ phần xây dựng có liên quan; nếu người này không tự giác phá dỡ, thì người láng giềng có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phá dỡ (áp dụng khoản 2 Ðiều 312).

Nếu nghĩa vụ chỉ có thể được thực hiện với sự tham gia của người có nghĩa vụ, thì, trong trường hợp người có nghĩa vụ không tự giác thực hiện, người có quyền có thể tự mình thực hiện hoặc yêu cầu người khác thực hiện thay ngừoi có nghĩa vụ và yêu cầu người có nghĩa vụ hoàn trả chi phí (Ðiều 312 khoản 1). Khi đó, nghĩa vụ làm một việc chuyển thành nghĩa vụ trả tiền.

Trong luật của Pháp, nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc còn có thể bị cưỡng chế thực hiện bằng cách phạt vạ (astreinte): cứ mỗi một ngày vi phạm nghĩa vụ, người vi phạm phải trả một số tiền phạt. Việc tiền phạt chồng chất theo thời gian có thể khiến người có nghĩa vụ, đến một lúc nào đó, cảm thấy “ngán ngẩm” và chấp nhận thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, biện pháp phạt vạ không thể kéo dài vô thời hạn: đến một lúc nào đó, nếu nhận thấy người vi phạm vẫn “kiên trì” chịu bị phạt chứ không chịu thực hiện nghĩa vụ, thì Toà án phải chuyển biện pháp phạt vạ thành biện pháp bồi thường thiệt hại để chấm dứt mối quan hệ không suôn sẻ giữa các bên. Khi đó, nghĩa vụ làm một việc cũng trở thành nghĩa vụ trả tiền.    

Nghĩa vụ chuyển một quyền đối với tài sản. Nghĩa vụ chuyển một quyền đối với tài sản, nếu không được người có nghĩa vụ tự giác thực hiện, thì có thể được có quyền tự mình thực hiện hoặc yêu cầu người khác thực hiện. Cụ thể,

- Nếu tài sản là một vật đặc định, thì người có quyền có thể yêu cầu xác nhận việc chuyển quyền bằng một bản án hoặc tự mình tiến hành thủ tục chuyển quyền bằng cách đăng ký (đối với những quyền cần phải đăng ký), sau đó, yêu cầu cưỡng chế việc giao tài sản cho mình trong khuôn khổ thủ tục kiện đòi lại tài sản hoặc kiện đòi chấm dứt cản trở đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu;
- Nếu tài sản là vật cùng loại, thì người có quyền có thể yêu cầu người khác chuyển quyền và giao tài sản cùng loại cho mình.

Trong trường hợp việc thực hiện nghĩa vụ bằng hiện vật là không thể được, đặc biệt là do vật không còn, thì nghĩa vụ chuyển một quyền đối với một tài sản được chuyển thành nghĩa vụ bồi thường tiệt hại, tức là nghĩa vụ trả một số tiền.

Nghĩa vụ trả một số tiền.  Nghĩa vụ trả tiền (bao gồm cả nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc cưỡng chế thực hiện các nghĩa vụ làm, không làm một việc hoặc chuyển quyền đối với tài sản) được cưỡng chế thực hiện bằng cách kê biên và bán các tài sản của người có nghĩa vụ để thanh toán nghĩa vụ. Việc kê biên được thực hiện theo các quy định chung về tố tụng dân sự. Tài sản kê biên được bán dưới hình thức đấu giá công khai và số tiền bán, sau khi trừ chi phí bảo quản, bán đấu giá, được dùng để thanh toán nghĩa vụ cho người có quyền.

Bất kỳ nghĩa vụ tài sản nào mà có thể được thực hiện dưới hình thức trả một số tiền, đều được bảo đảm thực hiện bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người có nghĩa vụ. Với biện pháp bảo đảm này, trong trường hợp người có nghĩa vụ không tự giác thực hiện nghĩa vụ, thì người có quyền có thể yêu cầu kê biên bất kỳ tài sản nào được phép kê biên của người có nghĩa vụ và yêu cầu bán đấu giá tài sản đó để thu nợ.

Cũng chính vì bất kỳ chủ nợ nào cũng có quyền đối với bất kỳ tài sản nào (kê biên được) của người mắc nợ mà, suy cho cùng, không có chủ nợ nào được ưu tiên trả nợ. Nếu tất cả các món nợ đều đến hạn, thì theo luật chung, người mắc nợ sẽ trả nợ cho chủ nợ nào đến trước. Nếu các chủ nợ đến cùng một lúc và khối tài sản có của người mắc nợ không đủ để trả tất cả các món nợ, thì các món nợ được trả theo tỷ lệ.

Cá biệt, một số chủ nợ có bảo đảm đối vật, như chủ nợ nhận cầm cố hoặc nhận thế chấp, có quyền ưu tiên nhận tiền thanh toán so với các chủ nợ khác, từ tiền bán tài sản được dùng làm vật bảo đảm. Giả sử sau khi đã dùng hết số tiền bán vật bảo đảm để trả nợ mà nợ vẫn chưa dứt, thì chủ nợ có bảo đảm trở thành chủ nợ thường và có quyền đối với các tài sản khác của người mắc nợ, như bao nhiêu chủ nợ thường khác.

Trong trường hợp người có nghĩa vụ chết và di sản được đặt dưới sự quản lý chính thức, thì việc trả nợ được tổ chức thực hiện theo các quy định về trả nợ di sản được quản lý chính thức, tại BLDS Điều 686. 

Trong trường hợp người có nghĩa vụ là doanh nghiệp ở trong tình trạng phá sản, thì việc xác định thừ tự ưu tiên trả nợ được thực hiện theo Luật phá sản doanh nghiệp.    

Chương II
Lưu thông nghĩa vụ

Các nghĩa vụ có tính chất tài sản mà không gắn liền với nhân thân của người có quyền hoặc của người có nghĩa vụ có thể được thực hiện hoặc được tiếp nhận bởi một người không phải là người có nghĩa vụ đầu tiên hay người có quyền đầu tiên. Luật cho phép, trong những trường hợp đặc thù, người có nghĩa vụ hoặc người có quyền yêu cầu có thể được thay đổi.

I. Thay đổi người có quyền yêu cầu

1. Chuyển giao quyền yêu cầu

Ðịnh nghĩa. Chuyển giao quyền yêu cầu là việc người có quyền yêu cầu một người khác thực hiện nghĩa vụ chuyển giao quyền yêu cầu đó cho một người thứ ba (gọi là người thế quyền), do hiệu lực của một thỏa thuận giữa người có quyền và người thứ ba đó: một loại hợp đồng mua bán hoặc tặng cho có đối tượng là một quyền yêu cầu. Bằng việc chuyển giao quyền yêu cầu, người có quyền rút ra khỏi quan hệ nghĩa vụ; người được chuyển nhượng trở thành người có quyền yêu cầu; còn tình trạng nghĩa vụ của người có nghĩa vụ không thay đổi. Quyên yêu cầu được chuyển giao có thể đã đến hạn hoặc chưa đến hạn, thậm chí có thể là quyền yêu cầu có điều kiện.

a. Điều kiện

Đối tượng. Tất cả các quyền yêu cầu đều có thể được chuyển giao , trừ những quyền yêu cầu sau đây (Ðiều 315 khoản 1):

- Quyền yêu cầu gắn liền với nhân thân của người có quyền, kể cả yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Quyền mà các bên xác lập có thỏa thuận không được chuyển giao cho người khác (trừ trường hợp chuyển giao bằng con đường thừa kế);
- Những quyền yêu cầu khác mà pháp luật quy định không được chuyển.

Thực ra, ngoài BLDS, pháp luật hiện hành lại chưa quy định rõ ràng về những quyền yêu cầu không thể được chuyển giao. Tuy nhiên, có nhìn nhận, theo đạo lý, tính chất không thể chuyển nhượng (trừ trường hợp được chuyển giao bằng con đường thừa kế) của một số quyền tài sản: quyền yêu cầu được bồi thường chiến tranh,   

Thủ tục.  Việc chuyển giao quyền yêu cầu có thể được giao kết bằng văn bản hoặc bằng miệng (Ðiều 316). Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản, có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền hoặc đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì phải tuân theo các quy định đó (cùng điều luật).

b. Hiệu lực của việc chuyển giao quyền yêu cầu.

Việc chuyển giao quyền yêu cầu có tác dụng thay đổi người có quyền yêu cầu; còn bản thân quyền yêu cầu vẫn tồn tại với đầy đủ các đặc điểm về nội dung. Ðặc biệt, nếu quyền yêu cầu được bảo đảm thực hiện (bằng các biện pháp cầm cố, thế chấp, bảo lãnh), thì người thế quyền cũng được hưởng các biện pháp đó (Ðiều 319). Người chuyển giao phải bảo đảm về sự tồn tại của tài sản hay, đúng hơn, của các quyền đối với tài sản (đối với quyền yêu cầu mà mình chuyển giao); nhưng người chuyển giao không có trách nhiệm bảo đảm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Ðiều 318).

Thông báo cho người có nghĩa vụ.  Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo cho người có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu (Ðiều 315 khoản 2). Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (cùng điều luật).

Thực ra, nếu người chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo cho người có nghĩa vụ, thì việc chuyển giao quyền yêu cầu được giao kết đúng luật vẫn có giá trị và vẫn phát sinh hiệu lực giữa hai bên giao kết; nhưng người có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ cho người thế quyền chừng nào còn chưa được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu (Ðiều 320 khoản 1). Riêng trong trường hợp việc chuyển giao quyền yêu cầu được thể hiện bằng văn bản, nếu người thế quyền không xuất trình được văn bản chuyển giao quyền, thì người có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ (cùng điều luật). Ðiều đó có nghĩa rằng nếu người thế quyền xuất trình được văn bản chuyển giao quyền yêu cầu, thì người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn, dù không được người có quyền yêu cầu thông báo bằng văn bản.

Theo khoản 2 Ðiều 320, trong trường hợp người có nghĩa vụ không được báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghiîa vụ đối với người chuyển giao quyền, thì người thế quyền không được yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình (Ðiều 320 khoản 2). Hẳn điều luật này chỉ áp dụng đối với việc chuyển giao quyền yêu cầu được giao kết bằng miệng: ta đã biết rằng nếu việc chuyển giao quyền yêu cầu được giao kết bằng văn bản, thì người thế quyền có xuất trình văn bản cho người có nghĩa vụ để hữu hiệu hóa việc chuyển giao quyền mà không cần để thủ tục thông báo của người chuyển giao quyền. Nếu người thế quyền đã xuất trình văn bản, thì người có nghĩa vụ mà thực hiện nghĩa vụ cho người chuyển giao quyền sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thêm một lần nữa theo yêu cầu của người thế quyền.

Có thể nghĩ rằng thủ tục thông báo chuyển giao quyền yêu cầu cho người có nghĩa vụ còn mang ý nghĩa công bố việc chuyển giao quyền đối với người thứ ba chứ không chỉ đối với người có nghĩa vụ: chủ nợ của người chuyển giao quyền yêu cầu có thể yêu cầu kê biên quyền yêu cầu chừng nào người chuyển giao còn chưa thông báo cho người có nghĩa vụ, ngay cả trong trường hợp người thế quyền đã xuất trình văn bản chuyển giao cho người có nghĩa vụ.

2 - Mua bán quyền đòi nợ

Khái niệm. Mua bán quyền đòi nợ là trường hợp đặc biệt của việc chuyển giao quyền yêu cầu mà trong đó, đối tượng mua bán là quyền đòi nợ và việc chuyển giao mang đầy đủ tính chất của một hợp đồng mua bán, nghĩa là bên bán chuyển giao vật (quyền đòi nợ) còn bên mua trả cho bên bán một số tiền. Việc mua bán quyền đòi nợ (nói chung, quyền tài sản) được dự liệu tại Ðiều 442 BLDS.

Giao kết hợp đồng mua bán quyền đòi nợ. Luật không có quy định đặc biệt về các điều kiện giao kết hợp đồng mua bán quyền đòi nợ. Ðiều đó có nghĩa rằng các quy định chung về hợp đồng mua bán được áp dụng: hợp đồng có thể được lập bằng miệng hoặc bằng văn bản, có thể phải được chứng nhận, chứng thực, đăng ký, nếu pháp luật có quy định. Ðiều quan trọng: khi mua bán quyền đòi nợ, các bên không cần làm thủ tục thông báo cho người mắc nợ, như khi chuyển giao quyền yêu cầu.

Hiệu lực của hợp đồng mua bán quyền đòi nợ. Hợp đồng mua bán quyền đòi nợ có tác dụng chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cho người mua. Thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm mà bên mua nhận được giấy tờ xác nhận về quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ đó hoặc từ thời điểm đăng ký chuyển giao quyền sở hữu nếu pháp luật có quy định (Ðiều 442 khoản 3).

Cũng như người chuyển giao quyền yêu cầu, người bán quyền đòi nợ chỉ phải bảo đảm về sự hiện hữu của quyền đòi nợ chứ không phải bảo đảm về khả năng thanh toán của người mắc nợ. Tuy nhiên, nếu người bán đã cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ, thì người bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả (Ðiều 442 khoản 2).

3 - Chuyển quyền yêu cầu trong hoạt động thương mại

Thủ tục đơn giản. Nếu tất cả các quyền yêu cầu đều phải được chuyển giao theo các thủ tục như được phân tích ở trên, thì chắc chắn thương mại không thể phát triển  Thực tiễn thương mại ghi nhận một số trường hợp chuyển quyền yêu cầu theo các thủ tục đơn giản: chỉ cần xuất trình chứng từ có giá và chứng minh được việc thỏa mãn một số điều kiện, tùy trường hợp, người có quyền sở hữu đối với chứng từ sẽ được người có nghĩa vụ theo chứng từ coi là người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ được ghi nhận trong chứng từ đó. Luật thực định Việt Nam thừa nhận ba loại chứng từ:

- Chứng từ có ghi tên: là loại chứng từ thiết lập vì lợi ích của người có tên trong các sổ sách ghi nhận việc thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ. Có thể kể trong số này các trái phiếu, cổ phiếu có ghi tên. Loại chứng từ này được chuyển nhượng bằng cách tiến hành đăng ký sang tên từ người chuyển nhượng sang người được chuyển nhượng, trên sổ sách của người có nghĩa vụ.
- Chứng từ không ghi tên: là loại chứng từ thiết lập quyền được thanh toán trên cơ sở xuất trình chứng từ cho người có nghĩa vụ. Có thể dẫn ra: trái phiếu không ghi tên, chèque không ghi tên, cổ phiếu không ghi tên,...; trong lĩnh vực dân sự, ta có vé số trúng thưởng, vé xem hát, xem đá bóng... Loại chứng từ này được chuyển nhượng như một động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, nghĩa là bằng cách trao tay.
- Chứng từ chi trả theo lệnh: là loại chứng từ ghi nhận quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo lệnh của một người có tên ghi trên chứng từ. Ví dụ điển hình của loại chứng từ này là các thương phiếu (hối phiếu và lệnh phiếu). Việc chuyển nhượng loại chứng từ này được ghi nhận bằng các ghi chép ở ô ký hậu.

4. Thế quyền yêu cầu

Khái niệm. Thế quyền yêu cầu là việc một người thay một người có quyền yêu cầu ở vị trí người có quyền yêu cầu, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thay cho người có nghĩa vụ. Người thế quyền, cũng như người thế quyền trong trường hợp được chuyển giao quyền yêu cầu, trở thành người có quyền yêu cầu. Song, khác với người được chuyển giao quyền yêu cầu, người thế quyền trong trường hợp này chỉ thay thế người có quyền trong chừng mực phần giá trị của nghĩa vụ mà người này đã thực hiện. Ví dụ: A nợ B 100; C trả hộ B 50 với điều kiện A đồng ý để C thay thế A đòi nợ A; vậy, C thế A trong việc đòi B trả 50; A bảo tồn quyền yêu cầu B trả 50 còn lại. Tình hình sẽ khác đi nếu giữa A và C có sự thỏa thuận theo đó, A chuyển nhượng quyền đòi nợ đối với B cho C với giá 50: khi đó, bằng việc trả cho A 50, C trở thành người có quyền yêu cầu đối với toàn bộ số nợ mà B đã giao kết với A. Việc thế quyền chỉ phát sinh hiệu lực đối với người thế quyền và người có quyền yêu cầu, bằng việc thực hiện nghĩa vụ; trong khi việc chuyển giao quyền yêu cầu có hiệu lực đối với hai bên giao kết việc chuyển quyền kể từ thời điểm giao kết, nếu không có thỏa thuận khác và pháp luật không có quy định khác. Hơn nữa, việc thế quyền chỉ có giá trị một khi được xác lập cùng một lúc hoặc trước khi nghĩa vụ được thực hiện: nghĩa vụ được thực hiện (và hoàn thành) sẽ chấm dứt; tương ứng, quyền yêu cầu được đáp ứng cũng sẽ chấm dứt và không ai có thể làm cho nó sống lại để chuyển giao cho người thế quyền.

Chế định thế quyền yêu cầu, như được định nghĩa ở trên, chưa được thiết lập một cách có hệ thống trong luật thực định Việt Nam. Hiện việc thế quyền yêu cầu chỉ được ghi nhận trong luật cho một vài trường hợp đặc thù, điển hình là trường hợp bảo lãnh: người bảo lãnh, sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, sẽ có quyền yêu cầu người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi đã bảo lãnh (BLDS Ðiều 372) và được hưởng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà người nhận bảo lãnh đã được hưởng, nếu có..

II - Thay đổi người có nghĩa vụ

1 - Chuyển giao nghĩa vụ

Khái niệm. Chuyển nghĩa vụ là việc người có nghĩa vụ chuyển trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cho một người khác (gọi là người thế nghĩa vụ) với sự đồng ý của người có quyền yêu cầu. Các nghĩa vụ được chuyển giao phải là những nghĩa vụ chuyển giao được trong giao lưu dân sự (Ðiều 321 khoản 1). Khi nghĩa vụ được chuyển giao, thì người thế nghĩa vụ trở thành người có nghĩa vụ (Ðiều 321 khoản 2), còn người chuyển giao không có nghĩa vụ nữa.

Kỹ thuật chuyển giao nghĩa vụ được chấp nhận trong khá nhiều hệ thống luật phương Tây, nhưng chưa bao giờ được chính thức thừa nhận trong luật của Pháp.

Xác lập giao dịch chuyển giao nghĩa vụ. Việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản (Ðiều 322). Khác với chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ không bao giờ có thể được xác lập bằng lời nói. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền hoặc đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì phải tuân theo hình thức đó.

Cần nhắc lại rằng việc chuyển giao nghĩa vụ chỉ có giá trị một khi có sự đồng ý của người có quyền yêu cầu. Song luật không có quy định về hình thức thể hiện sự đồng ý đó. Có thể nghĩ rằng thông thường, các bên chuyển giao nghĩa vụ sẽ yêu cầu người có quyền cùng tham gia xác lập giao dịch hoặc ít nhất, ký tên vào văn bản ghi nhận việc chuyển giao nghĩa vụ sau khi đã ghi chú một vài chữ thể hiện sự đồng ý của mình.

Hiệu lực của việc chuyển giao nghĩa vụ. Mặc dù luật không nói rõ, có thể tin rằng một khi chuyển giao nghĩa vụ cho người khác, người có nghĩa vụ không còn bị ràng buộc vào quan hệ nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp người thế nghĩa vụ không tự giác thực hiện nghĩa vụ, thì người này phải tự mình chịu trách nhiệm trước người có quyền[10][10]. Mặt khác, theo BLDS Ðiều 323, nếu nghĩa vụ được chuyển giao là nghĩa vụ có bảo đảm, thì biện pháp bảo đảm chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác: người bảo lãnh của người chuyển giao nghĩa vụ không phải tiếp tục bảo lãnh cho người thế nghĩa vụ; nếu người chuyển giao nghĩa vụ đã cầm cố, thế chấp tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ, thì, sau khi nghĩa vụ được chuyển giao, các biện pháp cầm cố, thế chấp chấm dứt hiệu lực;...

2 - Chuyển giao toàn bộ sản nghiệp

Thừa kế đối với người có nghĩa vụ. Trong trường hợp người có nghĩa vụ chết, thì nghĩa vụ của người này, trên nguyên tắc, không chấm dứt mà được chuyển giao cho người thừa kế (BLDS Ðiều 639). Người thừa kế của người chết có thể do chính người sau này chỉ định bằng di chúc hoặc được gọi để nhận di sản (bao gồm các quyền và các nghĩa vụ về tài sản), theo thứ tự do pháp luật quy định. Trừ trường hợp từ chối nhận di sản, người thừa kế có trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ do người chết để lại và người có quyền yêu cầu không thể yêu cầu thay đổi người thừa kế này bằng người thừa kế khác. Tuy nhiên,

- Có những nghĩa vụ gắn liền với nhân thân hoặc với những phẩm chất riêng của người chết và không thể được chuyển giao. Những nghĩa vụ này chấm dứt khi người có nghĩa vụ chết. Ví dụ: nghĩa vụ thực hiện tác phẩm của một họa sĩ.
- Có những nghĩa vụ chấm dứt khi người có nghĩa vụ chết, theo quy định của pháp luật, ví dụ: nghĩa vụ bảo lãnh trong luật thực định.
- Trong trường hợp di sản được đặt dưới sự quản lý chính thức, thì người thừa kế chỉ chịu trách nhiệm đối với những nghĩa vụ do người chết để lại trong phạm vi giá trị của tài sản có thuộc di sản (diễn dịch khoản 2 Ðiều 640).
- Trong trường hợp di sản không được đặt dưới sự quản lý chính thức và có nhiều người thừa kế, thì mỗi người thừa kế chịu trách nhiệm đối với một phần nghĩa vụ do người chết để lại tương ứng với phần quyền hưởng di sản của mình (khoản 3 Ðiều 640).

Sáp nhập, chia, tách pháp nhân. Khi nhiều pháp nhân được sáp nhập hoặc khi một pháp nhân được chia, tách, thì một hoặc nhiều pháp nhân mới được thành lập  và pháp nhân được sáp nhập, chia, tách chấm dứt (Ðiều 108 khoản 1 điểm a). Pháp nhân mới đảm nhận các nghĩa vụ do pháp nhân chấm dứt để lại (Ðiều 105 khoản 2; Ðiều 106 khoản 2). Tuy nhiên, cũng như cá nhân, pháp nhân có thể có những nghĩa vụ không thể được chuyển giao hoặc đương nhiên chấm dứt sau khi chấm dứt pháp nhân: những nghĩa vụ này sẽ chấm dứt chứ không thể được chuyển giao cho pháp nhân mới, ví dụ: nghĩa vụ bảo lãnh trong luật thực định. Điều chắc chắn: người có quyền yêu cầu mà bị vô hiệu hoá do việc sáp nhập, chia tách pháp nhân phải có quyền yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình chống lại việc chia, tách, sáp nhập nhằm múc đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Ta có giải pháp này trong logique của suy nghĩ về quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu một giao dịch gian lận[11][11]: dù luật không có quy định rõ ràng, vẫn có thể dựa vào nguyên tắc áp dụng tương tự để thừa nhận cho những người có quyền yêu cầu đối với pháp nhân sẽ biến mất quyền yêu cầu tuyên bố việc sáp nhập, chia, tách pháp nhân không có hiệu lực đối với mình, để họ có thể tiếp tục đeo đuổi việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đối với mình bằng các tài sản của pháp nhân bị sáp nhập.       







Chương III

Chấm dứt nghĩa vụ
 
Giới hạn vấn đề. Chấm dứt nghĩa vụ tất nhiên xảy ra trong trường hợp nghĩa vụ được thực hiện đúng và đầy đủ. Ðây là trường hợp tốt nhất. Trên thực tế, nghĩa vụ cũng có thể chấm dứt, dù người có nghĩa vụ chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong: hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bị hủy bỏ, bị đơn phương đình chỉ thực hiện; người có quyền miễn thực hiện nghĩa vụ cho người có nghĩa vụ; nghĩa vụ có đối tượng là một vật đặc định và vật bị mất trước khi nghĩa vụ được thực hiện; nghĩa vụ được thay thế bằng một nghĩa vụ khác; nghĩa vụ mất tính chất pháp lý, đặc biệt là không thể bị cưỡng chế thực hiện được nữa, do hết thời hiệu;

Mục I. Các trường hợp đặc biệt của việc chấm dứt nghĩa vụ theo hợp đồng


I. Hủy bỏ hợp đồng

Khái niệm.  Hủy bỏ hợp đồng là biện pháp chấm dứt hợp đồng bằng cách đưa các bên giao kết trở lại tình trạng như trước khi giao kết. Việc hủy bỏ hợp đồng xảy ra trong điều kiện có một bên không thực hiện nghĩa vụ và có tác dụng tạo một lối ra dễ chấp nhận nhất cho người giao kết với người vi phạm nghĩa vụ. Tất nhiên, người giao kết với người vi phạm nghĩa vụ có thể yêu cầu buộc người sau này thực hiện nghĩa vụ; nhưng thông thường, việc yêu cầu một người không tự giác thực hiện nghĩa vụ phải thông qua nhiều thủ tục rất mất thời gian và tốn kém; hủy bỏ hợp đồng là con đường ngắn nhất để chấm dứt quan hệ giao kết.

Hủy bỏ theo ý chí. Khác với luật của nhiều nước, luật Việt Nam thừa nhận rằng bên giao kết có quyền hủy bỏ hợp đồng, nghĩa là có thể tự mình chấm dứt hợp đồng bằng cách hủy bỏ hợp đồng mà không cần đến vai trò của Toà án[12][12]. Thông thường, khi một bên sử dụng quyền hủy bỏ hợp đồng của mình, thì bên kia sẽ kiện. Khi đó, công việc của thẩm phán là xem xét yêu cầu của người đi kiện: nếu yêu cầu có cơ sở, thì thẩm phán tuyên bố việc hủy bỏ hợp đồng không có giá trị và hợp đồng được thực hiện đến cùng; nếu yêu cầu không có cơ sở, thì thẩm phán bác đơn và việc hủy bỏ hợp đồng của người bị kiện tiếp tục phát sinh hiệu lực. tòa án Việt Nam không được luật giao quyền hủy bỏ hợp đồng theo yêu cầu của một bên (hoặc cả hai bên) giao kết.

Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết về việc hủy bỏ (Ðiều 419 khoản 2); nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia, thì bên hủy bỏ hợp đồng phải bồi thường (cùng điều luật). Luật không có quy định về hình thức thông báo; vậy việc thông báo có thể được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào và được chứng minh bằng bất kỳ phương tiện nào được pháp luật thừa nhận. Luật cũng không chính thức đòi hỏi việc tiếp nhận thông báo của bên kia như là một điều kiện để việc hủy bỏ có giá trị; tuy nhiên, một cách hợp lý, chừng nào chưa nhận được thông báo hủy bỏ của bên kết ước, thì đối với bên giao kết, hợp đồng vẫn tiếp tục tồn tại.
   
1. Hủy bỏ hợp đồng do lỗi

Phạm vi áp dụng. Theo Ðiều 413 BLDS, khi một bên không thực hiện nghĩa vụ của miình do lỗi của bên kia, thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ta nhận thấy:

- Ðiều luật chỉ được áp dụng cho hợp đồng song vụ, tức là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
- Ðiều luật được áp dụng cho trường hợp bên hủy bỏ hợp đồng chưa thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhưng, bằng phương pháp suy lý mạnh,  có thể tin rằng điều luật cũng được áp dụng cả trong trường hợp bên hủy bỏ đã thực hiện nghĩa vụ của mình.

Biện pháp huỷ bỏ hợp đồng không phải là biện pháp duy nhất mà người bị thiệt hại có quyền sử dụng: người này có thể yêu cầu buộc người có lỗi phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, nếu biện pháp cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ là khả thi.    

2. Hủy bỏ hợp đồng do không thực hiện nghĩa vụ

Phạm vi áp dụng. Theo BLDS Điều 419 khoản 1, một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Vậy, trong luật thực định Việt Nam, việc một bên hủy bỏ hợp đồng do bên kia không thực hiện nghĩa vụ, nếu không được các bên thoả thuận trước, chỉ được cho phép trong những trường hợp được luật dự kiến.

Dẫu sao, việc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng tự nó đã chứa đựng yếu tố lỗi, như ta đã biết[13][13]. Giả sử trong một hợp đồng song vụ, một bên đã thực hiện nghĩa vụ còn bên kia không thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có thể viện dẫn Điều 413 để huỷ bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, việc huỷ bỏ hợp đồng theo Điều 413 sẽ không thể được chấp nhận trong trường hợp người không thực hiện nghĩa vụ không có lỗi. Ta thấy ngay lợi ích của Điều 419 khoản 1: một khi việc huỷ bỏ hợp đồng được pháp luật dự kiến, thì một khi điều kiện áp dụng điều luật đã có đủ (nghĩa là có vi phạm hợp đồng), thì quyền huỷ bỏ hợp đồng của bên bị vi phạm có cơ sở để thực hiện mà không cần xét đến việc liệu người vi phạm có hay không có lỗi. Ví dụ, trong hợp đồng mua bán, nếu người bán giao vật không đồng bộ làm cho mục đích sử dụng của vật không đạt được, thì người mua có quyền hủy bỏ hợp đồng (ngay nếu như người bán không có lỗi) (Ðiều 429 khoản 1); thế nhưng, nếu người mua không trả đủ tiền mua tài sản, thì người bán lại chỉ có quyền hủy bỏ hợp đồng, một khi người mua có lỗi.

Luật có thể dự kiến việc huỷ bỏ hợp đồng cả trong trường hợp hợp đồng mang tính chất đơn vụ. Ví dụ, theo BLDS Điều 472, nếu người vay tài sản sử dụng tài sản vay không đúng mục đích, dù đã được nhắc nhở, thì người cho vay có quyền đòi lại tài sản trước khi hết hạn vay[14][14]. Cần nhấn mạnh rằng trong một hợp đồng đơn vụ, quyền huỷ bỏ hợp đồng , nếu có được dự kiến, chỉ có thể là quyền dành riêng cho người có quyền yêu cầu chứ không thể là quyền của người có nghĩa vụ.  

Và cũng như huỷ bỏ hợp đồng do lỗi, huỷ bỏ hợp đồng do không thực hiện nghĩa vụ là biện pháp mà người bị thiệt hại có thể sử dụng một cách tuỳ nghi: thay vì huỷ bỏ hợp đồng, người này có thể yêu cầu buộc bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ, nhưng tất nhiên, trong điều kiện việc cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ là có thể được.

3 - Ðiều khoản hủy bỏ hợp đồng

Ðiều kiện để điều khoản hủy bỏ hợp đồng có giá trị. Nhắc lại rằng theo BLDS Ðiều 419 khoản 1, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Ta nhận thấy ngay rằng luật chỉ cho phép ghi nhận điều khoản hủy bỏ hợp đồng để áp dụng cho trường hợp vi phạm hợp đồng: không thể thỏa thuận trước việc hủy bỏ hợp đồng một cách tùy ý, nhất là không thể thỏa thuận trước việc hủy bỏ hợp đồng trong điều kiện hợp đồng đang được thực hiện nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên, một khi điều khoản hủy bỏ có giá trị, thì nó có thể được áp dụng cả trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng không có lỗi: khi dự liệu khả năng xây dựng điều khoản hủy bỏ, luật chỉ quan tâm đến mặt khách quan của điều kiện hủy bỏ - có vi phạm hợp đồng; còn vi phạm xảy ra trong hoàn cảnh nào và thái độ tâm lý của người vi phạm ra sao, không phải là đề tài cần bàn cãi.

Mặt khác, điều khoản hủy bỏ hợp đồng có thể được đưa cả vào trong các hợp đồng đơn vụ chứ không chỉ trong các hợp đồng song vụ.

4 - Hủy bỏ hợp đồng do rủi ro

Khái niệm. Theo BLDS Ðiều 308 khoản 2, trong trường hợp người có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng, thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ðiều luật chỉ giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự trong trường hợp đặc thù. Tuy nhiên, có thể hình dung rằng nếu quả thực nghĩa vụ liên quan không còn có thể được thực hiện (chứ không chỉ đơn giản là không thể được thực hiện đúng thời hạn), thì nghĩa vụ cũng chấm dứt. Tự đặt mình trong trường hợp nghĩa vụ liên quan phát sinh từ một hợp đồng song vụ, ta có ngay câu hỏi: thế thì khi đó, người giao kết có phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong điều kiện bên kia không thể thực hiện nghĩa vụ của họ do nguyên nhân bất khả kháng ?

Cho đến nay, luật viết chưa có giải pháp mang tính nguyên tắc cho câu hỏi trên đây. Nói riêng về nghĩa vụ có đối tượng là vật đặc định, luật quyết định rằng nghĩa vụ giao vật chấm dứt nếu vật không còn (Ðiều 392), nhưng luật lại không đề cập đến nghĩa vụ có thể có của người có quyền nhận vật (ví dụ, nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán). Tương đối rõ hơn một chút, hợp đồng thuê tài sản chấm dứt khi tài sản thuê không còn (Ðiều 488 khoản 5). Chấm dứt, có nghĩa rằng người thuê không phải trả tiền thuê, và người cho thuê không còn có các nghĩa vụ của người cho thuê. Ðiều luật được áp dụng mà không phân biệt giữa tài sản thuê không còn do lỗi và tài sản thuê không còn do sự kiện bất khả kháng.

Có thể từ các quy định tản mạn trong luật, rút ra được quy tắc sau đây: trong trường hợp nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ không thể được thực hiện do sự kiện bất khả kháng, thì người có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự, nhưng cũng không có quyền yêu cầu bên giao kết thực hiện nghĩa vụ của người sau này đối với mình.

Phân tích kỹ thuật. Khi áp dụng giải pháp nguyên tắc vừa được thiết lập, cần phân biệt giữa mất toàn bộ khả năng thực hiện nghĩa vụ và mất một phần khả năng thực hiện nghĩa vụ.

1 - Nếu nghĩa vụ hoàn toàn không thể thực hiện được, thì nghĩa vụ của người có quyền cũng không được thực hiện. Hợp đồng coi như không có hiệu lực, nghĩa là bị hủy bỏ. Ðây là trường hợp hủy bỏ hợp đồng khá đặc biệt, bởi vì không có ai có lỗi cũng không có ai vi phạm nghĩa vụ.
2 - Nếu nghĩa vụ chỉ không thể được thực hiện một phần, thì hẳn nghĩa vụ của người có quyền cũng được cắt giảm tương ứng: người cho thuê không thể bảo đảm việc căn phòng cho thuê được điều hòa không khí thường xuyên, do sự cố mất điện thường xảy ra trong khu vực; người thuê được giảm một phần tiền thuê tương ứng với phần nghĩa vụ bảo đảm việc điều hòa không khí không được thực hiện do nguyên nhân bất khả kháng; nhưng người thuê không được miễn trả tiền thuê.

Trường hợp hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký. Theo BLDS Ðiều 433 khoản 2, đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu, thì bên bán chịu rủi ro đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký; bên mua chịu rủi ro kể từ khi hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác. Vậy, giả sử giữa thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký và thời điểm giao tài sản cho bên mua mà tài sản không còn do nguyên nhân bất khả kháng, thì rủi ro thuộc về bên mua, người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ giao vật, chứ không phải bên bán: bên bán không phải thực hiện nghĩa vụ giao vật, trong khi bên mua vẫn phải trả tiền mua, dù không bao giờ nhận được tài sản.

Tuy nhiên, một cách hợp lý, nếu nghĩa vụ giao tài sản đã đến hạn thực hiện và người mua đã yêu cầu người bán thực hiện nghĩa vụ, thì rủi ro phải thuộc về người bán: khi đó, nếu tài sản bị mất (do nguyên nhân bất khả kháng), thì người bán không phải thực hiện nghĩa vụ giao vật, nhưng người mua cũng không phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

5 - Hệ quả của việc hủy bỏ hợp đồng

Giống như hợp đồng vô hiệu ? Theo BLDS Ðiều 419 khoản 3, khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền. Thoạt trông, không thể thấy có gì khác biệt, về hậu quả, giữa một hợp đồng vô hiệu và một hợp đồng bị hủy bỏ: bên giao kết hợp đồng vô hiệu, cũng như bên giao kết hợp đồng bị hủy bỏ, đều không có quyền và nghĩa vụ đối với bên kia; và nếu các bên đã chuyển giao tài sản cho nhau trong khuôn khổ thực hiện các nghĩa vụ vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, thì phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tài sản. Tuy nhiên, khác với hợp đồng vô hiệu, hợp đồng bị hủy bỏ vẫn tồn tại và vẫn có giá trị, chỉ có các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng là không được thực hiện.

Bồi thường thiệt hại. Bên hủy bỏ hợp đồng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khác với quyền hủy bỏ hợp đồng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ có thể được thực hiện với sự can thiệp của tòa án. Nói rõ hơn, mức bồi thường thiệt hại (và có thể cả thể thức thực hiện việc bồi thường) do tòa án ấn định.

II - Ðơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng

Khái niệm. Có thể quan niệm việc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng như một hình thức giới hạn hệ quả của việc hủy bỏ hợp đồng trong thời gian: hợp đồng bị đơn phương đình chỉ thực hiện sẽ không có hiệu lực về sau, nhưng tất cả những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến ngày hợp đồng bị đình chỉ thực hiện vẫn được ghi nhận. Nói cách khác, hợp đồng bị đơn phương đình chỉ thực hiện là hợp đồng có giá trị và có hiệu lực cho đến thời điểm nó bị đình chỉ thực hiện (Ðiều 420 khoản 3): các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ; bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán, nghĩa là có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng.

Hợp đồng thực hiện liên tục trong thời gian. Có những hợp đồng được thực hiện liên tục trong thời gian, như hợp đồng cho thuê tài sản, và việc thực hiện tỏ ra nghiêm chỉnh trong một thời kỳ dài. Sẽ hợp lý, nếu việc hủy bỏ hợp đồng loại này không ảnh hưởng đến các kết quả thực hiện hợp đồng đạt được trước đó. Chế định đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng chính là công cụ mà bên giao kết có thể sử dụng cho mục đích đó.

Ðơn phương đình chỉ theo ý chí. Cũng như việc hủy bỏ hợp đồng, việc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc của bên giao kết hợp đồng chứ không phải của tòa án. Quyền đơn phương đình chỉ có cơ sở trong các điều khoản đình chỉ được ghi nhận trong hợp đồng và thỏa mãn các điều kiện do luật quy định để có giá trị (tức là có vi phạm hợp đồng: Ðiều 420 khoản 1) hoặc trong các quy định của luật viết (ví dụ, trong hợp đồng cho thuê nhà ở: Ðiều 497; trong hợp đồng thuê khoán: Ðiều 513;...).

Bên đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc đình chỉ hợp đồng (Ðiều 420 khoản 2); nếu không thông báo mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường (cùng điều luật). Cũng như đối với việc hủy bỏ hợp đồng, Luật không có quy định về hình thức thông báo về việc đơn phương đình chỉ hợp đồng, nghĩa là việc thông báo có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

Khi hợp đồng bị đơn phương đình chỉ thực hiện, thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo đình chỉ (Ðiều 420 khoản 3). Trong trường hợp có tranh chấp, thì tòa án chỉ lựa chọn một trong hai giải pháp: hoặc tuyên bố việc đình chỉ là có cơ sở; hoặc tuyên bố việc đình chỉ không có cơ sở và hợp đồng tiếp tục được thực hiện. tòa án không ấn định ngày đình chỉ hiệu lực của hợp đồng.

Ðơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng trong trường hợp không có vi phạm hợp đồng. Trên nguyên tắc, việc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng là biện pháp chế tài đối với bên vi phạm hợp đồng. Không có vi phạm, thì không có cơ sở để áp dụng biện pháp này. Một cách ngoại lệ, luật thừa nhận quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng mà không có vi phạm hợp đồng để các bên có thể chấm dứt các quan hệ kết ước không còn phù hợp với lợi ích của mình. Các hợp đồng không có thời hạn là những ví dụ điển hình về hợp đồng có thể bị đình chỉ theo quyết định đơn phương: người lao động theo một hợp đồng lao động không thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày (Bộ luật lao động Ðiều 37 khoản 2); người cho thuê nhà ở theo một hợp đồng cho thuê không thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê, nhưng phải báo cho người thuế biết trước ít nhất 6 tháng (BLDS Ðiều 498 khoản 1).

III. Hết thời hạn thực hiện hợp đồng

Hợp đồng có thời hạn. Ví dụ điển hình là hợp đồng cho thuê tài sản: thông thường các bên thỏa thuận về việc duy trì hợp đồng trong một thời hạn; hết thời hạn đó, thì trên nguyên tắc, người cho thuê không còn nghĩa vụ cho thuê và người thuê không còn nghĩa vụ trả tiền thuê. Có trường hợp để bảo vệ quyền lợi của một bên, của cả hai bên giao kết hoặc bảo vệ trật tự công cộng, pháp luật chủ động ấn định thời hạn tối đa cho một loại hợp đồng đặc thù mà các bên phải tuân theo (ví dụ, hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản: BLDS Ðiều 715 khoản 2) hoặc kéo dài thời hạn mà các bên ấn định (như trong trường hợp kéo dài thời gian lưu cư của người thuê nhà ở sau khi hết hạn hợp đồng thuê: BLDS Ðiều 499). Trong trường hợp thứ hai, quyền và nghĩa vụ của các bên được tiếp tục duy trì trong thời gian kéo dài thời hạn; nhưng sau khi khoảng thời gian kéo dài trôi qua, các quyền và nghĩa vụ ấy cũng chấm dứt.

Một khi thời hạn (kể cả khoảng thời gian kéo dài) kết thúc, thì quyền và nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng chấm dứt, dù có thể chưa được thực hiện: một người giao kết hợp đồng ủy quyền bán nhà có thời hạn một năm với tư cách người được ủy quyền; hết thời hạn đó, người này không còn là người được ủy quyền, dù công việc được ủy quyền chưa được thực hiện (nhà chưa bán được).

Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, các bên ràng buộc lẫn nhau vào quan hệ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng và không bên nào được quyền cắt đứt quan hệ đó mà không phạm lỗi: người sử dụng lao động không được quyền cho người lao động thôi việc và người lao động không được bỏ việc; người thuê nhà không được quyền đình chỉ việc thuê và người cho thuê không được quyền đình chỉ việc cho thuê;... Vả lại, việc giới hạn hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không hề có tác dụng làm chấm dứt một nghĩa vụ không được thực hiện trong thời hạn có hiệu lực đó. Một người thuê nhà trong hai năm sẽ không còn quyền thuê khi bước vào năm thứ ba, trừ trường hợp được lưu cư hoặc được ký tiếp hợp đồng thuê; nhưng nếu chưa trả tiền thuê nhà, thì người này vẫn tiếp tục có trách nhiệm trả sau khi hợp đồng thuê đã hết hiệu lực. 

Các bên có thể thỏa thuận việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Mặt khác, đối với những hợp đồng làm phát sinh các nghĩa vụ gắn liền với bên giao kết và không thể được chuyển giao cho người khác, thì hợp đồng chấm dứt khi người có nghĩa vụ chết dù thời hạn của hợp đồng có thể chưa hết (ví dụ, hợp đồng ủy quyền). Hợp đồng có thời hạn cũng chấm dứt trong trường hợp bên giao kết lâm vào tình trạng phá sản và tài sản của người này phải được thanh toán. Cuối cùng, nếu nghĩa vụ không thể được thực hiện do sự kiện bất khả kháng, thì hợp đồng cũng chấm dứt trước thời hạn.

Giao kết tiếp hợp đồng mới. Nhắc lại rằng khi hết thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, thì quan hệ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng chấm dứt. Tuy nhiên, các bên có thể tiếp tục duy trì quan hệ đó bằng cách lập lại hợp đồng trong những trường hợp hợp đồng có thể được lập lại. Về phần mình, luật thừa nhận quyền giao kết tiếp hợp đồng cho một số chủ thể của quan hệ hợp đồng đặc thù, nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ thể đó. Ví dụ: người thuê nhà ở được ưu tiên ký hợp đồng thuê tiếp, nếu đã hết hạn thuê mà nhà vẫn dùng để cho thuê (Ðiều 494 khoản 5).

Trong trường hợp một hợp đồng mới được giao kết, thì hợp đồng cũ vẫn chấm dứt;

IV. Chấm dứt không hoàn hảo: hoãn thực hiện nghĩa vụ

Tổng quan. Theo BLDS Điều 412, bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu tài sản của bên kia bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hay có người bảo lãnh.

Trong giả thiết của điều luật, ta có một hợp đồng song vụ, nghĩa là hợp đồng làm cho mỗi bên vừa là người có quyền yêu cầu, vừa là người có nghĩa vụ. Suy cho cùng, điều thúc giục người có nghĩa vụ theo một hợp đồng song vụ thực hiện nghĩa vụ của mình chính là sự đáp ứng (tức là việc thực hiện nghĩa vụ) của người có quyền yêu cầu của mình. Người mua trong hợp đồng đồng mua bán chấp nhận trả tiền chỉ vì người bán chấp nhận bán tài sản. Bởi vậy, nếu người có quyền yêu cầu (đồng thời là người có nghĩa vụ) tỏ ra không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình, thì người có nghĩa vụ (đồng thời là người có quyền yêu cầu) cũng không còn động cơ để thực hiện nghĩa vụ.    

Điều kiện. Trước hết, hợp đồng liên quan phải là hợp đồng song vụ: việc hoãn thực hiện nghĩa vụ không thể được chấp nhận trong các hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Thế nhưng, điều kiện đáng chú ý nhất do người làm luật đặt ra đối với người có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ là người này phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trước. Vậy nghĩa là việc hoãn thực hiện nghĩa vụ không thể được chấp nhận trong trường hợp các bên có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc. Điều kiện này khiến cho luật Việt Nam khác hẳn luật của nhiều nước[15][15]. Việc cho phép người phải thực hiện nghĩa vụ trước hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình trong trường hợp người thực hiện nghĩa vụ sau tỏ ra không có khả năng thực hiện nghĩa vụ có thể khiến cho một số thói quen đã được chấp nhận trong các giao dịch thông thường của dân cư bị xáo trộn. Cứ hình dung: các nhà hàng, khách sạn thường cung ứng dịch vụ của mình trước và khách ăn, khách trọ trả tiền sau. Với quy tắc của Điều 412 BLDS, các nhà hàng, khách sạn, sau khi đã giao kết hợp đồng dịch vụ, sẽ có quyền từ chối cung ứng dịch vụ (không mang món ăn ra, không cho khách nhận phòng), thậm chí từ chối cung ứng dịch vụ một cách trọn vẹn (không mang món ăn kế tiếp ra hoặc không cho khách tiếp tục trọ lại trong phòng), một khi nhận thấy khách ăn, khách trọ tỏ ra không có khả năng thanh toán, dù nghĩa vụ trả tiền của khách chưa đến hạn thực hiện.               

Hiệu lực. Hoãn thực hiện nghĩa vụ chỉ đơn giản là một biện pháp tự bảo vệ của người có nghĩa vụ chống lại nguy cơ thiệt hại rõ ràng đối với tài sản của mình trong trường hợp thực hiện nghĩa vụ. Việc hoãn thực hiện nghĩa vụ không có tác dụng (và cũng không nhằm mục đích) chấm dứt quan hệ hợp đồng giữa các bên, mà chỉ khiến cho hợp đồng tạm thời bị “treo” lại. Việc treo hợp đồng sẽ bị dở bỏ một khi người có nghĩa vụ sau chứng minh được khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc có người bảo lãnh: khi đó, người có nghĩa vụ trước sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Ta có ngay hai vấn đề:

- Nếu người có nghĩa vụ sau đã cố gắng chứng minh khả năng thanh toán của mình hoặc đã giới thiệu người bảo lãnh, nhưng người có nghĩa vụ trước vẫn không thoả mãn, thì sao ?
- Nếu người có nghĩa vụ sau kiên quyết không chấp nhận yêu sách của người có nghĩa vụ, thì người có nghĩa vụ trước phải xử sự như thế nào ? 

Có thể nhận thấy ngay rằng số phận của hợp đồng các trong trường hợp này hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý chí của người phải thực hiện nghĩa vụ trước.     

Suy cho cùng, khó có thể thừa nhận rằng việc cho phép người phải thực hiện nghĩa vụ trước trong một hợp đồng song vụ hoãn thực hiện nghĩa vụ, chỉ vì người này nhận thấy một cách chủ quan rằng người thực hiện nghĩa vụ sau không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, là một quy tắc góp phần xây dựng môi trường giao dịch lành mạnh. Đáng lý ra, nếu cho rằng người đối tác không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, thì đương sự có thể từ chối giao kết hợp đồng. Việc cho phép người phải thực hiện nghĩa vụ trước hoãn thực hiện nghĩa vụ cho đến khi người thực hiện nghĩa vụ sau giới thiệu được người bảo lãnh còn đồng nghĩa với việc thừa nhận cho một bên trong hợp đồng quyền đơn phương sửa đổi các điều kiện của một hợp đồng đã được giao kết một cách hữu hiệu; điều đó không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản chi phối quan hệ hợp đồng trong luật thực định.   

Mục II.  Các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ theo quy định của pháp luật


I. Bù trừ nghĩa vụ

Khái niệm. Bù trừ nghĩa vụ là một thủ tục trí tuệ có tác dụng chấm dứt các nghĩa vụ hỗ tương của hai người bằng cách thực hiện nghĩa vụ trong suy nghĩ: thay vì mỗi người thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người còn lại một cách máy móc, hai bên lập một bài toán trừ và chỉ thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng với hiệu số của bài toán trừ đó. Ví dụ: A nợ B 100 đồng; B nợ A 50 đồng; vậy, chỉ cần B trả cho A 50 đồng, thì hai bên không còn nghĩa vụ gì đối với nhau.

Hai chức năng của bù trừ nghĩa vụ. Bù trừ nghĩa vụ có thể được hình dung như một thể thức thanh toán đặc biệt và được đơn giản hóa: người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ mà không cần chuyển dịch tài sản của mình; người có quyền tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ mà không cần nhận tài sản. Việc thanh toán bằng bù trừ nghĩa vụ được thực hiện một cách tự động mà không cần có các hành vi xuất phát từ ý chí của các bên liên quan; bởi vậy, khác với việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ, việc bù trừ nghĩa vụ được áp dụng cả trong trường hợp người có nghĩa vụ không có năng lực hành vi và không có người đại diện.

Bù trừ nghĩa vụ cũng có thể được hình dung như một biện pháp bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp người có nghĩa vụ mất khả năng thanh toán, người có quyền có được một công cụ để bảo vệ quyền lợi của mình trong điều kiện có những người khác cũng có quyền yêu cầu đối với người có nghĩa vụ đó. Ví dụ: A nợ B 100 đồng và không có khả năng thanh toán; B nợ A 150 đồng; vậy, B chỉ cần trả cho A 50 đồng để thu hồi đủ số nợ 100 của A, trong khi các chủ nợ khác của A có thể không được thanh toán đủ.

1. Bù trừ theo pháp luật

Ðiều kiện áp dụng việc bù trừ nghĩa vụ. Theo BLDS Ðiều 386 khoản 1, trong trường hợp hai người cùng có nghĩa vụ tài sản cùng loại đối với nhau, thì khi cùng đến hạn, họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, theo Ðiều 387, nghĩa vụ dân sự không được bù trừ trong các trường hợp sau đây: 1 - Nghĩa vụ đang có tranh chấp; 2 - Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín; 3 - Nghĩa vụ cấp dưỡng; 4 - Các nghĩa vụ khác do pháp luật quy định. Từ các điều luật đó, ta nhận thấy rằng để áp dụng được biện pháp bù trừ nghĩa vụ, cần có đủ các điều kiện sau đây:

1 - Có tình trạng hỗ tương về nghĩa vụ - Hai bên liên quan phải đồng thời là người có quyền và có nghĩa vụ đối với nhau.

2 - Các nghĩa vụ phải cùng loại đối với nhau - Không thể bù trừ nghĩa vụ trong trường hợp A nợ B một số tiền, còn B nợ A một chiếc xe máy. Ðối tượng của nghĩa vụ được bù trừ phải là vật có thể thay thế cho nhau, vật cùng loại. Thông thường các nghĩa vụ được bù trừ là nghĩa vụ trả tiền.

Tuy nhiên, theo BLDS Điều 386 khoản 2, những vật được định giá thành tiền cũng có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền. Với quy định đó, thì có vẻ như các nghĩa vụ chuyển giao một vật có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền, một khi vật được định giá thành tiền. Thực ra, bất kỳ vật nào chuyển giao được trong giao lưu dân sự cũng có thể được định giá bằng một số tiền. Thế nhưng, trong điều kiện chính vật được chuyển giao, chứ không phải một số tiền, là cái mà người có quyền yêu cầu quan tâm, không thể coi là cùng loại nghĩa vụ chuyển giao vật với nghĩa vụ trả tiền. Hẳn trong giả thiết của điều luật, “vật được định giá thành tiền” là vật được các bên gán cho chức năng thanh toán giống như tiền (ví dụ, vàng). Chỉ với ý nghĩa đó, vật mới có thể trở nên cùng loại với tiền và các nghĩa vụ liên quan mới có thể bù trừ cho nhau được.    

3 - Các nghĩa vụ phải xác định - Nghĩa là trước hết phải tồn tại và sau đó, phải được xác định về số lượng. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại chỉ có thể được coi là xác định một khi mức bồi thường được ấn định trong một bản án có hiệu lực pháp luật. Nghĩa vụ đang bị tranh chấp không phải là nghĩa vụ xác định.

4 - Các nghĩa vụ phải cùng đến hạn - Nếu có một nghĩa vụ chưa đến hạn thực hiện, thì không có bù trừ nghĩa vụ. Tuy nhiên, nghĩa vụ được hoãn thực hiện sau khi đến hạn vẫn bù trừ được.

5 - Các nghĩa vụ phải có thể được bù trừ - Nghĩa là nghĩa vụ không thuộc loại bị cấm bù trừ theo quy định của pháp luật.

Hiệu lực của việc bù trừ. Một khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định, thì việc bù trừ là đương nhiên: “nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (BLDS Điều 386 khoản 1). Vấn đề đặt ra là trong trường hợp một người có nghĩa vụ bù trừ  được mà không biết, bị người có quyền kiện yêu cầu buộc thực hiện nghĩa vụ, thì Toà án có thể chủ động tuyên bố việc bù trừ nghĩa vụ để đơn giản hoá vụ việc ? Trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, có vẻ như câu trả lời khẳng định phải được lựa chọn[16][16]: Toà án, trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam có quyền và có nghĩa vụ tự mình tiến hành điều tra; nếu biết được rằng nghĩa vụ có thể được bù trừ, Toà án có quyền chủ động tuyên bố bù trừ nghĩa vụ. Tuy nhiên, cũng có vẻ như Toà án không chịu trách nhiệm, trong trường hợp nghĩa vụ có thể được bù trừ, nhưng người bị buộc thực hiện nghĩa vụ không biết và cả Toà án, dù đã điều tra, cũng không biết.   

Theo BLDS Điều 386 khoản 2, trong trường hợp giá trị của tài sản hoặc công việc không tương đương nhau, thì các bên thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch. Nói cách khác, nếu nghĩa vụ chỉ được bù trừ một phần, thì phần nghĩa vụ không được bù trừ phải được thực hiện một cách bình thường. Ví dụ, A nợ B 100 đồng; B nợ A 80 đồng; hai nghĩa vụ cùng đến hạn và, sau khi bù trừ, A còn nợ B 20 đồng. Vậy A phải trả cho B số nợ đó. 

Việc bù trừ nghĩa vụ có tác dụng chấm dứt nghĩa vụ và, do đó, chấm dứt luôn cả các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong trường hợp nghĩa vụ chỉ được bù trừ một phần và phần nghĩa vụ không được bù trừ được bảo đảm thực hiện, thì biện pháp bảo đảm vẫn được duy trì toàn bộ cho đến khi phần nghĩa vụ không được bù trừ được thực hiện xong. Ta có được giải pháp này nhờ tính chất không thể phân chia của các quyền thụ hưởng các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ.        

2. Bù trừ theo thoả thuận

Nguyên tắc tự do ý chí. Các điều kiện của việc bù trừ theo pháp luật không mang tính mệnh lệnh, bắt buộc. Các bên có thể thoả thuận về việc bù trừ nghĩa vụ theo những điều kiện đơn giản hơn. Các bên có thể loại bỏ điều kiện về quan hệ nghĩa vụ hỗ tương và thoả thuận về việc bù trừ nghĩa vụ vì lợi ích của người thứ ba: người cha chấp nhận không đòi nợ người mắc nợ đối với mình, với điều kiện người sau này không đòi nợ con mình. Các bên có thể thoả thuận về việc loại bỏ điều kiện về tính cùng loại của các nghĩa vụ: nghĩa vụ chuyển giao một vật cùng loại bù trừ với một nghĩa vụ trả tiền. Các bên thậm chí có thể thoả thuận về việc loại bỏ điều kiện về sự đến hạn cùng một lúc: một nghĩa vụ chưa đến hạn được bù trừ với một nghĩa vụ đã đến hạn. Tuy nhiên, các bên hẳn vẫn phải tuân thủ các quy định về cấm bù trừ nghĩa vụ trong một số tru7òng hợp do pháp luật quy định. 

Sự thoả thuận về việc bù trừ nghĩa vụ thực sự là một hợp đồng, do đó, phải tuân thủ các điều kiện của luật chung về giao kết hợp đồng, để có giá trị; người thoả thuận phải có năng lực hành vi, người không có năng lực hành vi phải được đại diện. Hơn nữa, việc thoả thuận bù trừ nghĩa vụ có tác dụng loại bỏ một hoặc nhiều điều kiện của việc bù trừ theo pháp luật. Trong chừng mực đó, bù trừ nghĩa vụ theo thoả thuận nên được xem như một giao dịch quan trọng, thậm chí quan trọng ngang với một giao dịch có tính chất định đoạt tài sản. Nếu chấp nhận cách đánh giá đó, thì trong khung cảnh của luật Việt nam, người giám hộ không thể nhân danh người được giám hộ để thoả thuận về việc bù trừ những nghĩa vụ có giá trị lớn mà không có sự đồng ý của UBND địa phương nơi cư trú; người chưa thành niên đủ 15 tuổi không thể thoả thuận về việc bù trừ những nghĩa vụ có giá trị lớn mà không có sự đồng ý của người đại diện;…     



3. Trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản

Cấm bù trừ nghĩa vụ. Theo điểm c khoản 2 Ðiều 18 Luật phá sản doanh nghiệp ngày 30/12/1993, kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thì doanh nghiệp không có quyền thanh toán bất kỳ khoản nợ không có bảo đảm nào cho bất kỳ chủ nợ nào. Với quy định đó và trong điều kiện bù trừ nghĩa vụ được quan niệm như một hình thức thanh toán nghĩa vụ, thì việc bù trừ nghĩa vụ không thể được thực hiện, một khi một trong hai bên lâm vào tình trạng phá sản. Việc cấm bù trừ nghĩa vụ trong trường hợp này được áp dụng cả đối với bù trừ theo luật và bù trừ theo thoả thuận. Có vẻ như người có nghĩa vụ đối với một doanh nghiệp bị phá sản sẽ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình, nhưng không chắc được doanh nghiệp thanh toán toàn bộ nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với mình.

II. Hòa nhập giữa người có nghĩa vụ và người có quyền

Khái niệm. Một trong những điều kiện chủ yếu để nghĩa vụ tồn tại là sự tồn tại của quan hệ đối lập của hai nhân vật: người có nghĩa vụ và người có quyền yêu cầu. Một khi quan hệ đối lập biến mất do tư cách người có nghĩa vụ và tư cách người có quyền chỉ còn được một người đảm nhận, thì nghĩa vụ không còn điều kiện để tồn tại: một người không có lợi ích để yêu cầu chính mình thực hiện nghĩa vụ cho mình. Luật nói rằng khi người đang có nghĩa vụ lại trở thành người có quyền đối với chính nghĩa vụ đó, thì nghĩa vụ đương nhiên chấm dứt (Ðiều 388).

Thực ra, nói rằng nghĩa vụ chấm dứt sau khi có sự hòa nhập giữa người có nghĩa vụ và người có quyền chỉ để đơn giản hóa việc mô tả một hoàn cảnh khá phức tạp. Sự chấm dứt của nghĩa vụ lệ thuộc vào sự hòa nhập giữa người có nghĩa vụ và người có quyền. Vậy mà, bản thân sự hòa nhập lại có thể không dứt khoát: một công ty phát hành trái phiếu mua lại các trái phiếu của chính mình khiến cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu biến mất; nhưng nếu công ty lại bán trái phiếu đã mua cho người khác, thì nghĩa vụ thanh toán trái phiếu phát sinh một lần nữa. Ta nói rằng sự hòa nhập, suy cho cùng, có tác dụng làm tê liệt nghĩa vụ hơn là chấm dứt nghĩa vụ.

Hòa nhập một phần. Trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ đối với một người và một trong số những người có nghĩa vụ hòa nhập với người có quyền, thì những người còn lại vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ. Không có điều khoản nào trong luật viết quy định giải pháp này, nhưng đó là giải pháp duy nhất hợp lý. Ví dụ: A và B (vợ và chồng) cùng nợ X (cha của A) 100 đồng; X chết, A trở thành người thừa kế; vậy, di sản của X và A hòa nhập đối với phân nửa số nợ, tức 50 đồng; còn lại B tiếp tục nợ 50 đồng đối với di sản của X.

Cũng như vậy trong trường hợp nhiều người cùng có quyền đối với một người và một trong số những người có quyền hòa nhập với người có nghĩa vụ.




III. Hết thời hiệu khởi kiện

Khái niệm. Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó, thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện (BLDS Ðiều 163). Việc người có quyền yêu cầu mất quyền khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ tương ứng với việc người có nghĩa vụ không còn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nữa: nghĩa vụ chấm dứt theo thời hiệu.

1. Điều kiện của thời hiệu

a. Thời hiệu phải tồn tại 

Sự đơn giản của luật. Trên nguyên tắc tất cả các nghĩa vụ đều chấm dứt theo thời hiệu. Một cách ngoại lệ, thời hiệu khởi kiện không được áp dụng trong các trường hợp sau đây (Ðiều 169): 1 - Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; 2 - yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; 2 - Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Vấn đề là: luật hiện hành quy định khá sơ sài về việc áp dụng thời hiệu đối với các loại nghĩa vụ. Không có thời hiệu tổng quát. Chỉ có một số ít thời hiệu riêng: thời hiệu đối với quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong một số trường hợp; thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với vật được chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai; thời hiệu đối với quyền kiện về quyền thừa kế; thời hiệu khởi kiện yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm;... Ðặc biệt, các nghĩa vụ phát sinh từ trách nhiệm dân sự (cả trong và ngoài hợp đồng) đều không chấm dứt theo thời hiệu trong khung cảnh của luật thực định. Một người gây tai nạn dẫn đến thiệt hại cho một người khác có thể phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại chừng nào người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người này còn nhớ đến quyền khởi kiện của mình[17][17]. Công việc của tòa án không đơn giản, bởi, nếu không có quy định rành mạch của luật cho phép khẳng định một quyền yêu cầu (tương ứng với một nghĩa vụ) là có thời hiệu, thì quyền yêu cầu  đó sẽ chấm dứt sau bao nhiêu năm ?...

Không áp dụng thời hiệu. Theo BLDS Điều 166 khoản 3, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự không áp dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với Nhà nước. Thực ra, việc xây dựng khái niệm “nghĩa vụ dân sự đối với Nhà nước” không phải là việc đơn giản[18][18]; nhưng dẫu sao, tính chất đặc biệt của quy tắc này đã bị giảm sút đáng kể do luật hiện hành chưa có quy định về thời hiệu áp dụng cả đối với các nghĩa vụ dân sự xác lập giữa tư nhân với nhau. 

b. Cách tính thời hiệu

Đơn vị tính. Đơn vị tính thời hiệu là ngày, tháng hoặc năm. Nhưng thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hiệu được xác định dựa theo cách xác định ngày tròn. Theo BLDS Điều 165, thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên và kết thúc vào thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. Một cách hợp lý, nếu ngày cuối cùng của thời hiệu là ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, thì thời điểm kết thúc thời hiệu phải được dời đến cuối ngày kế tiếp của ngày cuối tuần hoặc ngày lễ đó.   

Thời điểm bắt đầu thời hiệu. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà hết thời hạn đó, quyền khởi kiện không còn. Bởi vậy, thời điểm bắt đầu thời hiệu phải là thời điểm mà quyền khởi kiện phát sinh. Thời điểm phát sinh quyền khởi kiện không nhất thiết là thời điểm phát sinh quyền yêu cầu. Một người cho vay có quyền yêu cầu người vay trả nợ ngay từ thời điểm phát vay; nhưng quyền yêu cầu đó chỉ có thể được thực hiện (tức là người cho vay lên tiếng đòi nợ) khi nào nợ vay đã đến hạn đòi; và cũng chính ở thời điểm nợ vay đến hạn đòi mà quyền kiện đòi trả nợ vay phát sinh, cho phép người cho vay yêu cầu buộc người vay trả nợ trong trường hợp người sau này không tự giác trả nợ.   

Một cách tổng quát, thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện là thời điểm đến hạn thực hiện quyền yêu cầu, đồng thời cũng là thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì thời hiệu khởi kiện bắt đầu từ ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (BLDS Điều 168)[19][19].     

Hoãn tính thời hiệu. Trên nguyên tắc, thời hiệu, một khi đã bắt đầu, sẽ chạy một cách liên tục cho đến khi kết thúc. Tuy nhiên, có những trường hợp mà, do một sự kiện nào đó gây cản trở, người có quyền yêu cầu dù có muốn cũng không thể thực hiện quyền khởi kiện của mình. Người làm luật nói rằng trong những trường hợp đó, thời hiệu tạm dừng cho đến khi những cản trở đối với việc thực hiện quyền khởi kiện chấm dứt. Thời gian tạm dừng đó tất nhiên là không được tính vào thời hiệu. Người ta nói rằng trong khoảng thời gian đó, thời hiệu bị “treo” Theo BLDS Điều 170 khoản 1, thời hiệu bị treo một khi có một trong các sự kiện sau đây.

- Có sự kiện bất khả kháng[20][20] hoặc trở ngại khách quan làm người khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu;
- Người có quyền khởi kiện đang chưa thành niên, đang bị mất năng lực hành vi dân sự, đang bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, nhưng chưa có người đại diện;
- Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết, nhưng chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được.

Tuy nhiên, trong hai trường hợp sau, người làm luật lại nói thêm rằng thời gian không tính vào thời hiệu không được quá một năm kể từ ngày xảy ra sự kiện (Điều 170 khoản 2). Với quy định đó, một số chủ thể của quan hệ pháp luật, trong một vài trường hợp đặc thù có thể mất quyền khởi kiện chỉ vì không thể, chứ không phải không muốn, thực hiện quyền đó trong phạm vi thời hiệu. Cứ hình dung: một người được một trẻ chưa thành niên dưới 15 tuổi (và chưa có người đại diện) tặng cho một tài sản co giá trị lớn; ngay vào ngày đủ 18 tuổi, người tặng cho mới biết rằng một là, mình không có quyền giao kết việc tặng cho như thế, hai là, người được tặng cho chỉ là một tên lưu manh.Thế nhưng, người tặng cho trong giả thiết sẽ không có quyền kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho trước đây vô hiệu: thời hiệu khởi kiện chỉ là một năm kể từ ngày xác lập giao dịch (BLDS Điều 145 khoản 1) và chỉ bị treo thêm một năm do người bị thiệt hại chưa thành niên mà không có người đại diện; thế mà, từ thời điểm xác lập giao dịch, hơn ba năm đã trôi qua.            

Gián đoạn thời hiệu. Ở góc độ gián đoạn thời hiệu, luật phân biệt giữa thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện.

Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây (BLDS  Điều 167 khoản 2):
- Có sự giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;
- Nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp.
Thực ra, có trường hợp nghĩa vụ dân sự không hề bị tranh chấp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng không được mời để can thiệp. Đơn giản, nghĩa vụ đến hạn thực hiện và người có quyền yêu cầu đã lên tiếng yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.        

Thời hiệu khởi kiện bị gián đoạn trong các trường hợp sau đây (Điều 171 khoản 1):
- Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình;
- Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
- Các bên đã tự hoà giải với nhau.

Một khi thời hiệu bị gián đoạn, thì một thời hiệu mới sẽ bắt đầu. Có trường hợp thời hiệu mới bắt đầu với nghĩa vụ đã tồn tại trước đó; nhưng cũng có trường hợp thời hiệu mới bắt đầu với một nghĩa vụ mới. Ví dụ, để yêu cầu tuyên bố một hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, người bị lừa dối có thời hạn một năm;  giả sử người bị lừa dối khởi kiện vào tháng thứ 11, thời hiệu sẽ bị gián đoạn; khi có bản án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và người lừa dối bị buộc bồi thường thiệt hại, một thời hiệu mới sẽ được áp dụng đối với nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, kể từ ngày nghĩa vụ này đến hạn thực hiện.   

2. Hiệu lực của việc hết thời hiệu khởi kiện

Mất quyền yêu cầu. Khi thời hiệu khởi kiện đã hết thì nghĩa vụ chấm dứt (Ðiều 389). Ở đây, nghĩa vụ chấm dứt là nghĩa vụ dân sự, tức là nghĩa vụ có thể được Nhà nước cưỡng chế thực hiện. Hết thời hiệu khởi kiện, người có nghĩa vụ không còn bị ràng buộc vào nghĩa vụ đó về mặt pháp lý; nhưng không ai cấm người này tự ràng buộc vào nghĩa vụ đó về mặt đạo đức: nếu xét thấy việc không thực hiện nghĩa vụ là không hợp đạo lý, người này có thể thực hiện nó một cách tự giác. Luật quy định rằng nếu thời hiệu đã hết mà nghĩa vụ vẫn được thực hiện, thì người có nghĩa vụ không có quyền yêu cầu hoàn trả những gì mình đã thực hiện (Ðiều 389). Luật không phân biệt tuỳ theo người thực hiện nghĩa vụ, khi thực hiện nghĩa vụ đó,  biết hay không biết rằng thời hiệu khởi kiện của người có quyền yêu cầu đã hết.

Cũng vì người có quyền yêu cầu mất quyền yêu cầu nhưng người có nghĩa vụ không thực sự không còn có nghĩa vụ mà trong trường hợp một người có quyền yêu cầu mất đi do thời hiệu kiện yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, chính người có nghĩa vụ, nếu không muốn thực hiện nghĩa vụ, phải viện dẫn thời hiệu. Nói cách khác, trước Toà án, người có nghĩa vụ phải chứng minh việc mất quyền yêu cầu do thời hiệu; người có quyền yêu cầu không có trách nhiệm chứng minh rằng quyền yêu cầu của mình chưa mất đi do thời hiệu[21][21].     

Mục III. Các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ theo thoả thuận


I. Miễn thực hiện nghĩa vụ

Khái niệm. Miễn thực hiện nghĩa vụ là hành vi xuất phát từ ý chí của người có quyền yêu cầu theo đó, người này từ chối thực hiện quyền yêu cầu của mình và miễn cho người có nghĩa vụ việc thực hiện nghĩa vụ tương ứng. Luật nói rằng nghĩa vụ dân sự chấm dứt, khi người có quyền miễn thực hiện nghĩa vụ cho người có nghĩa vụ (BLDS Ðiều 384 khoản 1). Từ đó có thể nghĩ rằng chỉ cần người có quyền tuyên bố miễn thực hiện nghĩa vụ, thì nghĩa vụ chấm dứt mà không cần người có nghĩa vụ bày tỏ ý chí: miễn thực hiện nghĩa vụ trong luật Việt Nam là giao dịch một bên chứ không phải là một hợp đồng.

Miễn thực hiện nghĩa vụ, đối với người có quyền, là hành vi định đoạt tài sản không có đền bù: nếu người có quyền chỉ chấp nhận miễn thực hiện nghĩa vụ với điều kiện có một quyền yêu cầu hoặc một lợi ích vật chất khác thay thế, thì ta có thay thế nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ thay thế.

Xác lập giao dịch. Là hành vi định đoạt tài sản không có đền bù, việc miễn thực hiện nghĩa vụ chỉ có thể được xác lập bởi người có năng lực tặng cho tài sản hoặc có năng lực để lập di chúc. Người giám hộ không có quyền miễn thực hiện nghĩa vụ mà người được giám hộ là người có quyền yêu cầu. Tuy nhiên, do luật không có quy định cụ thể, việc miễn nghĩa vụ được xác lập theo các quy định của luật chung về hình thức của giao dịch dân sự, nghĩa là có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản.

Hiệu lực của việc miễn thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tất nhiên, nếu nghĩa vụ được miễn thực hiện, thì nghĩa vụ chấm dứt. Luật còn quy định rằng khi nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được miễn, thì việc bảo đảm cũng chấm dứt (Ðiều 384 khoản 2). Ngoài ra, nếu người có quyền miễn thực hiện nghĩa vụ cho một người có nghĩa vụ liên đới, thì những người khác có nghĩa vụ liên đới cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ (Ðiều  304 khoản 4); tuy nhiên, nếu trước khi miễn nghĩa vụ cho một người có nghĩa vụ liên đới, người có quyền yêu cầu đã bãi bỏ tình trạng liên đới giữa người sau này và những người khác có nghĩa vụ liên đới, thì những người này vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ (Ðiều 304 khoản 5).

II. Thay thế nghĩa vụ

Khái niệm. Thay thế nghĩa vụ là việc các bên thỏa thuận chấm dứt một nghĩa vụ bằng cách tạo ra một nghĩa vụ mới thay cho nghĩa vụ cũ. Người có quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ cũ chấp nhận không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đó và, đổi lại, trở thành người có quyền yêu cầu trong một quan hệ nghĩa vụ mới. Việc thay thế nghĩa vụ được luật viết dự liệu tại khoản 1 Ðiều 385 BLDS.

Trên nguyên tắc, tất cả các nghĩa vụ đều có thể được thay thế. Nhưng các nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các nghĩa vụ khác gắn liền với nhân thân không thể chuyển cho người khác được, thì không được thay thế bằng nghĩa vụ khác (Ðiều 385 khoản 3).

Để có thể được thay thế, nghĩa vụ cũ phải có giá trị. Thế nhưng, có thể thừa nhận rằng chỉ những nghĩa vụ vô hiệu tuyệt đối mới không thể được thay thế; các nghĩa vụ vô hiệu tương đối có thể được thay thế và việc thay thế nghĩa vụ có thể được coi như một lời khẳng định của các bên về việc chấp nhận nghĩa vụ cũ trước đây.  




1. Các yếu tố của việc thay thế nghĩa vụ

Yếu tố vật chất. Ðể có việc thay thế nghĩa vụ, chắc chắn phải có một nghĩa vụ mới được hình thành. Các dấu hiệu của sự tồn tại của một nghĩa vụ mới có thể được phân thành  ba nhóm:

1 - Nghĩa vụ có đối tượng mới - Ví dụ: nghĩa vụ giao đậu xanh được thay bằng nghĩa vụ giao đậu nành.
2 - Nghĩa vụ có chủ thể mới - Giống như chuyển giao nghĩa vụ, nhưng chủ thể mới có nghĩa vụ mới chứ không phải nghĩa vụ cũ. Có hai khả năng:
- Một người thứ ba tự động cam kết với người có quyền về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người có nghĩa vụ trước với điều kiện người có quyền từ bỏ quyền yêu cầu đối với người có nghĩa vụ trước và người có quyền chấp nhận. Sự đồng ý của người có nghĩa vụ trước trong trường hợp này là điều kiện không bắt buộc. Loại cam kết này có lẽ không phù hợp với câu chữ của khoản 1 Ðiều 385 BLDS: điều luật nói rằng thay thế nghĩa vụ trước hết là sự thỏa thuận giữa các bên (người có nghĩa vụ và người có quyền).
- Một người thứ ba cam kết với người có quyền về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho người có nghĩa vụ theo yêu cầu của người sau này (ví dụ: người bán nhà thế chấp yêu cầu người mua thay mình trả nợ cho người nhận thế chấp) và người có quyền chấp nhận.
3 - Quyền yêu cầu có chủ thể mới - Giống như chuyển giao quyền yêu cầu, nhưng chủ thể mới có quyền yêu cầu mới chứ không phải quyền yêu cầu cũ. Ðây là một thỏa thuận tay ba theo đó, người có nghĩa vụ cam kết thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của một người thứ ba với điều kiện không phải thực hiện nghĩa vụ nữa đối với người có quyền trước đây; trong khi đó, chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận tay đôi giữa người chuyển quyền và người thế quyền và sự thỏa thuận này phát sinh hiệu lực đối với người có nghĩa vụ trên cơ sở người sau này nhận được thông báo.

Yếu tố tâm lý. Có nghĩa vụ mới chưa đủ, sự thay thế nghĩa vụ chỉ trở nên hoàn hảo một khi các bên bày tỏ ý chí về việc thay nghĩa vụ cũ bằng nghĩa vụ mới. Ðiều quan trọng là người có quyền yêu cầu phải từ bỏ quyền yêu cầu tương ứng với nghĩa vụ cũ và chấp nhận quyền yêu cầu tương ứng với nghĩa vụ mới. Có trường hợp các bên tạo ra nghĩa vụ mới, nhưng không có ý định chấm dứt nghĩa vụ cũ; khi đó, cả hai nghĩa vụ cùng tồn tại: chủ nợ đồng ý để cha cam kết trả nợ thay cho con nhưng lại không đồng ý xóa nợ cho con; vậy, chủ nợ có cha của người có nghĩa vụ như một người bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Hiệu lực của việc thay thế nghĩa vụ

Chấm dứt một nghĩa vụ cũ có giá trị và phát sinh một nghĩa vụ mới có giá trị. Việc thay thế nghĩa vụ có tác dụng chấm dứt nghĩa vụ cũ. Nghĩa vụ chấm dứt phải là một nghĩa vụ có giá trị. Nếu nghĩa vụ cũ vô hiệu, việc thay thế nghĩa vụ không có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu nghĩa vụ cũ thuộc loại chỉ có thể được tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của một trong các bên liên quan (vô hiệu tương đối), thì ta nói rằng bằng việc thay thế nghĩa vụ, các bên xác nhận việc từ bỏ quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu đối với nghĩa vụ cũ, tức là xác nhận giá trị của nghĩa vụ đó.

Nghĩa vụ mới phải có giá trị và có hiệu lực. Nếu nghĩa vụ mới vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, thì nghĩa vụ cũ phát sinh trở lại, bởi nghĩa vụ cũ chấm dứt chỉ vì có nghĩa vụ mới.

Tính độc lập của nghĩa vụ mới. Nghĩa vụ có thời hạn thực hiện riêng không liên quan đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ cũ. Nghĩa vụ mới có thời hiệu riêng tương ứng với thời hiệu khởi kiện riêng của người có quyền yêu cầu, tính từ ngày nghĩa vụ mới đến hạn thực hiện.

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bị thay thế. Luật không có quy định về số phận của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp nghĩa vụ được thay thế. Dẫu sao, nếu đã công nhận tính độc lập của nghĩa vụ thay thế, ta không thể công nhận việc duy trì đương nhiên các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũ đối với nghĩa vụ thay thế. Các bên liên quan có thể đạt được việc duy trì ấy bằng một thỏa thuận; nhưng nếu không có thỏa thuận, thì các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũ chấm dứt khi nghĩa vụ này chấm dứt. Tuy nhiên, nếu nghĩa vụ mới vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, thì các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũ lại được tái  lập cùng với việc tái lập nghĩa vụ cũ.

III. Thực hiện nghĩa vụ thay thế

Khái niệm. Thực hiện nghĩa vụ thay thế, trong luật thực định Việt Nam, là trường hợp đặc biệt của thay thế nghĩa vụ trong đó, người có quyền tiếp nhận một tài sản hoặc một công việc thay thế cho tài sản hoặc công việc đã được thỏa thuận trước đó (BLDS Ðiều 385 khoản 2). Nghĩa vụ cũ chấm dứt cùng với các biện pháp bảo đảm, nếu có; còn nghĩa vụ mới được thực hiện ngay lập tức và cũng chấm dứt. Nếu nghĩa vụ mới bị tuyên bố vô hiệu, thì nghĩa vụ cũ phát sinh trở lại cùng với các biện pháp bảo đảm.

Trong trường hợp nghĩa vụ thay thế được thực hiện là nghĩa vụ chuyển giao một tài sản, thì người chuyển giao còn có các nghĩa vụ của một người bán hoặc người trao đổi: nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu, nghĩa vụ bảo hành,....
  
IV. Chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận

Huỷ bỏ hoặc đình chỉ theo thoả thuận ? Quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ? - Trên nguyên tắc, các bên giao kết hợp đồng có quyền thỏa thuận việc chấm dứt thực hiện hợp đồng, dù khi giao kết hợp đồng, các bên đã không dự liệu khả năng chấm dứt theo cách đó trong hợp đồng (Ðiều 418 khoản 2). Hủy bỏ một hợp đồng mua bán, người mua trả lại tài sản, người bán trả lại tiền mua tài sản; chấm dứt một hợp đồng lao động trước thời hạn (đúng ra là đình chỉ), người sử dụng lao động trả lương cho người lao động đến ngày nghỉ việc và người lao động bàn giao lại công việc đã làm cho đến ngày đó cùng với các hồ sơ, giấy tờ liên quan, nếu có.

Vấn đề là: không được thỏa thuận trước, cũng không được pháp luật quy định, việc chấm dứt hợp đồng  theo cách đó, trong một vài trường hợp đặc thù,  có thể đưa các quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba có liên quan vào tình trạng không được bảo vệ, nhất là một khi hợp đồng bị hủy bỏ. Ví dụ: hai bên giao kết hợp đồng mua bán nhà ở; ít lâu sau người mua tìm được một người khác chấp nhận mua lại căn nhà; hai bên giao kết hợp đồng mua bán thứ nhất thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng để người bán giao kết hợp đồng thứ hai, trực tiếp với người mua lại. Người mua trong hợp đồng thứ nhất sẽ thu tiền và giao nhà, còn người bán trong hợp đồng thứ nhất nhận được một số tiền thù lao dịch vụ. Lợi ích của các bên trong việc hủy bỏ trong trường hợp này rất dễ nhận thấy: những người có liên quan thực hiện hai vụ mua bán liên tiếp trên một bất động sản, nhưng chỉ phải tiến hành đăng ký sang tên và nộp lệ phí trước bạ một lần. Luật Việt Nam hiện hành chưa có biện pháp  đối phó với những toan tính không chính đáng có thể có trong những thỏa thuận loại này.








[1][1] Về một trong những trường hợp quyền yêu cầu biểu kiến được thừa nhận trong luật Việt Nam: Thừa kế, nxb Trẻ, 1999, tr. 364 và 365.
[2][2]  Nghĩa vụ liên đới phát sinh do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định (Ðiều 304 khoản 2). Vậy có nghĩa rằng nếu các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định, thì, một khi nhiều người có cùng một nghĩa vụ, nghĩa vụ đó sẽ được mỗi người thực hiện riêng rẽ.
[3][3] Việc chia sẻ tổn thất giữa những người có nghĩa vụ liên đới trong trường hợp một người trong số họ mất khả năng thanh toán khiến cho quan hệ nghĩa vụ liên đới có tác dụng của một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ đối với người có quyền yêu cầu. Cứ hình dung: có ba người mắc nợ liên đới, trong đó hai người không còn khả năng thanh toán; chủ nợ có quyền yêu cầu người duy nhất có khả năng thanh toán trả toàn bộ số nợ; còn việc người mắc nợ này có đòi lại được phần mình đã trả hộ cho những người khác hay không, là chuyện nội bộ của ba người và không làm chủ nợ bận tâm.  
[4][4] Trong luật của Pháp quan hệ nghĩa vụ liên can được xác lập cả trong lĩnh vực cấp dưỡng. Có vẻ như đây không phải là giải pháp được chấp nhận trong luật Việt Nam, dù các quy định liên quan của luật viết hiện hành không nói rõ. Trong suy nghĩ phù hợp với đạo lý của con người Việt, cấp dưỡng là biện pháp tương trợ giữa các thành viên trong gia đình; bởi vậy, tất cả các thành viên trong gia đình đều có chung một nghĩa vụ cấp dưỡng đối với một thành viên nào đó của gia đình mà lâm vào cảnh sống túng thiếu. 
Vấn đề, dẫu sao sẽ trở nên tế nhị trong trường hợp không có quan hệ gia đình giữa những người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cùng một người. Người vợ, có con riêng đã thành niên, ly hôn với người chồng sau và rơi vào cảnh sống khó khăn. Người vợ trong trường hợp này có quyền yêu cầu chồng sau và con riêng cấp dưỡng. Khó có thể nhìn nhận rằng những người được yêu cầu trong trường hợp này có chung một nghĩa vụ mà họ phải liên đới thực hiện.       
[5][5] Cần lưu ý rằng trong trường hợp trả tiền bằng ngân phiếu hoặc nói chung bằng bất kỳ phương tiện thanh toán nào qua ngân hàng, thì thời điểm hoàn thành nghĩa vụ không phải là thời điểm ngân phiếu hoặc chứng từ thanh toán được chuyển giao cho người có quyền yêu cầu mà từ thời điểm số tiền được ghi nhận trên ngân phiếu hoặc chứng từ thanh toán ở trong tình trạng thuộc quyền sở hữu của người có quyền yêu cầu. Nếu người có quyền yêu cầu có tài khoản tại một ngân hàng và muốn chuyển số tiền được trả vào tài khoản đó, thì nghĩa vụ trả tiền (thực hiện bằng ngân phiếu hoặc chứng từ khác) hoàn thành khi việc chuyển tiền vào tài khoản hoàn tất.    
[6][6] Trong luật của Pháp, nếu không có thoả thuận khác, thì nơi thực hiện nghĩa vụ, trên nguyên tắc, là nơi cư trú của người có nghĩa vụ. Cá biệt, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện tại nơi cư trú của người có quyền yêu cầu cấp dưỡng.
[7][7] Luật không dự liệu quyền của người có quyền trong những trường hợp người có nghĩa vụ không thực quyền của mình trong những hoàn cảnh rất giống như hoàn cảnh của chủ nợ của một chủ sở hữu chung được nói đến tại BLDS Điều 238 khoản 2. Ví dụ, người có nghĩa vụ không chịu đòi nợ đến hạn, không đăng ký tên mình vào danh sách chủ nợ đối với một người mắc nợ của mình mà bị phá sản,...
[8][8] Cần nhấn mạnh rằng, khác với quyền khởi kiện chéo, luật không hề đòi hỏi quyền yêu cầu của người khởi kiện trong trường hợp này phải đến hạn thực hiện.
[9][9] Riêng đối với chủ nợ của người thừa kế, thì việc trả người thừa kế trở lại tình trạng ban đầu tự nó không đem lại lợi ích thiết thực nào, bởi điều mà chủ nợ mong muốn là người thừa kế nhận di sản để có tài sản mà trả nợ. Đáng lý ra, sau khi việc từ chối nhận di sản bị tuyên bố vô hiệu, chủ nợ, nếu thấy người thừa kế cứ lưỡng lự không chịu nhận di sản, thì có quyền tiến hành tiếp một vụ kiện chéo mà trong khuôn khổ vụ kiện đó, chủ nợ yêu cầu được thay mặt người thừa kế để nhận di sản. Luật Việt Nam hiện hành không thừa nhận cho chủ nợ quyền khởi kiện chéo trong trường hợp này. 
 Dẫu sao, nếu người thừa kế không từ chối di sản, thì sẽ trở thành người nhận di sản khi hết hạn từ chối. Mà thời hạn từ chối trong luật Việt nam hiện hành lại không dài lắm, chỉ 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế.          
[10][10] Người có quyền có thể thoả thuận với người có nghĩa vụ về việc bảo đảm khả năng thanh toán của người được chuyển giao nghĩa vụ. Luật, về phần mình, không chủ động ràng buộc người chuyển giao nghĩa vụ bằng một nghĩa vụ bảo đảm pháp định.      
[11][11] Xem lại Quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu một giao dịch gian lận.
[12][12] Trong luật của Pháp, việc huỷ bỏ hợp đồng theo ý chí đơn phương của một bên và không cần đến vai trò của Toà án được chấp nhận trong một số trường hợp và được coi là các ngoại lệ đối với nguyên tắc huỷ bỏ hợp đồng bằng con đường tư pháp.  
[13][13] Xem lại phần Trách nhiệm dân sự theo hợp đồng.
[14][14] Theo người làm luật Việt nam, thì hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng đơn vụ. Tuy nhiên, tính chất song vụ của hợp đồng vay không được nhìn nhận trong thực tiễn một khi đối tượng của hợp đồng là một số tiền.
[15][15] Trong luật La Mã có chế định exceptio non adimpleti contractus, một chế định đặc biệt cho phép người có nghĩa vụ theo một hợp đồng song vụ trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ cho đến khi nào người có quyền yêu cầu (đồng thời cũng là người có nghĩa vụ đối với mình) tỏ ra sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của người sau này. Biện pháp trì hoãn thực hiện nghĩa vụ chỉ được phép thực hiện trong các trường hợp các nghĩa vụ theo hợp đồng song vụ phải được thực hiện cùng một lúc.  
[16][16] Trong luật của Pháp, người mong muốn thụ hưởng các lợi ích của việc bù trừ nghĩa vụ phải viện dẫn sự bù trừ.  Toà án không có trách nhiệm chủ động đặt và giải quyết vấn đề liệu nghĩa vụ bị buộc thực hiện có thể bù trừ được hay không với nghĩa vụ khác.  
[17][17] Không mất nhiều thì gìờ, người nghiên cứu luật có thể nhìn nhận rằng việc không có quy định cụ thể về thời hiệu cho các nghĩa vụ dân sự là do sự sơ suất của người làm luật, chứ không phải do ngừoi làm luật mong muốn như thế. Có thể hình dung trong khung cảnh của luật thực định: một người vô ý làm cho một người khác bị thương; 5 năm sau, người này không còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do đã hết thời hiệu (BLHS Điều 23 khoản 2, a); nhưng đến 10 năm sau, người này vẫn còn có thể bị quy trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại, do nghĩa vụ bồi thường thiệt hại không chịu sự chi phối của thời hiệu.        
[18][18] Có thể hình dung: Nhà nước tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất và người trúng đấu giá có nghĩa vụ trả tiền; một người huỷ hoại tài sản của Nhà nước, bị xử phạt tù đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước;... Cần phân biệt giữa nghĩa vụ đối với Nhà nước và nghĩa vụ đối với cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước có tư cách pháp nhân. Các cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước có tư cách pháp nhân được pháp luật thừa nhận có tư cách chủ thể quan hệ pháp luật của riêng mình, độc lập với tư cách chủ thể quan hệ pháp luật của Nhà nước.  Trong điều kiện chế độ pháp lý áp dụng đối với tài sản của Nhà nước được giao cho cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước chưa rõ ràng, sự phân biệt giữa hai loại nghĩa vụ nói trên tỏ ra không đơn giản: người bán nhà cho doanh nghiệp Nhà nước có thể là người có nghĩa vụ đối với doanh nghiệp mua nhà, chứ không phải đối với Nhà nước; nhưng người đốt căn nhà đó có thể là người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với Nhà nước, chứ không phải đối với doanh nghiệp.   
[19][19] Đáng lý ra phải phân biệt giữa thời điểm thực hiện hành vi hoặc thời điểm xảy ra sự kiện dẫn đến thiệt hại với thời điểm người bị thiệt hại có quyền khởi kiện. Có trường hợp một người giao kết hợp đồng do bị lừa dối, nhưng sau đó một thời gian mới biết rằng mình đã bị lừa. Trong khung cảnh của luật hiện hành, một người mà biết mình bị lừa quá trễ, sẽ không còn có quyền kiện do hết thời hiệu. Trong luật của nhiều nước, thời hiệu trong trường hợp này chỉ bắt đầu từ thời điểm đương sự biết được sự việc.
[20][20] Sự kiện bất khả kháng, theo định nghĩa của luật là “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép”.
[21][21] Tuy nhiên, nếu người có nghĩa vụ đã viện dẫn được thời hạn bằng một con số, thì người có quyền yêu cầu, nếu muốn cho rằng thời hạn đó bị gián đoạn hoặc bi treo, thì phải chứng minh được sự kiện có tác dụng làm gián đoạn hoặc làm treo thời hạn. Ví dụ, một nghĩa vụ đến hạn thực hiện vào năm 2000 và có thời hiệu 10 năm.; người có quyền yêu cầu kiện vào năm thứ 11; người có nghĩa vụ mà không muốn thực hiện nghĩa vụ phải viện dẫn thời hiệu; người có quyền mà muốn bác bỏ lý lẽ được viện dẫn đó, phải chứng minh rằng thời hiệu đã bị gián đoạn hoặc bị treo. 

LIKE and Share this article: :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Tổng số lượt xem trang

Blogger news

Blogroll

About