Pages

Căn cứ xác lập nghĩa vụ dân sự trong Luật dân sự


CÁC CĂN CỨ XÁC LẬP NGHĨA VỤ





Hai nhóm căn cứ. Theo BLDS Ðiều 286, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ những căn cứ sau đây: 1 - Hợp đồng dân sự; 2 - Hành vi dân sự đơn phương; 3 - Chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật; 4 - Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật; 5 - Thực hiện công việc không có ủy quyền; 6 - Những căn cứ khác do pháp luật quy định. Suy cho cùng, tất cả các nghĩa vụ đều phát sinh từ luật. Thế nhưng, có thể nhận thấy rằng luật có xu hướng thừa nhận sự phát sinh của nghĩa vụ từ hai nguồn chính: 1 - Các giao dịch, tức là sự bày tỏ ý chí của chủ thể của quan hệ pháp luật nhằm tạo ra các hệ quả pháp lý; 2 - Các sự kiện pháp lý, tức là các sự việc dẫn  đến sự ràng buộc chủ thể của quan hệ pháp luật vào một nghĩa vụ, độc lập với ý chí của chủ thể đó.


 
Chương I

GIAO DỊCH DÂN SỰ

Nhận định sơ bộ. Luật hiện hành ghi nhận hai loại giao dịch dân sự: hành vi dân sự đơn phương và hợp đồng (BLDS 130). Không phải hợp đồng nào cũng làm phát sinh nghĩa vụ: có những hợp đồng có tác dụng thay đổi, chấm dứt hoặc chuyển giao nghĩa vụ đã có sẵn. Ví dụ: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng là một hợp đồng không làm phát sinh một nghĩa vụ nào; chuyển giao quyền yêu cầu là một hợp đồng có tác dụng chuyển quyền yêu cầu từ một chủ thể này sang một chủ thể khác chứ không tạo ra quyền yêu cầu mới. Trong luật la tinh, “hợp đồng” là sự thỏa thuận để làm phát sinh nghĩa vụ; còn sự thỏa thuận theo nghĩa tổng quát nhất, làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt hoặc chuyển giao nghĩa vụ, gọi là “giao ước”. Trong các phân tích sau đây, “hợp đồng” được hiểu như là sự thỏa thuận làm phát sinh nghĩa vụ, tức là tương ứng với hợp đồng trong quan niệm la tinh.

Cũng như vậy, không phải hành vi đơn phương nào cũng nhằm tạo ra nghĩa vụ: lập di chúc là một hành vi đơn phương có tác dụng chuyển giao tài sản của người lập di chúc cho người thừa kế theo di chúc hoặc người được di tặng chứ không tạo ra nghĩa vụ ràng buộc người lập di chúc; đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng là hành vi dân sự đơn phương có tác dụng chấm dứt một nghĩa vụ tồn tại trước đó. Nói chung, chỉ có cam kết đơn phương, tức là hành vi dân sự theo đó, một người chủ động cam kết thực hiện việc chuyển giao một quyền, làm hoặc không làm một việc, mới có khả năng làm phát sinh nghĩa vụ, ví dụ: hứa thưởng. Nghĩa vụ xác lập từ các cam kết đơn phương, dẫu sao, là vấn đề khá tế nhị trong luật Việt Nam hiện hành.

Mục I. Hợp đồng

  
Lý thuyết chung về hợp đồng. Hợp đồng là công cụ chủ yếu để xác lập quan hệ giữa người và người liên quan đến tài sản trong một xã hội có tổ chức. Các quan hệ ấy không chỉ hình thành trong lĩnh vực dân sự mà cả trong các lĩnh vực thương mại, lao động, thậm chí trong lĩnh vực hành chính. Mỗi loại hợp đồng đồng, trong mỗi lĩnh vực, có những đặc điểm rất riêng và, do đó, được chi phối bởi những quy định riêng. Tuy nhiên, là sản phẩm của sự gặp gỡ ý chí, tất cả các hợp đồng đều hình thành và vận hành trên cơ sở nguyên tắc tự do kết ước và những nguyên tắc cơ bản khác mà xoay quanh những nguyên tắc đó, một hệ thống các quy tắc pháp lý được xây dựng và tạo thành luật về quan hệ kết ước hay còn gọi là luật chung về hợp đồng.          

Trong luật La Mã, khái niệm hợp đồng hình thành tương đối muộn[1][1]. mãi đến đầu thế kỷ I sau Công nguyên, người La mã mới biết sử dụng thuật ngữ contractus để chỉ sự thoả thuận ý chí của hai hay nhiều ngườI nhằm xác lập nghĩa vụ. Người La mã không có lý thuyết chung về hợp đồng mà chỉ có các nhóm quy tắc áp dụng cho các loại hợp đồng khác nhau. 
Luật Anh-Mỹ có lý thuyết chung về hợp đồng như trong luật la tinh[2][2]. Song đó là một lý thuyết mà người ta chỉ có thể hiểu được một khi từ bỏ hầu như tất cả các khái niệm của luật latinh và tiếp cận đối tượng nghiên cứu qua chính lăng kính của văn hoá pháp lý Anh-Mỹ. Đối với người Anh hoặc Mỹ hoặc bất kỳ người nào thấm nhuần văn hoá pháp lý Anh-Mỹ, hợp đồng là một vụ trao đổi, một bargain; quan hệ kết ước hình thành trong điều kiện một bên quan tâm đến cái mà bên kia mang lại cho mình, gọi là vật đánh đổi (consideration).           

Tiết  I. Khái niệm hợp đồng

I. Định nghĩa

Sự gặp gỡ của ý chí và hiệu lực tương đối của hợp đồng. Hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ theo một cơ chế chung: các bên giao kết thống nhất ý chí về việc ràng buộc lẫn nhau trong một quan hệ đặc trưng bằng thái độ xử sự của một bên nhằm đáp ứng yêu cầu của bên kia. Hợp đồng chỉ phát sinh hiệu lực ràng buộc đối với các bên giao kết và không tạo ra bất kỳ một nghĩa vụ nào đối với người thứ ba.

Nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Hợp đồng trong luật Việt Nam làm phát sinh các nghĩa vụ pháp lý dân sự, tức là nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế của bộ máy Nhà nước, chứ không phải là nghĩa vụ tự nhiên, đạo đức hay nghĩa vụ của lòng nhân ái, của tâm hồn cao thượng.

Các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng phải có tính chất tài sản, nghĩa là định giá được bằng tiền. Hôn nhân cũng là sự thỏa thuận của các bên giao kết, nhưng không phải là một hợp đồng theo nghĩa của luật dân sự.

Hợp đồng không trói buộc. Một người lái xe chấp nhận cho khách lỡ đường quá giang có thể đưa khách đến tận nơi mà khách muốn đến, nhưng cũng có thể yêu cầu khách xuống xe ở một nơi nào đó, giữa chặng đường, ngay cả trong trường hợp đã hứa trước là sẽ đưa khách đến tận nơi. Người lái xe trong trường hợp này không giao kết với khách lỡ đường bất kỳ một hợp đồng vận chuyển nào: cho khách lỡ đường đi nhờ xe chỉ là một cử chỉ của thiện chí. Cử chỉ thiện chí còn có thể được ghi nhận trong trường hợp một người cho một người khác một lời tư vấn về sức khoẻ (sử dụng thuốc, thực hiện các bài tập dưỡng sinh,…), về du lịch, giải trí, về tình yêu, hôn nhân. Tất nhiên, người có cử chỉ thiện chí phải thực hiện cử chỉ đó với đầy đủ ý thức về trách nhiệm đạo đức đối với người thụ hưởng thiện chí đó, và cả đối với cộng đồng; nhưng luật không thể quy trách nhiệm pháp lý của người có cử chỉ thiện chí, ví dụ, do chất lượng chuyên môn của cử chỉ thiện chí không được bảo đảm…    

Có những hợp đồng chỉ mang tính chất của một cử chỉ lịch sự: một người mời một người khác đi ăn tối, ăn giỗ; người cha hứa thưởng cho người con một số tiền lớn, nếu người con vượt qua thành công kỳ thi tuyển sinh đại học,... Không thể dùng luật hợp đồng để buộc người mời phải bảo đảm chất lượng bữa ăn, buộc người cha phải thưởng trong trường hợp người con trúng tuyển.    

Hợp đồng trói buộc hạn chế. Có những hợp đồng không thực sự trói buộc, nhưng không hẳn không làm phát sinh các hệ quả pháp lý nhất định. Các cam kết được đưa ra mang tính chất cam kết danh dự; thế nhưng do hoàn toàn phù hợp với lợi ích của mỗi bên và với lợi ích công cộng mà những cam kết này cũng được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Ví dụ điển hình là việc hai bên thoả thuận về việc tự nguyện tôn trọng các chuẩn mực xử sự trong quan hệ hỗ tương, phù hợp với các chuẩn mực chung; về việc sẽ cố gắng giải quyết mọi bất đồng bằng cách thương lượng, không đưa nhau ra Toà án hoặc ra cơ quan Trọng tài. 

Tương tự, các thoả thuận nguyên tắc có thể ràng buộc các bên vào những nghĩa vụ nhất định một khi các nghĩa vụ ấy được xác định một cách rõ ràng trên cơ sở giải thích các nguyên tắc được ghi nhận trong thoả thuận ấy.  

II. Phân loại

Hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ. Theo BLDS Ðiều 405, hợp đồng song vụ là hợp đồng mà tất cả các bên kết ước đều có nghiã vụ đối với nhau, mỗi bên đồng thời là người có nghĩa vụ và có quyền; còn hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ có một bên có nghĩa vụ. Hợp đồng mua bán là hợp đồng song vụ (bên bán có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu, giao vật, bảo hành,...; bên mua có nghĩa vụ trả tiền, nhận vật;...); hợp đồng bảo lãnh là hợp đồng đơn vụ (chỉ có người bảo lãnh có nghĩa vụ).
Trong luật thực định Việt Nam, quan hệ giữa các bên trong hợp đồng song vụ chịu sự chi phối của một số quy tắc không được áp dụng cho hợp đồng đơn vụ: nếu một bên trong hợp đồng song vụ không thể thực hiện nghĩa vụ do lỗi của bên kia, thì có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại (Ðiều 413); trong trường hợp các bên trong hợp đồng song vụ không thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước, thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đó đối với nhau (Ðiều 411 khoản 2).

Hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù. Gọi là không có đền bù hợp đồng theo đó, một bên chuyển một quyền, thực hiện hoặc không thực hiện một việc vì lợi ích của bên kia mà không nhận lại một lợi ích nào có tính cách hoàn trả. Các hợp đồng không có tính chất đó gọi là hợp đồng có đền bù.

Tặng cho, cho mượn tài sản là những ví dụ điển hình của hợp đồng không có đền bù[3][3]. Có những hợp đồng mang tính chất kép: ủy quyền, cho vay tài sản có thể là hợp đồng có hoặc không có đền bù tùy theo việc ủy quyền, cho vay có hay không có kèm theo các điều kiện về tiền thù lao, về lãi. Một số hợp đồng, do bản chất, luôn là các hợp đồng có đền bù: mua bán, trao đổi, ...

Hợp đồng ưng thuận, hợp đồng trọng thức và hợp đồng thực tại. Hợp đồng ưng thuận được giao kết chỉ do sự gặp gỡ của ý chí của các bên mà không cần xúc tiến bất kỳ một thủ tục nào. Hợp đồng trọng thức được giao kết không chỉ trên cơ sở có sự gặp gỡ của ý chí của các bên mà còn phải bằng cách hoàn tất một vài thủ tục do pháp luật quy định. các thủ tục được dự liệu tùy theo trường hợp: có những hợp đồng phải được lập thành văn bản (hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thuê tài sản,...); có hợp đồng phải lập thành văn bản có chứng thực, chứng nhận (hợp đồng tặng cho bất động sản, hợp đồng mua bán nhà ở,...). Hợp đồng thực tại được giao kết không chỉ từ sự gặp gỡ của ý chí của các bên mà còn từ việc giao vật, đối tượng của hợp đồng, ví dụ: hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng cho mượn tài sản.

Hợp đồng thương lượng, hợp đồng theo mẫu. Hợp đồng thương lượng là hợp đồng đạt được như là kết quả sự thảo luận bình đẳng và tự nguyện giữa các bên liên quan: sự hình thành hợp đồng phản ánh diễn biến của quá trình thảo luận. Ðây là loại hợp đồng cổ điển. Trong thực tiễn, có nhiều hợp đồng mà nội dung được một bên chuẩn bị sẵn, được công bố rộng rãi cho mọi người và người đối tác chỉ có thể lựa chọn giữa chấp nhận và không chấp nhận giao kết chứ hầu như không có cơ hội thảo luận. Ðiển hình của loại thứ hai này là các hợp đồng vận chuyển đường sắt, đường không, hợp đồng cung ứng điện, nước, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua bán hàng hóa trong siêu thị. Loại hợp đồng này càng lúc càng trở nên thông dụng, theo sự phát triển của xã hội tiêu thụ. Luật gọi đó là hợp đồng theo mẫu (BLDS Ðiều 406 khoản 1).

Hợp đồng theo mẫu không thể được giải thích bằng cách dựa vào ý chí chung của các bên giao kết, bởi ý chí đó, suy cho cùng, không tồn tại. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng, thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó (Ðiều 406 khoản 2).

Hợp đồng cá nhân và hợp đồng tập thể. Hợp đồng cá nhân là hợp đồng chỉ ràng buộc chủ thể nào ưng thuận giao kết, bằng cách tự mình sự bày tỏ ý chí hoặc thông qua người đại diện bày tỏ ý chí. Hợp đồng tập thể ràng buộc một nhóm chủ thể (tất nhiên không có tư cách pháp nhân) mà không cần sự ưng thuận của từng chủ thể thành viên của nhóm. thỏa ước lao động tập thể là ví dụ tốt nhất về hợp đồng tập thể.

Hợp đồng thực hiện trong khoảnh khắc và hợp đồng thực hiện tiếp liền trong thời gian. Hợp đồng thực hiện trong khoảnh khắc là loại hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ được thực hiện một lần duy nhất; ví dụ, hợp đồng mua bán mà trong đó tài sản bán được giao và giá bán được thanh toán trong một lần. Hợp đồng thực hiện tiếp liền trong thờI gian là hợp đồng mà nghĩa vụ được thực hiện thành nhiều lần; ví dụ, hợp đồng thuê tài sản, mượn tài sản trong một thời hạn[4][4].      

Hợp đồng gắn liền với nhân thân của người giao kết. Có những hợp đồng mà hiệu lực chỉ được duy trì chừng nào người giao kết và thực hiện đúng là những người đã thoả thuận về việc xác lập nghĩa vụ; nghĩa là nếu người giao kết và thực hiện không phải là người đó, thì hợp đồng chấm dứt. Ví dụ điển hình trong luật Việt Nam, là hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng uỷ quyền. Nhân thân được tính đến có thể là nhân thân chủ quan: người giao kết và thực hiện phải đúng là người đó. Đôi khi việc giao kết và thực hiện được chấp nhận trên cơ sở nhân thân khách quan: người giao kết và thực hiện phải là người có năng lực chuyên môn và nói chung có các phẩm chất chuyên môn nhất định, chứ không nhất thiết là một người có lai lịch nhất định.    

Hợp đồng với người tiêu dùng. Từ khi có chính sách phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, luật hợp đồng có xu hướng phân biệt hợp đồng giao kết giữa người hoạt động chuyên nghiệp trong một lĩnh vực nhất định và người tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ thuộc lĩnh vực đó với các loại hợp đồng khác. Hợp đồng với người tiêu dùng chịu sự chi phối của luật chung bên cạnh một hệ thống các quy định đặc biệt được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được đặc trưng bằng một loạt biện pháp có tác dụng ràng buộc người hoạt động chuyên nghiệp, khi kết ước với người tiêu dùng, vào các nghĩa vụ thông tin, cố vấn, bảo đảm an toàn,… cho người tiêu dùng         

Tiết II. Giao kết hợp đồng

Điều kiện nội dung và điều kiện hình thức. Về mặt cấu trúc pháp lý, hợp đồng trong luật Việt Nam được xác lập trên cơ sở có sự ưng thuận của các bên giao kết và có đối tượng được xác định rõ. Về nội dung, hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội, cũng như phải phản ánh trung thực ý chí nội tâm của các bên  (nghĩa là không phải được dùng như một bức màn che giấu ý chí nội tâm đó). Về hình thức, hợp đồng được giao kết, trên nguyên tắc, bằng sự gặp gỡ ý chí của các bên giao kết; cá biệt, trong một số trường hợp, do tính chất, tầm quan trọng của hợp đồng, luật đòi hỏi hình thức giao kết hợp đồng phải đáp ứng một số điều kiện đặc biệt.   

Nhưng để có thể bày tỏ ý chí một cách hữu hiệu, điều tiên quyết là các bên phải có đầy đủ khả năng nhận thức về hành vi của mình, nghĩa là phải có năng lực giao kết. 

Phân tiết I. Năng lực giao kết

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Luật hiện hành nói rằng các giao dịch dân sự phải do người có năng lực hành vi xác lập, thì mới có giá trị (BLDS Ðiều 131 khoản 1). Ðúng là người không có năng lực hành vi không thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Nhưng người không có năng lực hành vi mà có khả năng có quyền và nghĩa vụ dân sự (nghĩa là có năng lực pháp luật), vẫn có thể xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà mình được phép có, thông qua vai trò của người đại diện[5][5]. Suy cho cùng, chỉ có người có không năng lực pháp luật mới không có quyền giao kết hợp đồng nhằm làm phát sinh quyền mà người này không được phép có: không có khả năng hưởng một quyền, người này không thể xác lập quyền đó, dù tự mình hay qua người đại diện[6][6]. Ví dụ: người giám hộ không được phép tặng tài sản của người được giám hộ cho người khác, không phải vì người được giám hộ không được phép tự mình tặng cho (năng lực hành vi), mà vì người được giám hộ không có khả năng hưởng quyền tặng cho có đối tượng là tài sản của người được giám hộ (năng lực pháp luật); trong khi đó, người được giám hộ có quyền bán tài sản của mình (năng lực pháp luật), nhưng không có quyền tự mình thực hiện quyền đó (năng lực hành vi), mà phải thực hiện thông qua người giám hộ..

Nếu người được giám hộ tự mình giao kết hợp đồng, thì ta mới thực sự có trường hợp giao kết hợp đồng của người không có năng lực hành vi.

Chế tài trong trường hợp không có năng lực giao kết. Các giao dịch do người không có năng lực hành vi xác lập chỉ có thể bị tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của những người được luật xác định (người giám hộ, người được giám hộ sau khi chấm dứt việc giám hộ). Các giao dịch do người không có năng lực pháp luật xác lập cũng có thể chỉ được tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của một vài người được luật xác định, nhưng cũng có trường hợp được tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của bất kỳ người nào có quan tâm, nhất là khi việc xác lập giao dịch có tác dụng xâm phạm các lợi ích chung. Ví dụ: cơ quan hành chính Nhà nước không có quyền kinh doanh; bất kỳ người nào cũng có thể yêu cầu tuyên bố vô hiệu một hợp đồng thương mại do cơ quan hành chính Nhà nước giao kết.

Phân tiết II. Sự ưng thuận của bên giao kết

I. Vai trò của ý chí

Tính độc lập của ý chí. Học thuyết về tính độc lập của ý chí được thiết lập trong triết học luật. Tư tưởng chủ đạo là: ý chí của con người là luật; con người chỉ bị ràng buộc vào một nghĩa vụ bởi ý chí của mình, một cách trực tiếp trong quan hệ hợp đồng (ý chí đặc thù) hoặc một cách gián tiếp một khi nghĩa vụ do luật áp đặt (ý chí chung được suy đoán). Cũng vì ý chí tạo ra nghĩa vụ mà hợp đồng phải được tự do giao kết. Cá nhân có quyền tự do quyết định giao kết hoặc không giao kết hợp đồng; có quyền tự do quyết định hình thức và nội dung của hợp đồng.

Thực ra, không có hệ thống luật nào thừa nhận giá trị tuyệt đối của học thuyết về tính độc lập của ý chí. Sự tự do trong xã hội có tổ chức luôn mang tính tất yếu. Trong luật Việt Nam hiện  hành, tính độc lập của ý chí được chấp nhận trong chừng mực tôn trọng những giới hạn do luật thiết lập.

Tính độc lập của ý chí thể hiện trong nội dung của hợp đồng. Chủ thể của quan hệ pháp luật có quyền tự do giao kết hoặc không giao kết hợp đồng. Quy tắc này được thừa nhận tại BLDS Ðiều 395 khoản 1. Một trong những nội dung của sự tự do giao kết là sự tự do xác định nội dung của hợp đồng: các bên có quyền thỏa thuận về loại hình, đối tượng, điều kiện giao dịch, thời gian, địa điểm giao dịch, trách nhiệm của mỗi bên,... Khi một hợp đồng có điều khoản không rõ ràng, thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó (Ðiều 408 khoản 1). Nói chung, không có quan hệ kết ước được xác lập trái với ý chí của người kết ước.

Tuy nhiên, nội dung của hợp đồng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội (BLDS Ðiều 395 khoản 1). Pháp luật mà các bên không được phép làm trái khi giao kết hợp đồng là pháp luật mệnh lệnh; còn đạo đức xã hội mà các bên không được phép làm trái chủ yếu bao gồm những giá trị tinh thần liên quan đến gia đình, đến đời sống cộng đồng của cá nhân.

Có trường hợp luật buộc chủ thể quan hệ pháp luật phải giao kết hợp đồng, như một biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và trật tự công cộng. Ví dụ: tất cả các chủ xe cơ giới đều phải giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Nghị định số 115/1997/NÐ-CP ngày 17/12/1997 của Chính phủ).

Có khi luật hạn chế quyền lựa chọn người đối tác trong việc xác lập một số quan hệ kết ước xác định. Ví dụ: người có nhà ở cho thuê, muốn bán nhà, phải tôn trọng quyền ưu tiên mua của người thuê. Người sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chỉ có thể thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tín dụng để vay tiền, không được thế chấp cho ai khác.

Tính độc lập của ý chí thể hiện trong hình thức của hợp đồng. Hợp đồng dân sự được giao kết một khi các bên thống nhất ý chí về việc giao kết: bên đề nghị nhận được lời chấp nhận đề nghị của bên được đề nghị hoặc các bên thỏa thuận xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng (BLDS Ðiều 403 khoản 1). Trên nguyên tắc, sự ưng thuận, chứ không phải hình thức, là điều kiện chủ yếu để hợp đồng có giá trị. Một khi cần ràng buộc sự giao kết hợp đồng vào những điều kiện nào đó về hình thức, luật phải có những quy định cụ thể. Hạn chế quyền tự do kết ước mà không bị ràng buộc vào các khung hình thức kết ước, bằng cách thiết lập các khung hình thức kết ước cụ thể cho những hợp đồng nhất định, là những ngoại lệ của nguyên tắc.

Tính độc lập của ý chí thể hiện trong hình thức của hợp đồng còn được khẳng định bằng cách quy tắc đòi hỏi việc giải thích hợp đồng theo ý chí thực: trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí được bày tỏ và cách xử sự theo sự thôi thúc của ý chí nội tâm của các bên, thì ý chí nội tâm phải được coi là căn cứ để đánh giá sự nghiêm túc trong việc thực hiện nghĩa vụ[7][7].   

II.  Tiêu chí đánh giá sự ưng thuận

Sự ưng thuận chỉ có giá trị, một khi ý chí được bày tỏ một cách tự nguyện và chính xác. Sự ưng thuận được đạt tới thông qua các biện pháp trao đổi ý chí được bày tỏ, trong không gian và trong thời gian, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ưng thuận giao kết hợp đồng là sự thống nhất ý chí của các bên giao kết về việc xác lập quan hệ kết ước có nội dung đã được các bên biết rõ và chấp nhận.    

A. Bày tỏ ý chí

Bày tỏ ý chí rõ ràng. Gọi là được bày tỏ một cách rõ ràng ý chí được bộc lộ cho người khác. Việc bộc lộ ý chí có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng chữ viết. Cũng có trường hợp ý chí được bộc lộ bằng những cử chỉ mà ý nghĩa được xác định trước bằng các quy ước xã hội (ví dụ, leo lên xe buýt ở một trạm dừng là hình thức bộc lộ mong muốn giao kết hợp đồng vận chuyển; lấy một món hàng bày trên kệ hàng của một siêu thị và đi đến quầy tính tiền là hình thức bộc lộ mong muốn giao kết hợp đồng mua bán). Nói chung, chữ viết (văn bản) là phương tiện bộc lộ ý chí thông dụng nhất trong lĩnh vực hợp đồng dân sự; tuy nhiên, trong trường hợp luật không buộc giao kết hợp đồng hoặc chứng minh sự tồn tại của hợp đồng bằng văn bản, thì sự bộc lộ ý chí có thể được chứng minh bằng tất cả các phương tiện được thừa nhận trong luật chung về chứng cứ (văn bản, giấy tờ giao dịch, vật chứng về giao dịch điện tử, điện thoại, lời khai, lời thú nhận, sự suy đoán,…).    

Bày tỏ ý chí mặc nhiên. Ý chí coi như được bày tỏ một cách mặc nhiên trong trường hợp người bày tỏ ý chí không bộc lộ ý chí một cách rõ ràng mà chỉ có một thái độ cho thấy mong muốn của mình. Thái độ đó không phải là sự tuyên bố ý chí cho người khác biết mà chỉ là sự biểu hiện của ý chí đó. Ví dụ, sau khi nhận được giấy uỷ quyền, người được uỷ quyền thực hiện các công việc được giao theo hợp đồng uỷ quyền mà không tuyên bố rõ việc chấp nhận của mình đối với sự uỷ quyền đó. Thái độ (biểu hiện của ý chí) có thể mang tính chất tích cực (thực hiện một hành động) hoặc thụ động (chấp nhận hoặc im lặng).       

B. Sự ưng thuận không hoàn hảo

Đặt vấn đề. Sự ưng thuận của một người trong việc giao kết hợp đồng chỉ có ý nghĩa pháp lý và có hiệu lực ràng buộc, khi nào đó là sự ưng thuận xuất phát từ ý chí thực, tự do và được bày tỏ trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về việc mình làm. Không có đủ các yếu tố đó, sự ưng thuận trở nên không hoàn hảo và không đạt chất lượng của một yếu tố cơ bản trong sự hình thành quan hệ kết ước.

Không có sự ưng thuận. Khái niệm ưng thuận không hoàn hảo do có tì vết được xây dựng trong điều kiện sự ưng thuận có thật nhưng không hoàn hảo do sự tồn tại của các tì vết. Có trường hợp sự ưng thuận hoàn toàn không tồn tại, khi đó cũng không thể có hợp đồng. BLDS hiện hành có dự kiến một trong các trường hợp không tồn tại sự ưng thuận tại Điều 143: trường hợp người xác lập giao dịch có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình. Hợp đồng trong trường hợp này vô hiệu.     

1.  Sự nhầm lẫn

a. Khái niệm

Luật Việt Nam. Nhầm lẫn, trong ngôn ngữ pháp lý tổng quát, là sự nhận định không chính xác về cái có thật; tưởng cái sai sự thật là thật và ngược lại. Theo BLDS Ðiều 341 khoản 1, khi một bên do nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của giao dịch mà xác lập giao dịch, thì có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch; nếu bên kia không chấp nhận yêu cầu thay đổi của bên bị nhầm lẫn, thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Đối tượng nhầm lẫn trong luật hợp đồng Việt Nam, như vậy, phải là một yếu tố thuộc nội dung chủ yếu của hợp đồng.

Luật so sánhTrong luật của Pháp, các trường hợp nhầm lẫn liên quan đến hợp đồng có thể được xếp thành ba nhóm[8][8]:
1 - Nhầm lẫn về chất lượng cơ bản của đối tượng của hợp đồng - Người giao kết có thể nghĩ rằng đối tượng của hợp đồng có những phẩm chất cơ bản đặc trưng và chính suy nghĩ đó quyết định sự ưng thuận của người này; cuối cùng, những phẩm chất đó không tồn tại. Ví dụ: một người chấp nhận mua một bức tranh vì tin rằng bức tranh đó của họa sĩ X, nhưng thực ra đó là tranh của người khác.
2 - Nhầm lẫn về nhân thân của người giao kết - Người giao kết có thể tưởng rằng đang giao kết với một người có lai lịch được biết rõ và chấp nhận giao kết trên cơ sở quan tâm đến lai lịch của người đối tác; nhưng thực ra người sau này không mang lai lịch đó. Ví dụ: một người hậu tạ một người nọ một tài sản do tin rằng người được hậu tạ đã làm một việc cho mình; nhưng thực ra, người làm được việc không phải là người sau này. Sự nhầm lẫn về nhân thân của người giao kết chỉ được coi như một căn cứ vô hiệu hoá hợp đồng trong trường hợp hợp đồng thuộc loại gắn với nhân thân của ngườI giao kết (intuitu personae). 
3 - Nhầm lẫn về hợp đồng - Người giao kết có thể nhầm lẫn về tinh chất của quan hệ kết ước, ví dụ: giao kết hợp đồng mua bán mà tưởng nhầm là hợp đồng tặng cho. Người giao kết cũng có thể nhầm lẫn về đối tượng của hợp đồng, ví dụ: một bên tưởng đã mua chú heo thịt, còn bên kia chỉ bán heo giống. Và cuối cùng, người giao kết có thể nhầm lẫn về nguyên nhân giao kết, ví dụ: một người tặng cho một người nọ một tài sản vì tưởng rằng người được tặng cho là con mình; sau này, người được tặng cho rõ ra là con của người khác.

Trong luật Anh-Mỹ, các quan niệm về nhầm lẫn không giống nhau tuỳ theo việc xây dựng quan niệm được thực hiện theo Common law hoặc theo Equity.
Theo Common law, chỉ những nhầm lẫn gọi là cơ bản (fundamental mistake) mới khiến cho hợp đồng vô hiệu; những nhầm lẫn thường (trivial mistake) không ảnh hưởng gì đến giá trị của hợp đồng. khái niệm nhầm lẫn cơ bản được xây dựng dựa trên tư tưởng chủ đạo của lý thuyết về hợp đồng trong luật Anh-Mỹ, theo đó, việc xác định sự tồn tại của quan hệ kết ước và cả nội dung của quan hệ đó dựa vào ý chí được các bên bày tỏ chứ không dựa vào ý chí nội tâm của họ[9][9]. A mua của B một con ngựa; A nghĩ rằng đây là một con ngựa khoẻ mạnh và, thực ra, nếu biết rằng con ngựa không khoẻ mạnh, thì đã không mua; về phần mình, B chỉ quan tâm tới việc bán ngựa bất kể khoẻ hay ốm và cũng không nghĩ đến việc người mua chỉ muốn mua ngựa khoẻ. Trong trường hợp này, người  bán không thể kiện yêu cầu vô hiệu hoá hợp đồng do có sự nhầm lẫn, nếu cuối cùng con ngựa mua được thực sự ốm yếu.
Theo Equity, các hợp đồng được giao kết do sự nhầm lẫn không cơ bản vẫn không thể bị vô hiệu hoá. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người nhầm lẫn có thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc cho phép đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc cho điều chỉnh nội dung hợp đồng để làm cho thoả thuận ban đầu được chính xác hơn.   

Nhận xét. Dựa vào BLDS Ðiều 341 khoản 1 đã dẫn, ta thấy rằng:

- Luật Việt Nam không xây dựng khái niệm nhầm lẫn về nhân thân của người giao kết. Trước và sau khi phát hiện ra sự nhầm lẫn, người bị nhầm lẫn luôn có duy nhất một “bên kia” của quan hệ kết ước;
- Luật Việt Nam không xây dựng lý thuyết về nguyên nhân của nghĩa vụ, bởi vậy, cũng không thừa nhận khái niệm nhầm lẫn về nguyên nhân giao kết.
- “Nội dung chủ yếu của giao dịch” (của hợp đồng) là một khái niệm rất rộng, có thể bao gồm cả “chất lượng cơ bản của đối tượng của nghĩa vụ”, tính chất của quan hệ kết ước, đối tượng của hợp đồng,... Nhầm lẫn hợp đồng mua bán thành hợp đồng tặng cho là nhầm lẫn về toàn bộ nội dung của hợp đồng; muốn mua một căn hộ ở đầu hành lang chung cư, nhưng cuối cùng lại mua phải căn nhà ở cuối hành lang chung cư là nhầm lẫn về đối tượng của hợp đồng; mua một chiếc xe tân trang mà nghĩ rằng đã mua xe mới xuất xưởng, là nhầm lẫn về chất lượng cơ bản của đối tượng của hợp đồng; giao kết hợp đồng mua bán nông sản với số lượng xác định theo kg nhưng lại ngỡ rằng đã giao kết mua bán theo trái, quả, củ;... Thực tiễn áp dụng pháp luật ở Việt Nam chưa tổng kết các trường hợp nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng thành lý luận chung.         

b. Điều kiện xác lập tình trạng nhầm lẫn

Giao kết hợp đồng do nhầm lẫn. Người giao kết chỉ có thể phản ứng với tư cách người bị nhầm lẫn, một khi chính sự nhầm lẫn đó đã có ảnh hưởng quyết định đối với sự ưng thuận của mình. “Khi một bên do nhầm lẫn.... mà xác lập giao dịch...”. Một người muốn trang trí phòng khách của mình bằng một bức tranh nào đó thuộc trường phái ấn tượng; được giới thiệu rằng bức tranh muốn mua là của họa sĩ ấn tượng X, người này chấp nhận mua; ít lâu sau, có người phát hiện rằng bức tranh đó là của họa sĩ ấn tượng Y; người mua không thể yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán vô hiệu, bởi sự nhầm lẫn không ảnh hưởng đến ý chí của người này lúc giao kết hợp đồng: người này quan tâm đến việc tìm kiếm một bức tranh ấn tượng, không phải chỉ quan tâm riêng đến tranh ấn tượng của họa sĩ X.

Sự nhầm lẫn có thể xảy ra đối với cả hai bên giao kết hoặc chỉ đối với một bên. Trong trường hợp sự nhầm lẫn chỉ xảy đối với một bên, thì điều quan trọng là bên kia không phải là người chủ động thực hiện một hành vi nào đó nhằm tạo ra sự nhầm lẫn ấy[10][10]: nếu một bên thực hiện một hành vi một cách có ý thức nhằm tạo ra sự nhầm lẫn của bên kia thì ta có sự lừa dối chứ không phải sự nhầm lẫn nữa.

Luật của Pháp còn đòi hỏi rằng sự nhầm lẫn phải có thể tha thứ được (excusable) mới có thể là căn cứ để triển khai các biện pháp bảo vệ dành cho người nhầm lẫn[11][11]. Có trường hợp sự nhầm lẫn là không thể được giải thích bằng cách nào khác ngoài việc quy cho người nhầm lẫn sự thờ ơ, vô trách nhiệm đối với việc bảo vệ quyền lợi của chính mình: kiến trúc sư quên mất việc tìm hiểu các quy định về kiến trúc áp dụng tại khu vực và đã lập một sơ đồ thiết kế không phù hợp; hãng vận tải đường bộ mua một chiếc xe mà không tìm hiểu xuất xứ;…           

Bằng chứng của sự nhầm lẫn. Một cách hợp lý, người cho rằng mình đã nhầm lẫn phải chứng minh sự nhầm lẫn đó. Việc chứng minh có thể được thực hiện bằng bất kỳ phương tiện nào được thừa nhận trong luật chung về chứng cứ (văn bản, lời khai, lời thú nhận, người làm chứng, đối chất,...). Người nhầm lẫn phải chứng minh không chỉ việc nhầm lẫn mà còn cả tính chất quyết  định của sự nhầm lẫn đối với sự ưng thuận của mình trong việc giao kết hợp đồng.

c. Hệ quả của sự nhầm lẫn

Hai giai đoạn. Có vẻ như luật không cho phép người bị nhầm lẫn phát ngay yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn. “Khi một bên do nhầm lẫn..., thì có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch”. Trước hết, người bị nhầm lẫn phải thảo luận với người đối tác về việc sửa đổi nội dung hợp đồng. Nếu người đối tác từ chối thảo luận hoặc thảo luận không có kết quả như ý muốn của người bị nhầm lẫn, thì người này mới có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Song, giải pháp này khả thi trong hầu hết các trường hợp mà cả hai bên đều nhầm: người mua và người bán trong vụ mua bán một bức tranh đều tưởng rằng bức tranh là của họa sĩ X; khi phát hiện rằng tranh không phải của X, thì hai bên có thể thảo luận lại về nội dung hợp đồng mua bán, đặc biệt là về giá bán: vật mua bán không thay đổi, nhưng cách nhìn nhận của hai bên về tính chất và giá trị của vật thay đổi. Còn trong trường hợp chỉ có một bên bị nhầm, thì hẳn các bên không có gì để thảo luận thêm với nhau về hợp đồng có liên quan: người bán biết rằng mình đang bán bức tranh của X, trong khi người mua ngỡ đang mua bức tranh của Y; nếu, sau khi biết mình bị nhầm, người mua vẫn chấp nhận mua với điều kiện người bán chấp nhận giảm giá, thì đó là một hợp đồng mua bán có đối tượng khác, một hợp đồng mới; nếu người bị nhầm lẫn vẫn chỉ quan tâm đến bức tranh mình muốn mua, mà người bán có, thì các bên càng cần phải giao kết một hợp đồng khác; và nếu người bị nhầm lẫn chỉ quan tâm đến bức tranh mình muốn mua, mà người bán không có, thì quyền yêu cầu người bán sửa đổi nội dung hợp đồng không có ý nghĩa gì đối với người bị nhầm lẫn.

Cũng có trường hợp cả hai bên đều nhầm, nhưng việc sửa đối nội dung hợp đồng cũng không khả thi. Ví dụ, A tặng cho B một tài sản vì lầm tưởng rằng B đã cứu mạng mình; thực ra, B cũng đã có cứu mạng một người khác và khi nhận quà tặng của A, nhầm tưởng rằng A chính là người khác đó. Nếu mọi việc sau này trở nên rõ ràng đối với cả hai, thì, suy cho cùng, chẳng có bên nào có lợi ích để sửa đổi nội dung hợp đồng.  

Vô hiệu do nhầm lẫn. Người có quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu phải là người nhầm lẫn. Thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày xác lập giao dịch (BLDS Điều 145 khoản 1). Bên có lỗi trong việc để xảy ra nhầm lẫn phải bồi thường thiệt hại (Điều 141 khoản 2).  

2. Sự lừa dối

a. Khái niệm

Ðịnh nghĩa. Theo BLDS Ðiều 142 khoản 1, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó. Người giao kết với người lừa dối không nhầm, mà bị lừa, hay đúng hơn là bị người lừa dối dẫn dụ vào sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn do bị lừa dối được hình dung trong một phạm vi khá rộng so với sự nhầm lẫn tự động phân tích ở trên: người nhầm lẫn tự động chỉ được bảo vệ trong trường hợp nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng; trong khi người nhầm lẫn do bị lừa dối có thể được bảo vệ cả trong trường hợp nhầm lẫn về chủ thể giao kết, về tính chất của đối tượng, về nội dung của giao dịch.

b. Ðiều kiện của sự lừa dối

Người lừa dối phải là bên kết ước ? “lừa dối là hành vi cố ý của một bên...”. Luật Việt Nam không xây dựng khái niệm lừa dối của người thứ ba. Tuy nhiên, luật không đòi hỏi rằng người kết ước phải là người tổ chức việc lừa dối, cũng không nói rằng người này là người duy nhất thực hiện hành vi lừa dối. Nói chung, điều quan trọng là phải có vai trò tích cực của bên kết ước trong vụ lừa dối; còn vấn đề có bao nhiêu người tham gia vào vụ lừa dối không phải là vấn đề cần được giải quyết trong khuôn khố xác định các điều kiện của hành vi lừa dối.

Người kết ước không trung thực. Việc lừa dối của người kết ước được ghi nhận, một khi người này có hành vi lừa dối chủ động (cung cấp thông tin sai sự thật, sử dụng tài liệu giả, nói dối) - với tư cách người tổ chức, người thực hiện, người đồng lõa với người thứ ba hoặc người giúp sức -, hoặc có hành vi lừa dối thụ động (không hành động), nghĩa là biết người kết ước với mình bị nhầm nhưng im lặng để hưởng lợi từ việc người kết ước chấp nhận giao kết hợp đồng.

Trong trường hợp lừa dối bằng hành vi thụ động, điều quan trọng là người lừa dối phải có nghĩa vụ thông tin đối với người đối tác và thái độ thụ động trở thành biểu hiện của việc không thực hiện nghĩa vụ thông tin ấy. 

Ý định lừa dối. Người lừa dối phải thực hiện hành vi lừa dối một cách cố ý, nghĩa là thực hiện hành vi lừa dối một cách có ý thức với mong muốn có được sự chấp nhận giao kết hợp đồng của người bị lừa dối. Hành vi lừa dối vả lại, phải bị đánh giá xấu theo các chuẩn mực chung về đạo đức; có những thủ đoạn lừa dối chấp nhận được trong thực tiễn giao dịch, do tính chất vô hại của chúng, ví dụ, quảng cáo bột giặt “chỉ ngâm thôi đã sạch”, kem đánh răng có tác dụng làm cho “răng chắc như thép”,... Thế nào là xấu hoặc chấp nhận được theo các chuẩn mực chung về đạo đức là vấn đề không đơn giản.

Sự lừa dối phải có tác dụng quyết định đối với sự ưng thuận. “Lừa dối là hành vi cố ý... nhằm là cho bên kia hiểu sai... nên đã xác lập giao dịch...”. Một người đồng ý mua một chiếc xe máy, người bán nói dối về những ưu điểm không tồn tại của xe máy để người mua chấp nhận trả giá cao hơn: luật của Pháp nói rằng người bán trong trường hợp này cũng đã lừa dối, nhưng không phải để dẫn dụ người mua đi đến chỗ giao kết hợp đồng mà chỉ để tìm cách đưa vào hợp đồng, mà nội dung đã được thống nhất về cơ bản, một điều khoản có lợi cho mình; người mua trong trường hợp này chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại chứ không thể xin tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Có vẻ như đây không phải là giải pháp được xây dựng trong luật Việt Nam: sự ưng thuận của người kết ước trong luật Việt Nam, dù chỉ không hoàn hảo ở một vài điểm thuộc nội dung chủ yếu của hợp đồng, cũng là sự ưng thuận không hoàn hảo đối với toàn bộ hợp đồng.

c. Hệ quả của sự lừa dối

Vô hiệu do lừa dối. Sự lừa dối chịu những biện pháp chế tài khá nghiêm khắc trong luật Việt Nam: người bị lừa dối có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu (Ðiều 142 khoản 1), có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (Ðiều 142 khoản 2);  tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức của người lừa dối bị tịch thu sung quỹ Nhà nước (Ðiều 142 khoản 2)[12][12]. Nếu hành vi lừa dối cấu thành tội phạm, thì người lừa dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều bất ngờ là mặc dù các biện pháp chề tài tỏ ra khá nghiêm khắc, thời hiệu để yêu cầu thực hiện các biện pháp này cũng chỉ ngang bằng thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn, nghĩa là một năm kể từ ngày xác lập giao dịch. Một năm đúng là ngắn, càng ngắn hơn trong điều kiện thời hiệu được tính từ ngày xác lập giao dịch chứ không phải từ ngày phát hiện ra sự lừa dối: có người chỉ biết mình bị lừa dối hơn một năm sau khi xác lập giao dịch và do đó sẽ không có quyền khởi kiện.        

3.  Sự đe dọa

a. Khái niệm

Ðịnh nghĩa. Theo BLDS Ðiều 142 khoản 2, đe dọa trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia sợ hãi mà phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích. Luật dùng từ “thực hiện”, nhưng ta có thể nghĩ đến việc “xác lập”: một giao dịch xác lập không phải dưới sự đe dọa không thể bị tuyên bố vô hiệu vì lý do người xác lập bị đe dọa phải thực hiện. Ví dụ: một hợp đồng mua bán tài sản được giao kết một cách tự nguyện; người mua trì hoãn việc trả tiền; người bán dọa sẽ giết người mua, nếu người sau này không trả tiền; người bán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người, nhưng người mua không thể xin tuyên bố hợp đồng mua bán vô hiệu vì lý do có sự đe dọa của người bán nhằm đốc thúc người mua thực hiện nghĩa vụ trả tiền, một nghĩa vụ được xác lập đúng luật trong khuôn khổ hợp đồng. Người mua cũng không thể xin miễn thực hiện nghĩa vụ trả tiền do đã bị đe doạ (một cách không chính đáng) 

b. Ðiều kiện của sự đe dọa 

Sự tiềm ẩn của hiểm hoạ. Nếu người đối tác đã dùng đến vũ lực hoặc đã thực hiện các biện pháp nhằm gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe,...  hoặc nhằm đưa nạn nhân vào tình trạng không thể nhận thức được hành vi của mình (say ma túy, say rượu) để nạn nhân chấp nhận giao kết hợp đồng, thì hợp đồng vô hiệu không phải vì sự ưng thuận không hoàn hảo mà do hoàn toàn không có sự ưng thuận. “Ðe dọa”, trong khung cảnh của Ðiều 142 khoản 1, được hình dung như một hành vi có tác dụng dẫn dắt ý chí của người bị đe dọa đi theo ý chí của người đe dọa mà, người bị đe dọa, dù không muốn, không thể (hoặc không dám), cưỡng lại. Nói rõ hơn, đe dọa, ở góc nhìn của người bị đe dọa, hình thành từ hai yếu tố: một yếu tố khách quan - mối nguy hiểm bủa vây - và yếu tố chủ quan - nỗi sợ. Chính dưới sự đe dọa đó mà ý chí được bày của người bị đe dọa không thể phản ánh trung thực ý chí nội tâm của người này.

Người đe doạ. Luật nói rằng “Ðe dọa... là hành vi cố ý của một bên”. Thoạt trông, điều đó có nghĩa rằng, cũng như việc lừa dối, việc đe dọa phải xuất phát từ bên kết ước: không có đe dọa xuất phát từ người thứ ba. Song, có thể tin rằng “một bên” và “bên kia”, nói trong định nghĩa về đe dọa tại Ðiều 142 khoản 1, là các bên trong quan hệ đe dọa chứ không phải các bên trong giao dịch dân sự xác lập dưới sự đe dọa. Với cách hiểu đó, thì đe dọa có thể là hành vi của bất kỳ người nào, không nhất thiết là hành vi của người kết ước với người bị đe dọa. Phải chấp nhận giải pháp vừa nêu, nếu không người bị đe dọa sẽ không được bảo vệ, một khi sự đe dọa xuất phát từ một người thứ ba mà không phải là người kết ước. Ví dụ: người chồng vay nợ, Ngân hàng yêu cầu có người bảo lãnh; người chồng buộc người vợ đứng ra bảo lãnh cho mình, người vợ không muốn nhưng không dám phản đối, do bị đe dọa; hợp đồng bảo lãnh được giao kết giữa người vợ và Ngân hàng trong đó, người bảo lãnh đã giao kết dưới sự bảo lãnh mà người bảo lãnh không biết. Người bảo lãnh trong ví dụ đó phải có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Tính chất của sự đe doạ. Sự đe dọa phải có tác dụng quyết định đối với sự ưng thuận (miễn cưỡng) của người bị đe dọa, nghĩa là người bị đe dọa chấp nhận giao kết chỉ vì bị đe dọa. 

Luật của Pháp còn xây dựng khái niệm đe doạ không chính đáng, để phân biệt với khái niệm gây sức ép chính đáng, là sự đe doạ không dẫn tới khả năng vô hiệu hoá giao dịch. Một trong những trường hợp gây sức ép chính đáng là việc đe doạ thực hiện một quyền hợp pháp kèm theo yêu cầu  đánh đổi quyền này với sự ưng thuận của người bị đe doạ trong việc xác lập giao dịch với những điều kiện hoàn toàn bình thường. Chính đáng, bởi vì, một là, việc gây sức ép không bao hàm một dự tính trái pháp luật; hai là, người gây sức ép không thu nhận các lợi ích bất thường, quá đáng từ giao dịch và người bị gây sức ép cũng không bị thiệt hại do việc thực hiện giao dịch ấy.    

Người bị đe doạ. Hành vi đe dọa có thể được thực hiện đối với chính người giao kết hoặc đối với những người thân thích của người này. “Thân thích” hàm nghĩa rằng giữa những người có liên quan có mối quan hệ gia đình: hôn nhân, thân thuộc do huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Người giám hộ và người được giám hộ không phải là những người thân thích chỉ vì có quan hệ giám hộ, cũng như người bị hạn chế năng lực hành vi và người đại diện.
  
Ðối tượng của hành vi đe doạ có thể là con người (đe doạ dùng vũ lực để gây thương tích, đe doạ công bố các thông tin về đời tư,…) hoặc tài sản (đe doạ đốt nhà, huỷ hoại cây cối, mùa màng,…).
                     
c. Hệ quả của sự đe dọa.

Người đe dọa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi đe dọa cấu thành tội phạm. Giao dịch xác lập dưới sự đe dọa có thể bị tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của người bị đe dọa (Ðiều 142 khoản 1). Ngoài ra, người đe dọa phải bồi thường thiệt hại cho người bị đe dọa và tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức của người đe dọa bị tịch thu sung quỹ Nhà nước (Ðiều 142 khoản 2)[13][13]. Trong trường hợp người đe dọa không phải là người cùng giao kết, thì cũng chính người đe dọa sẽ phải bồi thường thiệt hại nhưng không thể có vấn đề tịch thu tài sản, bởi tài sản giao dịch trong trường hợp này không phải của người đe dọa (như trong ví dụ về hợp đồng bảo lãnh nêu trên).

Thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do có sự đe doạ cũng là 1 năm từ ngày xác lập giao dịch (BLDS Điều 145 khoản 1). 

C. Trao đổi ý chí

Trao đổi ý chí là việc thông tin được thực hiện giữa các bên đối tác nhằm đi đến thống nhất ý chí về nội dung của hợp đồng và làm cho hợp đồng hình thành. Việc trao đổi ý chí được thực hiện theo hai bước, có thể được tiến hành cách nhau một khoảng thời gian, nhưng cũng có thể đồng thời: đề nghị giao kết hợp đồng của một bên và chấp nhận đề nghị của bên kia.    

1.  Ðề nghị giao kết hợp đồng

a. Khái niệm.

Ðề nghị giao kết hợp đồng là sự bày tỏ ý chí của một người về việc mong muốn giao kết hợp đồng với một người khác trên một đối tượng và trong những điều kiện đã được người đề nghị xác định rõ[14][14]. Ðề nghị có thể được gửi đến một người đối tác xác định hoặc không xác định (đề nghị với công chúng). Ðó có thể là lời đề nghị rõ ràng - một lời mời trực tiếp - hoặc mặc nhiên - như trưng bày hàng hóa ở quầy hàng kèm theo giá bán (đề nghị giao kết hợp đồng mua bán), đặt máy điện thoại sử dụng thẻ ở nơi công cộng (đề nghị giao kết hợp đồng dịch vụ thông tin liên lac).

Đề nghị giao kết hợp đồng có thể coi là giao dịch nằm ở “cận trên” của thương lượng và ở “cận dưới” của hứa hợp đồng: cao hơn thương lượng, đề nghị giao kết hợp đồng không phải là một lời mời gọi đi vào các cuộc bàn cãi về nội dung chủ yếu của hợp đồng; thấp hơn hứa hợp đồng, đề nghị giao kết hợp đồng chưa phải là một cam kết về việc thực hiện một hợp đồng nào đó, bởi mỗi một lý do đơn giản là chưa xác định được người thụ hưởng một cam kết như thế.   

b. Hình thức đề nghị

Luật Việt Nam hiện hành không có quy định riêng về hình thức đề nghị. Vậy, việc đề nghị tuân thủ các quy định chung về hình thức giao dịch: đề nghị, một loại giao dịch, có thể được thể hiện bằng lời nói (trực tiếp hoặc được ghi âm và phát lại), bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (BLDS Ðiều 133). Ngay cả trong trường hợp hợp đồng phải được giao kết theo một hình thức nhất định, thì đề nghị giao kết hợp đồng cũng có thể được ghi nhận dưới hình thức khác.

Thông thường lời đề nghị được đưa ra một cách rõ ràng dưới các hình thức xử sự chủ động của người đề nghị (rao, chào mời, đỗ xe tại bãi đón khách, trưng bày hàng với giá niêm yết sẵn, bày công cụ, phương tiện tại nơi kinh doanh,…) . Riêng trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng của người kinh doanh chuyên nghiệp dành cho người tiêu dùng còn phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Nghị định số 69-CP ngày 02/10/2001 Điều 8): mô tả chi tiết quy cách, xuất xứ hàng hoá, dịch vụ, chỉ dẫn cách sử dụng hàng hoá, cảnh báo về tính chất nguy hiểm của hàng hoá, dịch vụ do mình cung ứng,…    

c. Các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng.

Ðề nghị giao kết hợp đồng sẽ trở thành hợp đồng một khi người được đề nghị chấp nhận giao kết theo các điều kiện được đưa ra trong đề nghị đó[15][15]. Bởi vậy:

Ðề nghị giao kết hợp đồng phải chắc chắn. nghĩa là phải thể hiện ý chí dứt khoát của người đề nghị: hợp đồng sẽ phải được người đề nghị giao kết nếu lời đề nghị được chấp nhận. Không có tính chất này, thì cái gọi là đề nghị giao kết hợp đồng thực ra chỉ là một lời mời thương lượng. Ví dụ: một người sử dụng lao động đăng thông báo công khai về việc cần tuyển dụng một số người lao động trong một hoặc nhiều ngành, nghề, với mức lương được xác định trước, không nhất thiết phải giao kết hợp đồng lao động với bất kỳ người nào hội đủ điều kiện ghi trong thông báo, bởi người đề nghị không nói rõ sẽ chấp nhận tuyển bất kỳ người nào có đủ điều kiện hay chỉ tuyển những người có đủ điều kiện mà người đề nghị cảm thấy hợp với mình trong quan hệ lao động[16][16]. Trái lại, nếu người sử dụng lao động thông báo trực tiếp cho một người xác định, đề nghị người sau này giao kết hợp đồng lao động với các điều kiện được ghi rõ trong đề nghị, thì đó là một đề nghị chắc chắn: một khi người nhận được đề nghị chấp nhận giao kết, thì người đề nghị có nghĩa vụ giao kết.

- Ðề nghị giao kết hợp đồng phải rõ ràng và đầy đủ, nghĩa là phải ghi nhận tất cả các nội dung chủ yếu của hợp đồng để hợp đồng có thể được giao kết chỉ trên cơ sở tuyên bố chấp nhận giao kết của người được đề nghị.

d. Hiệu lực của đề nghị giao kết trong thời gian chưa có sự chấp nhận đề nghị.

Chừng nào đề nghị giao kết hợp đồng chưa được chấp nhận, thì hợp đồng chưa được giao kết. Tuy nhiên, theo BLDS Ðiều 396, khi một bên đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ nội dung chủ yếu của hợp đồng và thời hạn trả lời, thì không được mời người thứ ba giao kết trong thời hạn chờ trả lời và phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình. Ðiều luật có vẻ như chỉ áp dụng đối với những đề nghị đưa ra trước một người xác định chứ không phải đề nghị gửi chung cho công chúng (bởi vậy mới có thuật ngữ “người thứ ba”). Dẫu sao, có cơ sở để nói rằng nếu đề nghị giao kết hợp đồng có ghi thời hạn trả lời, thì trong lúc thời hạn đó chưa hết, người đề nghị phải chịu trách nhiệm về đề nghị của mình, dù đó là đề nghị đưa ra trước một người xác định hay được gửi chung cho công chúng qua các phương tiện truyền thông công cộng, tờ bướm.

Luật quy định thêm rằng khi người được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị, thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới (BLDS Ðiều 399 khoản 3). Ðiều đó có nghĩa rằng đề nghị được đưa ra trước không còn hiệu lực.
 
Đề nghị mất hiệu lực. Theo BLDS Điều 399 khoản 1, đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận hoặc chậm trả lời chấp nhận hoặc đã hết thời hạn trả lời chấp nhận. Thực ra, “hết thời hạn trả lời chấp nhận” là trường hợp bao trùm cả “chậm trả lời chấp nhận”. Còn trong trường hợp bên được đề nghị trả lời không chấp nhận, mọi chuyện sẽ suôn sẻ nếu bên được đề nghị xếp luôn vụ việc; trái lại, sẽ có rắc rối phát sinh nếu bên được đề nghị lại muốn chấp nhận đề nghị (hoặc ít nhất, muốn rút lại câu trả lời không chấp nhận để có thể tiếp tục suy nghĩ) trong điều kiện thời hạn có hiệu lực của đề nghị, do người đề nghị đưa ra, vẫn chưa hết.   

Luật chưa có quy định về số phận của lời đề nghị trong trường hợp người đề nghị chết hoặc rơi vào tình trạng mất năng lực trong lúc thời gian trả lời chưa hết. Luật cũng không có quy định cụ thể trong trường hợp thời hạn duy trì đề nghị chưa hết mà người đề nghị đã lâm vào tình trạng phá sản.

2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

a. Khái niệm.

Chấp nhận đề nghị là sự bày tỏ ý chí của người được đề nghị giao kết hợp đồng, trong thời hạn trả lời, về việc chấp nhận lời đề nghị của người sau này mà không yêu cầu sửa đổi nội dung đề nghị cũng không đặt ra điều kiện để chấp nhận đề nghị. Chấp nhận đề nghị có thể được diễn đạt rõ ràng, bằng văn bản hoặc bằng miệng, hay được thể hiện thành thái độ xử sự dứt khoát (tra thẻ điện thoại vào máy điện thoại công cộng; lấy hàng trong ngăn hàng của siêu thị, cầm hàng trong tay và đi đến quầy thu ngân).

Sự im lặng.  - Sự im lặng cũng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng, nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp thuận ( diễn dịch BLDS Ðiều 403 khoản 2). Cần lưu ý câu chữ của luật: “nếu có thỏa thuận...”. Một người gửi một đề nghị cho người khác và ghi rõ trong đề nghị rằng nếu người nhận đề nghị im lặng, thì hết thời hạn trả lời, người này coi như chấp nhận giao kết hợp đồng. Ðiều kiện đó hoàn toàn vô nghĩa nếu người nhận được đề nghị, trong thời hạn trả lời, không xác nhận với người đề nghị về việc chấp nhận điều kiện. Một người nhận được một đề nghị có ghi rõ thời hạn trả lời và báo cho người đề nghị biết rằng nếu hết thời hạn đó mà người nhận đề nghị vẫn im lặng, thì coi như người này chấp nhận đề nghị: trong trường hợp này, sự im lặng trở thành hình thức diễn đạt sự chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, theo sự thỏa thuận giữa hai bên liên quan.      

Sự thỏa thuận về giá trị của sự im lặng có thể được mặc nhiên đạt tới theo tập quán, nhưng cũng có thể phải xuất phát từ sự bày tỏ ý chí của các bên liên quan (thoả thuận trước hoặc quy ước về ý nghĩa của sự im lặng).

Chấp nhận không điều kiện. Việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải không kèm theo một điều kiện nào do người được đề nghị đưa ra. Trong trường hợp ngược lại, ta có một đề nghị mới về phía người được đề nghị. Đề nghị mới trước hết mang ý nghĩa của một lời từ chối đối với đề nghị cũ và, do đó, theo BLDS Điều 399 khoản 1, điểm a, có tác dụng làm mất hiệu lực của đề nghị cũ (trong trường hợp đề nghị cũ chưa hết thời hạn hiệu lực do người người đề nghị cũ ấn định).

Chấp nhận tự nguyện. Việc chấp nhận đề nghị phải hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, người kinh doanh có thể bị chế tài trong trường hợp không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của người có nhu cầu bình thường đối với việc sử dụng hàng hoá, dịch vụ của mình, nhất là một khi việc không chấp nhận đề nghị đó có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong lĩnh vực kinh doanh đó.      

Chấp nhận toàn bộ và chấp nhận một phần. Trên nguyên tắc, đề nghị giao kết hợp đồng phải được chấp nhận toàn bộ. Nếu người được đề nghị chỉ chấp nhận một phần đề nghị, thì sự chấp nhận đó có giá trị như một lời đề nghị khác.  

Một cách ngoại lệ, nếu người đề nghị đưa ra một lời đề nghị bao gồm nhiều đề nghị vừa mang tính độc lập vừa là các thành phần của một đề nghị tổng thể và cho phép người được đề nghị lựa chọn giữa chấp nhận từng đề nghị độc lập và chấp nhận đề nghị tổng thể, thì việc chấp nhận một hoặc nhiều đề nghị độc lập vẫn có hiệu lực ràng buộc đốI với các bên.   

b. Hệ quả của việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng -

Việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, cũng như việc đề nghị, không ràng buộc người bày tỏ ý chí chừng nào ý chí được bày tỏ chưa được thông tin cho người đối tác: người chấp nhận đề nghị có quyền rút lại lời chấp nhận trong trường hợp người đề nghị chưa nhận được lời chấp nhận. Nhưng, khác với đề nghị, chấp nhận đề nghị, một khi đã được người đề nghị tiếp nhận, sẽ không thể được rút lại hay thay đổi theo ý chí đơn phương của người chấp nhận đề nghị, trừ trường hợp chấp nhận đề nghị được gửi trễ hạn và trở thành một đề nghị mới (Ðiều 397 khoản 1).

Sự chấp nhận đề nghị, được thông tin cho người đề nghị trong thời hạn trả lời có tác dụng thiết lập sự ưng thuận của các bên về việc xác lập hợp đồng.
     
D. Quan hệ giữa sự ưng thuận và việc xác định thời điểm, địa điểm giao kết hợp đồng

1. Ưng thuận và việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng

Nguyên tắc. Theo BLDS Ðiều 403 khoản 1, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp  nhận giao kết hoặc khi các bên đã thỏa thuận xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng. Ta có giải pháp nguyên tắc: thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm mà sự ưng thuận được ghi nhận. Nguyên tắc này chịu khá nhiều ngoại lệ trong luật thực định Việt Nam: có những hợp đồng mà luật buộc phải lập thành văn bản (hợp đồng ủy quyền, hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản,...) thậm chí phải được chứng thực, chứng nhận (hợp đồng thuê nhà ở, thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở,...); khi đó, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm lập văn bản hoặc thời điểm chứng thực, chứng nhận hợp đồng. Ta nói rằng trong mọi trường hợp, với việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, sự ưng thuận được ghi nhận về mặt nội dung; còn thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm mà sự ưng thuận được ghi nhận về mặt hình thức. Hình thức ghi nhận sự ưng thuận có thể do luật quy định (như khi luật đòi hỏi một hợp đồng nào đó phải được giao kết bằng văn bản)  mà cũng có thể là kết quả sự thỏa thuận giữa các bên (như khi các bên thỏa thuận rằng hợp đồng phải được giao kết bằng văn bản, dù luật không quy định).

Lợi ích. Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng có nhiều lợi ích. Sau đây là hai lợi ích đáng chú ý nhất.

- Nếu hợp đồng thuộc loại có thời hạn, thì thời hạn bắt đầu từ ngày giao kết hợp đồng;
- Việc tính các thời hiệu của các quyền khởi kiện liên quan đến giá trị của hợp đồng cũng căn cứ vào thời điểm giao kết hợp đồng đã được xác định

2. Ưng thuận và việc xác định địa điểm giao kết hợp đồng -

Nguyên tắc. Theo BLDS Ðiều 402, địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở của pháp nhân đã đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác. Với giải pháp đó, thì, trong trường hợp không có thỏa thuận đặc biệt, sự ưng thuận không có liên quan đến địa điểm giao kết hợp đồng.

Thỏa thuận về địa điểm giao kết hợp đồng thường được đưa ra trong đề nghị giao kết hợp đồng: nếu người được đề nghị chấp nhận giao kết, thì coi như địa điểm giao kết là nơi cư trú (nơi có trụ sở) của người đề nghị hoặc của người được đề nghị hoặc một nơi nào đó khác được ghi rõ trong đề nghị.

Lợi ích. Lợi ích của việc xác định địa điểm giao kết hợp đồng không rõ nét lắm trong luật Việt Nam. Một vài vấn đề xung đột trong tư pháp quốc tế được giải quyết dựa theo luật của nước nơi giao kết hợp đồng.

E. Diễn đạt và trao đổi ý chí  một cách gián tiếp: đại diện

Khái niệm. Sự ưng thuận trong việc giao kết hợp đồng được ghi nhận trên cơ sở sự bày tỏ ý chí của người kết ước, một cách trực tiếp hoặc thông qua vai trò của người đại diện. Trong luật Việt Nam hiện hành, sự đại diện hình thành từ hai nguồn:

- Ðại diện theo pháp luật, bao gồm (BLDS Ðiều 150): cha, mẹ đại diện cho con chưa thành niên; người giám hộ đại diện cho người được giám hộ; người được tòa án chỉ định đại diện cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người đứng đầu pháp nhân đại diện cho pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhận hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; chủ hộ gia đình đại diện cho hộ; tổ trưởng tổ hợp tác đại diện cho tổ; và những người khác theo quy định của pháp luật.
- Ðại diện theo ủy quyền (Ðiều 151), bao gồm những người được người được đại diện ủy quyền để thay mình và dưới danh nghĩa của mình giao kết hợp đồng.

1. Ðiều kiện của việc đại diện.

Ðể hợp đồng được giao kết một cách có giá trị thông qua vai trò của người đại diện, thì người này phải có quyền đại diện và phải bày tỏ ý chí giao kết với tư cách người đại diện.

Quyền đại diện. Quyền đại diện có thể do luật xác định, như trong hầu hết trường hợp đại diện theo luật: quyền của người giám hộ đại diện cho người được giám hộ; quyền của cha, mẹ đại diện cho con chưa thành niên. Có khi quyền đại diện do luật thiết lập nhưng nội dung quyền này lại do tòa án xác định, như trường hợp quyền  của người đại diện cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Quyền đại diện theo ủy quyền phải phát sinh từ một hợp đồng ủy quyền được giao kết phù hợp với pháp luật.

Người đại diện chỉ được phép giao kết hợp đồng trong phạm vi thẩm quyền đại diện (Ðiều 153 khoản 3) và phải có trách nhiệm thông báo cho người đối tác về phạm vi thẩm quyền đó (Ðiều 153 khoản 4). Nếu một người giao kết hợp đồng dưới danh nghĩa của một người khác mà không có quyền đại diện cho người đó hoặc ngoài phạm vi thẩm quyền đại diện cho người đó, thì, trên nguyên tắc, người “được đại diện’ không bị ràng buộc bởi hợp đồng, nếu không muốn (Ðiều 154 khoản 1, Ðiều 155 khoản 1); người đã giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện, về phần mình, có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện mà vẫn giao dịch (Ðiều 154 khoản 2, Ðiều 155 khoản 2). Vậy có nghĩa rằng hợp đồng giao kết với người đại diện không có thẩm quyền vượt quá thẩm quyền vẫn có giá trị ràng buộc hai bên kết ước; tuy nhiên, những hợp đồng có liên quan đến các tài sản đặc định của người “được đại diện” phải vô hiệu.

Ý chí đại diện.  Người đại diện phải bày tỏ ý chí về việc giao kết hợp đồng với tư cách người đại diện, nghĩa là người bày tỏ ý chí thay cho một ngườI khác và dướI danh nghĩa của người sau này. Không làm việc đó, người bày tỏ ý chí được coi như giao kết dưới danh nghĩa của chính mình.

Giao kết hợp đồng với chính mình. Theo BLDS Ðiều 155 khoản 5, người đại diện không được “thực hiện” (đứng ra  không được xác lập, thực hiện) các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó. Cần phải hiểu điều luật như thế nào ?

- Một là, người đại diện không thể vừa đại diện cho một người vừa giao kết hợp đồng với người mà mình đại diện: hợp đồng trong trường hợp này, suy cho cùng, chỉ có một bên kết ước. Ðiều cấm này hoàn toàn hợp lý trong trường hợp đại diện theo luật, bởi người được đại diện theo luật là người không có khả năng nhận thức hoặc, ít nhất, không có khả năng nhận thức về hành vi của mình, và do đó không thể bày tỏ ý chí một cách hữu hiệu về việc cho phép hay không cho phép người được uỷ quyền giao kết những hợp đồng như thế. Riêng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền, điều cấm hẳn chỉ mang tính chất của một quy tắc bổ khuyết[17][17]: người được ủy quyền vẫn có thể đồng thời là người giao kết, nếu người ủy quyền chấp nhận việc đó.
- Hai là, người đại diện cho một người không thể giao kết hợp đồng với một người khác mà mình cũng là người đại diện cho người đó. ví dụ: A đại diện cho B để giao kết hợp đồng bán nhà của B, đồng thời cũng là người giám hộ của C; vậy A không thể đại diện cho B giao kết hợp đồng bán nhà mà trong đó, C là người mua nhà. Cần nhấn mạnh rằng điều cấm này chỉ được áp dụng trong trường hợp hợp đồng được giao kết nằm trong thẩm quyền đại diện cho cả hai bên kết ước. Ví dụ: A được B ủy quyền để bán nhà của B và được C ủy quyền để bán nhà của C; vậy, nếu C mua nhà của B, thì A vẫn có quyền đại diện cho B để giao kết hợp đồng với C.

2. Hiệu lực của việc đại diện

Đại diện hoàn hảo. Gọi là hoàn hảo, việc đại diện được xác lập phù hợp với các quy định của pháp luật và người đại diện hành động trong khuôn khổ thẩm quyền đại diện của mình. Khi đó, chính người được đại diện, chứ không phải người được đại diện, mới được coi là người xác lập giao dịch và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó. Bởi vậy,

- Khi cần đánh giá năng lực của người giao dịch trong trường hợp đại diện theo uỷ quyền, người ta nhắm vào người được đại diện chứ không phải người đại diện;
- Chỉ có người được đại diện là người thực sự có quyền và có nghĩa vụ; người đại diện không phải chịu trách nhiệm gì và cũng không có quyền gì đối với người đối tác.

Vượt quá quyền hạn. Khi người đại diện vượt quá quyền hạn của mình, thì giao dịch được xác lập do vượt quá quyền hạn sẽ không ràng buộc người được đại diện. Tuy nhiên, khác với luật của Pháp, luật Việt Nam không nói rằng giao dịch có thể bị tuyên bố vô hiệu trong trường hợp này. Theo BLDS Điều 155, người đã giao dịch với người đại diện mà vượt quá thẩm quyền đại diện có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch đối với phần thực hiện vượt quá thẩm quyền; nếu người này không sử dụng quyền ấy, thì người đại diện vượt quá thẩm quyền phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá thẩm quyền.    
 
II - Ðối tượng của hợp đồng

Khái niệm. Ðối tượng của hợp đồng là nội dung của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng hay, đúng hơn, là sự đáp ứng của người giao kết đối với người cùng giao kết trong khuôn khổ thực hiện hợp đồng. Sự đáp ứng này, ta đã biết, thuộc một trong hai dạng: chuyển giao một quyền hoặc làm hay không làm một việc. Với định nghĩa ấy, ta không phân biệt giữa đối tượng của hợp đồng và đối tượng của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng: đối tượng của hợp đồng hay nghĩa vụ, suy cho cùng, đều quy về một tài sản (đúng hơn là một quyền đối với một vật có giá trị tài sản) hoặc một công việc phải làm hoặc không được làm.

1. Chuyển giao một quyền

Ðối tượng của quyền có thể là một vật hữu hình (nhà, xe,...) hoặc một vật vô hình (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp,...) hoặc một số tiền.

a. Vật 

Dù hữu hình hay vô hình, vật phải tồn tại, định giá được bằng tiền, lưu thông được, xác định được (BLDS Ðiều 287).

Vật phải tồn tại. Nghĩa là không phải là vật tưởng tượng. Vật không nhất thiết phải tồn tại ở thời điểm giao kết hợp đồng: việc giao kết hợp đồng có thể được thực hiện đối với những vật sẽ tồn tại trong tương lai, miễn là có hành vi có ý thức của con người, được xác nhận ở thời điểm giao kết hợp đồng, nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của vật . Ví dụ: hợp đồng chế biến sản phẩm theo đơn đặt hàng, hợp đồng sáng tác, hợp đồng mua bán mùa màng chưa thu hoạch,...

Vật phải lưu thông được. Có những vật  bị cấm lưu thông một cách tuyệt đối trong luật Việt Nam: đất đai, tài sản công, con người; có những vật chỉ được lưu thông trong những trường hợp được luật dự liệu: mua bán chất ma túy như dược liệu giữa các cơ sở có thẩm quyền về y dược;…  Có những vật định giá được bằng tiền nhưng lại gắn liền với nhân thân của một người và do đó, không thể được chuyển nhượng cho người khác: quyền được cấp dưỡng, quyền được bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại.

Vật phải được xác định. Không thể nói “mua bán một tài sản nào đó” hoặc “mua bán một quyền nào đó”. Nếu là vật đặc định hoặc quyền vô hình, vật hoặc quyền phải được mô tả như thế nào để phân biệt được với vật hoặc quyền khác. Nếu là vật cùng loại, thì vật phải được xác định về chủng loại và về số lượng. Ví dụ: bán 2000 tấn gạo Nàng Hương loại I; tivi hiệu X đời Y.

Tuy nhiên, vật không nhất thiết được xác định rõ ở thời điểm giao kết hợp đồng. Các bên có thể thoả thuận như thế nào để vật xác định được ở thời điểm thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ, bán tất cả trái chín vào ngày X tại vườn Y. 

Vật phải thuộc về người chuyển giao. Thực ra, vật cũng có thể không thuộc về người chuyển giao ở thời điểm giao kết hợp đồng: khi đó, hợp đồng mang tính chất của một lời hứa. Ví dụ: A cam kết bán cho B 20 tấn gạo loại I; ở thời điểm giao kết hợp đồng, A không có một hạt gạo nào trong tay; nhưng A có thể mua số gạo đó và bán lại cho B trong thời hạn thực hiện hợp đồng. Nhưng, chắc chắn một người không thể chuyển giao một quyền đối với một tài sản đặc định trong khi quyền đó đang thuộc về một người khác và người có quyền không hề có ý định chuyển giao quyền này cho người cam kết chuyển giao mà không có quyền. Ví dụ: A cam kết bán cho B căn nhà của C; ở thời điểm giao kết hợp đồng nhà thuộc quyền sở hữu của C và C không có ý định bán; hợp đồng mua bán giữa A và B vô hiệu.

Nói rõ hơn, những lời hứa chuyển giao quyền đối với một vật đặc định chỉ có giá trị ràng buộc khi đó là những lời hứa có cơ sở để thực hiện. Các tiêu chí của việc xác định thế nào là “có cơ sở để thực hiện” vẫn đang được định hình trong thực tiễn áp dụng pháp luật Việt Nam: một người có thể hứa bán một căn nhà chưa thuộc quyền sở hữu của mình trong điều kiện chính mình đã giao kết xong hợp đồng mua bán căn nhà đó tại cơ quan công chứng và đang xúc tiến thủ tục chuyển quyền sở hữu; nhưng khó có thể nói rằng một người có thể bị ràng buộc vào nghĩa vụ hứa bán một căn nhà trong khi chính người này chỉ đang trong quá trình thương  lượng với chủ sở hữu để đi tới việc giao kết hợp đồng mua bán. 

a. Số tiền

Khái niệm. Số tiền, được ấn định như là đối tượng của nghĩa vụ trả tiền, còn được gọi, trong ngôn ngữ thông dụng, là giá trị của hợp đồng. Tuỳ theo tính chất của hợp đồng, số tiền ấy còn được đặt tên riêng: giá bán trong hợp đồng mua bán; giá thuê trong hợp đồng thuê tài sản; nợ vay trong hợp đồng cho vay; tiền công trong hợp đồng dịch vụ; tiền lương trong hợp đồng lao động;…    

Ấn định số tiền. Giá trị của hợp đồng phải được xác định hoặc xác định được. Giá trị đó có thể được thể hiện bằng một con số được ghi nhận vào thời điểm giao kết hợp đồng, nhưng cũng có thể chỉ bằng các tham số ở thời điểm giao kết hợp đồng và chỉ được xác định rõ ràng bằng các con số ở thời điểm thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp giá trị của hợp đồng chỉ được thể hiện bằng các tham số, thì: 1. các tham số này phải rõ ràng, đầy đủ, áp dụng được để tính ra giá trị của hợp đồng mà không cần có thêm thoả thuận nào khác giữa các bên; 2. các tham số phải khách quan, nghĩa là không chịu sự tác động của bên này hay bên kia trong quá trình hình thành[18][18]. Không có đủ  hai điều kiện đó, tham số không được coi là hợp lệ.   

Một cách ngoại lệ, các hợp đồng dịch vụ có thể được giao kết một cách hữu hiệu dù tiền công dịch vụ không được ấn định ở thời điểm giao kết hợp đồng: theo BLDS Điều 527 khoản 1, nếu không thoả thuận về mức tiền công, thì mức tiền công là mức trung bình đối với công việc cùng loại tại thời điểm và địa điểm hoàn thành công việc.      

2. Làm hoặc không làm một việc

Khái niệm. Công việc phải làm hoặc việc không làm một việc phải là điều có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm và không trái với đạo đức xã hội. Loại nghĩa vụ này có mối liên hệ với nhân thân của ngườI có nghĩa vụ; bởi vậy, như ta sẽ thấy, việc thực hiện nghĩa vụ loại này trên nguyên tắc không thể đạt được bằng cách cưỡng chế và thông thường, nghĩa vụ chấm dứt một khi ngườI có nghĩa vụ chết hoặc ở trong tình trạng không thể thực hiện nghĩa vụ.

Tính có thể thực hiện được của nghĩa vụ.  Nghĩa vụ không thể thực hiện được là nghĩa vụ không có giá trị. Song thế nào là nghĩa vụ không thể thực hiện được là vấn đề còn phải bàn trong luật Việt Nam. Chắc chắn nghĩa vụ không thể được thực hiện đối với bất kỳ người nào là nghĩa vụ không có giá trị. Nhưng có nghĩa vụ không thể thực hiện được đối với một người mà có thể được thực hiện với một người khác: một người giao kết việc vận chuyển một số hàng trong khi không có phương tiện vận tải trong tay; một người giao kết việc thực hiện một dịch vụ trong khi không có khả năng thực hiện dịch vụ đó. Trong luật thực định Việt Nam, loại nghĩa vụ thứ hai này hình như vẫn có thể được xác lập một cách có giá trị: người cam kết sẽ phải trả chi phí và bồi thường thiệt hại, theo yêu cầu của người có quyền, một khi người này tự mình thực hiện hoặc nhờ người khác thực hiện công việc đó.

Tính hợp pháp của nghĩa vụ. Việc làm, đối tượng của nghĩa vụ, phải hợp pháp, đặc biệt là không được trái với điều cấm của pháp luật hoặc đạo đức xã hội. Không thể coi là hợp pháp hợp đồng thuê giết người, đánh người... Nói chung, nghĩa vụ làm một việc hoặc không được làm một việc phải là một cam kết thực hiện một hành vi phù hợp với pháp luật, với đạo đức và phải không có tác dụng tước đi một hay nhiều quyền tự do cơ bản của con người trong xã hội có tổ chức. Không thể coi là hợp pháp, nghĩa vụ kết hôn hoặc nghĩa vụ không kết hôn; nghĩa vụ  

3. Chế tài

Đối tượng không hợp pháp. Khái niệm đối tượng không hợp pháp chỉ được xây dựng cho các trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là một vật hoặc làm hay không làm một việc[19][19]. Trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, có vẻ như hợp đồng có đối tượng không hợp pháp phải bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, áp dụng BLDS Điều 137.  Và nếu vậy, thì, một là, bất kỳ người nào cũng có quyền yêu cầu tuyên bồ vô hiệu đối với hợp đồng có đối tượng không hợp pháp; hai là, quyền kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu không mất đi theo thời hiệu (BLDS Điều 145 khoản 2). 

Không có đối tượng. Hợp đồng gọi là không có đối tượng một khi đối tượng không hề tồn tại. Cũng được đồng hoá với hợp đồng mà đối tượng không hề tồn tại, các hợp đồng có đối tượng không được xác định hoặc không thể xác định được. Ví dụ, bán một căn nhà theo giá thoả thuận sau; cho thuê một căn nhà nào đó sẽ mua trong tương lai;…

Hợp đồng không có đối tượng là hợp đồng không tồn tại và do đó không cần được tuyên bố vô hiệu. Đơn giản, không ai có trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó; trong trường hợp một bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đó, thì bên thụ hưởng việc thực hiện nghĩa vụ đó ở trong tình trạng được lợi không có căn cứ pháp luật.        

III. Sự trung thực trong giao kết

Hợp đồng giả tạo. Hợp đồng giả tạo là sự thỏa thuận của các bên giao kết về việc che giấu ý chí thực của các bên bằng một hợp đồng được giao kết nhưng không được thực hiện. Có ba loại hợp đồng giả tạo:

- Hợp đồng khống: đơn giản, là hợp đồng không bao giờ được thực hiện, không phải để che giấu một hợp đồng khác, mà nhằm phục vụ cho một ý đồ không được bộc lộ của các bên giao kết. Ví dụ: để đối phó với yêu cầu kê biên của các chủ nợ, một người mắc nợ bán phần lớn tài sản của mình cho một người bạn và người mua không trả tiền cũng không bao giờ tự coi mình là chủ sở hữu các tài sản ấy.
- Hợp đồng che giấu: là hợp đồng được giao kết nhằm che giấu một hợp đồng khác cũng được giao kết cùng một lúc. Ví dụ: giao kết việc mua bán để che giấu việc tặng cho; người mua vẫn nhận tài sản, nhưng không trả tiền mua hoặc chỉ trả một số tiền tượng trưng hoàn toàn không tương xứng với giá trị của tài sản mua.
- Hợp đồng giấu mặt: là loại hợp đồng được giao kết thông qua vai trò của người khác. Ví dụ: một công chức cao cấp mua một doanh nghiệp tư nhân, nhưng người giao kết hợp đồng với tư cách người mua là anh ruột của công chức đó; người mua chỉ là một con rối, bởi việc mua bán do người bán và công chức đó thảo luận và quyết định.

Ðộng cơ giao kết hợp đồng giả tạo có thể hợp pháp (như trong trường hợp tặng cho được che giấu thành mua bán để tránh kích động lòng ganh tị giữa những người thân thuộc), có thể không hợp pháp (như trong trường hợp giao kết hợp đồng mua bán chỉ để tẩu tán tài sản).

Giá trị của hợp đồng giả tạo. Theo Ðiều 138 BLDS, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác, thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có giá trị, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của BLDS; nếu giao dịch được xác lập không nhằm mục đích làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, thì giao dịch đó cũng bị coi là vô hiệu. Một cách tổng quát, hợp đồng giả tạo không có giá trị trong luật Việt Nam, bất kể động cơ giả tạo là hợp pháp hay không hợp pháp.

Phân tiết III. Hình thức của hợp đồng

Nguyên tắc ưng thuận. Hình thức giao kết hợp đồng là sự bộc lộ ý chí của các bên giao kết được ghi nhận theo một cách nào đó. Trên nguyên tắc, các bên được tự do lựa chọn cách bộc lộ ý chí của mình. Theo BLDS Điều 400 khoản 1, hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

Ta nói rằng hợp đồng trong luật Việt Nam được giao kết theo nguyên tắc ưng thuận như trong luật của Pháp. Nguyên tắc này chấp nhận một số ngoại lệ. Các ngoại lệ có thể được xếp thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất gồm một số quy định đặc biệt về hình thức; nhóm thứ hai gồm các quy định đặc biệt về thủ tục. 

I. Một số quy định đặc biệt về hình thức

Hợp đồng trọng thức. Gọi là trọng thức một hợp đồng chỉ có thể có giá trị một khi được lập theo một hình thức nhất định (thông thường là hình thức viết, tức là dùng ngôn ngữ viết để mô tả nội dung thoả thuận). Ví dụ điển hình của hợp đồng trọng thức là các hợp đồng mà theo luật phải được chứng nhận, chứng thực, như hợp đồng mua bán nhà ở. Có trường hợp luật chỉ đòi hỏi việc giao kết hợp đồng phải được ghi nhận bằng văn bản chứ không nhất thiết được chứng nhận, chứng thực, như hợp đồng uỷ quyền.  

Điều quan trọng để tính trọng thức trở thành một điều kiện về hình thức của một hợp đồng là phải có một điều luật quy định rành mạch về việc loại bỏ nguyên tắc ưng thuận và áp đặt tính trọng thức đối với việc giao kết hợp đồng đó. Một số điều luật trong BLDS nói rằng hợp đồng (nào đó) phải được lập thành văn bản nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Thực ra, nếu pháp luật không quy định, thì việc các bên có thoả thuận lập hợp đồng bằng văn bản không có tác dụng áp đặt một điều kiện để cho hợp đồng có giá trị: nếu cuối cùng các bên lại lập hợp đồng theo một hình thức khác, thì có nghĩa rằng họ đã có thoả thuận khác.      

Hợp đồng thực tại. Một số hợp đồng, như đã biết, được giao kết bằng cách chuyển giao vật mà các bên quan tâm. Việc chuyển giao đó cũng được coi như một điều kiện về hình thức của hợp đồng: không có hình thức đó, sự thoả thuận đơn thuần giữa hai bên không có hiệu lực ràng buộc. Ví dụ điển hình của loại hợp đồng thực tại là hợp đồng cho mượn tài sản: nếu chỉ có thoả thuận về việc cho mượn mà không có việc chuyển giao tài sản từ người cho mượn sang người mượn, thì hợp đồng chưa hình thành.  

II. Một số quy định đặc biệt về thủ tục 

Đăng ký. Đối với một số tài sản có giá trị cao, Nhà nước tổ chức hệ thống đăng ký để đặt cơ sở cho việc xác định lại lịch của người có quyền, đặc biệt là quyền sở hữu. Ví dụ điển hình là các hệ thống đăng ký địa chính, tàu biển, máy bay, quyền sở hữu công nghiệp, xe ô tô, xe máy,… Các hợp đồng có tác dụng chuyển các quyền đối vật có đối tượng là các tài sản loại này phải được đăng ký và việc chuyển quyền, theo luật Việt Nam hiện hành, được hoàn thành vào thờI điểm hoàn thành thủ tục đăng ký đó.       

Xin phép cơ quan có thẩm quyền. Có trường hợp do tính chất quan trọng của tài sản giao dịch hoặc của bản thân giao dịch đối với kinh tế quốc dân hoặc đối với trật tự công cộng, người làm luật đặt các giao dịch ấy dưới sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước thông qua một hệ thống các quy tắc về kiểm tra, xem xét và cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ điển hình là các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong luật Việt Nam hiện hành. Trong các trường hợp mà việc cho phép của cơ quan thẩm quyền là cần thiết, thì hợp đồng chỉ được xúc tiến sau khi có sự cho phép đó.     

III. Chế tài

Vi phạm về hình thức hoặc thủ tục. Trong trường hợp hợp đồng không lập thành văn bản hoặc không được chứng thực, chứng nhận, đăng ký hoặc cho phép, dù luật buộc phải lập văn bản, chứng thực, chứng nhận, đăng ký hoặc cho phép, thì theo yêu cầu của một nên hoặc của các bên, tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng (Ðiều 139); quá thời hạn đó mà không thực hiện, thì hợp đồng vô hiệu. Thực ra, quy định của điều luật không được rõ nghĩa lắm: nếu các bên muốn tuân theo các quy định của pháp luật về hình thức văn bản, thì các bên sẽ tự mình lập văn bản, yêu cầu chứng nhận, xin phép, đăng ký mà không cần nhờ đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định; còn nếu có một bên không muốn, thì làm thế nào buộc được bên đó ký vào văn bản hoặc ra trước cơ quan công chứng hay UBND để tiến hành thủ tục chứng nhận hoặc chứng thực ?

Điều đáng chú ý: điều luật không phân biệt giữa vi phạm về hình thức và vi phạm về thủ tục. Bởi vậy, một hợp đồng mà theo luật phải được chứng nhận, sau đó được đăng ký, sẽ vô hiệu nếu chỉ được chứng nhận mà không được đăng ký. 

Quyền kiện yêu cầu vô hiệu hoá một hợp đồng được xác lập không đúng hình thức không mất đi do thời hiệu (BLDS Điều 145 khoản 2).  

Hình thức chứng minh. Có những trường hợp điều kiện về hình thức được áp đặt như một biện pháp bảo tồn bằng chứng về việc giao kết hợp đồng. Khi đó, việc không tuân thủ điều kiện do pháp luật quy định chỉ khiến cho hợp đồng không thể được chứng minh và, do đó, các quyền phát sinh từ hợp đồng không thể được Nhà nước bảo vệ trong trường hợp các quyền ấy không được tôn trọng. Ví dụ, trong trường hợp quy trình giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách có ghi nhận thủ tục xuất vé, thì vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng (BLDS Điều 531 khoản 2). Nếu hợp đồng trong trường hợp này đã được giao kết nhưng vé lại không được xuất, thì hợp đồng vẫn có giá trị và vẫn được thi hành; nhưng trong trường hợp có tranh chấp, thì Toà án sẽ không can thiệp, bởi đối với Toà án, sự tồn tại của hợp đồng không thể được chứng minh. Giải pháp này, dẫu sao, không cứng nhắc: có những trường hợp vé không xuất được do nguyên nhân bất khả kháng; có trường hợp vé đã được xuất, nhưng sau đó lại mất cũng do nguyên nhân bất khả kháng. Nói chung, nếu vì lý do gì đó mà một hợp đồng phải được chứng minh bằng một phương tiện nào đó lại không thể được chứng minh bằng cách đó, thì phải có thể được chứng minh bằng cách khác. Song, một cách hợp lý, việc chứng minh bằng cách khác chỉ có thể được chấp nhận một khi việc không thể chứng minh được bằng phương tiện do pháp luật quy định đã được lý giải thoả đáng.      

Hình thức công bố. Trong những trường hợp đặc thù, việc áp đặt một hình thức nào đó cho hợp đồng chỉ nhằm mục đích làm cho hợp đồng được mọi người biết đến: nếu hợp đồng được xác lập không theo hình thức đó, thì được coi như không tồn tại đối với mọi người khác, nhưng vẫn có giá trị đối với hai bên giao kết. Biện pháp thông tin phổ biến nhất về sự tồn tại của hợp đồng cho mọi người là biện pháp công bố dướI hình thức đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Luật Việt Nam dường như cũng có ghi nhận hình thức này đối với một số hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, như cầm cố, thế chấp có đối tượng là các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu; tuy nhiên, các quy định về ý nghĩa của hình thức này chưa được nhất quán. Ta biết rằng theo BLDS Điều 139, hợp đồng mà theo quy định của pháp luật phải được đăng ký sẽ vô hiệu nếu không được đăng ký sau một thời hạn do Toà án hoặc cơ quan Nhà nước thẩm quyền khác ấn định. Nhưng mặt khác, theo Nghị định số 08/ NĐ-CP ngày 10/3/2000 Điều 22 khoản 1, thì các giao dịch bảo đảm đã đăng ký có giá trị đối với người thứ ba; điều đó có nghĩa rằng giao dịch bảo đảm không đăng ký thì không có giá trị đối với người thứ ba, nhưng không nhất thiết cũng không có giá trị đối với hai bên giao kết.            

Hợp đồng thực tại. Các hợp đồng thực tại coi như không tồn tại chừng nào việc chuyển giao vật mà các bên quan tâm chưa được thực hiện. Luật không có quy định rõ ràng về việc chế tài trong trường hợp các bên đã đạt được sự thoả thuận về hợp đồng thực tại (ví dụ, người có tài sản đồng ý cho mượn và ngườI cần tài sản đồng ý mượn), nhưng rồi lại không tiến hành giao nhận vật. Liệu người có lỗi trong việc không hoàn thành việc giao nhận có phải chịu trách nhiệm ?  

Tiết III. Lý thuyết chung về sự vô hiệu của hợp đồng

I. Khái niệm

Định nghĩa. Người làm luật không định nghĩa hợp đồng vô hiệu mà chỉ xác định hệ quả của sự vô hiệu: giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên từ thờI điểm xác lập (BLDS Điều 146 khoản 1). hợp đồng vô hiệu là hợp đồng bị thủ tiêu về mặt pháp lý, xem như chưa bao giờ được xác lập.

Về tính chất, vô hiệu hoá một hợp đồng là biện pháp chế tài dân sự. Việc giao kết một hợp đồng không phù hợp với các quy định của pháp luật trong những trường hợp đặc thù còn có thể dẫn đến các chế tài hành chính hoặc hình sự.    

Các trường hợp khác của hợp đồng không có hiệu lực. Hợp đồng có thể không có hiệu lực trong những trường hợp đặc thù khác, dù không bị tuyên bố vô hiệu. 

- Hợp đồng bị huỷ bỏ. Hợp đồng bị huỷ bỏ là hợp đồng có giá trị ở thời điểm giao kết, nhưng trở nên mất hiệu lực do có một sự kiện xảy ra sau đó. Ví dụ điển hình là hợp đồng được giao kết với điều kiện huỷ bỏ. 
- Hợp đồng mất hiệu lực. Hợp đồng mất hiệu lực là hợp đồng được giao kết một cách hữu hiệu, nhưng trong lúc đang được thực hiện thì lại mất một yếu tố cơ bản và do đó không thể được thực hiện đến cùng hoặc thậm chí hoàn toàn không thể thực hiện được. Ví dụ điển hình là hợp đồng bảo lãnh trong luật Việt Nam: hợp đồng chấm dứt, nghĩa là sẽ không có ai thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trong trường hợp nghĩa vụ chưa đến hạn phải thực hiện mà người bảo lãnh chết (BLDS Điều 375 khoản 4).
- Hợp đồng vô hiệu cục bộ[20][20]. Gọi là vô hiệu cục bộ, hợp đồng vô hiệu đối với người này, nhưng vẫn có giá trị đối với người khác. Ví dụ điển hình là hợp đồng cầm cố có đối tượng là một tài sản thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu: không đăng ký, hợp đồng cầm cố không có giá trị đối với người thứ ba, nhưng vẫn có giá trị đối với hai bên giao kết. Hợp đồng vô hiệu cục bộ không hoàn toàn vô hiệu, mà chỉ có hiệu lực giới hạn. Thực ra, khái niệm hợp đồng vô hiệu cục bộ chưa được xây dựng một cách có chủ định trong luật viết hiện hành. Trong nhiều trường hợp, sự vô hiệu cục bộ được ghi nhận một cách tình cờ trong logique của sự việc hơn là do ý chí đích thực của người làm luật. Vợ và chồng thoả thuận về việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; luật nói rằng việc phân chia tài sản chung nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản không được pháp luật thừa nhận. Giả thiết được hình dung như sau: vợ chồng có nhiều chủ nợ chung và sau khi phân chia tài sản chung, một trong số các chủ nợ kiện yêu cầu tuyên bố vô hiệu việc phân chia trong khi các chủ nợ khác vẫn im lặng; yêu cầu của người khởi kiện được đáp ứng và người này tiến hành tiếp một vụ kiện thứ hai yêu cầu buộc        

II. Thực hiện việc vô hiệu hoá hợp đồng

1. Các nguyên tắc

Căn cứ. Có trường hợp luật nói rõ rằng một hợp đồng được giao kết không phù hợp vớI một hoặc hoặc quy định nào đó của luật sẽ có thể bị tuyên bố vô hiệu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp người làm luật chỉ xây dựng những quy tắc mang tính mệnh lệnh liên quan đến hình thức hoặc nội dung của hợp đồng, mà không dự kiến biện pháp chế tài. Nếu cho rằng việc vô hiệu hoá một hợp đồng chỉ có thể được thực hiện trong một trường hợp đặc thù một khi người làm luật có dự kiến biện pháp này cho trường hợp đó, thì sẽ không có bao nhiêu hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu trong luật Việt Nam hiện hành. Bởi vậy, cần thừa nhận nguyên tắc theo đó một giao dịch được xác lập không phù hợp với những đòi hỏi của pháp luật sẽ có thể bị tuyên bồ vô hiệu. Nếu thừa nhận nguyên tắc đó, thì vấn đề đối với luật Việt Nam không phải là căn cứ vào đâu để tuyên bố vô hiệu một hợp đồng xác lập không phù hợp với quy định của pháp luật trong điều kiện pháp luật không dự kiến biện pháp chế tài, mà là:

1. Liệu có những trường hợp nào mà người làm luật thực sự không muốn chế tài bằng biện pháp vô hiệu hoá hợp đồng và do đó đã không quy định việc áp dụng biện pháp này đối với những hợp đồng được giao kết không phù hợp với những điều kiện nhất định ?
2. Làm thế nào xác định thời hiệu của quyền kiện yêu cầu vô hiệu hoá hợp đồng trong trường hợp việc vô hiệu không được pháp luật dự kiến ?      

Vô hiệu tương đối và vô hiệu tuyệt đối.  Gọi là vô hiệu tương đối sự vô hiệu được lý giải bằng sự cần thiết của việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân: hợp đồng được giao kết bởi một người chưa thành niên cần bị vô hiệu hoá để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên; hợp đồng được giao kết dưới sự đe doạ cần bị vô hiệu hoá để bảo vệ lợi ích của ngườI bị đe doạ;…

Gọi là vô hiệu tuyệt đối sự vô hiệu được hình dung như một biện pháp bảo vệ lợi ích chung. Ví dụ điển hình là việc vô hiệu hoá một hợp đồng có nộI dung vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội.  

Vô hiệu từng phần và vô hiệu toàn bộ. Gọi là vô hiệu từng phần, hợp đồng chỉ có một phần vô hiệu và sự vô hiệu đó không để lại hậu quả đối với những phần còn lại của hợp đồng. Nói cách khác, hợp đồng vô hiệu từng phần vẫn có giá trị và được pháp luật bảo đảm việc thực hiện đối với những phần được giao kết phù hợp với quy định của luật. Nếu không có phần nào có giá trị, thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

Sự cần thiết của một bản án. Dù là vô hiệu được dự kiến hoặc không được dự kiến trong một văn bản luật, vô hiệu tương đối hay vô hiệu tuyệt đối, vô hiệu từng phần hay toàn bộ, sự vô hiệu phải được ghi nhận trong một bản án. Cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật, hợp đồng phải được suy đoán là có giá trị và phải được tôn trọng. Điều này cũng có nghĩa rằng người nào yêu cầu vô hiệu hoá một hợp đồng thì phải chứng minh được tính hiện thực của nguyên nhân dẫn đến sự vô hiệu đó. 

2. Quyền khởi kiện

a. Người có quyền khởi kiện.

Việc xác định người có quyền khởi kiện được thực hiện tuỳ theo sự vô hiệu của hợp đồng mang tính chất tương đối hay tuyệt đối. 

Vô hiệu tương đối. Nếu sự vô hiệu chỉ mang tính chất tương đối, thì quyền yêu cầu vô hiệu hoá hợp đồng chỉ được thừa nhận cho người nào có lợi ích được bảo vệ một cách trực tiếp bằng biện pháp đó. Trong một số trường hợp, người làm luật chỉ định rõ người có quyền kiện: đại diện của người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi (BLDS Điều 140 khoản 1); người bị nhầm lẫn, lừa dối hoặc đe doạ (Điều 141 khoản 1 và 142 khoản 1);… Nhưng trong khá nhiều trường hợp, người làm luật không chỉ rõ ai là người có quyền đó[21][21]; khi ấy, thẩm phán có trách nhiệm xác định tư cách của người kiện dựa vào mối quan hệ giữa người này và lợi ích được bảo vệ.      

Vô hiệu tuyệt đối. Nếu sự vô hiệu là tuyệt đối, thì bất kỳ người nào cũng có quyền kiện yêu cầu vô hiệu hoá hợp đồng. Thực ra, khái niệm “bất kỳ người nào” phải được hiểu theo nghĩa tương đối, bởi vì chính lý lẽ của quyền khởi kiện - bảo vệ lợi ích chung - không hẳn là một khái niệm rất chung. Một người bán căn nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình cho một người khác mà không lập văn bản tại cơ quan công chứng; một người hàng xóm phát hiện điều đó và kiện ra Toà án yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Khó có thể hình dung khả năng Toà án đáp ứng yêu cầu của người hàng xóm, nếu người này không lý giải sự quan tâm của mình đối với việc vô hiệu hoá hợp đồng bằng cách viện dẫn một lợi ích nào đó của mình mà có liên quan (dù là gián tiếp) đến hợp đồng.    

b. Tính hữu hiệu của quyền khởi kiện

Quyền khởi kiện chỉ tỏ ra hữu hiệu chừng nào nguyên nhân của sự vô hiệu còn mang tính hiện thực. Trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, nguyên nhân của sự vô hiệu của một hợp đồng mất đi trong các trường hợp hợp đồng được xác nhận, được hợp thức hoá hoặc thời hiệu khởi kiện đã hết.   

Xác nhận hợp đồng. Xác nhận hợp đồng là việc thừa nhận rằng hợp đồng thực ra đã được giao kết phù hợp với các quy định của pháp luật và do đó, có giá trị. Việc làm cho một hợp đồng bị xem là không hợp lệ trở nên hợp lệ bằng sự xác nhận, suy cho cùng, chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp tính hợp lệ hay không hợp lệ của hợp đồng gắn liền với lợi ích của người có quyền xác nhận. Điều đó cũng có nghĩa rằng:

1. Việc xác nhận hợp đồng chỉ có thể được chấp nhận trong trường hợp sự vô hiệu hoá hợp đồng là sự vô hiệu tương đối: hợp đồng vô hiệu tuyệt đối, như đã biết, là hợp đồng giao kết trái với lợi ích chung; việc hữu hiệu hoá hợp đồng vô hiệu tuyệt đối bằng cách xác nhận sẽ đòi hỏi sự bày tỏ ý chí của tất cả những người có lợi ích liên quan và đó tất nhiên là điều không thể thực hiện được.  
2. Người có quyền xác nhận hợp đồng chỉ có thể là người có quyền kiện yêu cầu vô hiệu hoá hợp đồng.     

Sự xác nhận chỉ hữu hiệu một khi người có quyền xác nhận biết rõ nguyên nhân dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng và bày tỏ ý chí chấp nhận thực hiện hợp đồng. Sự bày tỏ ý chí có thể rành mạch (bằng một lời tuyên bố) hoặc mặc nhiện (bằng cách thực hiện nghĩa vụ của mình).

Hợp thức hoá. Hợp thức hoá hợp đồng là việc làm cho một hợp đồng có thể bị vô hiệu hoá trở nên hữu hiệu bằng cách bổ sung cho hợp đồng những yếu tố cơ bản cần thiết mà trước đó hợp đồng còn thiếu. Ví dụ điển hình là việc lập văn bản cho một hợp đồng mà theo luật phải được giao kết bằng văn bản mới có giá trị, việc bổ túc giấy phép của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp hợp đồng chỉ có thể được giao kết vớI sự cho phép của cơ quan thẩm quyền. Việc hợp thức hoá có thể được thực hiện cả đối với những hợp đồng có nguy cơ bị vô hiệu hoá một cách tuyệt đối.  

Hết thời hiệu. Quyền khởi kiện có thể bị mất đi do thời hiệu. Giải pháp này hiện chỉ được thừa nhận rành mạch trong luật Việt nam cho một số trường hợp vô hiệu tương đối. Trong các trường hợp vô hiệu tuyệt đối mà được luật ghi nhận rành mạch trong BLDS, quyền kiện yêu cầu vô hiệu hoá hợp đồng không bị giới hạn về thời gian, như đã biết. Do thiếu một quy định về đến thời hiệu được áp dụng một cách tổng quát trong các trường hợp vô hiệu hoá hợp đồng, luật Việt Nam không giải quyết được vấn đề thời hiệu cho các quyền kiện được chấp nhận trong những trường hợp luật không dự kiến một cách rõ ràng việc vô hiệu hoá như một biện pháp chế tài đối với các hợp đồng được xác lập không phù hợp với những điều kiện do pháp luật đặt ra.      

III.  Hệ quả của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu không tồn tại. Theo BLDS Ðiều 146 khoản 1, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập. Các bên giao kết hợp đồng vô hiệu trở lại tình trạng như trước khi hợp đồng được giao kết: hợp đồng coi như không tồn tại.

Nghĩa vụ giao trả tài sản. Nếu hợp đồng vô hiệu đã được thực hiện và đã có tài sản được chuyển giao, một phần hoặc toàn bộ, thì các bên có nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho nhau (Ðiều 146 khoản 2) (ví dụ: người mua trả lại tài sản mua, còn người bán trả lại số tiền mua). Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền (cùng điều luật). Ðây chỉ là giải pháp nguyên tắc: có trường hợp việc hoàn trả không thể thực hiện được dù bằng hiện vật hay tiền, ví dụ: trên cơ sở hợp đồng thuê nhà ở, người thuê tiếp nhận và sử dụng nhà cho thuê trong một thời gian, cho đến khi hợp đồng cho thuê bị tuyên bố vô hiệu; rõ ràng người thuê theo một hợp đồng vô hiệu có nghĩa vụ trả lại nhà cho thuê và có quyền yêu cầu giao lại số tiền thuê đã trả; nhưng làm thế nào người thuê trả lại khoảng thời gian đã chiếm cứ và sử dụng căn nhà đó ?

Quyền lợi của người thứ ba.  Trên nguyên tắc, sự vô hiệu của hợp đồng có tác dụng thủ tiêu các quyền của người thứ ba có nguồn gốc từ các quyền được xác lập theo hợp đồng vô hiệu: một người mua một tài sản, sau đó bán tài sản mua cho một người mua lại; hợp đồng mua bán trước bị tuyên bố vô hiệu; người mua lại tài sản phải trả lại tài sản cho người mua trước để người này trả lại cho người bán trước. Có thể hình dung hệ quả của sự vô hiệu của hợp đồng như một phản ứng dây chuyền: hợp đồng trước vô hiệu, thì hợp đồng sau, hợp đồng sau nữa,... cũng vô hiệu.

Một cách ngoại lệ, nếu người được chuyển giao tài sản ngay tình, thì, dù giao dịch có tác dụng xác lập quyền đối với tài sản cho người chuyển giao bị tuyên bố vô hiệu, giao dịch sau giữa người chuyển giao và người được chuyển giao vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp tài sản liên quan thuộc diện phải bị tịch thu hoặc phải được trả lại cho người có quyền nhận tài sản đó (BLDS Ðiều 147). Thế nhưng, giải pháp này chỉ áp dụng cho trường hợp giao dịch sau là giao dịch có đền bù: một người mua tài sản rồi tặng tài sản mua cho người khác (ngay tình); việc mua bán bị tuyên bố vô hiệu, người được tặng cho phải trả lại tài sản chứ không được hưởng biện pháp bảo vệ của Ðiều 147 BLDS.

Tiết IV.  Hiệu lực của hợp đồng

I. Giải thích hợp đồng

Áp dụng lý thuyết về tính độc lập của ý chí.  Việc xác định các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng có khi không đơn giản do câu chữ mà các bên sử dụng để bày tỏ ý chí tỏ ra mập mờ, khó hiểu hoặc tối nghĩa. Trong trường hợp đó, hợp đồng cần được giải thích. Nhưng việc giải thích được thực hiện trên cơ sở nào ?

Luật Việt Nam xác định rằng khi các điều khoản của hợp đồng không rõ ràng, thì việc giải thích hợp đồng phải được thực hiện dựa vào ý chí chung của các bên giao kết chứ không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng (BLDS Ðiều 408 khoản 1). Có thể tin rằng đây là giải pháp nguyên tắc, dù luật viết còn có các quy định về phương pháp giải thích hợp đồng trong các trường hợp có điều khoản hoặc ngôn từ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau hoặc khó hiểu: các trường hợp này, thực ra, chỉ là trường hợp hợp đồng có điều khoản không rõ ràng trong những hoàn cảnh đặc thù. Nói cách khác, mỗi khi muốn giải thích hợp đồng, thì việc trước tiên là xác định ý chí chung của các bên, sau đó, dựa vào ý chí chung để phân tích nội dung của hợp đồng. Chỉ khi nào ý chí chung không thể được xác định rõ, thì mới sử dụng các công cụ giải thích khác. Trong chừng mực nào đó, các công cụ giải thích khác coi như có tác dụng xác định ý chí chung dựa vào sự suy đoán.

II  Hiệu lực bắt buộc của hợp đồng

Hợp đồng phải được thực hiện đúng và đầy đủ. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên (BLDS Ðiều 404 khoản 1). Một khi được giao kết đúng luật và phát sinh hiệu lực, hợp đồng phải được thực hiện theo các nguyên tắc được ghi nhận tại Ðiều 409 BLDS: 1 - Thực hiện, một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau; 2 - Ðúng đối tượng, đúng chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác; 3 - Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hợp đồng thậm chí cao hơn luật bổ khuyết: một khi các thỏa thuận có nội dung trái với luật bổ khuyết, thì thỏa thuận thay luật bổ khuyết mà chi phối các mối quan hệ giữa các bên, như luật.

Trên nguyên tắc, việc sửa đổi, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, hủy bỏ hợp đồng, trong điều kiện không có vi phạm hợp đồng, chỉ có thể được thực hiện với sự đồng ý của các bên giao kết (BLDS Ðiều 404 khoản 2). Một cách ngoại lệ, một vài hợp đồng có thể chấm dứt theo ý chí đơn phương của bên giao kết mà trong điều kiện không có vi phạm hợp đồng; nhưng việc chấm dứt phải được báo trước trong thời hạn thích hợp (như hợp đồng ủy quyền: Ðiều 593).

III.- Hợp đồng dưới mắt người thứ ba

1. Hiệu lực tương đối của hợp đồng

Ngưởi có quyền và lợi ích liên quan. Nhắc lại rằng việc thực hiện hợp đồng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (BLDS Ðiều 409 khoản 3). Ngoài quy định đó, luật viết hầu như không nói gì, một cách trực tiếp, về hiệu lực của hợp đồng đối với người không tham gia giao kết. Nói chung, hợp đồng không gây thiệt hại mà cũng không tạo ra lợi ích cho người thứ ba, trừ trường hợp hợp đồng giao kết vì lợi ích của người thứ ba. Tuy nhiên, có một loại người thứ ba mà quyền và lợi ích có thể chịu ảnh hưởng của hiệu lực của hợp đồng. Ta gọi đó là những người có quyền và lợi ích liên quan. Luật thực định ghi nhận ba loại người có quyền và lợi ích liên quan đối với người giao kết hợp đồng:

Người có quyền tổng quát. là người sẽ tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần khối tài sản của người giao kết hợp đồng (ví dụ: người thừa kế theo pháp luật). Người này sẽ gánh chịu những hệ quả của các hợp đồng mà người giao kết xác lập, trừ những hợp đồng làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của người giao kết (ví dụ: hợp đồng ủy quyền).

Người có quyền đặc định. Là người sẽ tiếp nhận một tài sản đặc định thuộc khối tài sản của người giao kết. Người này sẽ gánh chịu những hệ quả của các hợp đồng mà người giao kết xác lập, liên quan đến tài sản đặc định đó.Ví dụ: người mua một bất động sản được thế chấp sẽ trở thành người bảo lãnh đối vật của người bán dưới mặt người nhận thế chấp bất động sản đó (BLDS Ðiều 358). Tuy nhiên, giải pháp này chỉ tỏ ra chắc chắn trong trường hợp các quyền của người giao kết mang tính chất của quyền đối vật. Những hợp đồng làm phát sinh quyền đối nhân, trên nguyên tắc, không thể làm bận tâm người tiếp nhận tài sản. Ví dụ, một người giao kết hợp đồng cung ứng dịch vụ điện thoại; sau đó, người này bán căn nhà nơi có đặt máy điện thoại rồi bỏ đi mà không thanh toán số nợ phí dịch vụ điện thoại đối với công ty điện thoại.         

Chủ nợ không có bảo đảm của người giao kết. Là người có quyền yêu cầu người giao kết thực hiện nghĩa vụ trả một số tiền, nhưng lại không có một quyền gì đặc biệt đối với một hoặc nhiều tài sản đặc định của người giao kết. Người này có quyền yêu cầu kê biên và bán đấu giá bất kỳ tài sản nào của người mắc nợ để thanh toán nghĩa vụ đến hạn. Bởi vậy, nếu người mắc nợ có một tài sản mới trong khối tài sản của mình, thì chủ nợ càng được bảo đảm trả nợ.

2. Ngoại lệ đối với nguyên tắc về hiệu lực tương đối của hợp đồng

Luật hiện hành thừa nhận rằng trong một vài trường hợp, hợp đồng phát sinh hiệu lực trực tiếp đối với người không tham gia giao kết.

Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Ðây là hợp đồng mà các bên giao kết đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó (BLDS Ðiều 405 khoản 5). Ðây cũng có thể là hợp đồng mà chỉ có một bên có nghĩa vụ (hợp đồng đơn vụ), nhưng người hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó là người thứ ba chứ không phải người giao kết. Ví dụ: tặng cho một tài sản với điều kiện nuôi dưỡng một người không phải là người tặng cho; giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân mạng với điều kiện khi người được bảo hiểm chết, thì tiền bồi thường bảo hiểm được giao cho một người còn sống được chỉ định rõ; giao kết hợp đồng vận chuyển giữa người bán hàng và người vận chuyển để giao hàng đã bán cho người mua.

Hợp đồng giao kết vì lợi ích của người thứ ba, một khi người thứ ba đồng ý hưởng lợi ích, không thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ, nếu không được người thứ ba đồng ý (BLDS Ðiều 416).

Thực ra, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba vẫn là hợp đồng giữa các bên giao kết và vẫn chịu sự chi phối của luật chung về hợp đồng: các bên giao kết bị ràng buộc vào các mối quan hệ phát sinh từ hợp đồng và nghĩa vụ được thực hiện vì lợi ích của người thứ ba vẫn tương ứng với quyền yêu cầu của người giao kết, dù người sau này không được hưởng lợi ích từ việc thực hiện quyền yêu cầu đó. Bởi vậy, người giao kết với người có nghĩa vụ vì lợi ích của người thứ ba có quyền yêu cầu người sau này thực hiện nghĩa vụ đó (BLDS Ðiều 414). Và nếu hợp đồng mang tính chất song vụ mà người giao kết không thực hiện nghĩa vụ do lỗi của người có nghĩa vụ vì lợi ích của người thứ ba, thì người giao kết có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng cách áp dụng Ðiều 413 BLDS. Với phân tích này, ta hiểu thuật ngữ “hủy bỏ” dùng tại Ðiều 416 BLDS như là “hủy bỏ quyền được hưởng lợi ích của người thứ ba” chứ không phải hủy bỏ hợp đồng: một khi người thứ ba chấp nhận hưởng lợi ích từ hợp đồng, thì các bên không có quyền hủy bỏ điều khoản cho phép người thứ ba được hưởng lợi ích, còn hợp đồng vẫn có thể bị hủy bỏ (toàn bộ) theo luật chung. Ðiều đó cũng có nghĩa rằng: 1 - Chừng nào người thứ ba chưa tuyên bố chấp nhận hưởng lợi ích từ hợp đồng, thì điều khoản hưởng lợi ích có thể bị hủy bỏ; 2 - Việc hủy bỏ điều khoản cho người thứ ba hưởng lợi ích theo một hợp đồng đã được giao kết phải là kết quả sự thỏa thuận giữa các bên giao kết chứ không phải của ý chí của riêng một bên nào, cũng như việc sửa đổi bất kỳ một điều khoản nào khác trong hợp đồng đó.

Người thứ ba có quyền từ chối hưởng lợi ích từ hợp đồng (BLDS Ðiều 415). Luật nói rằng nếu người thứ ba từ chối lợi ích theo hợp đồng trước khi người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, thì người có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải thông báo cho người có quyền và hợp đồng được coi là bị hủy bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (cùng điều luật); nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong nghĩa vụ, thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ (cùng điều luật). Áp dụng các quy định vừa nêu trong thực tiễn không phải là chuyện đơn giản: một người tặng cho một người khác một tài sản với điều kiện người được tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng người thứ ba; nay người thứ ba từ chối thụ hưởng nghĩa vụ nuôi dưỡng; vậy, tặng cho phải bị hủy bỏ và người được tặng cho phải hoàn trả tài sản cho người tặng cho ? Giải pháp tỏ ra không hợp lý lắm: bằng việc từ chối hưởng lợi ích, người thứ ba hủy bỏ hợp đồng mà mình không phải là người giao kết, thậm chí có thể trái cả với ý chí của các bên giao kết. Có lẽ, Ðiều 415 BLDS được xây dựng trong trường hợp sự từ chối của người thứ ba được xem như điều kiện mà, theo sự thỏa thuận của các bên giao kết, nếu điều kiện đó xảy ra, thì hợp đồng bị hủy bỏ. Sự thỏa thuận đó có thể được dự liệu trong các quy định của luật bổ khuyết liên quan đến các hợp đồng cụ thể vì lợi ích của người thứ ba hoặc phải được ghi nhận rành mạch trong hợp đồng. Nếu luật không quy định và các bên không có thỏa thuận đặc biệt, thì sự từ chối của người thứ ba chỉ có tác dụng làm chấm dứt nghĩa vụ thực hiện vì lợi ích của người thứ ba chứ không thể dẫn đến việc hủy bỏ toàn bộ hợp đồng có liên quan. Ví dụ: một người bán giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa đã bán cho người mua; người mua từ chối nhận hàng; người bán vẫn có quyền yêu cầu người vận chuyển thực hiện hợp đồng vận chuyển nhằm hoàn tất hợp đồng mua bán, để có cơ sở xác định trách nhiệm dân sự của người mua trong việc thực hiện hợp đồng mua bán.

Trong quan hệ với người có nghĩa vụ vì lợi ích của mình, người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu người này phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình (Ðiều 414). Và nếu đó không phải là lợi ích gắn liền với nhân thân của người thứ ba đó, theo quy định của pháp luật hoặc theo ý chí của người xác lập nghĩa vụ vì lợi ích của người thứ ba, thì, khi người thứ ba chết mà nghĩa vụ chưa đến hạn thực hiện, quyền trực tiếp yêu cầu này được chuyển giao cho người thừa kế của người chết. Người có nghĩa vụ, về phần mình, có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ, trong các trường hợp việc từ chối đó có cơ sở trong việc áp dụng các quy định chung liên quan đến hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba: ví dụ: người thuê vận chuyển không trả tiền vận chuyển, người vận chuyển có quyền không giao hàng cho người nhận; người mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm, người bảo hiểm có quyền từ chối trả tiền bồi thường bảo hiểm cho người thứ ba.

Hợp đồng tập thể. Ta đã biết rằng đây là hợp đồng ràng buộc một nhóm người mà trong đó, có thể có người không chấp nhận giao kết. Hợp đồng có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với mỗi người trong nhóm, kể cả đối với người không đồng ý về việc giao kết hợp đồng đó.

Chuỗi hợp đồng. Chuỗi hợp đồng là một tập hợp các hợp đồng được giao kết vì một mục tiêu chung, hay đúng hơn nữa là có chung một đối tượng. Ví dụ: người bán sỉ giao kết hợp đồng mua bán sỉ với người bán lẻ; người bán lẻ lại giao kết hợp đồng mua bán lẻ với người tiêu dùng. Các hợp đồng mua bán được giao kết một cách độc lập nhưng các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, do các hợp đồng có cùng một đối tượng. Trong trường hợp tài sản mua có khuyết tật, người tiêu dùng có quyền yêu cầu người bán lẻ thực hiện nghĩa vụ bảo đảm chất lượng; người bán lẻ, về phần mình, cũng có quyền yêu cầu người bán sỉ thực hiện nghĩa vụ bào đảm chất lượng đối với chính tài sản đó. Người bán sỉ có thể là người trực tiếp chế tạo ra tài sản, nhưng cũng có thể chỉ là người giao kết với nhà sản xuất hoặc chế tạo về việc phân phối sản phẩm ra thị trường. Trong trường hợp thứ hai, người bán sỉ có quyền yêu cầu người sản xuất hoặc chế tạo thực hiện nghĩa vụ bảo đảm chất luợng đối với tài sản.

Suy cho cùng, do tất cả các hợp đồng trong chuỗi hợp đồng mua bán nói trên đều có cùng một đối tượng mà quyền yêu cầu bảo đảm chất lượng cũng chỉ có một đối tượng duy nhất, là tài sản mua có khuyết tật đang thuộc quyền sở hữu của người tiêu dùng. Bởi vậy, để tiết kiệm chi phí, và nhất là thời gian, án lệ của nhiều nước thừa nhận cho người tiêu dùng trong trường hợp ghi nhận ở trên quyền khởi kiện trực tiếp đối với nhà sản xuất để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Không chỉ có quyền khởi kiện trực tiếp nhà sản xuất, người tiêu dùng còn có quyền yêu cầu bảo đảm chất lượng đối với bất kỳ người bán nào trong chuỗi các hợp đồng đó. Giải pháp này cho phép bảo đảm đến mức tối đa tính hữu hiệu của quyền khởi kiện trong trường hợp một số trong những người có nghĩa vụ theo chuỗi hợp đồng ở trong tình trạng không có khả năng thanh toán: người có quyền yêu cầu có thể lựa chọn người nào có khả năng thanh toán tốt nhất để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ.
Lý thuyết về hiệu lực dây chuyền của các hợp đồng trong một chuỗi, như mô tả ở trên, được áp dụng đối với tất cả các loại hợp đồng, chứ không chỉ riêng trong trường hợp vừa nêu. Ta có các giai pháp tương tự: nhà thầu con (B “phẩy”) có quyền kiện trực tiếp chủ công trình để yêu cầu trả tiền thù lao; người được uỷ quyền lại có thể yêu cầu trực tiếp đối với người uỷ quyền ban đầu về việc thực hiện các nghĩa vụ của người uỷ quyền.                        

Luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định nào đặt cơ sở cho sự hình thành các chuỗi hợp đồng, mặc dù trong một số trường hợp đặc thù, người làm luật đã thừa nhận khả năng giao kết các tiểu hợp đồng để thực hiện một hợp đồng chính: người được uỷ quyền, người làm dịch vụ, người thuê tài sản có thể uỷ quyền lại, giao một phần công việc, cho thuê lại, nếu được người uỷ quyền, người thuê dịch vụ, người cho thuê đồng ý. Dẫu sao, mối liên hệ dây chuyền giữa các bên trong các hợp đồng được giao kết trên cùng một đối tượng là một thực tế phải được nhìn nhận. Nếu một thiệt hại gây ra cho một bên giao kết một hợp đồng nào đó trong chuỗi có nguồn gốc từ lỗi của một bên nào đó trong một hợp đồng trước đó, thì người bị thiệt hại phải có quyền truy tầm cho đến tận người đó để yêu cầu nhận trách nhiệm.           

Hợp đồng liên kết. Hợp đồng liên kết là hợp đồng có đối tượng riêng (được giao kết vì một mục tiêu riêng) nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với một hợp đồng khác cũng có đối tượng riêng, mật thiết đến mức, hợp đồng này là điều kiện hoặc là động cơ của hợp đồng kia. Ví dụ điển hình là hợp đồng bảo lãnh và hợp đồng vay được bảo đảm. Sự liên kết có thể có tác động hai chiều: hiệu lực của hợp đồng này là điều kiện để phát sinh hiệu lực của hợp đồng kia và ngược lại; nhưng cũng có thể chỉ có tác động một chiều.            

Trong luật Việt Nam hiện hành, quan hệ hợp đồng liên kết mà có tác động hai chiều chỉ phát sinh trên cơ sở thoả thuận giữa các bên[22][22]. Luật viết chỉ ghi nhận một số trường hợp liên kết hợp đồng có tác động một chiều. Ví dụ, nếu hợp đồng vay được bảo đảm mà bị tuyên bố vô hiệu, thì hợp đồng bảo đảm cũng vô hiệu; nhưng sự vô hiệu của hợp đồng bảo đảm không nhất thiết có ảnh hưởng đến giá trị của hợp đồng vay.  

IV. Hiệu lực của hợp đồng trong thời gian

Nguyên tắc không mang tính mệnh lệnh. Theo BLDS Ðiều 404 khoản 3, hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Những trường hợp pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm giao kết hợp đồng không nhiều lắm trong luật thực định: hợp đồng tặng cho, hợp đồng gửi giữ và, nói chung, các hợp đồng đồng thực tại đều chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, dù hợp đồng có thể được giao kết trước đó. Trái lại việc thỏa thuận xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm giao kết hợp đồng được luật cho phép rộng rãi: nguyên tắc thiết lập tại Ðiều 404 khoản 3 trong khuôn khổ luật bổ khuyết chứ không phải luật mệnh lệnh.

V. Hợp đồng có điều kiện

Ðiều kiện hủy bỏ và điều kiện treo. Theo Ðiều 299 BLDS, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện để thực hiện nghĩa vụ, thì khi điều kiện phát sinh, người có nghĩa vụ phải thực hiện. Ở đây, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đã được xác định, điều luật chỉ có nghĩa rằng việc hợp đồng thực sự có hay không có hiệu lực tại thời điểm đã được xác định đó còn lệ thuộc vào một điều kiện, hay rõ hơn, vào việc có hay không có xảy ra một sự việc trong tương lai. Có hai khả năng:

- Hoặc hai bên thỏa thuận rằng nếu điều kiện phát sinh, thì hợp đồng coi như có hiệu lực (và làm phát sinh nghĩa vụ)  tại thời điểm đã được xác định đó, dù thời điểm đó đã qua.
- Hoặc, hai bên thỏa thuận rằng nếu điều kiện phát sinh, thì hợp đồng không có hiệu lực (và không làm phát sinh nghĩa vụ) tại thời điểm đã được xác định đó

Ðược giao kết theo điều kiện thứ nhất, hợp đồng được gọi là có điều kiện treo; được giao kết theo điều kiện thứ hai, hợp đồng được gọi là có điều kiện hủy bỏ.

Điều kiện của điều kiện. Dù là điều kiện treo hay điều kiện huỷ bỏ, việc áp đặt điều kiện chỉ tỏ ra hợp lý một khi nội dung của điều kiện, tức là sự kiện được dự kiến sẽ phát sinh, phải là chuyện của tương lai, không chắc chắn, không tuỳ thuộc vào ý chí của bên có nghĩa vụ  và nhất là không được trái pháp luật.

Chuyện của tương lai, sự kiện dự kiến phải chưa xảy ra ở thời điểm giao kết hợp đồng. Không chắc chắn, bởi vì nếu sự kiện dự kiến chắc chắn xảy ra hoặc chắc chắn không xảy ra, thì việc áp đặt điều kiện trở nên vô nghĩa.

Điều kiện “không tuỳ thuộc vào ý chí của bên có nghĩa vụ” phức tạp hơn. Trước hết, đúng là vô nghĩa, lời cam kết theo đó “tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ với điều kiện tôi muốn thực hiện”[23][23]. Nhưng trên thực tế, có những trường hợp điều kiện lệ thuộc chỉ một phần vào ý chí của người có nghĩa vụ, một phần vào ý chí của người khác hoặc, nói chung, vào hoàn cảnh khách quan. Mặt khác, nếu điều kiện treo được dự kiến trong một hợp đồng song vụ, thì việc điều kiện ấy lệ thuộc vào ý chí của người có nghĩa vụ có vẻ như không ảnh hưởng đến hiệu lực của nó, bởi ngườI có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ cũng đồng thời là người có quyền yêu cầu.          

1.  Hợp đồng có điều kiện treo

Sự hình thành điều kiện. Ví dụ, một người mua một tài sản nhưng với điều kiện vay được tiền để trả cho người bán; hợp đồng mua bán đã được giao kết xong, nhưng người bán chưa giao tài sản và người mua chưa trả tiền. Nếu người mua vay được tiền, thì hợp đồng mua bán có hiệu lực lùi trở lại ngày giao kết và các nghĩa vụ của các bên coi như phát sinh từ ngày đó. Ðiều kiện treo ở đây là: người mua vay được tiền để thanh toán giá mua bán.

Trong thời gian chờ điều kiện treo phát sinh. Hợp đồng mua bán trong ví dụ trên chưa có hiệu lực và các bên không có nghĩa vụ gì đối với nhau. Ðiều đó có nghĩa rằng người bán vẫn là chủ sở hữu đối với tài sản bán và, do đó, có quyền sử dụng, định đoạt tài sản đó. Song, quyền sở hữu của người bán lệ thuộc vào điều kiện treo nêu trên và có thể được chuyển một cách bắt buộc cho người khác (người mua) trong những hoàn cảnh được luật dự liệu; bởi vậy, người thứ ba biết rõ tình trạng pháp lý của tài sản khó có thể chấp nhận giao dịch trên tài sản đó trong thời gian chờ đợi việc xảy ra điều kiện.

Ðiều kiện treo phát sinh. Nếu người mua vay được tiền, thì hợp đồng mua bán trong ví dụ trên có hiệu lực lùi lại vào thời điểm giao kết: chính từ thời điểm đó mà người bán có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu, giao vật, bảo đảm tì vết,... và người mua có nghĩa vụ trả tiền, nhận vật. Các giao dịch do người mua xác lập trên tài sản mua, nếu có, sẽ được khẳng định giá trị; còn các giao dịch do người bán xác lập giữa thời điểm giao kết hợp đồng mua bán có điều kiện và thời điểm phát sinh điều kiện treo, sẽ bị hủy bỏ. Các hậu quả của giải pháp vừa nêu khá nặng nề đối với người bán trong điều kiện luật không phân biệt các giao dịch được xác lập là giao dịch quản trị hay giao dịch định đoạt: người mua tài sản (trong vụ mua bán giao kết lần thứ hai) không có quyền sở hữu, người thuê tài sản không có quyền thuê,...

Ðiều kiện treo không phát sinh. Nếu người mua trong ví dụ trên không vay được tiền, thì hợp đồng mua bán không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Các quyền và nghĩa vụ của người thứ ba phát sinh từ các giao dịch do người bán xác lập, giữa thời điểm giao kết hợp đồng mua bán có điều kiện và thời điểm xác nhận việc không phát sinh điều kiện treo, được củng cố; ngược lại các giao dịch do người mua xác lập, trở nên không có đối tượng, sẽ vô hiệu.

Tuy nhiên, khó có thể coi như điều kiện treo không phát sinh, việc người mua chủ động từ chối vay tiền, dù các điều kiện cho vay hoàn toàn thỏa đáng. Nói cách khác, nếu điều kiện treo không phát sinh về mặt vật chất do hành vi chủ động của một bên giao kết, thì, một cách hợp lý, nên cho rằng điều kiện treo đã phát sinh về mặt pháp lý và hợp đồng, như vậy, sẽ có hiệu lực.
  
2. Hợp đồng có điều kiện hủy bỏ

Sự hình thành điều kiện. Ví dụ, một người tặng cho một người khác một tài sản với điều kiện người được tặng cho phải đạt loại giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp đại học; tài sản được giao ngay cho người được tặng cho, nhưng nếu điều kiện vừa nêu không xảy ra, thì tài sản sẽ được lấy lại. Ðiều kiện hủy bỏ hợp đồng ở đây là: người được tặng cho không đạt loại giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp đại học.

Trong thời gian chờ điều kiện hủy bỏ phát sinh. Hợp đồng tặng cho trong ví dụ trên được thực hiện và phát sinh tất cả hiệu lực theo quy định của luật: người được tặng cho trở thành chủ sở hữu đối với tài sản tặng cho sau khi nhận tài sản và có quyền sử dụng, định đoạt tài sản đó. Tuy nhiên, do việc chuyển quyền sở hữu lệ thuộc vào điều kiện hủy bỏ chưa xảy ra, tài sản tặng cho có thể trở thành đối tượng của một nghĩa vụ hoàn trả. Bởi vậy, khó có thể hình dung rằng người thứ ba biết rõ tình trạng pháp lý của tài sản lại chấp nhận cùng với người được tặng cho xác lập các giao dịch có tính chất định đoạt tài sản (dù là định đoạt có điều kiện, như cầm cố, thế chấp). Nói cách khác, chừng nào điều kiện hủy bỏ chưa xảy ra, thì tư cách chủ sở hữu của người được tặng cho không trọn vẹn, hay đúng hơn, là một tư cách có điều kiện, một tư cách mong manh do sự tiềm ẩn của nguy cơ huỷ bỏ. 

Ðiều kiện hủy bỏ phát sinh. Nếu điều kiện hủy bỏ phát sinh, thì hợp đồng bị hủy bỏ, nghĩa là không có hiệu lực tại thời điểm đã được xác định. Nếu các bên đã chuyển giao tài sản cho nhau, thì có nghĩa vụ hoàn trả những tài sản đã nhận Trong ví dụ trên, người được tặng cho mà không đạt loại giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp đại học coi như chưa bao giờ là chủ sở hữu tài sản tặng cho; bởi vậy, các giao dịch mà người này xác lập với người thứ ba trên tài sản tặng cho cũng bị hủy bỏ.


Mục II. Hành vi dân sự đơn phương
 

I. Khái niệm

Hành vi dân sự đơn phương và cam kết đơn phương. Hành vi pháp lý (còn gọi là giao dịch) là sự bày tỏ ý chí của chủ thể quan hệ pháp luật nhằm tạo ra các hệ quả pháp lý.   

Hành vi dân sự đơn phương làm phát sinh nghĩa vụ là hành vi pháp lý được chủ thể của quan hệ pháp luật thực hiện với ý thức rằng bằng hành vi đó, chủ thể của quan hệ pháp luật cam kết đáp ứng một yêu cầu của một chủ thể khác của quan hệ pháp luật. Với định nghĩa đó, ta có thể gọi hành vi dân sự đơn phương là cam kết đơn phương. Nghĩa vụ phát sinh từ ngày cam kết được ghi nhận dưới một hình thức nhất định chứ không phải từ ngày cam kết được chấp nhận, nhưng, tất nhiên, chỉ được thực hiện một khi cam kết được chấp nhận, nghĩa là khi xác định được lai lịch của người có quyền yêu cầu.

Có những hành vi được thực hiện một cách có ý thức nhưng người thực hiện lại không hề đưa ra một cam kết nào với bất kỳ ai. Nghĩa vụ phát sinh trong trường hợp này, nếu có, hoàn toàn nằm ngoài ý chí chủ quan của đương sự. Khi đó, hành vi được thực hiện không mang tính chất của hành vi dân sự đơn phương mà có ý nghĩa của một sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ. Ví dụ: một người cố ý hủy hoại tài sản của một người khác có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người có tài sản; nhưng không thể nói rằng người gây thiệt hại mong muốn xác lập nghĩa vụ đó. Ví dụ khác: một người chiếm hữu tài sản mà không có căn cứ pháp luật. Theo BLDS Ðiều 609, nghĩa vụ trong ví dụ vừa nêu được xác lập trên cơ sở trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, một loại sự kiện pháp lý sẽ được phân tích ở phần kế tiếp.

Cam kết đơn phương - căn cứ xác lập nghĩa vụ. Cam kết đơn phương được thừa nhận trong luật Việt Nam như là một căn cứ xác lập nghĩa vụ, với sự dè dặt. Các nghĩa vụ có nguồn gốc từ ý chí, trên nguyên tắc, phát sinh do hiệu lực của hợp đồng, tức là do sự thoả thuận giữa người cam kết thực hiện nghĩa vụ và người cam kết thụ hưởng nghĩa vụ đó. Các cam kết đơn phương được coi như ngoại lệ của nguyên tắc đó. Cho đến nay, người làm luật Việt Nam chỉ ghi nhận hai ngoại lệ đích thực cho ba trường hợp - đề nghị giao kết hợp đồng, hứa thưởng và thi có giải – và với một số điều kiện. Trong một vài trường hợp khác, nghĩa vụ có vẻ như cũng phát sinh từ cam kết đơn phương nhưng thực ra lại có nguồn gốc từ một hợp đồng.

Về phương diện khoa học luật, vấn đề đặt ra là: trong những trường hợp nào việc tìm hiểu xem liệu cam kết đơn phương có là căn cứ xác lập nghĩa vụ tỏ ra có lợi ích thực tiễn ?  

II. Các trường hợp tổng quát

Trường hợp thứ nhất: người thụ hưởng cam kết không chấp nhận cam kết. Vậy có nghĩa rằng cam kết không có người thụ hưởng. Không thể có quan hệ nghĩa vụ trong trường hợp này, do không có đủ chủ thể của quan hệ. Điều cần nhấn mạnh là: việc người thụ hưởng cam kết chấp nhận cam kết phải xuất phát từ sự tự nguyện của người này; tự một cam kết thực hiện một nghĩa vụ đối với một người không thể ràng buộc người này một cách đương nhiên vào vị trí của người có quyền yêu cầu. 

Trường hợp thứ hai: người thụ hưởng cam kết chấp nhận cam kết trong điều kiện cam kết không được rút lại. Khi đó ý chí của người thụ hưởng cam kết gặp gỡ ý chí của người cam kết: quan hệ nghĩa vụ theo hợp đồng hình thành. Điều đó cũng có nghĩa rằng nghĩa vụ phát sinh không phải từ cam kết đơn phương. 

Trường hợp thứ ba: người thụ hưởng cam kết chấp nhận cam kết trong điều kiện cam kết đã bị rút lại. Chính trong trường hợp này mà cam kết đơn phương bộc lộ tính chất của một trong những căn cứ xác lập nghĩa vụ. Vấn đề đặt ra là: liệu khi đưa ra cam kết, người cam kết có bị ràng buộc ngay cả trong lúc người thụ hưởng chưa chấp nhận cam kết ? Nếu câu trả lời là khẳng định, thì việc người cam kết rút lại cam kết có thể không hợp pháp trong những trường hợp đặc thù; nói cách khác, người cam kết có thể trở thành người có nghĩa vụ trong những trường hợp đặc thù ngay cả khi chưa có ai chấp nhận thụ  hưởng cam kết của mình.

Một cách hợp lý, mọi quan hệ nghĩa vụ đều chỉ có ý nghĩa một khi cả chủ thể có và chủ thể nợ đều hiện hữu và có ý thức đấy đủ về vị trí của mình trong quan hệ đó. Bởi vậy, trong trường hợp nghĩa vụ được xác lập bằng cam kết đơn phương, chỉ khi nào có người xuất hiện tự xưng là chủ thể có bằng cách chấp nhận cam kết, thì người ta mới đặt lại vấn đề liệu người cam kết có là chủ thể nợ ngay từ trước khi cam kết đó được chấp nhận. Trong điều kiện đó, nghĩa vụ xác lập bằng cam kết đơn phương thường chỉ được đề cập trong khuôn khổ một vụ tranh chấp trước Toà án.                      

III. Các trường hợp đặc thù

Ðề nghị giao kết hợp đồng có thời hạn trả lời. Nếu đề nghị giao kết hợp đồng có ghi nhận thời hạn trả lời và người được đề nghị đã nhận được đề nghị, thì người đề nghị có nghĩa vụ duy trì đề nghị trong thời hạn trả lời. Người đề nghị tự ràng buộc vào nghĩa vụ đó mà không cần giao kết một hợp đồng về thời hạn trả lời. Ở Pháp, học thuyết pháp lý nói rằng đề nghị giao kết hợp đồng, một khi đến tay người được đề nghị và cho đến khi người đề nghị trả lời hoặc đến khi hết thời hạn trả lời, có hiệu lực như một tiền khế ước (avant-contrat) hay, đúng hơn, như một hợp đồng về thời hạn trả lời. Song, giải pháp này chỉ hợp lý trong điều kiện luật thừa nhận rằng việc nhận đề nghị và thái độ im lặng của người nhận đề nghị được hiểu như là sự chấp nhận mặc nhiên đối với việc giao kết hợp đồng về thời hạn trả lời. Luật Việt Nam hiện hành không thừa nhận điều này; bởi vậy, đề nghị giao kết hợp đồng có thời hạn trả lời có thể coi như một cam kết đơn phương và là nguồn của nghĩa vụ.

Thế nào là “chịu trách nhiệm về đề nghị của mình” ? Theo BLDS Ðiều 398, bên đề nghị có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị trong các trường hợp sau đây: 1 - Bên được đề nghị chưa nhận được đề nghị; 2 - Bên đề nghị có nêu rõ điều kiện được thay đổi hoặc rút lại đề nghị. Tổng hợp các quy định liên quan của luật viết, ta có các quy tắc ẩn sau đây đặt cơ sở cho câu trả lời đối với câu hỏi vừa nêu:

- Dù đề nghị có ghi rõ thời hạn trả lời hoặc có hay không có nêu rõ điều kiện được thay đổi hoặc rút lại đề nghị , người đề nghị vẫn có quyền thay đổi hoặc rút lại đề nghị, một khi người được đề nghị chưa nhận được đề nghị. Ta còn lại vấn đề xác định tiêu chí của việc nhận đề nghị trong trường hợp đề nghị được gửi chung cho công chúng.
- Một khi người được đề nghị đã nhận được đề nghị, thì người đề nghị không có quyền rút lại hoặc thay đổi đề nghị chừng nào thời hạn trả lời chưa hết hoặc chỉ có quyền rút lại hay thay đổi đề nghị trong thời hạn trả lời theo đúng các điều kiện liên quan đã được ghi rõ trong đề nghị.

Nếu đề nghị giao kết hợp đồng không ghi rõ thời hạn trả lời, thì có hai giải pháp: hoặc người đề nghị được quyền thay đổi hoặc rút lại đề nghị bất kỳ lúc nào, bất kể người được đề nghị đã nhận được hay chưa nhận được đề nghị; hoặc thời hạn trả lời được hiểu ngầm theo tập quán giao dịch và từ khi người được đề nghị nhận được đề nghị đến khi hết thời hạn đó, người đề nghị không được quyền rút lại hoặc thay đổi đề nghị của mình. Luật viết, về phần mình, chỉ xây dựng giải pháp cho một trường hợp đặc thù: nếu đề nghị không ghi rõ thời hạn trả lời và khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp nói chuyện qua điện thoại và các phương tiện khác, thì bên được đề nghị phải trả lời ngay (BLDS Ðiều 397 khoản 1). Ðiều đó có nghĩa rằng đề nghị trong trường hợp này đương nhiên hết hiệu lực nếu, sau cuộc giao tiếp trực tiếp, người đề nghị chưa nhận được trả lời của người được đề nghị. Có lẽ trong trường hợp đề nghị không ghi nhận thời hạn trả lời và giữa các bên cũng không có sự tiếp xúc trực tiếp, thì thời hạn trả lời được xác định theo tập quán: việc thừa nhận cho một người đề nghị mà không ra thời hạn trả lời quyền rút lại đề nghị không phải là một giải pháp tốt.

Hứa thưởng và thi có giải. Hứa thưởng và thi có giải là những trường hợp đặc biệt của đề nghị giao kết hợp đồng, được gửi cho công chúng.

Luật nói rằng khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc, thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình (BLDS Ðiều 596). Vậy, một khi bắt đầu thời hạn thực hiện công việc, thì người hứa thưởng có nghĩa vụ duy trì lời hứa của mình cho đến khi thời hạn này kết thúc. Có thể tin rằng giải pháp tương tự cũng được áp dụng đối với thi có giải. Ta nói rằng người hứa thưởng, người tổ chức thi có giải bị ràng buộc bởi cam kết đơn phương của mình trong thời hạn có hiệu lực của đề nghị hứa thưởng; hết thời hạn đó, người hứa thưởng không có trách nhiệm duy trì đề nghị của mình nữa. 

Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Người có nghĩa vụ vì lợi ích của người thứ ba phải thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba, dù giữa hai bên không hề có một hợp đồng nào. Tuy nhiên, không thể nói rằng nghĩa vụ trong trường hợp này phát sinh từ một cam kết đơn phương: nghĩa vụ vì lợi ích của người thứ ba có nguồn gốc từ hợp đồng giao kết vì lợi ích của người thứ ba.

Chứng từ có giá và giao dịch được. Người có nghĩa vụ thanh toán một chứng từ có giá và giao dịch được không xác lập một cam kết thanh toán đơn phương: nếu người yêu cầu thanh toán không phải là người đầu tiên có quyền yêu cầu, thì vẫn có thể kết luận rằng việc phát hành chứng từ có giá được thực hiện trong khuôn khổ một hợp đồng giữa người phát hành và người đầu tiên có quyền yêu cầu, còn việc người yêu cầu thành toán không phải là người đầu tiên có quyền yêu cầu chỉ là hệ quả của các giao dịch chuyển quyền yêu cầu được cho phép trong luật thực định.

IV. Các điều kiện chung để một cam kết đơn phương trở thành căn cứ xác lập nghĩa vụ

Nhận định. Đề nghị giao kết hợp đồng, hứa thưởng và thi có giải là những trường hợp đặc thù của cam kết đơn phương như là căn cứ xác lập nghĩa vụ. Trong thực tiễn giao dịch còn có những cam kết đơn phương khác chưa được luật viết ghi nhận. Tất nhiên, là sản phẩm của ý chí, nghĩa vụ xác lập bằng cam kết đơn phương, cũng như nghĩa vụ xác lập theo hợp đồng, chỉ hữu hiệu một khi người cam kết có năng lực[24][24] và đã bày tỏ ý chí một cách hoàn toàn tự nguyện (không bị nhầm lẫn, bị đe doạ hoặc bị lừa dối); nhưng mặt khác, cam kết đơn phương, do chính đặc điểm của nó so với hợp đồng, còn chịu sự chi phối của những quy định riêng về các điều kiện cần hội đủ để có giá trị.  

Bằng phương pháp phân tích quy nạp, từ các kết quả phân tích các quy định liên quan đến đề nghị giao kết hợp đồng và hứa thưởng, ta rút ra được những điều kiện chung mà một cam kết đơn phương bất kỳ phải thoả mãn để có thể phát sinh hiệu lực của một căn cứ xác lập nghĩa vụ: cam kết phải chắc chắn và phải có thời hạn.  

Tính chắc chắn của cam kết. Để có được hiệu lực ràng buộc, điều tiên quyết là cam kết đơn phương phải thể hiện một cách rõ ràng ý chí nghiêm túc và có cân nhắc của người cam kết về việc mong muốn tự ràng buộc mình vào một nghĩa vụ xác định. Một người chồng giàu có, khi ly hôn, bị Toà án buộc phải cấp dưỡng cho người vợ với một mức khá cao, đã hào phóng cam kết sẽ không yêu cầu giảm mức cấp dưỡng ngoài những trường hợp được pháp luật dự kiến; một cam kết như thế, dù chỉ có tính chất của một cử chỉ quân tử, đủ chắc chắn về mặt pháp lý để có hiệu lực ràng buộc đối với người chồng: người này không thể chỉ vì cảm thấy xót ruột khi phải chi một số tiền quá lớn cho việc nuôi dưỡng người mình không còn yêu thương mà xin giảm bớt mức cấp dưỡng. Trái lại, khi chính quyền thành phố kêu gọi những người đủ điều kiện và có quan tâm ghi danh tham dự một cuộc thi vẽ đồ án cho một công trình xây dựng mang tính biểu tượng của địa phương, chính quyền thành phố không bị buộc phải chấp nhận một đồ án nào đó được đưa ra trong khuôn khổ cuộc thi; trong trường hợp chấp nhận một đồ án nào đó, thì chính quyền thành phố không bị buộc phải áp dụng đồ án đó trong việc thực hiện dứ án xây dựng công trình.        

Tính có thời hạn của cam kết. Tất cả cam kết đơn  phương đều phải có thời hạn, bởi, một cách hợp lý, người cam kết không thể bị ràng buộc mãi mãi vào lời hứa của mình trong điều kiện người thụ hưởng lời hứa không bày tỏ ý chí chấp nhận lời hứa đó. Thời hạn đó có thể do chính người cam kết ấn định. Luật không có quy định đặc biệt nào chi phối việc ấn định thời hạn của người cam kết. Nói chung, người cam kết được tự do ấn định thời hạn đó. Tuy nhiên, để cho lời cam kết không trở nên lố bịch, người cam kết phải ấn định thời hạn phù hợp với tập quán, với thói quen được chấp nhận rộng rãi trong dân cư.      

Vấn đề là: trong khá nhiều trường hợp, người cam kết, khi đưa ra cam kết, không hề nghĩ đến chuyện giới hạn hiệu lực của cam kết trong thời gian. Khi đó, trong trường hợp có tranh chấp, Toà án phải chủ động xác định một thời hạn hợp lý cho cam kết đó dựa vào những đặc điểm riêng của nó. Một người mua bán vàng chuyên nghiệp niêm yết bảng giá mua bán vàng có thể rút lại đề nghị bán theo một giá nào đó được niêm yết và thay thế bằng một đề nghị bán theo một giá khác, trong vòng 15 phút. Điều đó dứt khoát không thể chấp nhận được đối với đề nghị bán vật liệu xây dựng, bán ôtô, xe máy, cũng của một người hoạt động chuyên nghiệp.  


Chương II

SỰ KIỆN PHÁP LÝ

Sự kiện pháp lý được quy ước hiểu như là sự việc tạo nguồn cho nghĩa vụ mà việc thực hiện nghĩa vụ đó có tác dụng lập lại (nhưng thường là không hoàn hảo) tình trạng tài sản của người có quyền yêu cầu, như được ghi nhận khi sự kiện đó xảy ra, hoặc có tác dụng bù đắp những mất mát mà người này phải gánh chịu. Trong luật thực định Việt Nam, các sự kiện pháp lý có thể được xếp thành ba nhóm chủ yếu: nhóm thức nhất bao gồm các hành vi gây thiệt hại dẫn đến việc quy trách nhiệm dân sự; nhóm thứ hai gồm các quan hệ gần như hợp đồng và nhóm thứ ba gồm các tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật. Thực ra, còn một nhóm thứ tư, gồm có các nghĩa vụ do pháp luật tạo ra một cách chủ động một khi xảy ra sự kiện được pháp luật dự kiến; song, các nghĩa vụ thuộc nhóm này không đa dạng lắm trong luật thực định Việt Nam.      

Mục I.  Trách nhiệm dân sự


Trách nhiệm dân sự - căn cứ xác lập nghĩa vụ. Chủ thể của quan hệ pháp luật phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây ra thiệt hại cho một chủ thể khác. Quan hệ trách nhiệm dân sự có hai chủ thể: một chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và một chủ thể có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại[25][25]. Cả quyền yêu cầu và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đều phát sinh không theo ý chí của các đương sự. Ngay cả trong trường hợp người gây ra thiệt hại mong muốn bồi thường cho người bị thiệt hại, thì sự mong muốn đó cũng không phải là nguồn của nghĩa vụ bồi thường: nghĩa vụ bồi thường do luật quy định, còn người có nghĩa vụ chỉ có ý định thực hiện một nghĩa vụ mà ý chí của mình không tạo ra.

Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng là trách nhiệm hình thành từ việc không thực hiện một nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Người không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ đã được giao kết mà gây thiệt hại cho người cùng giao kết, thì phải bồi thường thiệt hại cho người sau này.

Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là trách nhiệm hình thành từ việc thực hiện một hành vi, cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại cho một người và hành vi đó không liên quan đến bất kỳ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

Trong BLDS  hiện hành, trách nhiệm dân sự trong hợp đồng được chi phối bởi các quy tắc được thiết lập trong khuôn khổ xây dựng chế độ pháp lý về hợp đồng; còn trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là đối tượng của một chương riêng biệt (chương V phần thứ ba). Tuy nhiên, có thể ghi nhận đặc điểm chung của trách nhiệm dân sự, dù là trong hay ngoài hợp đồng: trách nhiệm phát sinh từ sự vi phạm một quy tắc xử sự; đó có thể là quy tắc xử sự do pháp luật quy định (trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng) hoặc do ý chí của các bên liên quan tạo ra (trách nhiệm dân sự trong hợp đồng). Vả lại, trong luật Việt Nam hiện hành, trách nhiệm dân sự, dù là trong hay ngoài hợp đồng, chịu sự chi phối, trên nguyên tắc, của các quy định chung về điều kiện xác lập và về hiệu lực. Giữa hai loại trách nhiệm dân sự thực ra cũng có một số điểm khác biệt, đặc biệt là trong cách đánh giá về lỗi; nhưng chừng đó không đủ tạo thành những nét đặc trưng cơ bản phân biệt loại trách nhiệm này với loại trách nhiệm khác, thành những đối tượng riêng biệt của hoạt động nghiên cứu khoa học luật.      

Tiết I. Một số vấn đề riêng liên quan đến trách nhiệm dân sự theo hợp đồng

Sự tồn tại của quan hệ hợp đồng. Trách nhiệm dân sự theo hợp đồng được quy kết trên có sở thừa nhận tính hữu hiệu của hợp đồng. Nếu hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, thì trách nhiệm dân sự chỉ có thể được quy kết ngoài hợp đồng. Có trường hợp trách nhiệm dân sự theo hợp đồng đã được quy kết, nhưng sau đó, hợp đồng lại bị tuyên bố vô hiệu. Khi đó, trách nhiệm cũng được quy kết lại ngoài hợp đồng.    

Hợp đồng ấy trên nguyên tắc phải được giao kết giữa người mà sau này đã gây thiệt hại và người sau này bị thiệt hại. Trên thực tế, có trường hợp giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại chỉ có mối liên hệ qua một chuỗi hợp đồng. Ví dụ điển hình: chủ công trình giao kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu chính (thường gọi là bên B); nhà thầu chính lại giao kết việc xây dựng một hạng mục hoặc thực hiện một công việc nào đó trong khuôn khổ dự án xây dựng, với nhà thầu phụ (thường gọi là bên B “phẩy”); cuối cùng nhà thầu phụ không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và chủ công trình chịu thiệt hại. Giả sử nhà thầu chính trong giả thiết bị mất khả năng thanh toán. Liệu chủ công trình có quyền kiện trực tiếp nhà thầu phụ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mặc dù luật viết không có quy định rõ ràng ở điểm này, vẫn có thể thừa nhận, trong logique của sự việc, rằng chủ công trình phải có quyền đó: nếu không thừa nhận điều này, thì rõ ràng, nhà thầu phụ sẽ không phải chịu trách nhiệm dù đã có hành vi gây thiệt hại cho người khác và đó hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nói chung[26][26]. Và, một khi đã thừa nhận quyền đó cho chủ công trình, thì trách nhiệm được quy kết có thể là trách nhiệm trong hợp đồng hoặc trách nhiệm ngoài hợp đồng. Trách nhiệm trong hợp đồng, bởi việc nhà thầu phụ tham gia thực hiện dự án có sự đồng ý của chủ công trình (BLDS Điều 525 khoản 2) và do đó, giữa hai bên coi như có một hợp đồng qua trung gian; trách nhiệm ngoài hợp đồng, bởi, suy cho cùng, khái niệm hợp đồng qua trung gian là một khái niệm không có ý nghĩa.          

Cũng có trường hợp hợp đồng được giao kết vì lợi ích của người thứ ba và do người có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng mà người thứ ba phải chịu thiệt hại. Khi đó, trách nhiệm được quy kết cũng là trách nhiệm trong hợp đồng dù giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không có quan hệ kết ước trực tiếp, thậm chí không có quan hệ kết ước gián tiếp qua một chuỗi hợp đồng như trong trường hợp nêu trên.          

Căn cứ quy trách nhiệm: vi phạm nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng. Không có vấn đề gì đặc biệt trong trường hợp nghĩa vụ bị vi phạm là nghĩa vụ chính đồng thời là nghĩa vụ đặc thù tương ứng với loại hợp đồng đặc thù: vi phạm nghĩa vụ này, người vi phạm có thể chịu trách nhiệm dân sự theo hợp đồng.  Người bán mà không chuyển giao tài sản bán cho người mua, cũng như người mua mà không trả tiền mua tài sản, đều phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng.

Trái lại, sẽ có khó khăn trong việc xác định tính chất của trách nhiệm dân sự trong trường hợp nghĩa vụ bị vi phạm là một nghĩa vụ phụ phát sinh từ hợp đồng. Có những nghĩa vụ phụ thậm chí được xác lập một cách hoàn toàn độc lập với ý chí của người có nghĩa vụ và trở nên gần giống như nghĩa vụ ngoài hợp đồng, nghĩa vụ phát sinh từ một sự kiện pháp lý: khi đó, hợp đồng là một sự kiện và nghĩa vụ là hệ quả ngoài ý muốn của sự kiện đó. Ví dụ điển hình là nghĩa vụ bảo đảm an toàn cho hành khách trong hợp đồng vận chuyển hành khách[27][27]. Trong trường hợp hành khách bị tai nạn trong qua trình vận chuyển, thì người vận chuyển phải có trách nhiệm; nhưng trách nhiệm đó là trong hay ngoài hợp đồng ? Thực ra, vấn đề có thể không có ý nghĩa thực tiễn trong ví dụ vừa nêu trong khung cảnh của luật thực định, bởi dù là trong hay ngoài hợp đồng, trách nhiệm được quy kết theo cùng một chế độ pháp lý. Tuy nhiên, ý nghĩa của vấn đề sẽ khác đi, nếu trong một trường hợp đặc thù, trách nhiệm trong hợp đồng chịu sự chi phối của một số quy định riêng, ví dụ, quy định về thời hiệu.    

Thời hiệu quy trách nhiệm. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu quy trách nhiệm, tức là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo trách nhiệm đó, không được xác định trong luật viết trong trường hợp trách nhiệm dân sự được xác lập ngoài hợp đồng. Giải pháp này cũng được áp dụng trên nguyên tắc đối với trách nhiệm dân sự theo hợp đồng. Cá biệt trong một số trường hợp, luật có quy định thời hạn để người bị thiệt hại do có sự vi phạm đối với một nghĩa vụ phát sinh theo một hợp đồng đặc thù khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại; quá thời hạn đó, quyền khởi kiện không còn. Ví dụ, thời hiệu khởi kiện tranh chấp về việc thực hiện hợp đống bảo hiểm là 3 năm (Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 09/12/2000 Điều 30).        

Lựa chọn loại hình trách nhiệm. Trong trường hợp nghĩa vụ bị vi phạm là nghĩa vụ theo hợp đồng, liệu người bị thiệt hại có quyền yêu cầu quy trách nhiệm ngoài hợp đồng thay vì trách nhiệm trong hợp đồng. Vấn đề thường được đặt ra trong một số trường hợp mà thời hiệu khởi kiện yêu cầu xác định trách nhiệm theo hợp đồng đã hết. Luật thực định Việt Nam có vẻ không thừa nhận cho người bị thiệt hại quyền lựa chọn loại hình trách nhiệm: trách nhiệm dân sự theo hợp đồng phải được quy kết trong trường hợp có vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng.                  

Tiết II. Chế độ pháp lý về trách nhiệm dân sự

Phân tiết I. Các điều kiện xác lập trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự được xác lập một khi các điều kiện sau đây đã hội đủ: có thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại và có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với hậu quả thiệt hại. Nhưng trước hết, vấn đề trách nhiệm chỉ được đặt ra một khi chủ thể của trách nhiệm được xác định.

I. Chủ thể của trách nhiệm

Chủ thể của trách nhiệm phải là một nhân vật pháp lý. Ngay cả trong trường hợp tác nhân gây thiệt hại là một đồ vật hoặc một động vật, thì chủ thể của trách nhiệm vẫn chỉ có thể là một nhân vật pháp lý, một chủ thể của quan hệ pháp luật. Trong luật Việt Nam hiện hành, có đến bốn chủ thể của quan hệ pháp luật được thừa nhận: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm pháp lý của hộ gia đình và tổ hợp tác gặp rất nhiều khó khăn, cả về phương diện lý luận lẫn về phương diện thực tiễn[28][28]. Trong khung cảnh của luật thực định, chỉ có pháp nhân và cá nhân được coi là những người có khả năng chịu trách nhiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự.

Pháp nhân. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân được xác lập trong các trường hợp thành viên của pháp nhân hoặc người lao động của pháp nhân có hành vi gây thiệt hại cho người khác. Pháp nhân không phải là một con người; bởi vậy, khi đảm nhận vai trò một bên trong một vụ án, pháp nhân luôn phải được đại diện bởi một cơ quan có thẩm quyền của mình (tổng giám độc, chủ tịch hội đồng quản trị,…).

Trên thực tế, trách nhiệm của pháp nhân tồn tại song với với trách nhiệm cá nhân của người gây thiệt hại. Bởi vậy, dù luật viết không quy định rõ, vẫn có thể thừa nhận rằng người bị thiệt hại có quyền lựa chọn, hoặc kiện pháp nhân, hoặc kiện chính người gây thiệt hại, để yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp người bị thiệt hại kiện pháp nhân, thì sau khi thực hiện trách nhiệm của mình, pháp nhân có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật (BLDS Điều 622). 

Cá nhân. Điều chắc chắn, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi phải tự mình chịu trách nhiệm về những hành vi của mình mà gây thiệt hại cho người khác. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp người gây thiệt hại lại là người không có năng lực hành vi hoặc mất năng lực hành vi hoặc không nhận thức được hành vi của mình nhưng không bị đặt trong tình trạng mất năng lực hành vi.

Theo BLDS Điều 611 khoản 2, khi người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ, thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng, thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Trong trường hợp người chưa thành niên dưới 15 tuổi đang được trường học, bệnh viện hoặc tổ chức khác quản lý, mà có hành vi gây thiệt hại cho người khác, thì trường học, bệnh viện, tổ chức khác phải liên đới cùng với cha, mẹ bồi thường, nếu có lỗi  (Điều 625). Trong trường hợp người chưa thành niên đủ 15 tuổi gây thiệt hại, thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường, thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Theo Điều 611 khoản 3, khi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi gây thiệt hại mà có cá nhân, tổ chức giám hộ, thì cá nhân, tổ chức đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường, thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ, thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường[29][29]. Nếu người mất năng lực hành vi đang được đặt dưới sự quản lý của bệnh viện hoặc tổ chức khác, thì bệnh viện, tổ chức đó phải liên đới cùng với người giám hộ bồi thường cho người bị thiệt hại, nếu có lỗi (Điều 625).
               
Trong trường hợp người gây thiệt hại không nhận thức được hành vi của mình mà có cha, mẹ, thì có lẽ việc xác định trách nhiệm bồi thường cũng được xác định như trong trường hợp người mất năng lực hành vi gây thiệt hại mà có cha, mẹ, dựa vào nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật.

Ta còn lại trường hợp người gây thiệt hại chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không nhận thức được hành vi của mình mà không có cha, mẹ, cũng không có người giám hộ. Trong logique của suy nghĩ, có lẽ nên thừa nhận rằng người gây thiệt hại mà có tài sản thì cũng phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu đang được đặt dưới sự quản lý của bệnh viện, trường học hoặc tổ chức khác, thì bệnh viện, trường học, tổ chức khác phải liên đới chịu trách nhiệm, nếu có lỗi; còn nếu họ không có lỗi, thì rõ ràng, đối với người bị thiệt hại, đây chỉ có thể coi như một tai nạn do rủi ro.  

II. Thiệt hại

Khái niệm. Thiệt hại là sự mất mát mà một chủ thể của quan hệ pháp luật phải gánh chịu, là sự thay đổi tình trạng theo chiều hướng xấu: một người có tài sản bị mất tài sản đó, một người có sức khoẻ bình thường nay trở nên yếu đi,… Tình trạng bị thay đổi có thể là tình trạng vật chất (tài sản, tính mạng, sức khoẻ) hoặc tình trạng tình thần (danh dự, uy tín).   

Không có thiệt hại, thì không có trách nhiệm dân sự. Một người lái xe với tốc độ vượt giới hạn cho phép nhưng không gây tai nạn, thì không chịu trách nhiệm dân sự với bất kỳ ai, dù có thể phải chịu trách nhiệm hành chính (thậm chí trách nhiệm hình sự). Luật hiện hành, khi nói về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, đã quy định rõ: “người nào...xâm phạm....mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường” (BLDS Ðiều 609). Quy tắc này cũng được áp dụng cho việc xác lập trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, dù luật có vẻ như muốn coi trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ là một phần của trách nhiệm dân sự trong hợp đồng chứ không phải là toàn bộ trách nhiệm đó (xem BLDS Ðiều 308 và kế tiếp). Cũng có trường hợp các bên, khi giao kết hợp đồng, thỏa thuận về việc thiết lập một điều khoản phạt vi phạm, cho phép người có quyền đòi hỏi người có nghĩa vụ mà không thực hiện nghĩa vụ trả cho mình một số tiền mang ý nghĩa của việc bồi thường thiệt hại, dù có khi thiệt hại không xảy ra. Ðây là loại trách nhiệm dân sự xác lập theo ý chí, không phải là trách nhiệm dân sự được nghiên cứu trong mục này.

Nói chung, có thiệt hại là một trong những điều kiện cơ bản để xác lập trách nhiệm dân sự. trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm dân sự có thể là thiệt hại vật chất hoặc thiệt hại tinh thần

1. Thiệt hại vật chất

Khái niệm. Thiệt hại vật chất, trước hết, là thiệt hại gây ra đối với tài sản của một người. Khi nói về trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ, luật quy định rằng thiệt hại vật chất là tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút (BLDS Ðiều 310 khoản 1). Khi nói về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, luật quy định rằng .thiệt hại (vật chất) được bồi thường bao gồm tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng hoặc khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại (Ðiều 612).

Thiệt hại vật chất cũng có thể là thiệt hại từ việc mất hoặc giảm sút khả năng tạo ra tài sản do hậu quả của sự xâm phạm đối với tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người, cũng như từ việc chi phí nhằm khôi phục các khả năng đó hoặc nhằm xử lý các hậu quả của sự xâm phạm đó - điều trị bệnh, chôn cất người chết,... - (các Ðiều 613, 614 và 615). Khả năng tạo ra tài sản ở đây có thể là khả năng của chính người bị xâm hại hoặc khả năng của người được người bị xâm hại cấp dưỡng[30][30].

Có thể rút ra được gì từ các định nghĩa trên đây ?

a. Thiệt hại phải chắc chắn

Chắc chắn trong hiện tại và trong tương lai. Thiệt hại dẫn đến trách nhiệm dân sự, trên nguyên tắc, phải là thiệt hại hiện hữu chứ không phải là thiệt hại giả định hoặc thiệt hại dự kiến trong những hoàn cảnh không chắc sẽ xảy ra trong tương lai. Một cách ngoại lệ, những thiệt hại không hiện hữu về mặt vật chất nhưng rõ ràng là không thể tránh khỏi cũng được coi là thiệt hại chắc chắn và có thể được bồi thường. Ví dụ: tình trạng mất năng lực lao động sau một tai nạn chắc chắn dẫn đến việc mất thu nhập thường xuyên do lao động. Một cách ngoại lệ hơn nữa, thiệt hại xảy ra do đánh mất một cơ may thu được lợi ích vật chất từ việc khai thác tài sản cũng có thể được coi là thiệt hại chắc chắn, một khi xác suất của cơ may đủ lớn để cho phép kết luận rằng lợi ích vật chất nằm trong tầm tay của người bị thiệt hại, nếu sự kiện gây ra thiệt hại không xảy ra. Ví dụ: hồ sơ kháng cáo án sơ thẩm cho thấy người chống án có đủ khả năng thắng kiện, nhưng luật sư đã không nộp đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và cuối cùng đương sự mất quyền kháng cáo; một ứng viên đã đủ điều kiện để được tuyển dụng, chỉ cần trình diện đúng ngày, giờ ấn định là được tiếp nhận và bố trí công tác, nhưng do gặp tai nạn trên đường đi, không thể trình diện đúng hẹn và cuối cùng không được tuyển dụng. Nói chung, việc xác định thiệt hại do mất một cơ may là việc tế nhị, đòi hỏi khả năng đánh giá sáng suốt của thẩm phán.

Trái lại, không thể coi là chắc chắn một thiệt hại hoàn toàn giả định và khả năng xảy ra thiệt hại không cao. Một người mất một con ngựa đua không thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do mất giải thưởng với lý do theo đó, nếu con ngựa không chết thì chắc chắn sẽ chiến thằng trong cuộc đua sắp tới và sẽ mang lại cho chủ sở hữu một món tiền lớn.  

b. Thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp

Chỉ bồi thường thiệt hại trực tiếp. Những thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại gây ra cho người trực tiếp gánh chịu hậu quả của sự kiện làm phát sinh thiệt hại. Một người nhận bảo lãnh không thể kiện người gây ra tai nạn khiến người bảo lãnh chết, với lý do rằng nếu người bảo lãnh còn sống, thì người này sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và người nhận bảo lãnh sẽ không bị mất tài sản. Trái lại, những người thân thuộc được người bảo lãnh cấp dưỡng có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại, bởi do cái chết của người này mà họ lâm vào cảnh sống khó khăn. Cần nhấn mạnh rằng người trực tiếp chịu thiệt hại không nhất thiết cũng là người trực tiếp bị xâm hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ: việc một người bị xâm hại có thể dẫn  đến việc một người khác bị thiệt hại trực tiếp. Tất nhiên, người trực tiếp bị xâm hại do hành vi trái pháp luật là một người trực tiếp chịu thiệt hại; nhưng có thể những người khác cũng được  coi là người thiệt hại trực tiếp và cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của riêng mình, độc lập với quyền yêu cầu của người trực tiếp bị xâm hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ.      

Thực ra, ngay cả trong trường hợp đã xác định được người trực tiếp chịu thiệt hại, thì vẫn còn lại hai vấn đề chính: những thiệt hại nào của người này phải được bồi thường ? Ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường ? Ta sẽ tiếp tục xem xét các vấn đề này khi nói về mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và hậu quả thiệt hại.

c. Thiệt hại chính đáng

Xâm hại lợi ích chính đáng. Trong nhiều trường hợp, thiệt hại là có thật, nhưng việc yêu cầu bồi thường lại tỏ ra không chính đáng. Một tên trộm bị tai nạn giao thông trên đường tẩu thoát và bị bắt; tất nhiên, tên trộm vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ do tai nạn gây ra; nhưng, chắc chắn, tên trộm không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị bắt, dù rõ ràng, nếu không bị tai nạn giao thông, thì tên trộm đã có thể chạy thoát (và nếu sau này giải nghệ hoàn lương, thì tên trộm đã có một cuộc sống bình thường ở nơi nào đó cho đến khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự).

Một cách tổng quát, thiệt hại chỉ được bồi thường một khi lợi ích bị xâm hại là lợi ích chính đáng. vấn đề còn lại là xây dựng các tiêu chí cho việc xác định tính chính đáng của lợi ích. Một lợi ích được pháp luật bảo vệ đương nhiên là lợi ích chính đáng. Thế còn một lợi ích không được pháp luật bảo vệ nhưng cũng không bị coi là bất chính có được xem là lợi ích chính đáng ? Trong một giả thiết, một người phụ nữ chung sống như vợ chồng với một người đàn ông và được người này chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo; người đàn ông bị mất khả năng lao động trong một tai nạn giao thông và do đó, không thể tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng người phụ nữ như trước. Người phụ nữ trong giả thiết có hay không quyền kiện người gây tai nạn để yêu cầu bồi thường thiệt hại do mất nguồn thu nhập ? Trong khung cảnh của luật thực định, có vẻ như thẩm phán sẽ không thừa nhận cho người phụ nữ trong giả thiết quyền yêu cầu được bồi thường; song, chừng đó chưa đủ để đặt cơ sở cho việc xây dựng một giải pháp mang tính khái quát theo đó, lợi ích không bất chính nhưng không được pháp luật bảo vệ không thể được coi là lợi ích chính đáng.   
.         
2.  Thiệt hại tinh thần

Hình phạt dân sự. Việc bồi thường các thiệt hại về tinh thần được ghi nhận trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh sự nhân phẩm, uy tín của con người (các Ðiều 613, 614 và 615): tùy từng trường hợp, tòa án quyết định buộc người gây thiệt hại (do xâm phạm tính mạng, sức khỏe,...) phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu. Luật không định nghĩa “tổn thất về tinh thần”. Nói chung, đây là những tổn thất liên quan đến các quyền không có tính chất tài sản, đến những lợi ích phi vật chất cần thiết cho cuộc sống: danh tiếng, tình cảm... Tổn thất về tinh thần không định giá được bằng tiền. Cái gọi là tiền bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần mang tính chất của một hình phạt nhiều hơn là của một biện pháp bồi thường ngang giá.

Hành vi có thể gây thiệt hại về tinh thần, trong khung cảnh của luật viết, bao gồm các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Trên thực tế, có những thiệt hại về tinh thần có nguồn gốc rất đặc thù: một người chứng kiến cảnh một toán xã hội đen hành hạ một người mắc nợ cho đến chết và sau đó chìm ngập trong trạng thái trầm cảm; do xe bus bị hỏng hóc vì lỗi nghiệp vụ của lái xe mà một hành khách đã không kịp về đến quê nhà để gặp vợ trước khi người sau này chết và hành khách này đã cảm thấy rất đau khổ về việc đó;...             

Người có quyền yêu cầu. Người chịu thiệt hại về tinh thần có thể là người mà hành vi trái pháp luật trực tiếp nhắm tới, nhưng cũng có thể là người chịu thiệt hại qua trung gian của nạn nhân trực tiếp của hành vi đó. Nói chung, trong điều kiện không có quy định rõ ràng của luật viết, tất cả những người nào viện dẫn được một lợi ích tinh thần bị xâm hại một cách trực tiếp bởi hành vi trái pháp luật đều có quyền kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Riêng trong trường hợp hành vi gây thiệt hại là hành vi xâm phạm tính mạng của một người, thì chỉ những người thân thích gần gũi nhất với nạn nhân mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần do chính mình gánh chịu từ cái chết của nạn nhân (BLDS Điều 614 khoản 3)[31][31]. Cần lưu ý rằng trong trường hợp hành vi gây thiệt hại là hành vi xâm phạm thân thể, thì luật chỉ thừa nhận quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần của người bị thiệt hại qua trung gian một khi người bị xâm hại chết. Nếu người bị xâm hại chỉ bị thương tật, thì cũng chỉ người này có thể yếu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, những người thân thích chỉ có cơ may yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất[32][32].        

II. Lỗi của người gây thiệt hại

A. Tổng quan

1. Khái niệm

Luật viết. Lỗi có thể tạm hiểu như là sự sai lầm, thiếu sót trong thái độ xử sự. Luật thực định phân biệt hai loại lỗi: lỗi cố ý và lỗi vô ý (Ðiều 319). Lỗi cố ý được ghi nhận trong trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra; lỗi vô ý được ghi nhận trong trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Học thuyết. Cơ sở của lỗi được xác định theo một trong hai cách. Hoặc, người ta nói rằng lỗi được ghi nhận trong trường hợp có sự vi phạm đối với một nghĩa vụ đã được xác lập từ trước: nghĩa vụ do pháp luật quy định trong trường hợp quy trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng; nghĩa vụ theo hợp đồng trong trường hợp quy trách nhiệm dân sự trong hợp đồng. Hoặc, người ta thừa nhận rằng lỗi được quy về một hành vi trái pháp luật, tính trái pháp luật và tính có lỗi đồng nhất với nhau. Cần lưu ý rằng khi nói “hành vi trái pháp luật” theo nghĩa của luật dân sự, ta không nhất thiết chỉ liên tưởng đến hành vi phạm pháp, tức là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, như trong luật hình sự hoặc luật hành chính. Một người bán nhà ở cho thuê mà không tôn trọng quyền ưu tiên mua của người thuê không thể bị coi là phạm pháp nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp do sự không tôn trọng quyền ưu tiên mua đó đó mà người thuê phải chịu thiệt hại.

2. Ðiều kiện cơ bản để xác định trách nhiệm dân sự ?

Nguyên tắc. Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự, thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Ðiều 309 khoản 1). Với quy định đó, ta nghĩ rằng có thể có trách nhiệm dân sự ngay cả khi không có lỗi, nếu có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Thực ra, hầu như pháp luật hiện hành chưa có quy định nào liên quan đến việc xác định trách nhiệm dân sự trong hợp đồng mà không có yếu tố lỗi. Còn việc thỏa thuận quy trách nhiệm dân sự mà không cần lỗi rất dễ rơi vào trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc cấm của thuận về quy trách nhiệm dân sự trên cơ sở xác định sự tồn tại của yếu tố khách quan (hành vi vi phạm nghĩa vụ) mà không cần xét đến sự tồn tại của yếu tố chủ quan (lỗi). Trái lại, những thỏa thuận về miễn, giảm trách nhiệm dân sự, về thực hiện trách nhiệm dân sự thông qua vai trò của người khác (đặc biệt là người bảo hiểm) rất thường gặp trong thực tiễn.

Nói chung, luật thực định Việt Nam coi lỗi như là điều kiện cơ bản để xác định trách nhiệm trong hợp đồng. Còn trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, trên nguyên tắc, chỉ có thể được quy kết trong trường hợp có lỗi cố ý hoặc vô ý của người có trách nhiệm đó (Ðiều 609).

Cá biệt, có trường hợp trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng được xác lập mà không cần xét đến lỗi, như khi có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Ðiều 627 khoản 3) và trong một số trường hợp đặc biệt khác mà trách nhiệm dân sự được quy kết do rủi ro.

Rủi ro. Có thể tạm định nghĩa rủi ro là một sự kiện không mong muốn, đem lại hậu quả xấu và xảy ra một cách độc lập với ý chí của con người. ở góc độ pháp luật về trách nhiệm dân sự, rủi ro được hiểu như một sự kiện bất trắc gây thiệt hại cho một chủ thể của quan hệ pháp luật.

Trách nhiệm dân sự do rủi ro được quy kết trong trường hợp có đủ căn cứ để xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của một người đối với một người khác, trừ lỗi.     

Lỗi và việc xác định mức bồi thường. Trên nguyên tắc, mức độ nghiêm trọng của lỗi không ảnh hưởng đến mức bồi thường. Với tính chất của một biện pháp bù đắp thiệt hại, việc bồi thường được định lượng tuỳ theo mức độ thiệt hại, chứ không phải theo mức độ lỗi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thẩm phán có xu hướng đánh giá mức độ thiệt hại căn cứ trên mức độ lỗi. Với cách đánh giá đó, thì cuối cùng, mức độ lỗi lại có tác dụng gián tiếp chi phối việc xác định mức độ bồi thường. 

3. Chứng minh lỗi

Người vi phạm nghĩa vụ, người gây thiệt hại luôn được suy đoán là có lỗi. Nếu, trong trường hợp bị thiệt hại, người bị thiệt hại chỉ có thể yêu cầu xác định trách nhiệm dân sự của người gây thiệt hại sau khi chứng minh rằng người này có lỗi, thì sẽ không có nhiều người bị thiệt hại được bồi thường: việc chỉ ra bằng chứng về ý định xấu hoặc về sự cẩu thả của một người khi thực hiện một hành vi gây thiệt hại cho người khác không phải là việc đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó. Bởi vậy, luật quy định: việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người vi phạm nghĩa vụ dân sự. hẳn giải pháp này cũng được áp dụng cho trường hợp xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Nói cách khác, người gây thiệt hại luôn được suy đoán là có lỗi và chính người này phải tìm cách gạt bỏ sư suy đoán đó bằng cách chứng minh  điều ngược lại.

Không có lỗi và trường hợp bất khả kháng. Có khi thiệt hại xảy ra, nhưng người gây thiệt hại không có lỗi, như trường hợp gây thiệt hại trong giới hạn phòng vệ chính đáng (Ðiều 617 khoản 1), trong tình thế cấp thiết (Ðiều 618 khoản 1). Khi đó, người gây thiệt hại không chịu trách nhiệm dân sự.

Ta lần lượt xem xét lỗi trong trách nhiệm do hành vi trực tiếp, do hành vi của người khác và lỗi trong trách nhiệm đối với thiệt hại do vật gây ra.

B. Lỗi trong trách nhiệm do hành vi trực tiếp

Khái niệm hành vi trực tiếp. Ta tạm định nghĩa hành vi trực tiếp mà có lỗi là hành vi của người sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp các điều kiện xác lập trách nhiệm dân sự đều hội đủ.  Lỗi trong hành vi trực tiếp có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.   

Lỗi trong việc vi phạm các quy định của luật viết. Ðó có thể là lỗi hình thành trong quá trình vi phạm pháp luật hình sự, pháp luật hành chính hoặc pháp luật dân sự. Một người vi phạm pháp luật hình sự gây thiệt hại cho một người khác, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn phải chịu trách nhiệm dân sự; có khi hành vi không cấu thành tội phạm hình sự hoặc vi phạm hành chính, nhưng gây thiệt hại cho người khác và người thực hiện hành vi có lỗi, thì trách nhiệm dân sự cũng được xác lập. Ví dụ: người giám hộ tặng tài sản của người được giám hộ cho người khác không có tội, cũng không bị xử phạt hành chính, nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự.

Lỗi do hành vi trực tiếp, trong trường hợp không có quy định rành mạch của luật viết, rất đa dạng. Ở đây ta chỉ ghi nhận một vài ví dụ.

Lỗi trong việc thực hiện một quyền. Mỗi người có quyền đều được phép thực hiện quyền của mình. Vấn đề là vẫn trong khuôn khổ thực hiện quyền của mình, nghĩa là không vi phạm pháp luật, người có quyền đã gây thiệt hại cho người khác. Trong nhiều trường hợp, người thực hiện quyền của mình mà gây thiệt hại cho người khác mang thái độ tâm lý đặc trưng của người có lỗi. Ta gọi việc thực hiện quyền với thái độ tâm lý đó là việc lạm dụng quyền. Một cách hợp lý, người lạm dụng quyền mà gây thiệt hại cho người khác, thì phải chịu trách nhiệm dân sự: chủ nhà nâng cao nền nhà với ý định để nước mưa tuôn tràn sang nhà lân cận; người cho thuê từ chối ký tiếp hợp đồng thuê nhà với người kinh doanh chỉ nhằm gây khó khăn cho việc ổn định hoạt động kinh doanh của người thuê;...

Lỗi trong việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Không nói về lỗi của người thực hiện hoạt động nghề nghiệp đối với khách hàng (giữa hai người đã có hợp đồng và lỗi của người thực hiện hoạt động nghề nghiệp đối với khách hàng là lỗi hình thành trong quan hệ hợp đồng). Người thực hiện hoạt động nghề nghiệp có thể phạm lỗi đối với người thứ ba và gây thiệt hại cho người sau này, dù giữa hai bên không có quan hệ hợp đồng và do đó không có chuyện vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng: người bảo trì xe máy sửa chữa xe không chu đáo, để xe bị hỏng hóc và gây tại nạn cho người qua đường trong quá trình lưu thông; người kỹ sư xây dựng thi công không đúng thiết kế, gây thiệt hại cho người láng giềng của chủ công trình được xây dựng;...

Lỗi không hành động.  Lỗi không hành động được ghi nhận trong các trường hợp do chủ quan, bất cẩn, sơ ý,... mà đương sự đã không làm một việc đáng lý ra phải làm, dẫn đến thiệt hại cho người khác: chủ nhà đào một hố sâu trên lối đi vào nhà, nhưng lại không thực hiện các biện pháp cần thiết để lưu ý người thứ ba, cuối cùng, một người khác đi vào nhà trong đêm, rơi xuống hố và bị thương nặng;...

B. Lỗi trong trách nhiệm do hành vi của người khác

Hành vi của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự. Theo Ðiều 625 BLDS, nếu người dưới mười lăm tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của trường học, bệnh viện, các tổ chức khác, thì trường học, bệnh viện, các tổ chức khác phải liên đới cùng với cha, mẹ, người giám hộ trong việc bồi thường thiệt hại, nhưng với điều kiện có lỗi trong việc quản lý. Nếu trường học, bệnh viện, các tổ chức khác không có lỗi, thì cha, mẹ, người giám hộ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nói cách khác, trong mọi trường hợp người dưới mười lăm tuổi hoặc người không có năng lực hành vi gây thiệt hại cho người khác, thì cha, mẹ, người giám hộ luôn bị coi là người có lỗi. Điều đó cũng có nghĩa rằng quy định của Điều 611 khoản 3, theo đó nếu người giám hộ không có lỗi, thì 

Luật không có quy định đối với trường hợp người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Có thể nghĩ rằng người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải tự mình chịu trách nhiệm trong trường hợp  gây thiệt hại cho người khác, người đại diện của người gây thiệt hại không chịu trách nhiệm, nhưng phải đại diện cho người sau này trong quá trình xử lý vụ việc.

Hành vi của người thừa hành. Luật viết hiện hành, khi đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, ghi nhận ba loại người thừa hành: người của pháp nhân, công chức, viên chức Nhà nước và người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng (Ðiều 622, 623 và 624). Có một loại người thừa hành nữa, được xếp chung nhóm với người học nghề: người làm công.

Trong trường hợp người của pháp nhân, công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây thiệt hại cho người khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao, mà có lỗi, thì pháp nhân, cơ quan Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng (gọi chung là pháp nhân), coi như có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước người thứ ba. Nhắc lại rằng, pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm trong trường hợp người thừa hành gây thiệt hại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hoặc công việc được giao: quyền và nghĩa vụ giám sát của pháp nhân đối với người thừa hành, cơ sở của trách nhiệm dân sự trong trường hợp này, chỉ giới hạn trong phạm vi nhiệm vụ hoặc công việc đó.

Hành vi của người học nghề. Người học nghề không phải là người lao động thực sự. Trong chừng mực nào đó, quan hệ giữa người dạy nghề và người học nghề có những nét tương tự như quan hệ giữa người giám hộ và người được giám hộ. Ðáng lý ra, người dạy nghề phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do người học nghề gây ra trong thời gian người sau này được đặt dưới sự giám sát của mình, bất kể hành vi gây thiệt hại được thực hiện trong hay ngoài khuôn khổ học nghề. Tuy nhiên, luật hiện hành, khi nói về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, đồng hóa người học nghề với người làm công (người lao động); bởi vậy, người dạy nghề không chịu trách nhiệm về những thiệt hại do người học nghề gây ra, nếu thiệt hại đó không xuất phát từ hành vi có liên quan đến việc học nghề.
     
c - Lỗi trong trách nhiệm đối với thiệt hại do vật gây ra

Vật gây thiệt hại.  Vật có thể gây thiệt hại, trong luật hiện hành, bao gồm: nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật, cây cối, nhà cửa và công trình xây dựng khác. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm dân sự trong trường hợp có thiệt hại do vật gây ra chỉ được thực hiện một khi vật được đặt dưới sự quản lý vật chất của một người: việc vật không người quản lý gây thiệt hại cho một người không làm phát sinh trách nhiệm do lỗi của bất kỳ ai[33][33]. “Quản lý vật chất” bao hàm khả năng chế ngự đối với vật, khả năng ngăn chặn việc vật gây thiệt hại. Người quản lý vật chất không nhất thiết là người có quyền đối với vật về mặt pháp lý: người trộm xe máy là người chế ngự xe, nhưng không phải là chủ sở hữu xe.

Hơn nữa, chỉ áp dụng được chế độ trách nhiệm dân sự do vật gây ra, trong trường hợp thiệt hại có nguồn gốc từ “tác động tự thân của vật” chứ không phải từ hành vi của người: súc vật tự động cắn người, chủ sở hữu của súc vật phải chịu trách nhiệm theo Ðiều 629 BLDS; nhưng nếu chủ sở hữu xua chó cắn người thì chủ sở hữu chịu trách nhiệm theo luật chung, bởi khi đó, chính người dùng vật như một công cụ để gây thiệt hại cho người khác. Có trường hợp vật đang được một người chế ngự một cách hoàn hảo, những bản thân vật lại có những “hành động” riêng gây thiệt hại cho người khác: người lái xe đúng luật cán lên một viên sỏi khiến viên sỏi bay vào cửa hàng bên đường làm vỡ kính. Trong một trường hợp khác, người chế ngự mong muốn chế ngự vật một cách hoàn hảo, nhưng vật hoạt động hoàn toàn ngoài ý muốn và gây thiệt hại: người lái xe muốn dừng xe, nhưng hệ thống phanh không hoạt động và gây tai nạn. Nói cách khác, để có trách nhiệm dân sự do vật gây ra, thì vật phải là tác nhân gây thiệt hại, trong khi người trông giữ, chế ngự vật không muốn điều đó.

Người chịu trách nhiệm.  Người chịu trách nhiệm không nhất thiết là chủ sở hữu đối với vật gây ra thiệt hại. Ta biết rằng trong lúc gây thiệt hại, vật có thể đang đặt dưới sự quản lý vật chất của một người không phải là chủ sở hữu. Luật quy định rằng trong trường hợp vật gây thiệt hại, thì trên nguyên tắc người chịu trách nhiệm là người đang trông giữ, chế ngự vật. Thông thường, chủ sở hữu đồng thời là người trông giữ, chế ngự vật; có trường hợp chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng vật cho người khác; cũng có trường hợp người trông giữ, chế ngự vật không có một quyền nào được pháp luật thừa nhận đối với vật, như khi vật đang nằm trong tay kẻ cướp.

Người trông giữ, chế ngự vật gây thiệt hại luôn bi coi là có lỗi. Khoản 3 Ðiều 627 BLDS nói rằng chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi, trừ một vài trường hợp do luật dự liệu; nhưng đó, suy cho cùng chỉ là cách diễn đạt khác của sự quy lỗi trong trường hợp đặc thù mà lỗi mang tính đương nhiên. Lỗi hình thành từ thái độ tâm lý của một người có nghĩa vụ trông giữ, chế ngự vật mà đã không thực hiện đúng nghĩa vụ đó.

Ðối với nguồn nguy hiểm cao độ và súc vật, nếu người trông giữ, chế ngự vật không có quyền đối với vật, nhưng chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng vật có lỗi trong việc để vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, thì những người này có  trách nhiệm liên đới (Ðiều 627 khoản 4; Ðiều 629 khoản 3). Ví dụ: chủ sở hữu xe máy để cho một người khác sử dụng xe trong khi người sau này không có giấy phép lái xe, người lái xe không làm chủ được tốc độ và cuối cùng gây tai nạn.

3.  Có mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và hậu quả thiệt hại

a. Xác lập mối liên hệ nhân quả 

Tác giả của thiệt hại.  Người có lỗi không nhất thiết phải bồi thường tất cả các thiệt hại phát sinh sau khi xảy ra hành vi gây thiệt hại của mình: chỉ những thiệt hại nào là hệ quả tất yếu của việc phạm lỗi mới thuộc phạm vi trách nhiệm của người có lỗi. Nói cách khác, người có lỗi chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà mình là tác giả. Quy tắc khá đơn giản nhưng không dễ áp dụng.
 
Thiệt hại nào là hậu quả của lỗi và lỗi nào dẫn đến thiệt hại ? Thử lấy một ví dụ: một người thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền của Ngân hàng và dùng tiền mua cây giống mắc bệnh; trồng cây giống trong vườn, bệnh của cây giống lan sang các cây khác; toàn bộ vườn cây không sinh lợi, người trồng cây không có tiền để trả nợ cho Ngân hàng, cuối cùng phải để Ngân hàng yêu cầu kê biên và bán đấu giá quyền sử dụng đất cho người khác; vợ người trồng cây đau buồn, sinh bệnh và chết; con người trồng cây phải bỏ học, đi làm thuê và bị thương dẫn đến tật nguyền sau một tai nạn lao động. Rõ ràng, người bán cây giống chuyên nghiệp trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm dân sự, nhưng người này phải bồi thường thiệt hại đến mức độ nào ?

Một ví dụ khác: một công chức được thủ trưởng đơn vị yêu cầu ở lại cơ quan để giải quyết cho xong công việc, dù thời gian làm việc trong ngày đã hết; ra về trễ, công chức  bị tai nạn do một người lái xe tải say rượu gây ra, trong lúc giảm tốc độ xe đột ngột để tránh một chiếc xe máy do một người không có giấy phép lái xe điều khiển từ trong nhà lao ra đường mà không báo trước, cũng không xin đường. Lỗi nào dẫn đến thiệt hại của người công chức ? Sai lầm của thủ trưởng trong việc sử dụng lao động quá thời gian cho phép ? Lỗi của người lái xe tải: điều khiển xe lúc say rượu ? Lỗi của người đi xe máy không có giấy phép ?

b. Luật thực định   

Mọi trách nhiệm đều có giới hạn. Một khi đã xác định được người có lỗi, như trong ví dụ thứ nhất trên đây, thì phạm vi thiệt hại thuộc trách nhiệm của lỗi được luật giới hạn tùy trường hợp. Nguyên tắc được thừa nhận trong luật hiện hành là ngay nếu như từ một lỗi mà có nhiều thiệt hại phát sinh cùng một lúc hoặc liên tục xảy ra trong thời gian, thì người có lỗi vẫn chỉ phải chịu trách nhiệm đến một giới hạn nào đó. Tuy nhiên, “giới hạn” lại chưa được xác định rõ trong câu chữ của luật viết. Ví dụ: một người đánh một người khác đến trọng thương; người gây thương tật phải bồi thường theo các quy định tại Ðiều 613 BLDS, nghĩa là phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại sau đây: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc, thì thiệt hại bao gồm chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu có; ngoài ra, tùy trường hợp tòa án có thể quyết định buộc người xâm phạm đến sức khỏe của người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu. Và theo Ðiều 616 BLDS, trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động, thì người này được bồi thường cho đến khi chết; trong trường hợp người bị thiệt hại chết, thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây: a - Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng bồi thường cho đến khi đủ 18 tuổi, trừ trường hợp người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân; b - Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

Trong trường hợp xác định được thiệt hại, như trong ví dụ thứ hai nêu trên, thì có vẻ như luật muốn để cho tòa án kết luận về lỗi dẫn đến thiệt hại tùy theo từng vụ, chứ không đề ra giải pháp nguyên tắc. Tuy nhiên, hẳn những sai lầm không tất yếu dẫn đến thiệt hại không thể được coi là lỗi có quan hệ nhân quả với thiệt hại đó. Trong ví dụ thứ hai nêu trên, khó có thể tìm cách quy lỗi cho người thủ trưởng đã yêu cầu người công chức bị tại nạn ở lại sau giờ làm việc.

c. Tham khảo luật so sánh

Thiệt hại do nhiều nguyên nhân. Trong ví dụ về người công chức, rõ ràng là thiệt hại gắn với  nhiều nguyên nhân khác nhau. Các vấn đề được đặt ra như đã được ghi nhận ở trên.

Trong học thuyết pháp lý phương Tây, vấn đề được giải quyết tuỳ theo người ta lựa chọn giữa học thuyết về sự tương đương của các điều kiện (équivalence des conditions) và học thuyết về mối liên hệ nhân quả thích ứng (causalité adéquate).

- Theo học thuyết về sự tương đương đương giữa các điều kiện, thì tất cả những tình huống dẫn đến hậu quả thiệt hại đều được coi là nguyên nhân trực tiếp của thiệt hại và là sự kiện pháp lý có tác dụng xác lập trách nhiệm dân sự. Trong ví dụ liên quan đến người công chức, cả người lái xe tải say rượu, người điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe và thủ trưởng cơ quan đều phải chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra cho người công chức.  
- Theo học thuyết về mối liên hệ nhân quả thích ứng, thì chỉ những tình huống nào trực tiếp tạo rủi ro dẫn đến thiệt hại mới được coi là nguyên nhân trực tiếp của thiệt hại. Trong ví dụ liên quan đến người công chức, thì chỉ có người lái xe say rượu và người điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe       

Thiệt hại gián tiếp. Nhắc lại rằng trong khung cảnh của luật hiện hành, chỉ có thiệt hại trực tiếp mới có thể được bồi thường. Thế nhưng, đâu là các tiêu chí xác định tính chất trực tiếp hoặc gián tiếp của một thiệt hại ? Trong ví dụ về người nông dân mua cây giống mắc bệnh, ta ghi nhận được một chuỗi thiệt hại dây chuyền[34][34]. Rõ ràng, sự nhiễm bệnh của cả vườn cây là thiệt hại trực tiếp; việc tài sản của người làm vườn bị kê biên cũng có thể coi là thiệt hại trực tiếp; còn việc người vợ chết và người con bị tật nguyền khó có thể được coi là thiệt hại trực tiếp, dù, nếu nhìn nhận vấn đề theo đạo lý, người ta luôn có thể thiết lập được mối liên hệ giữa các thiệt hại đó và hành vi bán cây giống nhiễm bệnh.

Trong luật của Pháp, học thuyết pháp lý và án lệ nói rằng nếu sự kiện pháp lý ban đầu đóng một vai trò của một điều kiện cần và chủ yếu đối với việc phát sinh một thiệt hại, thì tác giả của sự kiện phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó. Trong ví dụ về người làm vườn, cái chết của người vợ có thể có nguyên nhân chính là lỗi nghiệp vụ của bác sĩ; còn tai nạn xảy ra cho người con có thể phần lớn do lỗi của người sử dụng lao động hoặc lỗi của chính người lao động hoặc cả hai.             

d. Chứng minh mối liên hệ nhân quả

Người bị thiệt hại phải chứng minh. Luật viết không có quy định về trách nhiệm chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại. Song, một cách hợp lý, có thể thừa nhận rằng chính người bị thiệt hại phải chứng minh rằng thiệt hại có nguồn gốc từ hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại. Nếu điều ngược lại được thừa nhận, thì cứ hình dung: buổi sáng, có một người ném một lọ hoa qua cửa sổ; buổi chiều, có một người khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị lọ hoa rơi trúng vào đầu gây thương tích; vậy, người ném lọ hoa phải chứng minh rằng thương tích của người đi kiện là do nguyên nhân khác chứ không phải do lọ hoa rơi trúng.       

Phân tiết II. Quy trách nhiệm

I.  Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

1. Các bên của vụ kiện

Nguyên đơn. Người bị thiệt hại có quyền kiện người phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó, để yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp người bị thiệt hại không thể tự mình thực hiện quyền kiện do không có năng lực hành vi hoặc không nhận thức được hành vi của mình, thì người đại diện của người này có quyền kiện. Nếu người bị thiệt hại chết, thì người thừa kế có quyền kiện.   

Cần phân biệt giữa người có quyền yêu cầu và người thừa kế của người này. Trong rất nhiều trường hợp mà người bị thiệt hại chết do hệ quả của hành vi gây thiệt hại, người ta thường nhầm lẫn giữa người yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người chết, với tư cách là người thừa kế, và người yêu cầu bồi thường thiệt hại của chính mình, thiệt hại phát sinh do cái chết của chính người bị thiệt hại.

Trong trường hợp người bị thiệt hại được bảo hiểm về phần thiệt hại đó, thì sau khi bồi thường cho người bị thiệt hại, người bảo hiểm sẽ thay thế người bị thiệt hại đứng nguyên đơn trong vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cần phân biệt bảo hiểm thiệt hại và bảo hiểm con người (bảo hiểm nhân thọ hoặc thương tật). Tiền bồi thường bảo hiểm con người được chi trả một khi sự kiện dự kiến (cái chết hoặc thương tật) xảy ra và việc chi trả này không liên quan gì đến việc quy trách nhiệm cho người đã có hành vi dẫn đến sự kiện đó. 

Bị đơn. Người bị kiện tất nhiên là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp người này chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi, thì người bị kiện là cha, mẹ, người giám hộ. Nếu  người chưa thành niên dưới 15 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi được đặt dưới sự quản lý của trường học, bệnh viện hoặc tổ chức khác trong lúc thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác, thì trường học, bệnh viện, tổ chức khác có thể cũng bị kiện, nếu có lỗi. Trong trường hợp người gây thiệt hại thành niên, không nhận thức được hành vi của mình nhưng chưa bị tuyên bố mất năng lực hành vi và còn cha, mẹ, thì người bị kiện là cha, mẹ.

Nếu người trực tiếp chịu trách nhiệm bồi thường chết, thì người thừa kế đảm nhận vai trò bị đơn. Trong trường hợp pháp nhân chịu trách nhiệm bồi thường chấm dứt mà có pháp nhân kế thừa, thì pháp nhân kế thừa đảm nhận vai trò bị đơn.       

Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại (BLDS Điều 620)[35][35]: người bị thiệt hại có quyền kiện một người trong số những người này để yêu cầu bồi thường toàn bộ. Trong mối quan hệ nội bộ giữa những người cùng gây thiệt hại, thì người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với người bị thiệt hại có quyền yêu cầu những người cùng gây thiệt hại hoàn trả cho mình phần bồi thường mà mỗi người trong số họ phải chịu trách nhiệm. Cũng theo BLDS Điều 620, trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi, thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.   

2. Tính hữu hiệu của quyền khởi kiện

Dàn xếp tự nguyện. Khác với những vi phạm pháp luật hình sự hoặc hành chính, các hành vi trái pháp luật dẫn đến việc quy trách nhiệm dân sự có thể được xử lý bằng con đường dàn xếp tự nguyện giữa các bên liên quan. Dàn xếp tự nguyện cũng là một loại hợp đồng, do đó, phải tuân theo các điều kiện do pháp luật quy định đối với việc xác lập hợp đồng: năng lực, sự ưng thuận, đối tượng, tính trung thực trong giao kết,… Trong khung cảnh của luật thực định, một khi sự dàn xếp tự nguyện về việc bồi thường thiệt hại được giao kết phù hợp với các quy định của luật chung về hợp đồng, thì sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với các bên, đặc biệt là có tác dụng thủ tiêu quyền kiện đòi bồi thường của người bị thiệt hại.   

Trong trường hợp có nhiều người cùng chịu trách nhiệm, thì việc dàn xếp tự nguyện chỉ có hiệu lực giữa những người tham gia dàn xếp. Người gây thiệt hại mà không tham gia vào việc dàn xếp có quyền bảo lưu ý kiến của mình.      

Điều khoản loại trừ quyền khởi kiện. Trong trường hợp thiệt hại có nguồn gốc từ việc vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, quyền yêu cầu bồi thường có thể được các bên loại bỏ ngay từ lúc giao kết hợp đồng bằng con đường thoả thuận. Các thoả thuận này thường được ghi nhận dưới một trong hai hình thức: thoả thuận miễn trách nhiệm và thoả thuận phạt vi phạm.

- Thoả thuận miễn trách nhiệm không phải là thoả thuận miễn thực hiện nghĩa vụ: người có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ; nhưng nếu người này không thực hiện, thì cũng không phải chịu trách nhiệm. Giá trị của thoả thuận loại này chưa được xác định rõ trong luật Việt Nam hiện hành. Tuy nhiên, có thể nói rằng, nếu các bên có quyền đạt tới những thoả thuận như thế, thì việc miễn trách nhiệm cũng không thể được chấp nhận trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ do lỗi cố ý. Hẳn cũng không thể chấp nhận việc thoả thuận miễn trách nhiệm trong trường hợp gây thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm,…  
- Thoả thuận phạt vi phạm có thể coi như một kiểu bồi thường “khoán” do không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. “Khoán” bởi vì, một mặt, mức bồi thường được các bên ấn định sẵn vào thời điểm giao kết hợp đồng, tức là trước khi xảy ra vi phạm; mặt khác, việc bồi thường được thực hiện chỉ dựa vào sự vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, nghĩa là dựa vào lỗi của người vi phạm, chứ không căn cứ vào mức độ thiệt hại phát sinh từ sự vi phạm đó, thậm chí không căn cứ vào sự tồn tại (tính hiện thực) của thiệt hại.      

Hết thời hiệu khởi kiện. Luật Việt Nam hiện hành không có quy định về thời hiệu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng quyền kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tồn tại vĩnh viễn, như quyền sở hữu. Có lẽ, trong hầu hết trường hợp, người bị thiệt hại đều nhanh chóng thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình, do đó, thẩm phán hầu như không có cơ hội xem xét và giải quyết các yêu cầu bác đơn kiện với lý do vụ việc đã xảy ra quá lâu. Tuy nhiên, việc xác định thời hiệu cho các quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại vẫn tỏ ra cần thiết để ngăn ngừa khả năng Toà án phải xem xét những vụ việc đã xảy ra quá lâu.       

II. Thể thức bồi thường thiệt hại

1. Thời điểm phát sinh quyền yêu cầu bồi thường.

Thời điểm xác lập trách nhiệm dân sự. Bản án của Toà án không phải là căn cứ xác lập quyền yêu cầu bồi thường: bản án chỉ xác nhận một quyền yêu cầu bồi thường tồn tại ngay từ thời điểm xảy ra sự kiện dẫn đến việc xác lập trách nhiệm. Vả lại, người có nghĩa vụ chỉ bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ một khi đã được cơ quan thi hành án đốc thúc thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn mà vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ đến khi hết thời hạn đó.     

2. Hình thức bồi thường

Bằng hiện vật. Thực hiện nghĩa vụ bồi thường bằng hiện vật, người có nghĩa vụ phải làm cho tài sản bị xâm hại trở lại tình trạng như trước khi có sự kiện làm phát sinh nghĩa vụ. Một người xây dựng trái phép trên phần đất của một người khác tiến hành phá dỡ vật kiến trúc và trả lại mặt bằng cho người có quyền sử dụng đất.

Trên nguyên tắc, nếu người có nghĩa vụ bồi thường đề nghị bồi thường bằng hiện vật và việc bồi thường là có thể thực hiện được, thì người có quyền không được phép từ chối và yêu cầu thay thế bằng việc trả tiền bồi thường. Nhưng, nếu người có nghĩa vụ không có đề nghị gì đặc biệt về hình thức bồi thường, thì người có quyền có thể chủ động yêu cầu bồi thường bằng hiện vật, một khi việc bổi thường theo cách này có thể thực hiện được.

Trên thực tế, việc bồi thường, cho dù có bằng hiện vật, không bao giờ có thể bù đắp thiệt hại một cách trọn vẹn. Bối thường bằng hiện vật không bao giờ là việc tái lập tình trạng ban đầu mà chỉ là sự cố gắng vươn tới tình trạng ban đầu trong chừng mực cho phép.      

Bằng tiền. Tất nhiên, các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường. Một khi thoả thuận đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định về giao kết hợp đồng, thì sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với các bên, vấn đề mức bồi thường theo thoả thuận có bù đắp tương xứng hay không đối với thiệt hại không được đặt ra.

Trong trường hợp các bên không đạt được sự thoả thuận cần thiết, thì thẩm phán xác định mức bồi thường. Các tham số để xác định mức bồi thường được xây dựng tại BLDS các Điều từ 612 đến 615 tuỳ theo đặc điểm của đối tượng bị xâm hại. Ví dụ, nếu đối tượng bị xâm hại là tài sản, thì thiệt hại được bồi thường bao gồm tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn8n chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Nếu đối tượng bị xâm hại là tính mạng của con người, thì thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Luật không có quy định về thời điểm mà các chỉ số giá cả của thời điểm đó phải được dùng làm căn cứ để ấn định mức bồi thường.             

Mục II. Ðược lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật
TOP
 
Khái niệm. Luật viết hiện hành định nghĩa tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật bằng cách xác định nghĩa vụ của người này (BLDS Ðiều 604 khoản 2): người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại, thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Ðiều 255 BLDS (khoản 1 Ðiều 255 BLDS nói về việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu của người chiếm hữu tài sản một cách ngay tình, liên tục, công khai).

Ðiều 604 khoản 1 còn quy định rằng người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật, thì phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Ðiều 255 BLDS. Các điều kiện của nghĩa vụ giao trả được xác lập tại điều luật bao gồm: 1 - Có người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản không phải của mình và người chiếm hữu, sử dụng biết rõ điều đó; 2 - Việc chiếm hữu, sử dụng đó là không có căn cứ pháp luật.  Ta chỉ có thể hình dung nguyên nhân của tình trạng chiếm hữu, sử dụng đó, như sau: hoặc tài sản được giao cho người chiếm hữu, sử dụng bằng cách chiếm đoạt; hoặc tài sản được giao cho người chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch bị tuyên bố vô hiệu, bị hủy bỏ, bị đình chỉ hiệu lực; hoặc tài sản được giao nhầm cho người chiếm hữu, sử dụng. Với nguyên nhân thứ nhất, ta trở lại các phân tích liên quan đến trách nhiệm dân sự; với nguyên nhân thứ hai, ta trở lại các phân tích liên quan đến hợp đồng; vậy còn lại nguyên nhân thứ ba: giao nhầm tài sản. Suy cho cùng, giao nhầm tài sản cũng là một trường hợp  được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, quy định tại Ðiều 604 khoản 2.

Trong các phân tích sau đây, ta chỉ quan tâm đến quy định tại Ðiều 604 khoản 2.

1.Các điều kiện hình thành tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật

a. Ðiều kiện vật chất: được lợi về tài sản và gây thiệt hại cho người khác

Ba yếu tố. Dựa vào BLDS Ðiều 604 khoản 2, ta nhận xét rằng về phương diện vật chất, tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật hình thành từ ba yếu tố: có một người được lợi về tài sản; có một người khác bị thiệt hại; có sự tương ứng về nhân và quả giữa việc một người được lợi và một người khác bị thiệt hại.

Có một người được lợi. “Tình trạng được lợi” được hiểu theo nghĩa rộng nhất: không chỉ là việc có được một tài sản hoặc một sự gia tăng giá trị tài sản, mà có thể còn là việc thực hiện được một khoản tiết kiệm do tránh được các khoản chi (hưởng thành quả lao động của người khác mà không phải trả lương; được người khác trả nợ thay; được sử dụng một vật mà không phải trả tiền thuê;...).

Có một người bị thiệt hại. Vấn đề được lợi về tài sản có hay không có căn cứ pháp luật không được đặt ra, nếu không có một người bị thiệt hại. Có trường hợp một người đóng góp vào việc gia tăng giá trị của khối tài sản của người khác, nhưng lại không chịu bất kỳ một thiệt hại nào, ví dụ: một người cố vấn cho một người khác trong một vụ kinh doanh bất động sản và đã được trả thù lao cho lời cố vấn đó; người mua bất động sản cuối cùng được lợi vượt quá dự kiến do bất động sản tăng giá đột ngột; người cố vấn không thể yêu cầu được dự phần vào việc thụ hưởng lợi ích bất ngờ đó.

Có sự tương ứng giữa việc một người được lợi và một người khác bị thiệt hại. Việc một người được lợi về tài sản phải đồng thời có nghĩa rằng có một người khác chịu thiệt hại về tài sản. Ðược lợi và chịu thiệt hại là hai khía cạnh của một sự việc duy nhất.

b. Ðiều kiện pháp lý: không có căn cứ pháp luật

Chỉ cần tình trạng được lợi không có căn cứ pháp luật. Nếu tình trạng được lợi có căn cứ pháp luật, thì người bị thiệt hại không thể kiện cáo, ngay cả trong trường hợp tình trạng thiệt hại là không có căn cứ pháp luật. Ví dụ: theo hợp đồng cho thuê nhà, người cho thuê sẽ tiếp quản tất cả các công trình do người thuê xây dựng khi hết hạn cho thuê mà không phải bồi thường; người thuê hợp đồng với nhà thầu xây dựng một số công trình phụ mà không trả tiền công xây dựng; khi hết hạn cho thuê. Nhà thầu trong trường hợp này không thể yêu cầu người cho thuê trả tiền thay, dù rõ ràng nhà thầu bị thiệt hại trong khi người cho thuê đựơc hưởng lợi. Giải pháp của luật cho vấn đề nêu ra trong ví dụ được xây dựng như sau: người cho thuê có quyền sở hữu đối với các công trình phụ (bởi tình trạng được lợi là có căn cứ pháp luật); còn nhà thầu phải yêu cầu người thuê trả tiền theo hợp đồng xây dựng và bồi thường thiệt hại cho mình do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng.

Thế nào là không có căn cứ pháp luật ? Tình trạng được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật được ghi nhận trong điều kiện không có bất kỳ một quy tắc pháp lý nào có thể được dùng để đặt cơ sở cho việc được lợi đó. Một người, giao kết hợp đồng bán cho một người khác 20 tấn hàng, thực tế giao cho người mua đến 25  tấn nhưng lại ngỡ rằng chỉ giao đủ 20 tấn: rõ ràng không có cách gì để biện minh cho việc người mua được lợi 5 tấn hàng. Một người nhặt được một chiếc ví bị đánh rơi không thể biện minh cho việc giữ lấy số tiền có trong ví làm của riêng.

Lỗi của người bị thiệt hại. Có khi một người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, nhưng người bị thiệt hại lại hoàn toàn có lỗi trong việc gây ra thiệt hại đó. Luật không có quy định chính thức cho trường hợp này; nhưng trong logique của sự việc, ta không xây dựng được lý lẽ của việc người bị thiệt hại yêu cầu người được lợi thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Ví dụ: một người thợ bảo trì cố tình đẩy xe của một người khác vào garage của mình để tân trang, chủ sở hữu  xe không yêu cầu; người thợ khó có thể buộc chủ sở hữu xe hoàn trả cho mình khoản lợi từ việc gia tăng giá trị của chiếc xe sau khi tân trang.   

2. Hiệu lực của tình trạng được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Nghĩa vụ của người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Theo BLDS Ðiều 604 khoản 2, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại. Nhắc lại rằng người được lợi phải hoàn trả khoản lợi chứ không phải bù đắp thiệt hại. Vấn đề không có gì đặc biệt trong trường hợp khoản lợi và thiệt hại có giá trị tương đương. Nhưng thông thường,  hai khoản này không ngang nhau: một người có thể đổ một khoản tiền rất lớn để tu bổ tài sản của người khác, nhưng cuối cùng giá trị của tài sản được tu bổ gia tăng không đáng kể; người được lợi chỉ phải hoàn trả phần gia tăng giá trị của tài sản đó.

Vấn đề là giá trị của khoản lợi phải được xác định ở thời điểm nào ? Thời điểm phát sinh tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật ? Thời điểm khởi kiện của người bị thiệt hại ? Thời điểm ra bản án ? Luật viết chưa có quy định ở điểm này.

Khả năng tồn tại một quyền yêu cầu khác của người bị thiệt hại. Giả sử người bị thiệt hại được luật công nhận có một quyền yêu cầu khác để bù đắp thiệt hại của mình (kiện đòi lại tài sản, kiện đòi bồi thường thiệt hại,...), thì liệu người này cũng còn có quyền yêu cầu hoàn trả khoản lợi, để có thể lựa chọn quyền mà việc thực hiện tỏ ra tiện lợi nhất cho mình giữa hai quyền yêu cầu ? Hoặc, nếu có một quyền yêu cầu khác, nhưng người có quyền yêu cầu đã đánh mất quyền đó theo thời hiệu, thì liệu người này có thể dựa vào tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật của người khác để yêu cầu bù đắp thiệt hại cho mình ?

Ðối với vấn đề thứ hai, giải pháp có lẽ đã được xác định trong luật thực định: một khi quyền khởi kiện mất đi theo thời hiệu, thì việc một người được lợi về tài sản được pháp luật thừa nhận, nghĩa là có căn cứ pháp luật; người bị thiệt hại không thể làm gì được nữa. Còn đối với vấn đề thứ nhất, ta chưa có giải pháp chắc chắn. Dẫu sao, cần lưu ý rằng nghĩa vụ trong luật thực định Việt Nam không mất đi do thời hiệu…

Mục III.  Thực hiện công việc mà không có ủy quyền


Khái niệm. Theo BLDS Ðiều 599, thực hiện công việc mà không có ủy quyền là việc người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó, hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện, khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối. Thực ra, thực hiện công việc mà không có ủy quyền, trong luật thực định Việt Nam, không hẳn là nguồn của những nghĩa vụ phát sinh ngoài ý chí của các bên liên quan: nếu một người thực hiện công việc vì người khác mà người sau này biết nhưng không phản đối, thì có thể nói rằng giữa hai người có một hợp đồng ủy quyền mặc nhiên về việc thực hiện các công việc đó. Mặc nhiên, bởi vì hợp đồng ủy quyền không được giao kết theo các quy định chung về một hợp đồng ủy quyền thực sự, nhất là không được lập thành văn bản (Ðiều 586). Thế nhưng, trong trường hợp một người thực hiện công việc vì người khác mà người sau này không biết, thì không thể nói rằng các nghĩa vụ phát sinh theo ý chí của những người có liên quan, bởi, như ta sẽ thấy, cả người có công việc được thực hiện cũng có nghĩa vụ, dù không hề bày tỏ ý chí, trong một hợp đồng hay một cam kết đơn phương, về việc xác lập các nghĩa vụ đó.

Trong các phân tích sau đây, ta chỉ quan tâm đến trường hợp một người thực hiện công việc vì lợi ích của người khác mà người sau này không biết.

1. Các điều kiện xác lập tình trạng thực hiện công việc không có ủy quyền

Ðiều kiện liên quan đến công việc được thực hiện. Công việc được thực hiện có thể là một giao dịch pháp lý (giao kết hợp đồng sửa chữa tài sản, trả nợ,...) hoặc một giao dịch vật chất (chuyển người bị thương đến bệnh viện, chăm sóc vật nuôi của người khác,...). Ðiều quan trọng là giao dịch phải hợp pháp: một giao dịch trái pháp luật, dù có lợi cho người có công việc được thực hiện, không thể đặt cơ sở cho việc xác lập chế độ thực hiện công việc không có ủy quyền.

Ðiều kiện về tính hữu ích của công việc. Luật quy định rằng người thực hiện công việc mà không có ủy quyền phải thực hiện công việc hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện (xem lại khái niệm). Thông thường công việc được thực hiện mà không có ủy quyền là những công việc có tính chất khẩn cấp và cần thiết cho việc bảo toàn các quyền lợi của người có công việc được thực hiện. Tính chất hữu ích của công việc phải được xem xét ở thời điểm công việc được thực hiện chứ không phải dựa vào kết quả đạt được sau này. Ví dụ: nhà bị hư mái; người chiếm hữu nhà bỏ tiền ra sửa lại mái nhà; sau đó, nhà bị cháy toàn bộ; chủ sở hữu nhà vẫn phải hoàn tiền sửa nhà cho người chiếm hữu, dù công việc, cuối cùng, chẳng đem lại kết quả nào thiết thực.     

Ðiều kiện đối với người thực hiện công việc. Người thực hiện công việc phải có ý định thực hiện công việc vì lợi ích của người khác. Nếu người này thực hiện công việc với ý thức (nhầm lẫn) rằng việc được thực hiện vì lợi ích của mình, thì không phải tình trạng thực hiện công việc không có ủy quyền mà chính là tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật sẽ được xác lập.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng người thực hiện công việc phải chỉ có ý định thực hiện công việc vì lợi ích của người khác. Người này cũng có thể đồng thời được động viên bởi lợi ích của chính mình mà thực hiện công việc. Ví dụ: chủ sở hữu chung theo phần chủ động sửa chữa tài sản chung mà các chủ sở hữu chung khác không biết. Luật nói rằng người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc hoàn toàn vì lợi ích của người khác. Ðiều đó chỉ có nghĩa rằng công việc thực hiện cho người khác phải vì lợi ích của người sau này và người thực hiện công việc nhận thức rõ điều đó khi thực hiện công việc. Công việc thực hiện cho người khác vẫn có thể là một phần của chuỗi công việc được thực hiện vì lợi ích của người khác nữa hoặc của chình người thực hiện công việc đó.

Nói rằng người thực hiện công việc phải “có ý định” hàm nghĩa rằng người thực hiện công việc cho người khác phải là người có khả năng nhận thức được hành vi của mình[36][36]. Người dưới 15 tuổi, người không có năng lực hành vi, người không nhận thức được hành vi của mình không thể thực hiện công việc mà không có uỷ quyền. Có vẻ như người bị hạn chế năng lực hành vi cũng không thể tự mình thực hiện công việc vì lợi ích của người khác mà không có sự cho phép của người đại diện.  

Điều kiện đối với người thụ hưởng công việc. Về phần mình, người thụ hưởng công việc phải hoặc không biết hoặc biết mà không phản đối việc người khác thực hiện một công việc vì lợi ích của mình. Thông thường, người thụ hưởng công việc không biết; nhưng nếu biết, thì để có quan hệ thực hiện mà không có uỷ quyền, người này phải không phản đối. Cần nhấn mạnh rằng không phản đối không nhất thiết có nghĩa là im lặng.

Có trường hợp  người thụ hưởng không phản đối chỉ vì không thể bày tỏ ý chí phản đối một cách hữu hiệu, ví dụ, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi. Khi đó, chính thái độ của người đại diện quyết định tính chất của mối quan hệ giữa người thực hiện công việc và người có công việc được thực hiện. Còn lại trường hợp người không nhận thức được hành vi của mình một cách thường xuyên, nhưng lại không có người đại diện. Nói chung, bất kỳ người nào bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người khác đều phải được bảo vệ; hẳn rồi sẽ có những quy định thích hợp về quyền kiện cáo vì lợi ích của người bị thiệt hại không nhận thức được hành vi của mình và không được đại diện.          

Trên nguyên tắc, việc phản đối của người có công việc được thực hiện khiến cho công việc được coi là trở nên không hữu ích. Nếu người thực hiện công việc bắt đầu hoặc tiếp tục thực hiện công việc sau khi đã có sự phản đối của người có công việc được thực hiện, thì người thực hiện công việc không có cơ may được hoàn lại chi phí mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc; thậm chí, người thực hiện công việc có thể bị buộc phải đình chỉ thực hiện công việc, và nếu gây thiệt hại cho người có công việc được thực hiện, thì phải bồi thường. Tuy nhiên, một cách hợp lý, sự phản đối chỉ có hiệu lực về sau: các công việc được thực hiện vì lợi ích của đương sự trước khi đương sự phản đối vẫn có tác dụng ràng buộc đương sự vào quan hệ thực hiện công việc mà không có uỷ quyền. Vả lại, có thể có những trường hợp mà tính hữu hiệu của việc phản đối cần phải được xem xét lại, do bản thân sự phản đối tỏ ra không chính đáng.           

2. Hiệu lực của tình trạng thực hiện công việc mà không có ủy quyền
    
a. Ðối với các bên có liên quan

Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền. Người thực hiện công việc mà không có ủy quyền có những nghĩa vụ quy định tại các Ðiều 600 và 602 BLDS. Người này phải thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình; phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết được ý định của người có công việc, thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó; phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc, nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú của người đó; trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết, thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận; trong trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc, thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.

Ta thấy rằng trong chừng mực nào đó, trách nhiệm của người thực hiện công việc mà không có ủy quyền còn nặng hơn trách nhiệm của người được ủy quyền: người sau này có thể đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng ủy quyền mà không cần biết công việc (dở dang) sẽ được ai thực hiện tiếp tục.

Khi người thực hiện công việc mà không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc, thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện; nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc, thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.

Nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện. Theo BLDS Ðiều 601, người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và phải thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình. Mặt khác, người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối (cùng điều luật). Có thể tin rằng nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền chịu thiệt hại do thực hiện công việc đó, thì người có công việc phải bù đắp các tổn thất ấy, như thể đó là thiệt hại của chính mình.

Một cách hợp lý, người có công việc được thực hiện phải chịu trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ mà người thực hiện công việc không có ủy quyền xác lập, trong khuôn khổ thực hiện công việc đó.

b. Ðối với người thứ ba

Quản lý công khai và quản lý không công khai. Luật viết không có quy định về hiệu lực của việc thực hiện công việc không có ủy quyền đối với người thứ ba. Tuy nhiên, có thể nghĩ rằng nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền xác lập nghĩa vụ với người thứ ba mà không công khai tình trạng thực hiện công việc vì lợi ích của người khác, thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tự mình chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ đó đối với người thứ ba. Người có công việc được thực hiện, trong trường hợp này, phải thanh toán cho người thực hiện công việc không có ủy quyền các chi phí mà người sau này đã bỏ ra để thực hiện công việc, nhưng, tất nhiên, vẫn với điều kiện công việc được thực hiện vì lợi ích của người đó.

Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền, khi xác lập nghĩa vụ với người thứ ba, nói rõ rằng mình chỉ giao dịch vì lợi ích của người khác, thì người có công việc được thực hiện sẽ bị ràng buộc vào nghĩa vụ đó một cách trực tiếp, như người ủy quyền. Song, để người có công việc được thực hiện thực sự bị ràng buộc, điều cần thiết là người này phải không phản đối sự đại diện mặc nhiên của người thực hiện công việc. Người thứ ba, về phần mình, tất nhiên là có thể bỏ ngoài tai lời khai đó và cứ coi người trực tiếp giao dịch với mình như là người thực sự có nghĩa vụ.   


Mục IV.  Nghĩa vụ do luật tạo ra trong những trường hợp đặc thù


Yêu cầu bảo vệ trật tự xã hội và đạo đức xã hội. Suy cho cùng, tất cả mọi nghĩa vụ đều do luật tạo ra: nghĩa vụ trong hợp đồng do luật tạo ra phù hợp với ý chí của những người giao kết hợp đồng; nghĩa vụ ngoài hợp đồng do luật tạo ra ngoài ý chí của những người có liên quan. Có những trường hợp khi tạo ra nghĩa vụ, luật không quan tâm đến mối liên hệ giữa nghĩa vụ và ý chí của những người có liên quan: đơn giản, nghĩa vụ phải được xác lập bởi điều đó cần thiết cho việc duy trì trật tự xã hội, duy trì đạo đức xã hội và nhất là phù hợp với lẽ công bằng. Ví dụ: nghĩa vụ của cha, mẹ nuôi dưỡng con chưa thành niên; nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn. Loại nghĩa vụ này có chung một đặc điểm: được xác lập sau một sự kiện và, trong chừng mực nào đó, được coi như hệ quả của sự kiện đó; nhưng khác với các nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng được phân tích ở trên, nghĩa vụ loại này mang tính chất của hệ quả đạo đức nhiều hơn là của hệ quả vật chất của sự kiện làm phát sinh ra nó.











[1][1] Giffard và Villers, Droit romain et ancien droit français- Les obligations, Dalloz, 1967, số 29 và kế tiếp.  
[2][2] Xem, ví dụ, Michael Whincup, Contract law and practice, Kluwer Law International, 1996.  
[3][3] Việc coi tặng cho là một hợp đồng thực ra là kết quả của một quá trình cân nhắc kéo dài của luật học. Trong quan niệm La mã truyền thống, chỉ có thể nói đến hợp đồng một khi cả hai bên đều có những lợi ích nhắm tới khi quyết định tham gia vào quan hệ kết ước, cũng giống như trong quan niệm Anh-Mỹ.   
[4][4] Lợi ích của sự phân biệt hai loại hợp đồng này được ghi nhận rõ nét trong trường hợp hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu hoặc bị huỷ bỏ.  Việc huỷ bỏ một hợp đồng thực hiện tiếp liền trong thời gian chỉ phát sinh hiệu lực về sau: nếu hợp đồng đã thực hiện được một phần, thì phần đã được thực hiện phải được chấp nhận.  Một hợp đồng thuê tài sản đang được thực hiện (người thuê đang sử dụng tài sản) thì bị huỷ bỏ; người  thuê không thể “hoàn trả” cho người cho thuê thời gian sử dụng tài sản trước đó.      
[5][5] Về việc giao kết hợp đồng thông qua vai trò của người đại diện: xem tiếp phần nói về Đại diện.
[6][6] Có lẽ các tác giả BLDS chỉ muốn nói rằng ngườI không có năng lực hành vi thì không có quyền tự mình xác lập giao dịch.
[7][7] Nhưng tất nhiên, ý chí nội tâm đó phải là kết quả của sự thống nhất ý chí của các bên, là ý chí chung trong nội tâm của các bên.   
[8][8] Mazeaud, Leçons de droit civil, t.II, q.4, Montchrestien,1991, số 161 và kế tiếp; Malaurie và Aynès, Droit civil- Les obligations, Cujas, 1994, số 402 và kế tiếp; Bénabent, Droit civil- Les obligations, Montchrestien, 1995, số 76 và kế tiếp.
[9][9] Michael Whincup, Contract law and practice, đd, tr. 224.
[10][10] Bên kia có thể biết bên này đã nhầm lẫn, nhưng cứ để mặc.  
[11][11] Xem các sách đã dẫn, đặc biệt là Malaurie và Aynès, số 411; Bénabent, số 83. 
[12][12] Thực ra, tịch thu sung công quỹ không thể được coi là biện pháp chế tài của luật dân sự.
[13][13] Người đe doạ cũng phải chịu biện pháp chế tài “tịch thu tài sản” như người lừa dối: xem lại Lừa dối.
[14][14] Đề nghị giao kết hợp đồng là một cam kết đơn phương và, trong những trường hợp đặc thù, có thể được coi như là một căn cứ xác lập nghĩa vụ, độc lập với chính hợp đồng hình thành từ đề nghị đó: xem tiếp Cam kết đơn phương
[15][15] Trong trường hợp hợp đồng phải được giao kết theo một hình thức nào đó do pháp luật quy định, thì nộI dung của đề nghị giao kết phải được chuyển tả một cách trọn vẹn trong hợp đồng chính thức một khi đề nghị được chấp nhận hợp lệ.  
[16][16] Ngay nếu như số ứng viên hội đủ điều kiện bằng hoặc thấp hơn số người cần tuyển, thì người có nhu cầu sử dụng lao động cũng không bị buộc phải tuyển dụng tất cả các ứng viên đó. Ứng viên đủ điều kiện mà không được tuyển dụng trong trường hợp này, về phần mình, không có quyền kiện vớI lý do người có nhu cầu sử dụng lao động đã không giũ lời cam kết của mình trong thông báo tuyển dụng, bởi thực ra, không có một cam kết nào được xác lập theo thông báo đó.  
[17][17] Bổ khuyềt, do quy tắc này được thiết lập để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người uỷ quyền mà không mang tính chất trật tự công cộng, không gắn với lợi ích chung: một người được pháp luật thừa nhận có một quyền thì có quyền từ chối thực hiện quyền đó, miễn là việc từ chối đó không gây phương hại cho trật tự công cộng và không ảnh hưởng đến lợi ích chung.    
 Về phương diện phân tích luật viết, giải pháp trên coi như là hệ quả của việc vận dụng nguyên tắc của phương pháp phân tích câu chữ, theo đó, “khi các lý lẽ để áp dụng luật không tồn tại, thì không áp dụng luật”: xem Phương pháp nghiên cứu và phântích luật viết, Khoa Luật - Đại học Cần Thơ, 2000, tr. 
[18][18] Không thể gọi là khách quan, thoả thuận theo đó giá bán đối với một món hàng trong một hợp đồng cung ứng dài hạn là giá do người bán niêm yết theo tứng thời kỳ.   
[19][19] Trong trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là trả một số tiền, thì không thể có chuyện hợp pháp hay không hợp pháp. Còn tính hợp pháp của nguồn gốc của số tiền đó lại là vấn đề khác. 
[20][20] Trong luật Việt Nam hiện hành, hợp đồng vô hiệu cục bộ là một phát hiện của học thuyết pháp lý và có vẻ là một phát hiện nằm ngoài dự kiến của người làm luật.  
[21][21] Thông thường, đây cũng là những trường hợp mà người làm luật không dự kiến biện pháp chế tài đối với việc vi phạm điều kiện được luật đặt ra cho việc giao kết một hợp đồng nào đó. Ví dụ, bán phần quyền trong khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần mà không tôn trọng quyền ưu tiên mua của các chủ sở hữu chung khác; bán nhà ở đang cho thuê mà không tôn trọng quyền ưu tiên mua của người thuê;…
[22][22] Ví dụ, các bên giao kết hợp đồng mua bán theo đó người mua cam kết mua với điều kiện vay được số tiền cần thiết để mua; người mua, khi giao kết hợp đồng vay tiền, lại thoả thuận với người cho vay rằng hợp đồng vay sẽ bị huỷ bỏ một cách đương nhiên, nếu người vay không mua được tài sản cần mua. Khi đó, nều hợp đồng mua bán vô hiệu, thì hợp đồng vay không có hiệu lực; ngược lại, nếu hợp đồng vay vô hiệu, thì hợp đồng mua bán cũng không có hiệu lực.   
[23][23] Trái lại, “người có nghĩa vụ sẽ thực hiện nghĩa vụ nếu người có quyền mong muốn điều đó” là một câu nói có đầy đủ ý nghĩa. Vậy, việc để cho điểu kiện tuỳ thuộc vào ý chí của người có quyền yêu cầu không ảnh hưởng đến giá trị của điều kiện. 
[24][24] Trong điều kiện không có quy định rõ ràng của luật viết, ta nói rằng người đại diện của người chưa thành niện hoặc mất năng lực hành vi cũng có quyền xác lập nghĩa vụ bằng cam kết đơn phương dưới danh nghĩa và vì lợi ích của người được đại diện, miễn là việc đưa ra cam kết đơn phương được thực hiện phù hợp với các quy định liên quan đến việc xác lập giao dịch (nói chung) dưới danh nghĩa của ngườii được đại diện và với các quy định riêng về điều kiện có giá trị của cam kết đơn phương như là căn cứ xác lâp nghĩa vụ.    
[25][25] BLDS hiện hành coi trách nhiệm dân sự như là hệ quả của việc vi phạm một nghĩa vụ dân sự đã được xác lập trước (BLDS Điều 308 khoản 1). Với quan niệm đó thì trách nhiệm dân sự có vẻ như hoàn toàn phân biệt với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.  Đúng hơn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là căn cứ xác lập nghĩa vụ; và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nếu vị vi phạm, sẽ là căn cứ xác lập trách nhiệm dân sự.
 Thực tiễn áp dụng pháp luật, về phần mình, lại có thói quen dựa vào các quy định liên quan đến điều kiện xác lập trách nhiệm dân sự  trong BLDS, để để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.  
[26][26] Xem lại chương trước, phần liên quan đến Chuỗi hợp đồng.
[27][27] Nghĩa vụ chính trong hợp đồng vận chuyển hành khách là nghĩa vụ vận chuyển hành khách đến nay; còn nghĩa vụ bảo đảm an toàn chỉ là hệ quả của nghĩa vụ vận chuyển: người vận chuyển không thể trả một hành khách khoẻ mạnh lúc bước lên phưong tiện vận chuyển trong tình trạng sống dở chết dở tại nơi đến, trừ trường hợp bất khả kháng.    
[28][28] Khi thảo luận về các dự án luật có nhắc đến hộ gia đình, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều gặp nhau ở nhận định về những khó khăn trong việc xác định thành phần cấu tạo của hộ gia đình. Không có thành phần cấu tạo rõ ràng, hộ gia đình trở thành một chủ thể mập mờ trong thực tiễn giao dịch.   
[29][29] Vậy có nghĩa rằng nếu người giám hộ không có lỗi mà người được giám hộ cũng không có tài sản, thì người bị thiệt hại không thể được bồi thường. Từ giải pháp này, ta có khái niệm “thiệt hại do rủi ro”. Trong trường hợp người bị thiệt hại được bảo hiểm, thì loại thiệt hại này trở thành một rủi ro đối với công ty bảo hiểm, bởi công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại mà không có cơ may thu hồi lại được số tiền đã chi ra. 
[30][30] Các điều 613 và 614 BLDS, khi nói về thiệt hại của người bị mất nguồn thu nhập từ do tính mạng, sức khoẻ của người khác bị xâm hại, chỉ đề cập đến người được cấp dưỡng. Trên thực tế, người sống lệ thuộc có thể là người được chăm sóc, được nuôi dưỡng hoặc được cấp dưỡng.  Tuy nhiên, một người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng vẫn tiếp tục có nghĩa vụ đó ngay cả trong trường hợp khả năng, điều kiện thực hiện nghĩa vụ bị giảm sút, thậm chí không còn; trong khi người được cấp dưỡng chỉ có quyền yêu cầu cấp dưỡng phù hợp với khả năng đáp ứng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Vậy, nếu việc cấp dưỡng bị ảnh hưởng xấu do người có nghĩa vụ cấp dưỡng giảm sút hoặc mất khả năng cấp dưỡng vì tính mạng, sức khoả bị người khác xâm hại, thì người được cấp dưỡng có quyền trực tiếp yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại đó.      
 Riêng trong trường hợp khả năng cấp dưỡng bị giảm sút hoặc không còn do giảm hoặc mất thu nhập vì danh dự, nhân phẩm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng bị xâm hại, thì lại không có quy định về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của người được cấp dưỡng. Song, ta vẫn có thể thừa nhận rằng người được cấp dưỡng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, nhờ nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật.   
 Dẫu sao, khó có thể tin rằng việc chăm sóc, nuôi dưỡng của một người đối với một người khác có thể tiếp tục được thực hiện trong những điều kiện bình thường một khi khả năng, diều kiện chắm sóc, nuôi dưỡng đã thay đổi theo chiều hướng xấu, do người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bị xâm hại về tài sản, thính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm.
 Khi đọc BLDS Điều 616 khoản 2, thì người ta lại phát hiện rằng những người soạn thảo các Điều 613 và 614 đã coi “cấp dưỡng” như là một từ đồng nghĩa với “nuôi dưỡng”.
[31][31] Một người có người yêu bị xâm hại không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần mà mình phải chịu do người yêu mất.
[32][32] Riêng trong trường hợp một người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, thì cũng chỉ người này mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần. Trong thực tiễn, có thể hình dung một giả thiết như sau: một cầu thủ bóng đá bị báo chí tố cáo đã có hành vi móc ngoặt, dàn xếp tỉ số trong nhiều trận đấu và bị bạn bè xa lánh; mẹ của cầu thủ ấy, một giáo viên  trung học, do con mình bị các phương tiện truyền thông bêu xấu, thường xuyên phải nhận những  cái nhìn đấy nghi kỵ, mỉa mai của đồng nghiệp và học sinh.  Giả sử sau này cầu thủ ấy được minh oan; trong khung cảnh của luật viết, chỉ có cầu thủ ấy có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần; còn người mẹ…  
[33][33] Một người leo núi chẳng may trượt chân ngã, sau đó bị hàng loạt khối đá lở rơi xuống đề lên và chết. Rõ ràng là có thiệt hại trong trường hợp này, nhưng không ai có lỗi. Còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do rủi ro, có thể được quy kết cho công ty bảo hiểm, là chuyện khác.     
[34][34] Trong ngôn ngữ thông dụng, trường hợp của người nông dân trong giả thiết được gọi là trường hợp “hoạ vô đơn chí”. 
[35][35] Luật không phân biệt những người cùng cộng tác với nhau trong việc gây thiệt hại với những người tình cờ cùng gây ra một thiệt hại. Có vẻ như nguyên tắc được thừa nhận trong luật thực định ViệtNam là: một khi thiệt hại có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí độc lập với nhau, thì những người gây thiệt hại phải liên đới chịu trách nhiệm với người bị thiệt hại. Loại trách nhiệm này không giống như trách nhiệm liên đới đối với nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng: xem tiếp       
[36][36] Ở Pháp, một số ý kiến cho rằng người không có năng lực hành vi cũng có thể là người thực hiện công việc mà không có uỷ quyền: Mazeaud, Leçons de droits civil, T.2, q.2, Montchrestien, 191, số 676.   

LIKE and Share this article: :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Tổng số lượt xem trang

Blogger news

Blogroll

About